»

Thứ bảy, 18/01/2025, 05:16:34 AM (GMT+7)

Kant và bọn ăn thịt

(12:28:05 PM 05/01/2022)
(Tin Môi Trường) - “Lập luận ủng hộ chuyện từ bỏ ăn thịt phải nói là dễ như ăn… cháo. Ăn thịt rõ ràng là xung đột cơ bản với tình yêu thương loài vật: tàn sát hàng tỉ sinh linh mỗi năm là tàn nhẫn một cách không cần thiết khi nhu cầu dinh dưỡng của con người có thể được đáp ứng dễ dàng bằng cách khác. Ăn thịt cũng là bất công với đồng loại của chúng ta và với môi trường. Ăn thịt - nhất là thịt bò, thứ thịt gây lãng phí và làm hại môi trường nhất - là nguyên do chính gây ra khí thải carbon trong ngành thực phẩm”.

Đó là đoạn mở đầu bài báo đăng cách đây mấy tuần trên tờ The Economist, một tạp chí hàng tuần có uy tín ở các nước nói tiếng Anh, chứ không phải nguyệt san Hội Nhà khoa học cấp tiến ăn chay trường.

 
Hãy tạm thời gác qua một bên sự xung đột của việc ăn thịt với tình yêu thương động vật, dù nó cũng là vấn đề lớn, như con số đề cập thoáng qua trong đoạn trên (“hàng tỉ sinh linh mỗi năm”).
 
Kant[-]và[-]bọn[-]ăn[-]thịt
Ảnh: The Economist
 
Hãy tập trung vào chuyện này: Ăn thịt là nguyên do chính gây ra khí thải nhà kính trong ngành thực phẩm - cụ thể là đến 60% tổng số và gấp đôi khí thải do trồng trọt sinh ra.
 
Hoặc hãy suy nghĩ như một “kế toán viên khí hậu học”: Hơn 25% tổng khí thải toàn cầu có nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp từ cách ta sản xuất đồ ăn, trong khi lượng khí thải khí nhà kính từ ngành vận tải, giao thông toàn cầu “chỉ” chiếm 16% tổng số khí thải.
 
Hoặc theo kiểu của các nhà kinh tế học: Lối sống của các nước phát triển được ngày càng nhiều người “ăn theo” khắp thế giới, thu nhập trung bình ở các nước đang phát triển càng tăng thì lượng sản phẩm từ động vật như thịt, trứng, sữa cũng tăng. Việt Nam là một điển hình.
 
Từ hai góc nhìn kinh tế và khí hậu đó, ta hãy thử tưởng tượng xa hơn một chút: Nếu tất cả mọi người (dù cố tình hay vô ý) đều ăn nhiều thịt thì mức khí thải nhà kính tất yếu tăng lên, hậu quả là đến cuối thế kỷ 21 hành tinh ta đang sống sẽ nóng lên từ 2 - 3,5 độ C so với mức trung bình trước cuộc cách mạng công nghiệp. Khi đó, điều kiện sống của loài người sẽ không còn như cũ nữa.
 
Vấn đề “ăn uống thế kỷ 21” này, ai suy nghĩ kỹ thì chắc đều thấy có nhiều khía cạnh khác nhau. Thử thách trí tuệ là dung hòa ba điều nhân loại rõ ràng chưa làm được: Một là tình hình khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Hai là nhu cầu vô cùng thực tế là ai cũng phải ăn ba bữa mỗi ngày, và ăn thịt là niềm vui hợp khẩu vị của ngày càng nhiều người. Còn ba là đối phó với hậu quả của chế độ ăn uống chúng ta chọn lựa.
 
Bài này là một thử nghiệm tổng hợp ba chiều kích của vấn đề đó. Trọng tâm của bài là một quy tắc triết học tôi sẽ thử áp dụng để kết hợp ba điều có vẻ ít liên quan.
 
Một mặt, vấn đề ăn thịt không chỉ là chuyện cá nhân mà mang tính hệ thống. Ngành thực phẩm hoạt động khắp thế giới, chuỗi cung ứng, đường vận chuyển của nó mang thịt bò Úc, sữa bò New Zealand sang người tiêu thụ ở Việt Nam, hay ở chiều ngược lại, tôm cá rau củ Việt Nam vượt biển qua các siêu thị, bàn ăn Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, việc ăn nhiều thịt hơn, như đã nói, là kỳ vọng của rất nhiều người. 
 
Kant[-]và[-]bọn[-]ăn[-]thịt
Ảnh: The Guardian
 
Vì thế, nghĩ bao quát thì khi một người quyết định ăn chay hay bớt ăn thịt vì tác hại của việc ăn thịt đến môi trường toàn cầu, cục diện hình như chẳng thay đổi mấy.
 
