»

Thứ tư, 30/10/2024, 18:26:45 PM (GMT+7)

Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam lan tỏa nhanh nhờ có sự tiếp sức của báo chí

(14:57:39 PM 31/03/2017)
(Tin Môi Trường) - Có thể khẳng định sự kiện Bảo tồn Cây Di sản do Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng và phát động có sức lan tỏa nhanh và được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ là nhờ có sự tiếp sức kịp thời của các cơ quan thông tấn báo chí.

Cây Vên Vên 215 tuổi và cây Dầu Rái 269 tuổi tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là cây di sản Việt Nam. Đây cũng là 2 cây di sản đầu tiên của Tây Ninh. Ảnh tư liệu

 
Bằng chứng là cụm từ “Cây Di sản Việt Nam” chỉ xuất hiện trên mặt báo và các kênh truyền hình trong 3 năm trở lại đây. Nếu tra cứu cụm từ này trên mạng Internet, chúng ta lập tức sẽ nhận được trên 7 triệu kết quả. Tất cả các hoạt động của VACNE, cũng như của cộng đồng liên quan đến sự kiện này, đều được các cơ quan truyền thông phản ánh và động viên kịp thời.
 
Cụ thể, không chỉ có các báo chuyên ngành như Báo Tài nguyên&Môi trường, Thiennhien.net, Kênh VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam), Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (Vfej.vn), hầu như tất cả các báo viết, báo nói, báo hình của trung ương và các phương tiện truyền thông của địa phương – nơi có cây cổ thụ được vinh danh - đều đồng hành, phản ánh kịp thời sự kiện này (kể cả những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ).
 
Không những vậy, nhiều người xem Chương trình "Ai là triệu phú" phát trên Kênh VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) vào lúc 20h00 – 21h00 ngày 5/6/2012 có câu hỏi “Cây nào sau đây đã được VACNE công nhận là cây di sản Việt Nam thứ 10: A. Cây Đa; B. Cây Cam; C. Cây Thị; D. Cây Sầu Riêng”. 
 
Những người tổ chức và thực hiện sự kiện bảo tồn cây di sản Việt Nam thì đây thực sự là tin vui vì sự kiện này đã được cộng đồng và cả các cơ quan truyền thông quan tâm sâu sắc, đặc biệt lại đúng lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6.
 
Đặc biệt, Báo Nhân Dân - cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam  - đã đăng bài với dòng tít: “Bảo tồn Cây Di sản góp phần phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam” và bài   “Vững vàng cổ thụ” trong Báo Nhân Dân cuối tuần ( số 1212 ngày 24/4/2112) đã khẳng định: “Cây cổ thụ không chỉ là di sản mà còn hơn thế”.
 
Tin Thông tấn Xã Việt Nam – nguồn phát ngôn chủ lưu và là cơ quan hướng dẫn dư luận của Chính phủ - ngày 3/2/2012 đã thông tin cho toàn xã hội biết: “ Việc bảo tồn cây di sản Việt Nam thông qua sự kiện vinh danh cây cổ thụ là cây di sản đang được các cấp Trung ương và địa phương đặc biệt quan tâm” trong bài “VACNE nỗ lực bảo vệ thiên nhiên và môi trường” 
 
Tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam VnExpress trong bài viết: “Lần đầu tiên vinh danh cây di sản Việt Nam” ngày 5/10/2010 đã dẫn lời Chủ tịch VACNE, TS Nguyễn Ngọc Sinh, khẳng định: hoạt động công nhận cây di sản không chỉ nhằm hưởng ứng Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học, mà còn làm nhiệm vụ chính trị hưởng ứng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Báo điện tử Vietnamnet ngày 16/9/2012 có bài “Hà Tĩnh: 4 cây di sản kỳ lạ ở một trường học” của tác giả Trần Văn - Duy Tuấn khẳng định: Mới đây, họ ngỡ ngàng và tự hào khi biết rằng đó là cây di sản.
 
Tạp chí Môi trường số ra tháng 7/2012 có bài “Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam với sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” của tác giả Nguyên Hằng cũng đồng tình với quan điểm trên khi viết: “Với hơn 160 hội viên tập thể và hàng chục vạn hội viên cá nhân, VACNE liên tục đưa ra các sáng kiến nhằm khơi dậy sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường. Điển hình là sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam được VACNE phát động từ đầu năm 2010, nhân năm mở đầu của Thập kỷ Đa dạng Sinh học của Liên Hợp Quốc. Việc tổ chức sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam cũng là cơ hội để tăng cường sự phối hợp hoạt động bảo vệ môi trường giữa các cộng đồng, giữa cộng đồng với chính quyền và giữa trong nước và quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đã được cộng đồng và chính quyền nhiều địa phương hưởng ứng và tham gia nhiệt tình với nhiều sáng kiến bất ngờ, làm cho sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam thật sự đi vào cuộc sống.”
 
