Sống xanh » Ẩm thực xanh
Top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam
(18:18:54 PM 03/12/2013)Đường Thốt Nốt - An Giang
1. Đường Thốt Nốt - An Giang
Đường Thốt nốt được làm ra từ buồng thốt nốt (nước từ buồng thốt nốt được cô lại giống như cô mật mía, đến một độ nào đó thì thành đường). So với đường phèn, đường thốt nốt có độ ngọt kém hơn nhưng lại thơm hơn; sản lượng đường thốt nốt cũng ít hơn nên có lẽ cũng quý hơn. Người tiểu đường sử dụng được cả hai loại trên nhưng không được dùng nhiều. Việc sử dụng thì tùy theo mục đích như pha nước uống, nấu chè, sử dụng trong quá trình chế biến thực phẩm...
2. Khô cá lóc - An Giang
Cá lóc tẩm gia vị như: Muối, bột ngọt, tiêu, tẩm màu cá khô bằng ớt trái lớn, ướp cá khoảng 30 phút. Sau đó đem phơi với nắng gắt 3 đến 4 ngày. Cá sau khi khô được phân chia bịch 1 kg và được bảo quản ngăn tủ mát, để lâu vẫn giữ được mùi vị thơm ngon. Khô cá lóc sau khi nướng, đập cho khô mềm, tơi cho dễ xé nhỏ. Khô cá lóc được làm gỏi như: Gỏi xoài, gỏi dưa leo, gỏi lá sầu đâu, gỏi đu đủ...Bên cạnh đó, khô cá lóc còn đem chiên, kho ăn rất ngon và lạ miệng.
3. Cá thu một nắng Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu
Cá thu một nắng là cá thu tươi được các tàu cá của ngư dân đánh bắt, được cắt khoanh và phơi một nắng trực tiếp nên cá vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên và mùi thơm đặc trưng. Cá thu một nắng được bảo quản đông lạnh trong tủ đá, hạn sử dụng 1 tháng. Vì cá thu là cá biển lại phơi một nắng nên vẫn giữ được độ mặn tự nhiên của cá nên khi chế biến gần như không cần thêm gia vị. Cá thu một nắng chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như: cá thu một nắng sốt cà, nướng, chiên rán, chà bông (ruốc) cá thu một nắng.
4. Mứt hạt Bàng Côn Đảo - Bà Rịa - Vũng Tàu
Mứt hạt bàng là một thức ăn đặc sản ở Côn Đảo, Việt Nam. Mứt được làm từ nguyên liệu là hạt bàng với phương pháp rang. Có hai loại mứt hạt bàng là mứt hạt bàng vị ngọt và vị mặn. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối hay rang đường. Mứt hạt bàng là một món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo.
5. Mì chũ - Bắc Giang
Mỳ chũ được làm từ thứ gạo đồi của vùng Chũ có tên là bông hồng. Cách làm mỳ chũ thủ công, cầu kỳ của người xã Nam Dương: Gạo đem về nhặt sạch, vo kỹ, ngâm 8 tiếng rồi xay ra thành bột. Thứ bột dẻo dẻo, sánh sánh được lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ lại qua đêm, sáng hôm sau tráng bánh. Một mẻ bánh thường có ít nhất 3 người chung tay chung sức, và mỗi người lại thạo một khâu riêng, người tráng bánh, người bóc bánh đặt vào khuôn, người đem phơi và cắt bánh thành những sợi mỳ đều đặn.
6. Bánh Phu thê - Bắc Ninh
Bánh phu thê được làm từ loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Khi ăn, bánh thường được cắt làm bốn nên trong nhân bánh 4 hạt sen được đặt ở 4 góc.
7. Bánh phồng Sữa Dừa - Bến Tre
Món bánh phồng sữa dừa được làm nhiều ở xứ dừa Bến Tre nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm). Nơi đây còn tồn tại một làng nghề làm bánh phồng hơn trăm năm với hàng trăm hộ làm nghề, mỗi năm cung cấp ra thị trường vài tấn bánh.
