Tin môi trường và bạn đọc » Cầu nối
Đường dây buôn bán bất hợp pháp ngà voi qua biên giới Trung -Việt
(14:07:00 PM 09/12/2015)Mạng lưới buôn bán ngà voi bí mật Trung - Việt- Hình: Trần Long- Biên tập: Lưu Tinh
Tóm tắt:
Voi là động vật được bảo vệ, mà lấy ngà voi bắt buộc phải giết voi. Trong Hội nghị về Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp năm 2013, Trung Quốc và Thái Lan được nhận định là các quốc gia tiêu thụ ngà voi chủ yếu. Malaixia, Philipin, Việt Nam là những quốc gia vận chuyển ngà voi phi pháp.
Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng tăng cường chống buôn lậu ngà voi. Tháng 9 năm nay, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ đã đạt được nhận thức chung với Tổng thống Obama, nhất trí ban bố lệnh cấm xuất nhập khẩu ngà voi ở mỗi nước, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, phóng viên của báo Thanh niên Trung Quốc có manh mối cho biết, khu vực lân cận Hà Nội của Việt Nam đang tồn tại thị trường sản phẩm nghi là chế tạo từ ngà voi buôn bán công khai, hơn nữa người mua chủ yếu là người Trung Quốc. Do đó, phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc đã đến Việt Nam để điều tra, tìm hiểu những điểm mấu chốt trong đường dây buôn bán ngầm ngà voigiữa Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, phóng viên còn mang một số ít sản phẩm chế tạo giả ngà voi về Trung Quốc và được thông quan thuận lợi, không hề bị kiểm tra.
Sau một hồi mặc cả, ông Đường Cốc quyết định mua chiếc vòng đeo tay bằng ngà voi mà bà chủ người Việt Nam đang đeo. Ông nói: “Phiên dịch viên nói là chiếc vòng này rất được”.
Giao dịch thành công, ông chủ buôn đồ gỗ này rời khỏi làng Nhị Khê, nơi nổi tiếng là công khai bán các sản phẩm từ ngà voi để đến huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, một trung tâm giao dịch đồ gỗ ở Việt Nam. Đi cùng với ông có cả bạn ông và người phiên dịch. Ngày hôm sau, họ đều mang theo sản phẩm từ ngà voi của mình về nước, qua cửa khẩu Hữu Nghị rất thuận lợi.
Con đường mà ông Đường Cốc đi là con đường giao dịch ngà voi âm thầm giữa Việt Nam và Trung Quốc, bí mật nhưng cũng rất thuần thục. Phóng viên báo thanh niên Trung Quốc điều tra phát hiện, với điểm khởi đầu là Nhị Khê, những kẻ môi giới giấu mặt, làng ngà voi của Việt Nam, các công ty vận chuyển Trung -Việt, các khách lẻ và những thương nhân buôn bán ngà voi chuyên nghiệp đã hình thành một mạng lưới buôn bán ngà voi xuyên biên giới Trung-Việt.
Bắc Ninh: Trung tâm thông tin giao dịch ngà voi
Cô Nguyễn Mai, hướng dẫn viên người Từ Sơn Bắc Ninh hỏi tôi qua điện thoại: “Bạn muốn mua đồ mỹ nghệ gì, có muốn xuống Hà Tây mua ngà voi không?”
Đến Việt Nam, mua ngà voi, điều này chẳng có gì phải giấu giếm. Nhiều năm nay, Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là CITES) và Hệ thống thông tin về buôn bán voi (gọi tắt là ETIS) luôn đưa ra các con số giám sát chứng minh Việt Nam là điểm trung chuyển quan trọng của các đường dây buôn bán ngà voi bất hợp pháp trên toàn cầu.
Trong đường dây buôn bán ngà voi từ Việt Nam sang Trung Quốc thì Từ Sơn là nơi tập trung cung cấp các thông tin quan trọng. Là một huyện cách Hà Nội về phía đông 30km, Từ Sơn là trung tâm giao dịch đồ gỗ nổi tiếng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ở đây đã hình thành rất nhiều các công ty vận chuyển, các công ty môi giới, phiên dịch và các trung tâm điêu khắc mỹ nghệ gỗ.Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch, buôn bán ngà voi và các vụ buôn bán ngà voi luôn đi cùng với các vụ giao dịch gỗ.
