Chất bảo quản thực phẩm này có tên gọi Bisin, sự có mặt của chúng không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm qua vài năm mà còn giúp bảo quản cả rượu vang lẫn làm gia vị cho món salad thêm thơm ngon. Khám phá này có thể coi là một cuộc cách mạng trong vấn đề bảo quản thực phẩm lẫn giảm chi tiêu mua sắm. Con số thống kê cho thấy chỉ riêng tại nước Anh mỗi năm có đến 20 triệu tấn thức ăn bị đổ bỏ vì quá thời gian sử dụng.
|
Bisin là sản phẩm của loài vi khuẩn vô hại có trong tự nhiên, nó ngăn cản sự phát triển của các loài vi khuẩn làm hỏng thực phẩm mà thậm chí có thể gây tử vong bao gồm cả E.coli, salmonella, listeria... Không chỉ có tác dụng bảo quản thực phẩm tươi sống chúng ta dùng hằng ngày, hoạt chất Bisin còn có thể ứng dụng để bảo quản các loại thực phẩm cần sự chỉ định nghiêm nghặt hơn như hải sản, pho-mát và thực phẩm đóng hộp có hạn sử dụng không dài.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Minnesota (Mỹ) tuyên bố với sự có mặt của Bisin thì không cần bảo quản trong tủ lạnh mà thực phẩm vẫn có thể dùng được sau vài năm. Hiện nay các nhà khoa học nắm bằng phát minh này đang đàm phán với giới công nghệ thực phẩm để đưa Bisin vào ứng dụng và hy vọng rằng thành quả sẽ có trong vòng ba năm tới.
Không chỉ tại phương Tây mà hiện nay thức ăn chế biến sẵn đã trở nên rất phổ biến trên thế giới, nhưng việc sản xuất công nghiệp với hàng loạt sản phẩm cũng kéo theo nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt đối với lô hàng có vấn đề. Năm ngoái tại nước Anh và xứ Wales có đến 85.000 trường hợp ngộ độc thực phẩm và khoảng 500 trường hợp tử vong vì nguyên nhân này.
Theo báo Daily Mail, lần đầu tiên Bisin được tiến sĩ Dan O’Sullivan phát hiện một cách tình cờ khi kiểm tra quần thể sinh vật cộng sinh trong đường ruột con người. Bisin thực ra cũng là hoạt chất được biết đến với khả năng chế biến pho-mát vô khuẩn để có thể sử dụng dài lâu, do vậy nó không cần phải thử nghiệm nghiêm nghặt như việc thử nghiệm một loại dược phẩm mới.