8. Kẹo dừa - Bến Tre
Kẹo dừa là một loại kẹo được chế biến từ nguyên liệu chính là cơm dừa và đường mạch nha. Đây là loại kẹo đặc sản và là một nghề thủ công truyền thống mang đậm văn hóa xứ sở. Việt Nam có nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa.
9. Hạt Điều - Bình Phước
Hạt Điều là một loại hạt có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và cũng là một món ăn thường được dùng tiếp khách trong các ngày lễ Tết và chế biến một số món ăn. Theo Đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm. Rất tốt cho người suy nhược cơ thể, đau họng, ho do phong hàn, nhiều đàm. Có nhiều cách để ăn hạt điều: Hạt điều khô rang muối hoặc hạt điều tươi nấu với các món trong thực đơn của các nhà hàng.
10. Mực một nắng - Bình Thuận
Người ta tuyển chọn kỹ loại mực lá, phơi nắng một ngày. Sau đó, mực gói lại kỹ càng rồi ướp đá. Trước đây, mực Phan Thiết được đông lạnh, bán tươi hoặc làm khô. Người ta nói rằng: có lần, ngư dân khai thác mực lấy mực thảy lên mui ghe cho ráo để chế biến. Vô tình, ăn mực phơi này thấy ngon, ngọt nên mới trở thành “đặc sản”. Từ đó mực một nắng được đưa vào bờ, xuất hiện trên mâm cơm của gia đình ngư phủ hoặc lên thực đơn ở những nhà hàng.
11. Nước mắm Phan Thiết - Bình Thuận
Nước mắm Phan Thiết là tên gọi chung các loại nước mắm xuất xứ từ Phan Thiết, một địa phương có nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Nước mắm Phan Thiết đã có từ thời Phan Thiết có tên là Tổng Đức Thắng (1809). Những nhà làm nước mắm khi đó đã làm được nhiều nước mắm và bán ở Đàng Ngoài. Ðến đầu thế kỷ 20, nước mắm Phan Thiết đã có một nhãn hiệu nổi tiếng là nước mắm Liên Thành, được bán rộng rãi trong Nam ngoài Trung
12. Tôm khô - Cà Mau
Tôm khô Cà Mau được làm từ tôm tươi sống tự nhiên 100%, không cho ăn thức ăn tăng trưởng hay bất kỳ chất kích thích độc hại nào. Tôm khô bao gồm các loại: tôm sú khô, tôm thẻ khô, tôm đất khô, tôm bạc khô các loại. Tất cả đều được gia đình tự làm thủ công bằng tay, không dùng chất bảo quản nên chất lượng luôn được đảm bảo và giữ nguyên mùi vị đặc trưng.
13. Chè đắng - Cao Bằng
Chè đắng còn có nhiều tên gọi khác như khổ đinh trà, chè đinh. Tên khoa học là Camellia sinensis, thuộc họ chè. Chè đắng được trồng và mọc tự nhiên ở vùng núi phía Bắc gồm các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai (núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa), nhưng nổi tiếng nhất là ở Cao Bằng. Theo đông y, chè đắng có vị đắng, ngọt hơi chua, hàn, không độc, tác dụng vào gan lách, phổi, thận. Nhờ sự có mặt các thành phần hóa học trong chè mà nó có nhiều tác dụng phòng và chữa bệnh.
14. Khô mè Cẩm Lệ -Đà Nẵng
Bánh khô là đặc sắc của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng có lẽ bánh khô mè sản xuất tại làng Cẩm Lệ là nổi tiếng thơm ngon hơn cả. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng, và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, 'tắm' đường, 'tắm' mè... bánh tắm bằng nếp rang gọi là bánh khô nổ, tắm bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Bánh ngon có ruột xốp dòn, đường dẻo, mè rang đủ độ chín thơm.
15. Cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk
Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Tuy cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk, xuất phát từ Buôn Ma Thuột chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của người Pháp. Hiện tại theo số liệu niên giám thống kê cách đây vài năm, Đắk Lắk có 174.740 ha cà phê. Đắk Lắk cũng là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê trung bình cao nhất thế giới 2,5 tấn/ha.
16. Măng Le khô - Đắk Lắk
Cây tre Le không có gai, thân dẻo. Le mọc thành từng bụi, mọc ven sông,ven suối, có khi mọc thành từng láng rộng. Măng le được lấy từ phần thân, ngọn của cây măng, cắt lát phơi khô. Măng le thuộc loại ngon nhất trong các loài măng. Măng le, đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng, cũng không chát. Măng có mầu đỏ vì không sử dụng chất bảo quản.
Măng Le thuộc hàng cao cấp. Chỉ luộc một nước là ăn được, không đắng. Măng Le ăn lành, sào, luộc hay nấu canh suông đều được.
17. Bánh Phồng tôm Sa Giang - Đồng Tháp
Hàng chục năm qua, đặc sản nổi tiếng của Đồng Tháp là bánh phồng tôm mang thương hiệu Sa Giang . Bánh được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và một ít hạt tiêu giã nhỏ. Các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau sẽ được nhồi vào những chiếc túi dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, bánh được cắt ra từng lát tròn mỏng rồi đem phơi khô. Lúc ăn, nướng chín, bánh có hương vị nồng thơm, cay cay, đậm đà hương vị ẩm thực Việt.
18. Nem lai Vung - Đồng Tháp
Nghề làm nem phát triển mạnh ở xã Tân Thành, xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung và được xem là làng nghề truyền thống lâu năm nhất ở Đồng Tháp. Cách làm và chế biến nem khá công phu. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối. Mức độ lên men, chua mau hay chậm là do lớp lá bọc bên ngoài dày hay mỏng.
19. Mật ong - Gia Lai
Gia Lai có sản lượng mật ong rất lớn chỉ đứng sau vùng Đông Nam Bộ. Gia Lai là một tỉnh có vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày rất lớn với trên 200.000 ha, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong. Từ năng suất khai thác mật 37 kg/đàn tăng lên đạt 40 kg/đàn, chu kỳ quay mật trong một năm cũng tăng từ 12 lên 16 lần so với nuôi ong tự phát. Mật ong Gia Lai đang chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
20. Táo Mèo - Hà Giang
Vùng cao Hà Giang có cây táo rừng, thuộc dạng cây nhỏ, nhiều gai, có hoa màu trắng nở vào mùa Xuân. Trái táo rừng chín vào cuối thu (tháng 9 - 10). Người Mèo và người Mông thường len lỏi trong các vùng núi để thu hái loại trái cây này làm thức ăn, hoặc xắt mỏng phơi khô bán cho người làm thuốc, ngâm rượu. Trái táo rừng còn xanh được gọt vỏ, chẻ tư làm dưa muối, hoặc ngâm đường chắt nước làm nước giải khát, hoặc ướp men cho một thứ rượu nhẹ giống như rượu cần. Trái chín có thể ăn như táo, lê, làm mứt hay ô mai cay.
21. Cốm xanh - Hà Nội
Nghề làm cốm vất vả nhất là công đoạn rang lúa. Rang lúa sao cho vừa lửa, hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu. Giã cốm bằng loại cối riêng, nhịp chày nhẹ và đều, sao cho cốm mịn và dẻo. Vào những chiều thu, vào làng cốm ta sẽ được thưởng thức cái hương thơm ngọt ngào lan tỏa, cùng tiếng chày giã cốm thậm thịch thâu đêm. Từ cốm, người Hà Nội có thêm bánh cốm và chè cốm... những món ăn không kém phần thi vị bởi cái dẻo thơm của cốm, bùi đậm của đậu xanh, sần sật của sợi dừa xắt mỏng.
22. Kẹo Cu Đơ - Hà Tĩnh
Kẹo Cu Đơ là một loại kẹo lạc (đậu phộng) đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh. Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng ép lại. Loại kẹo này rất dẻo và dính, có thể ăn không hoặc thưởng thức cùng với nước chè xanh.