Ở Từ Sơn, các thương nhân Trung Quốc rất dễ dàng tìm được các hướng dẫn viên kiêm phiên dịch rất am hiểu về buôn bán ngà voi. Thậm chí chỉ cần mở WeChat, tìm kiếm những người ở xung quanh, là có thể tìm thấy rất nhiều phiên dịch với các hình ảnh đại diện (avatar) là ngà voi, cùng với status “dẫn khách tìm hàng: gỗ trắc, gỗ sưa, ngà voi, hàng cấm”.
Có điều, Từ Sơn không có chợ ngà voi, chỉ có một vài các cửa hàng thủ công mỹ nghệ bày bán các chế phẩm gọi là từ ngà voi.Các hướng dẫn viên cũng đều nói, ngà voi của Bắc Ninh không chuẩn, muốn mua ngà voi phải đến Hà Tây.
Hà Tây là là tỉnh lân cận Hà Nội về phía Nam.Năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, nhưng người địa phương và các thương nhân Trung Quốc vẫn quen gọi là Hà Tây.
Cô Nguyễn Mai nói với phóng viên, Từ Sơn Bắc Ninh là nơi tập trung các thương nhân buôn bán gỗ, nhưng cấm buôn bán gỗ sưa, ngà voi, sừng tê giác.Các sản phẩm mỹ nghệ này chủ yếu tập trung ở làng Nhị Khê của Hà Tây. Cô đã đưa rất nhiều khách buôn gỗ đến nghỉ chân ở Bắc Ninh, rồi chạy sang chợ ngà voi Nhị Khê mua ngà voi.
Nhị Khê là một làng thuộc huyện Thường Tín của Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km về phía Nam. Từ Từ Sơn chạy xe về phía Tây Nam khoảng 1 tiếng rồi rẽ vào một con đường nhỏ, đi một lát là nhìn thấy cổng làng Nhị Khê với dòng chữ “khai quốc chi quang”.
Hà Tây: nơi buôn bán ngà voi công khai
Tuy diện tích không lớn, nhưng làng Nhị Khê là một điểm giao dịch quan trọng trong đường dây lưu thông ngà voi trên toàn cầu. Đây là điểm kết nối những người mua từ Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Tây, Hồng Kông, Đài Loan với những sản phẩm ngà voi Châu Phi được chế tác gia công tại Việt Nam.
Bước vào cổng làng, nơi có dòng chữ “khai quốc chi quang”, ta sẽ thấy một trục đường dài khoảng 300m chạy từ Đông sang Tây, hai bên có khoảng 30 cửa hàng đồ mỹ nghệ công khai bán ngà voi, sừng tê giác và gỗ sưa.
Việt Nam cũng là nước tham gia công ước CITES, không khuyến khích buôn bán ngà voi, sừng tê giác và gỗ sưa. Theo Luật Hình sự của Việt Nam hiện hành thì săn bắt, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã quý hiếm sẽ bị xử cao nhất là 7 năm tù.Nhưng Luật Hình sự mới có hiệu lực vào năm 2016 sẽ đưa mức xử phạt này lên 15 năm.Voi và tê giác là hai trong 83 loài động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam.
Vậy mà ở Nhị Khê, cả thị trường không hề có dấu hiệu nào phải che đạy, giấu giếm, các sản phẩm mỹ nghệ chế tác từ ngà voi đều đươc bày bán công khai hai bên đường.Một số cửa hàng còn bày ngà voi, các hạt vòng chưa xâu thành chuỗi cho khách thoải mái xem, thoải mái chụp ảnh cùng khách và sản phẩm. Một số nhân sĩ hiểu biết ở đây nói với phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc rằng, chợ này đã tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền không hề điều tra, xử phạt.
Các ông chủ cửa hàng và hướng dẫn viên nói với phóng viên, khách đến đây chủ yếu là người Trung Quốc.Do thường xuyên giao dịch với người Trung Quốc nên những chủ cửa hàng ở đây đều biết vài câu tiếng Trung như “thật trăm phần trăm”, “rẻ lắm”, thậm chí còn biết dùng Wechat để bán hàng.
Phiên dịch, chủ cửa hàng và những thương nhân Trung Quốc mà phóng viên gặp ở đây đều nói “ngà voi ở đây cơ bản đều là thật”.
Các sản phẩm ngà voi bày bán ở đây chủ yếu là vòng tay, vòng cổ, khánh (phật bài) và ngà voi điêu khắc khoảng nửa mét. Ngoài ra, hầu hết các cửa hàng đều có bán các sản phẩm động vật hoang dã cấm buôn bán như sừng tê giác.