Tuy nhiên, một cách nhìn khác chủ động và mang tính lý tưởng. Nếu ta đã biết tác động của việc ăn nhiều thịt thì việc ăn chay hay ít thịt hơn có vẻ là điều đúng đắn nên làm, bất kể mọi người xung quanh hành động thế nào và bất chấp điều cá nhân tôi làm có giúp cho thế giới tốt đẹp hơn hay không. 
 
Như vậy, khía cạnh cá nhân này của vấn đề gắn liền với đạo đức. Nó không gì khác là nghe theo tiếng gọi của lương tâm, điều mà gần như ai cũng coi là quan trọng. 
 
Nó đòi hỏi mọi cá nhân có khả năng chạy ngược chiều đám đông, nói không với lề thói thông thường, hành động “phi thực tế” khi cần. Ví dụ, khi tất cả mọi người đều vượt đèn đỏ lúc còn vài giây là chuyển xanh thì ta phải đủ bản lĩnh để vẫn dừng cho tới cuối. 
 
Vậy làm sao để hòa hợp hai nhận thức: Một là suy nghĩ “vấn đề chế độ ăn uống thế kỷ 21 quá lớn nên hành vi cá nhân vô nghĩa”, hai là thôi thúc “vấn đề đáng báo động và cá nhân tôi cũng phải góp phần giải quyết”? Câu trả lời, theo tôi, là phải nhận ra hai mặt của vấn đề là thuộc cùng một hiện tượng.
 
Công nhận bộ máy sản xuất và phân phối thịt toàn cầu là cả một hệ thống. Thế nhưng, nếu những người tiêu thụ cá nhân không còn, hoặc nếu lựa chọn của họ khác đi, thì ngành sản xuất thịt không thể hoạt động nữa. 
 
Vả lại, lập luận “một cánh én không làm nên mùa xuân” không phải là giải pháp cho vấn đề, mà chỉ là nhắm mắt làm ngơ.
 
Nhìn cả hai mặt của một vấn đề, tạo ra kết nối trong suy nghĩ giữa hai khía cạnh là điều mà điểm xuất phát có thể trông cậy ở triết học. 
 
Ở đây, tôi nghĩ tới một người khổng lồ của triết học Đức thế kỷ 18: Immanuel Kant. Đề nghị của tôi là trông cậy vào nguyên tắc Kant đặt tên là “mệnh lệnh tuyệt đối”. 
 
Kant động não nghĩ ra tiêu chuẩn này để giúp chúng ta suy nghĩ toàn diện hơn về những lựa chọn cá nhân. Áp dụng vào thực tế, nó đòi hỏi chúng ta đặt ra một số câu hỏi hóc búa trước khi thực hiện hành động cá nhân, nếu hành động đó có tác động đến người khác, đến cộng đồng hay đến môi trường hành tinh.
 
Những câu hỏi mang tính phản biện này là: Nếu tất cả mọi người làm điều tôi đang cân nhắc xem nên làm hay không thì kết quả thế nào? 
 
Cộng đồng sẽ nhìn nhận điều đó ra sao? Việc mọi người làm theo quy tắc tôi đang âm thầm theo có chấp nhận được không? Nếu câu trả lời là không, thì theo Kant, hành động trù tính của tôi là đáng ngờ về mặt đạo đức.
 
Tóm lại, câu hỏi mang tính giả định chúng ta phải tự đặt ra khi nói đến tác hại của chế độ ăn uống tới môi trường là: Giả sử mọi người tiêu thụ thịt ngày càng nhiều, như tôi đang định làm, thì thế giới sẽ ra sao? Thế giới đó là nơi tôi thấy đáng sống hay không?
 
Tác động đến môi trường của ngành thực phẩm thực sự lớn đến khó tin. Trước khi tiếp tục dòng tư duy của Kant, ta hãy xem xét một vài số liệu.
 
Việc nuôi bò để lấy thịt và sữa tiềm ẩn nhiều vấn đề nhất chủ yếu do đặc tính sinh học có phần hơi mắc cười của con bò. Một con bò có tới bốn bao tử, nên nó cũng tiêu hóa thức ăn tới bốn lần, và vì vậy… xì hơi liên tục. 
 
Một con bò vì vậy giống như một nhà máy sản xuất khí methane - loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn gấp 50 lần carbon. Vì thế khi nhân loại nuôi và tiêu thụ thịt của hàng trăm triệu con bò mỗi năm, khí hậu toàn cầu bị tác động theo đúng nghĩa đen.
 