Báo Thể thao & Văn Hóa ngày 17/5/2011 đưa tin “Cây nghiến gắn bó với Bác Hồ được công nhận “Cây di sản” trong đó có đoạn: “Cây nghiến cổ thụ tại làng Bó Bẩm, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), cao hơn 40 mét, đường kính đo tại gốc hơn 2 mét, tuổi thọ hơn 500 năm là cây nghiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi nghỉ, nói chuyện với đồng bào địa phương trong thời kỳ hoạt động cách mạng tại Pác Bó  và cây nghiến ở xóm Lũng Túng, xã Kim Loan (huyện Hạ Lang), cao 50 mét, thân to 6 người ôm không xuể tuổi thọ gần 1.000 năm đã trở thành Cây Di sản Việt Nam.”
 
Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 29/11/2011 có bài “Cây me cổ thụ nhà Tây Sơn Tam Kiệt được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam” của tác giả K.T viết “Đây là cây me do cụ Hồ Phi Phúc, thân sinh 3 anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ) trồng trong vườn nhà. Cây me đã gắn bó với cuộc sống của Tây Sơn Tam Kiệt từ lúc sinh ra đến khi dấy binh khởi nghĩa lập nên triều đại Tây Sơn…”
 
Báo Điện tử VTC News ngày 2/5/2011 có bài phóng sự “Ly kỳ rặng duối ngàn tuổi ở Sơn Tây” của tác giả Lê Đồng có đoạn “Ngày 22/4/2011, rặng duối cổ gồm 18 cây đã được VACNE tổ chức công nhận là Cây di sản Việt Nam. Theo đó, những huyền tích tâm linh kỳ bí về rặng duối 1000 năm di sản được hé mở... ” 
 
Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 2/5/2012 đăng bài “Huyền thoại đồi lim cổ” của tác giả Lữ Thị Mai viết “Đồi lim cổ ấy bao bọc đền Cao, thuộc thôn Đại, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cùng vành đai với 99 quả đồi nổi danh từ câu ca huyền thoại về đàn chim nhạn của người dân nơi đây: Chín mươi chín con theo mẹ dòng dòng / Một cô con gái phải lòng bên kia... Có một cây lim ở đây đã được VACNE công nhận là cây di sản. Câu chuyện về quần thể 54 gốc lim cổ thụ và khoảng 400 cây lim trưởng thành cho đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều sự ly kỳ... ”.
 
Riêng lễ vinh danh cây di sản Việt Nam (ngày 16/12/2011) cho cây thị hơn 500 tuổi ở thôn Ngô Nội, xã Trung Nghĩa, Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cũng có thể liệt kê ra hàng chục chương trình truyền hình, bài báo về sự kiện này. Chẳng hạn bản tin buổi tối 16/12, sáng, và trưa 17/12, Đài Truyền hình Bắc Ninh đưa tin về sự kiện cây di sản; tiếp đó là đài phát thanh tiếng nói Việt Nam phát một bài dài lúc 08h00 sáng 17/12; kênh truyền hình VOV cũng đưa tin ngay tối 16/12. Sáng 17/12 hàng loạt báo đã đăng tin hoăc có bài như báo Bắc Ninh, Báo Dân Trí, Báo Đại Biểu Nhân Dân, Báo Kinh Tế Đô Thị, Thông Tấn Xã Việt Nam, Báo Tin Tức, Báo Mới, Bản tin của VACNE, v.v…Sang ngày 19/12/2011, đài truyền thanh thôn Ngô Nội phát tin về sự kiện vinh danh cây di sản. Tiếp đến Chuyên đề Môi trường&Cộng đồng của kênh VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam) phát sóng về sự kiện vinh danh cây di sản Ngô Nội vào lúc 16h30 ngày 20/2/2012 và phát lại vào 07h00 sáng 21/2, và 04h00 ngày 22/2/2012.  
 