Các sản phẩm trang sức nhỏ từ ngà voi như khánh, vòng tay đều bán theo chiếc, khoảng từ 2000-4000 tệ/chiếc. Những sản phẩm lớn hơn thì bán theo trọng lượng. Chế phẩm từ ngà voi có giá khoảng 55.000 Việt Nam đồng/gam (tương đương 15 nhân dân tệ/gam).Sừng tê giác thì đắt hơn nhiều, tương đương 400.000 đồng/gam (khoảng 120 nhân dân tệ/gam).
Tại một cửa hàng tương đối lớn, sản phẩm ngà voi đang được cân, trên nền nhà để nhiều ngà voi nguyên chiếc (ảnh: Lưu Tinh)
Hà Nội: chỉ bán cho người có địa vị
Ở Nhị Khê, những hàng thủ công được bày bán ra như khánh, vòng tay chủ yếu là để bán cho khách lẻ như ông Đường Cốc. Đây là các sản phẩm từ ngà voi bình dân, sản xuất hàng loạt bằng máy. Những vụ buôn bán ngà voi thực sự chủ yếu vẫn là những vụ buôn bán số lượng lớn và chế tác ngà voi nguyên chiếc, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp.Những cửa hàng kinh doanh đồ cao cấp thậm chí còn có kho trong những khu đô thị ở Hà Nội.
Không giống những khu cửa hàng nhỏ lẻ bày bán ở bên ngoài, ở một cửa hàng quy mô tương đối lớn, phóng viên nhìn thấy phía trong có khoảng hơn 30 sản phẩm từ ngà voi nguyên chiếc.
Sau khi hỏi rất nhiều chủ cửa hàng, phóng viên tính ra giá mỗi chiếc ngà voi nguyên chiếc khoảng 5000-6000 tệ/ kg, không kể tiền vận chuyển.Còn ngà huyết thì mỗi cân giá khoảng từ 6000-7500 tệ.
Tuy không có giá cố định, nhưng giá này thấp hơn so với giá trong nước rất nhiều. Trong một vụ án buôn bán ngà voi do công an Lâu Để, Hồ Nam bắt giữ tháng 5/2012, thương nhân Tạ Bá Trà đã bán hơn 80kg ngà voi cho một doanh nghiệp với giá 11.600 tệ/kg. Theo qui định về tiêu chuẩn giá trị chế phẩm từ ngà voi buôn lậu trong những vụ án hình sự phá hoại tài nguyên động vật hoang dã của Tổng Cục Lâm nghiệp Trung Quốc, ngà voi trưởng thành bất kể là đã gia công hay chưa đều tính với giá trị 250.000 tệ/kg. Trường hợp không xác định được là ngà voi đã trưởng thành hay chưa, thì tính theo đơn giá là 41.667 tệ/kg.
Ngoài mua ngà voi, khách hàng cũng có thể đặt gia công, chế tác, gửi hình ảnh muốn điêu khắc cho người bán, rồi người bán lại gửi cho nghệ nhân xem có khắc được hay không rồi mới định giá gia công. Tuy nhiên chỉ có những ông chủ lớn mới có xưởng chế tác.Những xưởng này, một số thì ở ngay Nhị Khê, một số khác thì ở khắp Hà Tây.
Phóng viên đã đi thăm một xưởng chế tác ngà voi. Cả xưởng chỉ là 3 gian nhà cấp bốn với 7-8 công nhân ngồi vòng tròn trên chiếu, trong tay họ là những dụng cụ khắc bằng điện.
Ngoài hàng đặt ra, cũng có một số sản phẩm ngà voi cao cấp có sẵn.Một người môi giới nói với phóng viên: một số cửa hàng ở Nhị Khê bình thường không mở cửa, hàng đẹp cũng để ở nơi khác.
Vị môi giới này dẫn phóng viên đến một căn hộ chung cư cao cấp ở Hà Nội. Ở đây trưng bày rất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ từ ngà voi nói là mua từ Châu Âu về với đủ các chủng loại.Vị môi giới này còn nói, số ngà voi này hầu hết là đồ cổ bằng ngà voi có nguồn gốc từ Trung Quốc từ thế kỉ trước.Các thương nhân người Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đều rất thích các sản phẩm này. Họ nói “chúng tôi có cửa hàng và kho ở cả Bắc Ninh và Nhị Khê, nhưng chủ yếu bán cho những người có địa vị trong xã hội, một số kĩ thuật hiện nay Việt Nam chưa làm được”.