Gay go không kém là việc chăn nuôi bò thường kéo theo nạn phá rừng. Rừng nhiệt đới có vai trò “bể chứa carbon” tối quan trọng, phá rừng đồng nghĩa giải phóng khí carbon đang tích lũy ở đó. Phương pháp dễ nhất để có đất màu mỡ nuôi bò, nhất là ở Nam Mỹ và Đông Nam Á, là phát quang rừng nhiệt đới. 
 
Theo quan điểm của tay “kế toán viên khí hậu học” khó tính, xài thịt gà và thịt heo tốt hơn nhiều, dù xét về sự tàn nhẫn với động vật thì không khác gì nhau. Lượng khí thải khi sản xuất 100g thịt heo trung bình khoảng 10 ký, thịt gà là 8 ký, còn để có 100g protein bò thì trung bình thải ra tới 60 ký khí nhà kính.
 
Tất nhiên, khí thải do trồng trọt, phân phối và tiêu thụ các loại trái cây, rau củ thì ít hơn nhiều nữa. Đại khái trung bình sản xuất một phần đậu hũ thải ra một đơn vị khí thải thì một phần thịt gà tương tự là 4 đơn vị, và một phần bít tết là tới 30 đơn vị.
 
Có thể nói, từ góc nhìn khoa học, thịt bò thực chất là “nhiên liệu bẩn” của ngành thực phẩm, giống y như than đá vậy.
 
Đã trang bị những con số đó rồi, giờ ta hãy trở lại với “mệnh lệnh tuyệt đối” của Kant. Câu hỏi cốt tủy là: Nếu số lượng thịt chúng ta xài tiếp tục tăng mạnh thì thế giới sẽ ra sao, môi trường hành tinh sẽ thế nào? 
 
Việc lối sống của các nước phát triển được ngày càng nhiều người “ăn theo” khắp thế giới có tác động chính và phụ gì từ góc nhìn toàn cầu? Liệu điều đó có khả thi không? Có chấp nhận được không?
 
Đầu tiên lấy ví dụ Ấn Độ và Thái Lan, hai đất nước người ta hạn chế ăn thịt và có tỉ lệ dân ăn chay cao. 
 
Giả sử cả nhân loại có chế độ ăn thịt từ tốn như người Ấn, người Thái và người Việt cổ nữa, diện tích đất cần thiết để chăn nuôi gia súc ít hơn bây giờ rất nhiều, khí thải nhà kính giảm đáng kể, khả năng giữ nồng độ khí thải và sự nóng lên của Trái đất dưới mức chấp nhận được cao hơn.
 
Thứ đến là Tây Ban Nha, Nhật Bản, và có thể cộng thêm Việt Nam hiện nay: ba nước ăn khá nhiều thịt. Nếu cả thế giới đều ăn nhiều thịt như vậy, tất yếu phải chặt thêm khá nhiều rừng mới có đủ đất chăn nuôi, khả năng Trái đất nóng lên vượt ngưỡng an toàn sẽ tăng.
 
Cuối cùng là những số nước như Úc, Mỹ, Pháp - nơi người ta ăn thịt nhiều kỷ lục (trung bình 124 ký/người/năm) - hoặc muốn thêm điểm tham khảo giả định thì có thể là một Việt Nam tương lai. 
 
Nếu cả thế giới đều ăn thịt kiểu đó thì toàn bộ diện tích hành tinh cũng không đủ để nuôi động vật lấy thịt cho 7,8 tỉ người.
 
Suy nghĩ kiểu Kant thì người Việt tốt nhất nên bớt ăn thịt so với hiện giờ, còn người ở Úc và Mỹ phải giảm rất nhiều. Cả khí hậu học lẫn suy nghĩ về đạo đức kiểu Kant đều có vẻ đi đến kết luận này.
 
Kết luận đó không mang tính tuyệt đối, dù theo Kant, nguyên tắc đạo đức nó cậy vào vẫn phải gọi là “mệnh lệnh tuyệt đối”. Không ăn thịt rõ ràng là cách tốt nhất để mọi cá nhân góp phần bảo vệ môi trường hành tinh: quan điểm này khó mà chối cãi. 
 
Tuy nhiên, ăn thịt từ tốn, miễn là không ăn thịt bò và không xài các loại sản phẩm làm từ sữa, cũng hòa hợp được với tiêu chí do Kant đề ra, như thử nghiệm vừa mới đưa ra làm sáng tỏ.
 
Kant[-]và[-]bọn[-]ăn[-]thịt
Ảnh: scientificamerican.com
 
Với người Việt, muốn có chế độ ăn uống “thân thiện với môi trường” hơn thì chắc không cần liệt kê các món chay địa phương ngon tuyệt, hay kể cả các món chay “giả cầy” đã có lịch sử hơn một ngàn năm ở châu Á. Công nghệ sinh học hiện đại đưa ra một số giải pháp khác. 
 