Trong số gần 300 cây đã được VACNE công nhận là cây di sản Việt Nam thì mỗi cây một ve. Riêng cây đa Đền Thượng (tỉnh Lào Cai) và cây sấu cổ thụ ở khu vực cửa khẩu Sóc Giang của tỉnh Cao Bằng được báo chí gọi là cột mốc xanh. Cây sấu di sản ở Sóc Giang (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là chứng tích trạm gác của vị tướng tài ba Nùng Chí Cao; đồng thời cũng là cột mốc biên giới Việt – Trung bởi tán lá của nó vươn trùm cả cột mốc 651. Chính vì vậy, Kênh VTV2 đã cử hai phóng viên theo sát, đưa tin về sự này. Ngay chiều ngày 3/10, tác giả Quốc Đạt của Thông Tấn Xã Việt Nam giật tít  “Cây sấu Cao Bằng được công nhận cây di sản Việt Nam” trong đó có đoạn khẳng định “Cây sấu di sản tại khu vực cột mốc còn là minh chứng khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia”. 
 
Không thể dẫn ra cả vạn thông tin và hàng nghìn bài viết vế sự kiện này về sự hứng khởi của cộng đồng, khi đón nhận sự kiện bảo tồn cây cổ thụ mà VACNE khởi xướng và triển khai trong  gần 3 năm qua. Nhưng bên cạnh đó cũng đã có những thông tin rất đáng trân trọng mà chúng ta cần suy ngẫm.
 
Cụ thể, Báo An Ninh Thủ Đô ngày 4/9/2012 có bài “9 cây muỗm nghìn tuổi ở đền Voi Phục “kêu cứu”” của tác giả Đỗ Nguyễn, trong đó nhấn mạnh Cây di sản “oằn mình” chống sâu bệnh, rằng một số cây trong cụm 9 cây muỗm này đã có dấu hiệu bị nấm xâm hại, cá biệt có cây đã bị ăn rỗng ruột’.
 
Báo điện tử Vietnamnet ngày 8/10/2011 đã đăng bài và ảnh ca ngợi  “5 cây thị 700 năm tuổi là Cây Di sản” với những thông tin: “ông Thưởng –chủ nhân của  những Cây Di sản cho biết: “Qua nhiều đời với nhiều lúc sóng gió của chiến tranh nhưng gia đình vẫn cố chăm sóc, giữ gìn 5 cây thị này bằng mọi cách. Sau này cũng có nhiều người tới dạm hỏi mua 5 cây thị cổ với hàng tỉ đồng nhưng ông kiên quyết không bán vì muốn giữ lại cây cổ cho đời sau.
 
Từ ngày nhận được thông báo của VACNE, không riêng gì ông Thưởng tất cả con cháu trong nhà đều mừng vui phấn khởi. Ông Thưởng bảo: “Nay 5 cây thị của gia đình tôi đã được xã hội công nhận là cây quý với niên đại lâu đời cùng những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời. Đây là điểm tựa, là niềm tự hào, là mạch nguồn phát triển của con cháu chúng tôi. Dù bất cứ giá nào chúng tôi cũng sẽ không bán 5 cây thị cổ này”.
 
Song tới ngày 16/9/2012 cũng có bài rất hay với dòng tít  “Hà Tĩnh: 4 cây di sản kỳ lạ ở một trường học” của tác giả Trần Văn - Duy Tuấn dẫn lời thầy Nguyễn Quốc Hiệp, hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lộc: “Dịp khai giảng vừa rồi, nhà trường định kết hợp tổ chức lễ công bố cây di sản luôn. Nhưng do chưa có kinh phí nên chưa thể tiến hành được" - ông Hiệp nói: hiện nay, nhà trường rất muốn đặt một tấm bia đá để ghi thông tin về cây di sản. Đồng thời, in bộ tài liệu về cây di sản để tuyên truyền bảo vệ, gìn giữ và làm một buổi lễ công bố cây di sản. Tuy nhiên, chưa có kinh phí."Việc trong khuôn viên trường có 4 cây di sản khiến chúng tôi rất vui mừng, tự hào vì đây là lần đầu tiên ở Hà Tĩnh được công nhận cây di sản. Tuy nhiên, nhà trường cũng đang băn khoăn về công tác bảo tồn, chăm sóc. Nguồn kinh phí đó sẽ lấy từ đâu?" và  trước đó, báo Đại Đoàn Kết ngày 16/5/2011 của tác giả Lê Na cũng phản ánh với dòng tít rất hay : “Cây di sản: Bắc hào hứng, Nam hờ hững”. 
 
Những tâm tư của cộng đồng trước sự kiện này đã được phản ánh rất kịp thời trên các phương tin tiện thông tin đại chúng. Và, không chỉ là như thế, còn rất nhiều ý kiến cá nhân khác từ các địa phương gửi về như yêu cầu hỗ trợ kinh phí cho tổ chức sự kiện, in tờ rơi, cấp kinh phí chăm sóc cây, cho những người có công bảo vệ cây; yêu cầu VACNE can thiệp giảm thuế sử dụng đất ở những nơi cây cổ thụ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam..v.v.
 