Phóng viên gửi ảnh của một số sản phẩm về cho người bảo vệ voi ở trong nước.Vị này nói, nhìn ảnh có thể thấy, một số mẫu là mẫu kinh điển của khu vực Quảng Đông, được những người sưu tầm của Nhật Bản rất ưa chuộng.Tuy nhiên, nhìn ảnh thì không thể phân biệt được hàng thật hay hàng giả.Có điều vị này cũng cho biết, các sản phẩm chế tác từ ngà voi của Trung Quốc bị mất đi trong các vụ buôn lậu trước đây đúng là các sản phẩm rất quan trọng.
Tuy phóng viên không xác định được mức độ thật giả của các sản phẩm nhìn thấy ở Nhị Khê, nhưng hầu hết các chế phẩm từ ngà voi ở đây đều có thể nhìn thấy những đường vân đặc trưng của ngà voi.Ngoài ra, các mẫu phẩm mà cửa hàng cung cấp cho phóng viên đã được các chuyên gia của Việt Nam giám định và xác nhận là ngà voi thật.
Các công nhân đang chế tác sản phẩm nghi là ngà voi tại một xưởng ở Hà Tây
Bằng Tường, Đông Hưng: đường dây xuyên biên giới
Sau khi giao dịch xong ở Việt Nam, ngà voi thường đi vào Trung Quốc bằng hai con đường: những hàng mỹ nghệ nhỏ mà khách mua lẻ có thể tự mang, còn giao dịch với số lượng lớn hàng mỹ nghệ từ ngà voi thì phía Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm đưa hàng tới Đông Hưng hoặc Bằng Tường, rồi người mua sẽ lấy hàng tại đó. Những sản phẩm từ ngà voi được đưa trót lọt từ Việt Nam sang Trung Quốc thì hầu hết sẽ qua Quảng Tây vào Phúc Kiến, Quảng Đông, Triết Giang. Đây là khu vực có trình độ kĩ thuật điêu khắc ngà voi, sau khi gia công sẽ được đưa vào thị trường ngầm.
Đường Cốc mua vòng tay rồi đeo ngay, về Bằng Tường qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ông ta nói với phóng viên: những sản phẩm nhỏ như thế này chỉ cần số lượng không nhiều thì đeo trên người qua cửa khẩu sẽ không sao. Ngoài ra, ông ấy còn nhắc không nên đi máy bay, nhập cảnh đường bộ an toàn hơn.
Phóng viên báo thanh niên đã mang sản phẩm thủ công mỹ nghệ giả ngà voi và sừng tê giác thử nghiệm đi theo con đường này. Lúc thông quan, trên tay phóng viên đeo ngà voi giả, trong túi cũng để ngà voi và sừng tê giác giả, toàn bộ quá trình thông quan diễn ra rất thuận lợi, không hề gặp một sự kiểm tra, xét hỏi nào.
Ngoài ra, ở các cửa khẩu phía Việt Nam không hề có những pano, áp phích tuyên truyền ngà voi là hàng cấm.Trong khi đó, ở phía cửa khẩu bên Trung Quốc lại có dán áp phích rất lớn về việc bảo vệ voi.
Đối với những trường hợp khách lẻ mang ít sản phẩm như Đường Cốc, nếu bị phát hiện khi qua cửa khẩu, thì quy trình xử lí cũng rất phức tạp. Theo quy định, voi là động vật bảo vệ cấp 1 của nhà nước, ngà voi bất kể là lớn hay nhỏ, chỉ cần thu mua, vận chuyển, buôn bán là có thể thành án. Nhưng giá trị của vụ án nhỏ, cho dù thành án thì Viện Kiểm sát cũng rất khó phê chuẩn bắt và khởi tố. Ngoài ra, việc giám định sản phẩm từ ngà voi cũng cần phải có kĩ thuật chuyên môn, hải quan thực thi rất tốn kém.
Với những thương nhân mua và đặt mua số lượng lớn ngà voi thì hầu hết đều lựa chọn cách trả phí để phía Việt Nam vận chuyển. Thông thường những sản phẩm này sẽ đi từ Nhị Khê sang Bắc Ninh rồi vào Trung Quốc qua Đông Hưng hoặc Bằng Tường.
Rất nhiều nhà cung cấp phía Việt Nam cho biết, trước khi gom hàng, bên mua chỉ cần đặt cọc 30%, khi hàng đến nơi an toàn mới trả hết tiền. Phóng viên hỏi một nhà cung cấp: nếu có trục trặc hải quan thì sao? Ông ta nói rằng đảm bảo hàng đến nơi, nếu không ông ấy sẽ xuất bù lô khác.