23. Bánh đậu xanh - Hải Dương
Nguyên liệu để chế biến bánh gồm: Đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Tất cả đều phải được chọn lọc và được chế biến tinh khiết. Bốn nguyên liệu trên pha trộn với nhau theo một tỉ lệ hợp lý, vượt tỉ lệ đó bánh sẽ kém chất lượng. Giấy gói bánh, màu sắc của nhãn, phải được xem xét cẩn thận để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh. Bánh được đóng theo cách: 10 khẩu mỏng xếp 5 hàng (8,5 x 3,2 x1,1 cm) nặng 45 gam.
24. Măng đắng - Hòa Bình
Măng đắng ngon là thứ mầm cây thuộc họ tre, trúc, mai, vầu, sặt, nứa mới nhú khoảng 1-2 đốt ngón tay trở xuống, phần thân còn lại ngập trong đất. Khi bóc bẹ ra, thân măng trắng muốt, nuột nà. Muốn có món măng đắng ngon phải chọn những mầm măng sặt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém, quắt lại bóc dần từng bẹ chấm vào gói chẩm cheo gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ. Khi ăn, ta sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt…
25. Tương Bần - Hưng Yên
Tương Bần Hưng Yên có từ khoảng cuối thế kỷ 19, nó đã trở thành một trong những món ăn đặc sản của Việt Nam. Tương Bần được chế biến qua 2 giai đoạn là chọn nguyên liệu và làm tương. Nguyên liệu chính của tương Bần là đỗ tương, muốn tương ngon thì phải chọn đúng loại được trồng trên đất Hưng Yên, để có được độ đậm ngọt nhất định và to vừa. Các nguyên liệu còn lại là nếp cái hoa vàng và muối trắng. Thứ dùng để lên men là mốc (Aspergillus Oryzae) và chum sành.
26. Nước mắm nhỉ Nha Trang - Khánh Hòa
Nước mắm có mặt hầu hết trong các bữa ăn gia đình Việt. Chọn mua một loại nước mắm vừa ý cũng không phải là chuyện đơn giản.Nước mắm ngon phải là nước mắm được sản xuất theo quy trình truyền thống, thời gian sản xuất trên một năm và đánh giá ở hương, vị và màu sắc. Trong tất cả những thương hiệu nước măm nổi tiếng hàng đầu ở Việt Nam, có nước mắm Nha Trang, đặc biệt là nước mắm nhỉ cá cơm. Nước mắm nhỉ cá cơm Nha Trang hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước như : Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh – Nam Định – Thái Bình – Đà Nẵng – Nam Trung bộ - Tây Nguyên …
27. Yến Sào - Khánh Hòa
Ở các tỉnh Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa…là nơi có sản lượng tổ yến nguyên chất nhiều nhất. Các tổ chim yến thường được làm ở các đảo trên các vách đá và việc khai thác thường rất nguy hiểm. Yến sào chứa hàm lượng protein cao (khoảng 50-60% tùy thuộc địa điểm khai thác) gồm 18 loại axit amin, 31 nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ và bồi dưỡng cho người già, 7 loại đường (carbohydrat) thiết yếu đối với chức năng của cơ thể người.
28. Nước mắm Phú Quốc - Kiên Giang
Nước mắm Phú Quốc là tên gọi chung cho các loại nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc, một đảo lớn ở phía Tây Nam của Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang. Nó là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có khoảng chục loại, nhưng chỉ có cá sọc tiêu, cơm đỏ và cơm than là cho chất lượng nước mắm cao nhất. Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ lớn bằng gỗ bời lời có tại rừng Phú Quốc.
29. Tiêu Phú Quốc - Kiên Giang
Tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng phân ra thành 3 loại: tiêu đỏ, tiêu sọ và tiêu đen. Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào sánh kịp. Người dân Phú Quốc bảo tồn nghề trồng tiêu không những vì mục đích kinh tế mà còn có giá trị lớn về văn hóa, du lịch.
30. Sâm Ngọc Linh - Kon Tum
Sâm Ngọc Linh ( Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum. Trên độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.
31. Atisô - Lâm Đồng
Atisô (Cynara scolymus) là loại cây có nguồn gốc từ miền Nam châu Âu. Cây Atisô có thể cao lên tới 1,5 đến 2 mét, lá cây dài từ 50–80 cm. Atisô được trồng ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 (Sa Pa, Tam Đảo), nhiều nhất là ở Đà Lạt. Atisô không những chỉ dùng lá bắc và đế hoa để ăn mà còn dùng làm thuốc. Hoạt chất chính của atisô là cynarine (Acide 1- 4 dicaféin quinic). Ngoài ra còn có inulin, inulinaza, tamin, các muối hữu cơ của các kim loại Kali, Canxi, Magiê, Natri... Atisô có tác dụng hạ cholesterol và urê trong máu…
32. Chè Bảo Lộc - Lâm Đồng
Những năm 1930 -1940 Bảo Lộc được khai thác mạnh về nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều nông trang, đồn điền để trồng chè, cà phê,... Cây chè có một lịch sử khá lâu đời tại Bảo Lộc đã khẳng định ưu thế tuyệt đối. Hiện nay, cây chè Bảo Lộc vẫn tiếp tục phát triển về diện tích và sản lượng. Trà Bảo Lộc được chuyển đi khắp các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Trà (chè) là thứ nước giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của trà Bảo Lộc.
33. Mứt Đà Lạt - Lâm Đồng
Mứt Đà Lạt có nhiều loại: mứt dâu tây, mức hồng, mức táo… Trong đó hai loại mứt dâu tây và mứt hồng được du khách ưa chuộng mua về làm quà. Dâu tây là thứ quả ngon, đẹp mắt, mứt làm từ dâu tây thơm ngọt lại bổ dưỡng. Mứt hồng rất ngon, vừa dai, vừa mềm lại dịu ngọt. Đó không chỉ là món ăn thỏa nỗi nhớ khi trái mùa mà còn dùng là quà biếu rất lịch sự
34. Kẹo Sìu Châu - Nam Định
Kẹo Sìu châu gần giống với kẹo lạc nhưng thơm và ngon hơn. Theo người dân Nam Định, cái tên kẹo Sìu Châu đã có từ rất lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo ngon có tiếng. Nguyên liệu làm kẹo Sìu châu rất dễ kiếm, gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Lạc chọn làm kẹo phải được chọn lọc cẩn thận từ những hạt lạc to, mẩy, bóng vỏ và tròn, khi rang chín phải giòn, thơm bùi, vỏ săn lại. Vừng có thể là vừng trắng hoặc vừng đen, mỗi loại vừng sẽ làm cho kẹo Sìu ngon một vị và màu sắc cũng khác nhau.
35. Nhung hươu - Nghệ An
Nhung tốt nhất là loại nhung non, vừa phân nhánh. Tỉ lệ dưỡng chất, hoocmon, enzim, các nguyên tố vi lượng trong nhung lớn nhất. Mỗi cặp Lộc nhung thường nặng từ 200g đến 600g (một số cặp mập có thể nặng trên 600g). Nhung hươu là một trong những thượng dược có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, phòng và chữa bệnh hàng đầu cho con người. Nhung hươu có tác dụng làm tăng sức mạnh toàn thân, nâng cao thể lực, bệnh nhân ăn ngủ tốt hơn, bớt mệt mỏi, những vết thương chóng lành, ảnh hưởng tốt đến việc trao đổi chất đạm và mỡ, làm chậm quá trình lão hoá, kéo dài tuổi thọ...
36. Tương Nam Đàn - Nghệ An
Tương Nam Đàn là loại tương có nguồn gốc, xuất xứ và sản xuất chế biến phần lớn tại huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An .Nó là một loại nước chấm, nước chan được nấu từ hạt đậu tương và hạt nếp hoặc hạt ngô làm mốc dùng trong sinh hoạt ăn uống giống như các loại chấm khác ở miền Nam. Đậu dung để nấu tương là đậu nành, dùng ngô bắp làm mốc thì có nhiều vị ngọt của đường (gluco) nhưng dùng nếp làm mốc thì có vị ngọt của đạm (Amino Acid) hơn . Thường thì người ta dùng nếp để làm mốc hơn là ngô. Nếp phải chon loại nếp tốt như vậy mới cho ra vị đậm,ngọt, tương sánh hơn, quyện hơn.
37. Nem Yên Mạc - Ninh Bình
“Yên Mạc đặc sản nem chua
Tiệc tùng đình đám thường mua về dùng”
Nem chua nổi tiếng nhất vùng Yên Mạc là xã thuộc huyện Yên Mô, Ninh Bình, nổi tiếng với đặc sản nem chua cổ truyền. Kỹ thuật làm nem chua rất cầu kỳ. Nhất thiết phải dùng thịt nạc mông, vừa mới mổ lợn, thịt còn tươi nóng. Nếu dùng thịt thăn hoặc nạc vai, nem sẽ bị nhão, không ngon. Bì lợn khoanh mặt da vào trong, buộc lại rồi bỏ vào luộc vừa chín, không được nhão, khó thái, bì không ngon. Vớt bì ra, ép cho thẳng, lọc bớt mỡ bạc nhạc đi dùng dao sắc thái mỏng, lạng từng thanh mỏng như tờ giấy, thái nhỏ như sợi cước. Thính gạo tẻ, gói nem bằng lá chuối, bọc ngoài lớp nem là lá ổi để khi ăn có vị thơm.
38. Kẹo Mạch nha - Quảng Ngãi
Kẹo mạch nha hay mạch nha là tên gọi dùng để chỉ loại mật dẻo được sản xuất từ ngũ cốc hay mạch nha (lúa mạch, đại mạch, hột lúa mạch mì đã có mầm, lúa, nếp…) Loại kẹo đường này có độ dẻo nhưng không dai, màu vàng sậm, vị ngọt thanh, thơm ngon mùi nếp. Ở Việt Nam, mạch nha là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Nguyên liệu để nấu mạch nha gồm có bột mộng của ngũ cốc đã có mầm hoặc từ sắn và mộng lúa già. Vị ngọt của mạch nha hoàn toàn là vị ngọt của nếp và mộng lúa chứ không phải từ đường.
39. Quế Trà Bồng - Quảng Ngãi
Sản phẩm quế Trà Bồng được thị trường đánh giá cao, vì có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được nhiều thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như: Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... Hiện nay, tinh dầu quế và các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang… được tiêu thụ khá mạnh.
40. Tỏi Lý Sơn - Quảng Ngãi
Địa danh huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ gắn liền với quê hương của Hải đội Hoàng Sa, mà đảo tiền tiêu này còn nức tiếng với sản vật hành tỏi có hương vị đậm đà, thơm ngon không đâu sánh bằng. Huyện đảo Lý Sơn từ lâu nổi tiếng với nghề trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nức tiếng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của một vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc. Đặc biệt, sau những ngày đón Tết, vương quốc tỏi càng thơ mộng hơn khi tỏi ngã vàng...
41. Chè vằng - Quảng Trị
Cây chè vằng ở Quảng Trị mọc hoang ở khắp nơi. Loại cây bụi nhỏ, đường kính thân không quá 6mm. Thân cứng, phân nhánh nhiều. Vỏ thân nhẵn màu xanh lục. Lá chè vằng có 3 gân dọc. Hoa chè vằng mọc thành chùm nhiều hoa (chừng 7-9 hoa), quả chè vằng hình cầu cỡ hạt ngô, chín màu vàng.Nghiên cứu dược lý chứng minh lá chè vằng có chứa terpenoit, glycosit đắng, flavonoit, nhựa và ancaloit có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm tăng nhanh tái tạo tổ chức, làm mau lành vết thương, thông huyết, điều kinh, đau bụng, hay điều trị đau khớp xương, thiếu máu, mệt mỏi, kém ăn, cảm hay vàng da.
42. Bánh In - Sóc Trăng
Bánh được làm từ nguyên liệu chính: gạo nếp, đường cát,nước cốt dừa. Khi chọn nếp phải chọn nếp mới để có được hạt nếp trắng, mới cho được chiếc bánh trắng đẹp và hương vị thơm lừng. Sau khi rang xong, đem nếp đi xay nhuyễn rồi trộn đều với đường cát trắng và nước cốt dừa thành hỗn hợp hòa tan. Tiếp theo, cho hỗn hợp đã trộn đều vào khuôn làm bánh, nén chặt lạicho đều, sau đó lật ngược chiếc khuôn, gõ nhẹ sẽ ra chiếc bánh in trắng phau, thật đẹp mắt.Mùi thơm của nếp mới, vị béo của nước cốt dừa hòa lẫn với vị ngọt của đường, khi thưởng thức cùng với ly trà nóng thì còn gì bằng.
43. Bánh Pía - Sóc Trăng
Bánh pía là sản phẩm độc đáo của Sóc Trăng. Thưởng thức vài chiếc bánh cùng với ngụm trà gừng, buôn đôi ba câu chuyện lại thêm ấm lòng du khách. Về Sóc Trăng thưởng thức hương vị bánh pía ngọt thanh và hương thơm nguyên chất của trái sầu riêng, đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ. Những chiếc bánh màu vàng cam có hình dáng nhỏ, tròn, lớn vừa phải rất tiện lợi, có thể vừa cầm vừa ăn. Không quá bở, mềm, có một độ dẻo vừa phải để khi ngậm vào miệng không tan ngay.
44. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng -Tây Ninh
Bánh tráng phơi sương là loại bánh tráng đặc sản ở huyện Trảng Bàng - Tây Ninh. Bánh dẻo, có vị mặn, có dạng hình tròn tương tự với các loại bánh tráng khác nhưng có màu trắng đục hơn và lấm tấm những hạt bong bóng nổi trên mặt bánh, có thể sử dụng trực tiếp không cần phải nhúng nước hay nướng giòn. Gạo làm bánh phải là gạo mới, gạo ngon và không được pha trộn. Sau khi xay gạo xong bỏ thêm một lượng muối vừa phải tạo vị mặn cho bánh chứ không thêm đường như các bánh tráng thường khác.
45 Bánh cáy - Thái Bình
Bánh màu trắng ngà, khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của hương gừng, béo bùi, dẻo thơm của nếp và cốm non. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ chính hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Ngày xưa, bánh cáy được người nông dân làm ra để tiến vua nhà Nguyễn và được vua khen ngợi. Bí quyết làm bánh cáy của người làng Nguyễn thuộc vào công đoạn nhào trộn nguyên liệu và chiên, ép bánh. Làm sao chiếc bánh không quá ngọt, không quá nhạt. Vừa chín, dẻo, không khô cứng. Hương vị bánh hơi cay nồng.
46. Chè - Thái Nguyên
Chè Thái Nguyên là cái tên có lẽ ai cũng đều được nghe qua, và cũng rất nhiều người đã được thưởng thức qua đặc sản chè này. Chè thái là giống chè đặc biệt được trộng tại Thái Nguyên, một điều đặc biệt là chỉ có thể trồng giống chè này trên mảnh đất Thái Nguyên mới cho ra chất lượng chè tốt nhất., có lẽ là do Thái Nguyên đã được thiên nhiên ban cho một đặc ân tuyệt vời đó là vị trí địa lý nằm dưới chân núi Tam Đảo, khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn nước tinh khiết từ núi cao chảy xuống .
47. Chè lam Phủ Quảng - Thanh Hóa
Chè Lam Phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi.
Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát... tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang. Cầm trên tay thanh Chè Lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, ta chẳng còn phân biệt được đâu là cái ngọt thanh của nếp cái hoa vàng, đâu là vị ngọt sắc của lóng mía Kim Tân. Đã có chè lam thì không thể thiếu ấm nước trà xanh hay trà tàu.
48. Mè Xửng - Huế
Mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của Huế, giống như cơm hến, bánh bèo, tôm chua… Thấy trong hành lý của ai đó, có gói mè xửng tức là người đó vừa ở Huế về. Người Huế vào Sài Gòn hoặc ra Hà Nội, hay ra nước ngoài ai cũng mang theo mấy chục gói mè xửng làm quà cho người thân, bạn bè.
49. Tôm chua - Huế
Tôm chua là một món ăn bình dị của người dân xứ Huế. Cái vị chua thanh của tôm, cay nồng của các loại gia vị làm cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được hương vị mộc mạc của món ăn. Trong ẩm thực xứ Huế, tôm chua là món ăn dân dã nhưng được rất nhiều người ưa thích. Tôm chua không sử dụng loại tôm biển to, mập, người ta bắt những con tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đồng, tôm đất. Tôm không quá to, không quá nhỏ, sàn sàn nhau để được ngấm đều gia vị và làm cho hũ tôm thêm đẹp.
50. Chè San tuyết Suối Giàng - Yên Bái
Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng tương tự như Sa Pa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non. Ngay từ những năm 60, thống kê có tới gần 40.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ có từ 200 tuổi, đến 300 tuổi, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho những ai ham thích tự nhiên.
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã gửi hồ sơ đề cử 10 đặc sản quà tặng Việt Nam đến Tổ chức Kỷ lục châu Á, ngày 29/10/2013, Văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ đã có thư xác nhận 8 đặc sản quà tặng Việt Nam đạt giá trị đặc sản quà tặng châu Á theo bộ tiêu chí đặc sản quà tặng châu Á bao gồm Bánh đậu xanh (Hải Dương), Chè Thái Nguyên, Sâm Ngọc Linh...
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Bánh mì chấm sữa đặc -Tự hào văn hóa ẩm thực Việt
- Vinamilk khẳng định vị thế trong pha chế tại đấu trường quốc tế Asia Latte Art Battle
- Thành phố không thịt chó đầu tiên ở Việt Nam sẽ thành hiện thực
- 9 Kỷ lục Châu Á mới cho các món ăn/nhóm món ăn, đặc sản nổi tiếng Việt Nam
- Khi thực đơn biến đổi cùng khí hậu
- 11 Kỷ lục Châu Á mới về Ẩm thực và Đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Châu Á xác lập
- Hợp tác nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển sản phẩm thảo dược thay thế mật gấu.
- Để cử kỷ lục Châu Á cho 10 món ăn, đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam
- Quán ăn giữa ruộng lúa mênh mông miền Tây: Nhiều người "rụng tim"
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
”Ly hôn xanh” ào ạt, vì đâu?
(Tin Môi Trường) - Yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm gần đây xuất hiện nhiều. Thuật ngữ "ly hôn xanh" được dùng để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng chưa cần tới 5 năm, rất nhiều cặp vợ chồng đã vội vã ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoãn thi tuyển công chức
(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo hoãn tổ chức vòng 1 kỳ thi tuyển công chức theo chỉ tiêu biên chế năm 2023 tới 330 thí sinh đủ điều kiện dự thi.
4 yếu tố giúp xác định người tham khảo thích hợp
(Tin Môi Trường) - Trong quá trình sàng lọc ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với người tham khảo của ứng viên để xác nhận thông tin về năng lực và thái độ trong môi trường làm việc. Điều này quyết định rất lớn đến việc bạn có vượt qua vòng ứng tuyển và được nhận vào làm việc hay không.
TẾT 2022: Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau ngày ông Công ông Táo?
(Tin Môi Trường) - Vào dịp cuối năm, các gia đình đều tiến hành công việc lau dọn bàn thờ. Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn trước câu hỏi: Dọn bàn thờ trước hay sau ngày cúng ông Công ông Táo mới đúng?