Sữa làm từ thực vật cũng có lâu rồi, không chỉ có sữa đậu nành, và ngày càng dinh dưỡng cũng như thơm ngon. Thế hệ thịt mới làm từ thực vật vừa đủ bổ vừa có độ ngon khác thường nhờ công nghệ sinh học hiện đại. 
 
Cũng còn những lập luận khá phổ biến ở Việt Nam, dù không hẳn dựa trên khoa học, cho rằng nhu cầu dinh dưỡng con người chỉ được đáp ứng bởi chế độ ăn thịt, uống sữa bò chất lượng. 
 
Ăn đủ rau củ giàu chất canxi, protein sau khi từ bỏ không ăn thịt, không uống sữa bò rõ ràng là hai chuyện những người ăn chay phải tính, nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng thì thử thách đó ngày nay không quá khó giải quyết.
 
Một lập luận khác rất phổ biến ở Việt Nam là ai ăn nhiều thịt thì đang tuân theo chế độ ăn uống “tự nhiên” của nhân loại. Con người vốn ăn tạp, không ăn chay trường, là chuyện chắc. 
 
Tuy thế, như những nghiên cứu khảo cổ sinh học chứng minh, suốt hàng chục ngàn năm, con người tiền sử thường ăn ít thịt hơn nhiều so với hậu duệ của họ. 
 
Hoặc nói trong chiều hướng lịch sử gần hơn, ai cũng biết ở Việt Nam các sản phẩm làm từ sữa bò gần như chẳng ai xài trước thời Pháp thuộc.
 
Tựu trung: Chúng ta cố gắng giải quyết những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề ăn thịt, trong suy nghĩ và trên thực tế, mà vẫn cho rằng mọi người muốn ăn thịt bao nhiêu thì cứ ăn bấy nhiêu có còn được không? Theo Kant thì chắc là không. 
 
Trừ khi mình nghĩ mong muốn của mình xứng đáng được thỏa mãn hơn kẻ khác, cách suy nghĩ kiểu “ăn thịt mỗi ngày là niềm vui tự nhiên và tôi có đủ điều kiện nên đó là lựa chọn chính đáng của riêng tôi” có phần mờ ám.
 
Viễn cảnh mọi cá nhân đều phải cân nhắc những lựa chọn của mình như vậy thực sự rất lớn, bao trùm cả điều kiện sống của loài người về mặt môi trường và tương lai khá gần mà con cháu chúng ta sẽ sống. 
 
Tin vui là một “công cụ tư duy” có thể giúp chúng ta làm điều đó đã có sẵn rồi. Nó được gói gọn trong quy tắc của Kant, theo đó chúng ta nên “hành động theo phương châm mà bởi đó bạn đồng thời muốn rằng nó có thể trở thành một luật phổ quát của loài người”.
 
Đọc thì thấy khá cao xa, song nghĩ kỹ thì có thể nói gần như chưa bao giờ có phương châm triết học nào thực tế hay bức thiết hơn thế. 
CAMERON SHINGLETON
Từ khóa liên quan: Kant, , bọn, ăn thịt
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Kant và bọn ăn thịt

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 ”Ly hôn xanh” ào ạt, vì đâu?

”Ly hôn xanh” ào ạt, vì đâu?

(Tin Môi Trường) - Yêu nhanh, cưới vội, ly hôn sớm gần đây xuất hiện nhiều. Thuật ngữ "ly hôn xanh" được dùng để chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống. Nhưng chưa cần tới 5 năm, rất nhiều cặp vợ chồng đã vội vã ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn.

Tin Môi Trường
 Bộ Tài nguyên và Môi trường hoãn thi tuyển công chức

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoãn thi tuyển công chức

(Tin Môi Trường) - Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo hoãn tổ chức vòng 1 kỳ thi tuyển công chức theo chỉ tiêu biên chế năm 2023 tới 330 thí sinh đủ điều kiện dự thi.

VACNE 30 năm
 4 yếu tố giúp xác định người tham khảo thích hợp

4 yếu tố giúp xác định người tham khảo thích hợp

(Tin Môi Trường) - Trong quá trình sàng lọc ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với người tham khảo của ứng viên để xác nhận thông tin về năng lực và thái độ trong môi trường làm việc. Điều này quyết định rất lớn đến việc bạn có vượt qua vòng ứng tuyển và được nhận vào làm việc hay không.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 TẾT 2022: Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau ngày ông Công ông Táo?

TẾT 2022: Nên lau dọn bàn thờ trước hay sau ngày ông Công ông Táo?

(Tin Môi Trường) - Vào dịp cuối năm, các gia đình đều tiến hành công việc lau dọn bàn thờ. Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn trước câu hỏi: Dọn bàn thờ trước hay sau ngày cúng ông Công ông Táo mới đúng?

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI