|
Anh Liêm bên chiếc máy sạ lúa hàng tại Tháp Mười - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Quê ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Phạm Thanh Liêm (36 tuổi) mê cơ khí từ nhỏ. Lớn lên lập gia đình, anh gom chút vốn liếng mở xưởng sửa máy nông cụ. Những chiếc máy xới, máy cày... bị trục trặc vô tay anh là chạy tốt!
Mất bốn năm để “máy thay người”
Rồi anh tiến tới cải tiến máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc. Cái máy gốc nặng nề, xuống ruộng là lún, chạy vài bữa là hư, lúa suốt ra bị “sống”, rơm vô máy bị kẹt... Lại thêm đồ phụ tùng tốn kém nên ai cũng ngán. Anh Liêm cải tiến nó nhẹ hơn, máy chạy êm, lúa sạch trơn, rơm không kẹt, xuống ruộng hết lún. Bà con khoái quá đặt mua nườm nượp.
Làm được vậy nhưng anh vẫn thấy chưa đã. Bởi trong nghề ruộng, nông dân vẫn còn nhiều khâu tốn sức lao động như bón phân, gieo sạ, xịt thuốc... chi phí cao, mất thời gian và công sức. Một lần, có nông dân vác đến cái máy sạ hàng bị gãy gọng và than: “Gọi máy sạ hàng nhưng nó chỉ có phần “máy” là cái hộc đựng lúa tự xoay, thực chất cũng còn “sức người thay trâu”, phải còng lưng kéo. Phải chi có cái máy mà mình ngồi luôn ở trển, chỉ cần cầm lái điều khiển, máy chạy tới đâu sạ lúa tới đó. Vậy mới gọi là máy chớ!”. Tiếng “rên” của nông dân nọ khiến anh Liêm suy nghĩ.
“Máy gặt đập liên hợp của Thanh Liêm được chọn sử dụng ở Mozambique rất có triển vọng khi châu Phi phát triển mạnh các trang trại lúa. Máy hoạt động rất hiệu quả, vừa gặt vừa rải rơm đều trên đồng ruộng. Châu Phi có đất trồng lúa rộng lớn, nhưng nông dân ít, lại không quen thâm canh. Việc anh Liêm cung cấp máy và thợ sang Bela Vista để huấn luyện là việc làm hết sức có ý nghĩa, giúp nông dân nơi đây cải thiện toàn diện kỹ thuật canh tác lúa. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa máy sạ hàng của anh Liêm sang đồng ruộng châu Phi để bảo đảm an toàn việc trồng lúa, tránh rủi ro do nông dân chưa quen gieo sạ đều tay như ta” - GS.TS Võ Tòng Xuân. |
Năm 2005, xuất phát từ chiếc máy xới tay, anh Liêm thay giàn xới bằng giàn ống sạ. Anh chế ra hệ thống truyền động nối hộp số máy xới với ống sạ. Khi máy di chuyển, hộp sạ tự động quay tròn, lúa giống trong hộp rớt xuống ruộng qua các lỗ xung quanh ống sạ. Nhờ ống sạ được dùi lỗ khoảng cách đều nhau, lúa được sạ theo hàng thẳng băng, đều ran, muốn sạ thưa hoặc dày tùy ý.
Tuy nhiên, khi máy chạy trên ruộng, hai bánh xe cao su lớn quá nên giẫm nát ruộng sạ, những đường rãnh thoát nước cũng... banh chành. Thay bánh xe nhỏ hơn, không ăn thua. Thay bánh lồng bằng sắt, đường nước vẫn bị phá. Anh Liêm mất ăn mất ngủ cả năm trời chỉ với cái bánh xe phá đường nước. Lúc này vốn liếng bỏ ra cả chục triệu đồng như gió vào nhà trống.
Một lần qua Long An chơi, anh để ý thấy nông dân ở đây chở lúa về nhà bằng cái cộ, trên lót ván để bao lúa lên, dưới là cái khung trượt kiểu như xe tuần lộc kéo của ông già Noel. Nó không phá đường bao nhiêu, chỉ để lại vết cộ nhỏ. Anh nghĩ sao mình không làm cái bánh xe theo kiểu này?
Anh lấy cây sắt làm móng xây nhà (loại sắt tròn 34 li) uốn thành bánh xe, đường kính chừng 9 tấc. Để cho chắc, anh nhập hai cây làm một, hàn thêm mấy cây sắt giữa vòng làm căm, thành ra cái bánh xe nhỏ xíu như bánh xe cuộc nhưng chắc chắn như bánh hơi. Gắn vô chạy thử kết quả không ngờ: máy chạy ngời ngời mà không phá mặt ruộng, không phá đường nước, hột lúa sạ đều mà không bị ảnh hưởng.
Nhưng giải quyết được cái vỏ dưa rồi lại gặp vỏ dừa: máy chỉ chạy thẳng chớ không quẹo được. Cái máy sạ hàng kéo bằng sức người chỉ có cái gọng với hộp sạ, lúc cần quay đầu người ta chỉ việc nhấc cái hộp sạ quay lại là đi tiếp. Cái máy này như máy xới, làm sao khiêng nổi mà quay đầu? Anh về tiếp tục mày mò và chế được một bộ phận gọi là cụm sạ.
Đó là một hệ thống bánh răng được cố định bởi một cốt sắt có gắn dây cuaroa, giúp ống sạ vẫn quay bình thường theo trở đầu của máy. Nhờ vậy, khi máy tới góc ruộng, muốn quẹo trái hay phải, hệ thống này giúp ống sạ quay theo dễ dàng mà không bị “đứng hình” như trước. Khi máy chạy thử trên ruộng, nó xoay trở linh hoạt như con trâu máy. Anh Liêm và vợ lại một phen mất ăn mất ngủ vì... mừng. Sau đó anh còn trầy trật cả tháng trời chế cái yên nệm ngồi phía sau để người điều khiển không phải lẽo đẽo lội ruộng theo sau máy.
Tính ra, để có cái máy sạ hàng ra đời, anh Liêm đã mất hơn bốn năm. Giữa năm 2009, anh bắt đầu cho máy hoạt động khắp Đồng Tháp Mười. Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp nghe tiếng mời anh đem máy đi trình diễn khắp nơi để thử nghiệm. Kết quả được xác nhận là “máy có năng suất làm việc cao, từ 4-6ha/ngày/người, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Sử dụng động cơ thay sức kéo con người..., giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành nông sản, bảo vệ sức khỏe con người, giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp, khả năng chứa giống nhiều nên dễ áp dụng trên diện tích lớn”. Qua vụ đông - xuân 2009-2010, máy sạ hàng của anh Liêm được lưu hành trên thị trường và hoạt động tốt cho tới nay. Đầu năm 2011, anh nộp hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế “Thiết bị gieo hạt thành hàng” và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận.
|
Máy gặt đập liên hợp Thanh Liêm trên cánh đồng ở Mozambique - Ảnh do GS.TS Võ Tòng Xuân cung cấp |
Theo thầy Xuân qua châu Phi làm tư vấn
Nghe tiếng anh Liêm, GS.TS Võ Tòng Xuân đến mời anh tham gia dự án “Giúp nông dân châu Phi trồng lúa” với nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp. Anh gãi tai lắc đầu: “Em mới học xong lớp 6 mà biết gì thầy, chuyện đó để cho kỹ sư họ làm”. Ông Xuân nói: “Không có bằng cấp mà làm được công việc của kỹ sư thì còn hơn kỹ sư. Tôi cần người làm được việc chớ không cần người có bằng cấp”.
Cuối năm 2009, anh Liêm cùng thầy Xuân qua châu Phi để tư vấn cho đối tác Mozambique về máy nông nghiệp. Tại đây, người ta chỉ những chiếc máy cày John Deere đồ sộ và nặng nề như con trâu mộng nhờ anh Liêm cải tiến, thay bánh xe cao su của John Deere bằng bánh lồng như ở Việt Nam. “Tôi làm không được vì máy này nặng quá” - anh Liêm từ chối và mô tả cho ông Nuno Unige, giám đốc Công ty LAP/Ubuntu, về hoạt động của những chiếc máy sạ, máy gặt đập liên hợp của Việt Nam. Tức mình, ông Nuno Unige bay sang Việt Nam, tới tận Láng Biển coi máy.
Tới nơi, thấy xưởng cơ khí lèo tèo 50m2 của anh Liêm chỉ có vài cái máy tiện, hàn... lỏ nhỏ, ông Nuno “xìu” xuống như bị giội gáo nước lạnh. Nhưng khi ra đồng, thấy máy sạ Thanh Liêm bon bon trên ruộng, lúa sạ xuống đều tăm tắp và máy gặt đập chạy rào rào, quào cắt lúa phía trước, suốt lúa phía sau, ông mê tít. Lúa sập, lúa ngã máy cũng không chê!
Thay vì mua máy John Deere cả ngàn USD, ông quyết định mua liền năm máy sạ và năm máy gặt đập liên hợp gửi về Mozambique, đồng thời yêu cầu anh Liêm gửi “chuyên gia” giỏi qua giúp chuyển giao công nghệ, kể cả kỹ thuật trồng lúa. Thế là anh Liêm cử năm “nông dân sản xuất giỏi” qua huấn luyện cho nông dân và thợ của Mozambique. Anh kể: “Người dân châu Phi gọi tụi tui là “ông kỹ sư” không hà. Nhưng đó chỉ là những nông dân giỏi làm ruộng và rành nghề cơ khí, chớ chẳng có bằng cấp gì ráo”.
Sau Mozambique, đại diện ngành nông nghiệp của Sudan (khi đó chưa tách nước) cũng đặt mua 10 máy gặt đập liên hợp. Đưa máy đi rồi, gửi người làm chuyên gia, anh Liêm còn phải tính chuyện đưa phụ tùng qua thay. “Chớ ở bển biết kiếm đâu ra phụ tùng. Mới tháng rồi phía Mozambique phải cử người bay cả ngàn cây số qua Việt Nam chỉ để mua... hai cái bạc đạn” - anh kể.
DƯƠNG THẾ HÙNG - HỒNG VÂN (TTCT)