Có thể nói VACNE đã biết khơi dậy truyền thống của cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường và luôn biết trân trọng quá khứ, những di sản của các bậc tiền nhân để lại. Hoạt động này nhằm góp phần phát triển kinh tế -xã hội theo hướng bền vững, bảo vệ sự đa dạng sinh học, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gene quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Vì thế, các hoạt động bảo vệ gìn giữ, chăm sóc cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam luôn được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ. Qua các hoạt động này, họ đã thể hiện là những người biết tôn trọng lịch sử, văn hóa, yêu thiên nhiên cảnh quan môi trường. Và, hơn thế nữa, qua các hoạt động này, người dân đã nhận ra giá trị văn hóa, lịch sử tâm linh của Cây Di sản Việt Nam.
 
Nhờ các nguồn thông tin từ báo chí, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng quan tâm tới  sự kiện này. Sáng 7/4/2011, anh Lê Trung Tới, số máy điện thoại: 00821086929867, đại diện cho nhóm người Việt Nam đang lao động ở Hàn Quốc, gọi điện về Văn phòng VACNE bày tỏ “Em và một số bạn, đang lao động ở Hàn Quốc vừa xem ti vi, thấy VACNE đang tổ chức vinh danh những cây cổ thụ là cây di sản Việt Nam. Đây là một hoạt động rất thiết thực để bảo vệ cây. Vì thế, em rất mong các nhà khoa học quan tâm, để cây gạo cổ thụ quê em (xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng được vinh danh là cây di sản Việt Nam, để mọi người cùng bảo vệ và chăm sóc. Cây gạo này rất hùng vĩ (thân rỗng, to bằng cái nhà), hầu hết người dân quê em đều  muốn bảo vệ nó, bởi nhiều thế hệ đã gắn bó với cây gạo cổ thụ này. “
 
Bất ngờ nhất là những bài viết trên trang Web http://studentkgu.vn của hội cựu sinh viên Ki si nhốp cũng đăng tin về lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam. Website này không chỉ giới thiệu về lễ công nhận cây di sản mà còn đăng tải nhiều bài viết khác liên quan đến sự kiện này, cùng với những chia sẻ thông tin về lịch sử văn hóa  rất sâu sắc, mới mẻ và sự động viên kịp thời tới VACNE như “đã làm những công việc có ý nghĩa cho đời.
 
Cùng với hội nghị tổng kết 3 năm, VACNE cũng đang soạn thảo và dự kiến xuất bản cuốn sách Cây Di Sản Việt Nam trong năm nay. Những cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam sẽ được đưa vào cuốn sách nhằm giới thiệu tới độc giả hơn 30 loài cây đã được vinh danh trong hơn hai năm qua. Cuốn sách sẽ là tuyển tập các câu chuyện những cây di sản gắn liền với nguồn gốc, ý nghĩa, lịch sử, văn hóa và cả những khó khăn mà nhiều thế hệ đã vất vả giữ gìn, chăm sóc cây tốt tươi như ngày nay.
 
Kết luận: Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản do VACNE khởi xướng và phát động đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được các cấp, các ngành và các đoàn thể hưởng ứng, được các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm là nhờ có sự tiếp sức kịp thời của các cơ quan truyền thông. Hơn thế nữa, những phản ánh của các nhà báo dưới nhiều góc độ khác nhau cũng góp phần rất tích cực trong việc hướng dẫn dư luận xã hội, góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường; làm động lực phát triển kinh tế -xã hội theo hướng bền vững.
Nguồn: Văn phòng VACNE
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Ý kiến bạn đọc về: Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam lan tỏa nhanh nhờ có sự tiếp sức của báo chí

  • Dì Út (10:30:16 AM 04/05/2017)Tin hay

    Hiện nay, Báo chí góp công rất lớn trong việc phản ánh, đấu tranh bảo vệ lẻ phải. Cảm ơn rất nhiều

Gửi ý kiến bạn đọc về: Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam lan tỏa nhanh nhờ có sự tiếp sức của báo chí

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Thị gần 400 năm, chu vi thân 2,9 mét, trong khuôn viên đền – chùa Thái, thôn Trấn Nam, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vừa được chính quyền và nhân dân xã Trấn Dương long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 22/9/2024.

Tin Môi Trường
 Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 01/10/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Chương trình “Trái Đất xanh” do VTV1 thực hiện đã có buổi trao đổi của Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về chủ đề “Quản lý chất thải điện tử”.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI