Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, vào hôm nay (7.8), đã xác nhận các kết quả xét nghiệm bún.
Được biết, tinopal nếu hấp thu vào cơ thể có thể gây các bệnh về thận, gan... nhất là có thể gây tử vong.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết dự kiến ngày 10.8, Sở Công thương sẽ công bố các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), dùng hóa chất độc hại, trên các phương tiện truyền thông.
|
“ATVSTP hiện đang là một vấn đề bức xúc lớn của xã hội. Thực phẩm nhiễm vi khuẩn, hóa chất độc hại vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao”, giáo sư Sơn đánh giá.
Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, trong 6 tháng đầu năm 2013, các đoàn thanh kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của TP.HCM đã lấy mẫu kiểm tra thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với kết quả có 937/5.094 mẫu xét nghiệm (19,1%) không đạt tiêu chuẩn ATVSTP.
Riêng Chi cục ATVSTP đã lấy 81 mẫu thực phẩm, đồ gia dụng ngẫu nhiên tại các chợ và quán ăn đường phố trên địa bàn TP.HCM. Kết quả, có 27 mẫu (33,3%) không đạt.
Các mẫu không đạt tiêu chuẩn ATVSTP tập trung ở sản phẩm: bún, hạt trân châu, trà túi lọc, sả xay, dừa tươi, nước giải khát đường phố,…
Bà Lê Ngọc Đào cho biết thêm là sở này đang tiến hành kí kết hợp tác với các đơn vị phát triển sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn. Trong đó, Sở Công thương cũng đang vận động tiểu thương tại các chợ đầu mối và các chợ truyền thống kí kết đảm bảo buôn bán thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là các cơ quan chức năng còn chưa thể kiểm soát được chất lượng, an toàn vệ sinh đối với thực phẩm tuồng vào thị trường qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.
Một cơ sở dùng hóa chất độc hại sản xuất bún - Ảnh: Công Nguyên