Một vị công an kiểm lâm cơ sở ở biên giới Quảng Tây cho phóng viên biết, ngà voi đi vào theo 2 con đường này là có những cơ sở căn cứ riêng.
Vị này cho biết, Đông Hưng là con đường tiện lợi nhất từ Trung Quốc đến Việt Nam, chỉ cách Móng Cái một con sông tên là Bắc Luân, mà Móng Cái là cửa khẩu lớn nhất và mở cửa nhất ở Bắc Việt Nam. Ở đây vừa giáp biển, giáp sông, lại giáp cả trên bộ.Về địa hình, Đông Hưng tương đối bằng phẳng, nhiều đường mòn, lối tắt, nhiều bến tầu dễ dàng bốc hàng.Biên giới trên sông Bắc Luân dài 28km thì có tới 18km có thể bốc xếp hàng. Do đó, đây là khu vực trọng điểm của buôn lậu.
Ngà voi vào Bằng tường chủ yếu qua trạm hàng hóa Bò Chài, vào cùng với gỗ. Ngoài ra, vùng núi ở biên giới Bằng Tường cũng có nhiều đường mòn có thể đưa hàng vào. Bò Chài là cửa khẩu biên mậu lớn nhất biên giới Trung Việt, năm 1992, bắt đầu xây dựng và khai thác, tới nay đã có gần nghìn gian hàng. Người Trung Quốc và người Việt Nam có thể tự do ra vào khu vực này để buôn bán. Năm 2014, tổng kim ngạch mậu dịch biên giới Bò Chài là gần 3,9 tỉ USD.
Vị công an nói trên nói với phóng viên: thông thường thì ngà voi sẽ đóng bao cùng gỗ, công ty vận chuyển phía Việt Nam sẽ vận chuyển đến Bò Chài, sau đó công ty vận chuyển phía Trung Quốc sẽ đến lấy hàng mang đi. Mỗi ngày có mấy nghìn xe hàng từ Việt Nam sang, không thể xe nào cũng mở công kiểm tra. Hơn nữa, ngà voi lẫn vào trong gỗ, máy X-quang cũng không nhận diện được. Nếu không có tin tình báo, kể cả nếu chỉ biết đại khái thời gian mà không biết biển xe hoặc ngày giờ chuyển hàng thì cũng rất khó điều tra.
Đối với Đường Cốc, những vấn đề như bảo vệ voi hay mạng lưới buôn lậu đều rất xa xôi. Đối với vị trung niên này thì điều ông ấy quan tâm là bạn ông ấy rất hài lòng với chiếc vòng ngà voi mà ông ấy mang về. Một tuần sau khi về nước, ông ấy lại sang Việt Nam. Trên Wechat, ông ấy trưng lên một bức ảnh con đường Hữu Nghị Quan thẳng tắp, thênh thang.
(Tên trong bài viết đã được thay đổi, bài viết có đóng góp của Lưu Hồng Kiều)
Tháng 12/2015
Phóng sự điều tra về buôn bán bất hợp pháp ngà voi qua biên giới Trung -Việt
Tác giả: Lưu Tinh
Link gốc: http://zqb.cyol.com/html/2015-12/06/nw.D110000zgqnb_20151206_1-04.htm
Bài dịch của tác giả sang tiếng Anh: http://oxpeckers.org/2015/11/trafficking-market-goes-wild-in-vietnam/
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành”
- Mời viết bài tham dự Hội thảo quốc tế về Đánh giá tác động môi trường lần thứ 8 tại Hàn Quốc
- Câu lạc bộ Đạp xe Môi trường kết nối Cây Di sản kiện toàn tổ chức, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thêm 6 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
- Cây đa hơn 300 tuổi tại thành phố Chí Linh được vinh danh là Cây di sản
- Hội BVTN&MT tỉnh Đồng Nai khắc phục khó khăn, duy trì những hoạt động thiết thực
- Bộ TN-MT yêu cầu Đồng Nai xử lý vi phạm ở các dự án lớn
- Câu lạc bộ Doanh nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổng kết hoạt động năm 2023 và đề ra phương hướng cho năm 2024;
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải
(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.
Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội
(Tin Môi Trường) - Sáng 26/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành năm 2024.
- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1
- Cuốn sách “Tài nguyên thiên nhiên và chuyển đổi xanh” sẽ được hoàn thiện vào cuối năm
- Các cấp chính quyền và đoàn thể, cộng đồng nhân dân chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh