Tay chưa rửa, sữa vắt rồi. Ảnh: Kim Thu
Gọi là có
Trên mạng, rất dễ tìm những mẩu thông tin kiểu “Nhà ở Củ Chi, có một đàn bò sữa nho nhỏ. Nhận cung cấp
sữa tươi nguyên chất 100%... Giao hàng tận nhà”, hay “Người nhà mình có trạm thu mua sữa bò tươi tại quận 12 từ các hộ chăn nuôi cung cấp cho nhà máy chế biến sữa, hơn một năm nay, cả nhà mình đều dùng... Đặc biệt, khi thu mua, trạm có thể test tại chỗ hàm lượng kháng sinh và vi sinh...” Có người còn cho biết nguồn sữa của họ vốn cung cấp cho Vinamilk, đạt chuẩn chất lượng,
dinh dưỡng cao. Thậm chí có người còn chứng minh sản phẩm “cây nhà lá vườn” này đã được chính chủ thanh trùng theo phương pháp Pasteur (?) Điểm giống nhau của dịch vụ này ngoài tự giới thiệu sữa vắt trực tiếp từ bò và mang đi bán ngay, ai cũng khuyến mãi việc
giao tận nơi (5 lít trở lên sẽ có phụ thu), khách hàng chỉ cần gọi điện. Giá cả mỗi lít sữa dao động từ 20.000 – 25.000 đồng, đựng trong chai Pet, can… không nhãn mác, chỉ dẫn. Những mẩu rao như vậy thường thu hút sự quan tâm của các thành viên mạng, đặc biệt trong thời điểm nhiều sản phẩm sữa nhập ngoại bị nhiễm khuẩn.
Để kiểm chứng những lời quảng cáo trên, chúng tôi liên hệ đặt vấn đề mua số lượng lớn cho cơ sở, muốn đến tận nơi nuôi bò khảo sát chuồng trại, quy trình nuôi và lấy sữa. Nhiều người cam kết sẽ dẫn đi
nhưng đa số từ chối bằng hình thức sẽ gửi hình ảnh hoặc chờ sắp xếp rồi liên hệ lại… Cũng có người thừa nhận thâu mua từ một số hộ gia đình rồi về bán lại ăn chênh lệch chứ nhà không nuôi bò sữa. Đặt vấn đề vì sao không nhập sữa cho đại lý công ty lớn như Vinamilk, có người tự nhận là nhà có nuôi bò sữa ở Củ Chi, lý giải do nuôi ít, bán lẻ cho một số mối ở nội thành cũng được giá…
Ông Trần Hữu Đ., nhân viên kinh doanh lĩnh vực thực phẩm – dinh dưỡng, từ kinh nghiệm của một người từng chăn nuôi bò sữa hộ gia đình, cho biết: “Nuôi bò sữa kiểu hộ gia đình, quy mô nhỏ, khi vắt sữa họ chỉ đơn giản là lau bầu vú rồi vắt. Sữa vừa vắt sẽ được cho vào màng lược những cặn bã lông bò có thể rơi rụng vào đó, rồi đóng chai, bình đem bán. Sữa tươi này phải để lạnh, nếu quá một ngày thì sẽ hỏng”. Sữa vắt ra dùng ngay thì đúng là
sữa tươi nhưng bắt chứng minh các thành phần trong đó bằng giấy tờ kiểm chứng, chắc nhiều hộ không có…
Nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng của loại sữa này cần đặt dấu hỏi, bởi rất khó kiểm tra và đánh giá nó có nhiễm kháng sinh, có pha phụ gia hay chất bảo quản hay không. Vấn đề đáng lo nhất, là lượng kháng sinh tồn dư trong sản phẩm sữa trôi nổi, hay người bán sữa phối trộn phụ gia để kéo dài thời gian bảo quản.
Trong hội thảo quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam do bộ Công thương tổ chức, lãnh đạo viện Công nghệ thực phẩm cũng cho biết có đến 90% số mẫu
sữa tươi trôi nổi trên thị trường khi kiểm nghiệm có chứa dư lượng kháng sinh, nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng. Từ phía doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Tuấn, đại diện công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết Vinamilk có chế độ bao tiêu tất cả
sữa tươi đạt tiêu chuẩn cho nông dân. Tuy nhiên, sẽ có hai quy trình kiểm tra nguyên liệu là từ lúc vừa
giao sữa cho đại lý thu mua, và sữa đó sẽ lấy mẫu lưu, được kiểm tra một lần nữa tại nhà máy. Vinamilk kiểm tra gắt gao quy chuẩn về như thú y, có phòng riêng chuyên hướng dẫn bà con nông dân về chế độ chăn nuôi, thú y, chăm sóc vú bò, bảo quản sữa… Nếu phát hiện sữa không an toàn về độ đạm, độ béo, có pha nước… thì lô sữa đó sẽ không được thu mua.
Đại diện
TH True Milk cho biết, các sản phẩm
sữa tươi của công ty này được cung cấp bởi đàn bò sữa hiện đang nuôi quy mô trang trại ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Tất cả được quản lý bởi quy trình hiện đại và nghiêm ngặt từ giống bò nhập về, chế độ
dinh dưỡng và thức ăn cho bò, hệ thống chuồng trại, hệ thống quản lý đàn bò, chăm sóc thú y… Mỗi con bò được gắn một con chip để nhận dạng, thu thập dữ liệu liên quan đến sức khoẻ bò, giúp phát hiện bệnh viêm vú sớm. Trong khi đó, máy đo sữa trên giàn vắt sẽ được chuyển đồng thời cùng lúc về máy tính chủ từ trung tâm, biểu đồ với những thông số về tình trạng sức khoẻ, sản lượng cho sữa của cá thể bò một cách rõ ràng và đầy đủ nhất, nếu phát hiện cá thể bò nào có vấn đề, lập tức hệ thống sẽ tự động dừng lại không vắt sữa của con bò đó.
“Muốn kết luận sữa đó có an toàn hay không thì phải có sự kiểm nghiệm, nếu không thì tội cho nông dân; và ngược lại phía người chăn nuôi, cung ứng loại sữa này phải chứng minh sản phẩm đó là an toàn”.
Từ góc độ dinh dưỡng, BS Đỗ Thị Nga, phụ trách hộp thư tư vấn
dinh dưỡng công ty Nutifood, nhận định: “Muốn kết luận sữa đó có an toàn hay không thì phải có sự kiểm nghiệm, nếu không thì tội cho nông dân; và ngược lại phía người chăn nuôi, cung ứng loại sữa này phải chứng minh sản phẩm đó là an toàn”. Bà Nga cho rằng, nuôi quy mô nhỏ kiểu hộ gia đình thì không đủ điều kiện đầu tư máy móc, quy trình như các doanh nghiệp. Nếu vắt sữa, bảo quản sữa không đúng cách, dụng cụ không hợp vệ sinh thì dễ để vi khuẩn xâm nhập. Bà Nga cho biết: “Sữa bò của người dân có thể an toàn
nhưng khi qua các đại lý, bị pha trộn phụ gia, sang chiết không đảm bảo thì người nuôi bò đâu có lỗi. Dù chưa thể khẳng định mọi sản phẩm
sữa tươi mua trực tiếp từ nông dân đều không an toàn
nhưng người tiêu dùng luôn có quyền lựa chọn. Người tiêu dùng cần tham khảo thông tin kỹ, tìm địa chỉ tin cậy, nguồn gốc rõ ràng để mua”.
Đồng quan điểm, ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, trưởng khoa
dinh dưỡng bệnh viện 115, TP HCM; uỷ viên hội Dinh dưỡng lâm sàng TP HCM, cũng nhận định: “Sữa là thức uống bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi
nhưng cũng là môi trường vi khuẩn phát triển mạnh nếu chế biến, bảo quản không đúng cách. Bất cứ sản phẩm nào không nhãn mác, dù đặt trong cửa hàng đều không đáng tin cậy và không nên mua, chứ không riêng gì sữa bởi lỡ sử dụng xảy ra việc gì rất khó truy nguồn gốc. Tác dụng của
sữa tươi rất nhanh và dễ nhận biết, đang uống quen một hãng sữa nối đổi qua hãng khác dùng đột ngột dễ xảy ra rối loạn tiêu hoá. Sữa tươi là sản phẩm nhạy với môi trường, việc bảo quản đúng cách hết sức quan trọng. Ngay cả những sản phẩm sữa uy tín nhiều khi cũng gặp sự cố ở khâu bảo quản, vì vậy những sản phẩm không nhãn mác, dù giá rẻ dứt khoát tôi không dùng”.