»

Thứ sáu, 22/11/2024, 07:45:54 AM (GMT+7)

­­­ “Chùa Hương” - nơi hội tụ của văn hóa Việt

(11:46:39 AM 01/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Người Việt Nam, mấy ai lại không biết tới hội chùa Hương. Phan Huy Chú một học giả lỗi lạc đầu thế kỷ XIX từng đánh giá hội chùa Hương là hội vui bậc nhất ở cõi trời Nam.

>>Trong tâm thức của người Việt, Hương Sơn là cõi Phật

 

Năm nào cũng vậy, mỗi độ xuân về, chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây lại thu hút hàng chục vạn khách hành hương từ mọi miền đất nước và cả những du khách nước ngoài đến đây  để vãn cảnh, lễ bái, dự hội, thăm quan du lịch. Không chỉ là miền đất Phật mà còn là nơi có cảnh thiên nhiên đẹp, nhiều chùa cổ, nhiều hang động kỳ thú ,với những dãy núi đá vôi nhấp nhô, những dòng suối chảy men chân núi, cánh đồng màu mỡ mở rộng trông ra châu thổ, hệt như một bức tranh sơn thủy .

“ Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy Thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt
Đá hỏm hang đen tối tối mò.
Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gối
Phàm trần chưa biết, nhắn nhe cho”
(Tản Đà )
 
Hội chùa Hương, lễ hội dài nhất nước
 
Chùa “Hương"chỉ cách Hà Nội 60 km về phía Tây Nam nhưng lại hội đủ các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch hang động… Hội chùa Hương diễn ra trong suốt mùa xuân là lễ hội kéo dài nhất và đông nhất nước ta. Chùa Hương là một tập hợp nhiều động nhiều chùa trong một tổng thể hòa hợp giữa kiến trúc và một vùng thiên nhiên thơ mộng huyền ảo bao gồm núi đồi khe suối rừng cây. Hội chùa Hương kéo dài gần 3 tháng từ tháng giêng tới  tháng 3 âm lịch bắt đầu từ mùng 6 tết, chính hội là vào ngày mùng 19-2 âm lịch vì theo tương truyền đó là ngày giáng thế của Đức Quan Thế Âm, nghĩa là ngày sinh của bà Chúa Ba ở chùa Hương. Do vậy hội chùa Hương đã tạo nên một vị trí đặc biệt trong tâm linh người Việt, khiến cho tất cả du khách khi đến đây đều có một cảm giác rất thanh tịnh, thoải mái !
 
Hội chùa Hương dung nạp nhiều yếu tố tôn giáo đáp ứng được nhu cầu tâm linh trong cuộc sống của người việt .Chùa Hương tuy thờ phật là chính ,nhưng không chối bỏ tín ngưỡng dân gian giống như nhiều chùa trên đất Việt .
 
Ngoài ra khi đến với chùa Hương, du khách còn được hòa mình trong bầu không khí hết sức thân thiện nồng hậu cuả tất cả mọi người từ du khách cho đến những người dân bản xứ. Sở dĩ vì cả mùa xuân thiện nam tín ngữ đổ về đây, cầu xin đức phật phù hộ độ trì nhưng  thoạt gặp họ đã coi nhau như người nhà nhanh chóng làm quen kết bạn, phải chăng mà từ đây có câu “cùng hội cùng thuyền”.
 
Quần thể Hương Sơn, một đại kỳ quan của đất nước
 
Đến với chùa Hương du khách có thể đi bằng nhiều đường: đường bộ, đường thủy… mà bến Đục là điểm xuất phát của hành trình. Từ bến Đục, du khách đi bằng đường bộ xuyên qua rừng mơ, là con đường mòn của các tiều phu vào rừng lấy củi, hái thuốc. Đi đường bộ có cái thú của người đi bộ, người leo núi, được hòa mình vào nhiều chùa, hang, cảnh đẹp, được có dịp thắp nén nhang bên ngôi mộ Tản Đà, một thi sĩ dang tiếng của Việt Nam sống ở nửa đầu thế kỷ XX.
 
Nhưng thông thường du khách thích đi đường thuỷ. Mọi người cùng xuống đò do các cô gái làng Yến chèo lái, thả lững lờ dọc suối Yến, lặng ngắm hai bên bờ, xa xa sau màn sương mỏng nhẹ là trùng điệp núi biếc. Nếu ngồi cạnh bạn lại là một khách ưa chuyện trò, hiểu biết kể cho bạn nghe những huyền thoại đất Hương Sơn thì không còn gì thú vị hơn.
     
Suối Yến nằm uốn mình dưới chân bao ngọn núi, bao cánh rừng mềm mại như một dải lụa trắng nối liền giữa cuộc đời trần tục ồn ào với một góc Bồng lai thanh tịnh. Nước suối Yến rất trong, không hiểu sao bến lại có tên là Đục, phải chăng người xưa muốn ám chỉ tâm hồn của du khách khi mới bắt đầu cuộc hành trình còn thật lắm bụi trần vương.

Từ bến Đục ta sẽ bước lên một chiếc thuyền nhỏ, nhẹ nhàng như một cánh lá lướt xuôi theo dòng nước êm đềm đưa ta về một cõi thật nên thơ. Nếu khởi hành vào lúc trời sáng sớm, cảnh vật còn bàng bạc trong màn sương sớm, chắc hẳn bạn sẽ không còn thấy thuyền, thấy sông, chỉ thấy mình bồng bềnh nhẹ lướt như đang thực sự đi về nơi tiên cảnh.
 
Đường vào Hương Tích lượn quanh
Nước non gấm dệt, mầu xanh phủ màn
Người Niệm Phật, khách tham quan,
Suối thanh tịnh rửa nhẹ nhàng trần duyên...
 
Cuộc hành trình trên thuyền chừng một giờ rưỡi sẽ đưa ta đi qua biết bao ngọn núi, bao cánh rừng với những mái chùa ẩn hiện ở xa xa. Ở đây mỗi ngọn núi đều có một hình dáng riêng, một tên gọi riêng, trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau hai bên bờ. Tục truyền rằng ở đây có một trăm ngọn núi, chín mươi chín ngọn quay đầu về hướng động Hương Tích đảnh lễ Phật, chỉ riêng núi Tượng bướng bỉnh ngoảnh đầu đi nơi khác, nên bị Vị Hộ Pháp vung gươm chém sạt một bên hông.
 
Kìa núi Gà, núi Tượng, núi Chống, núi Chiêng
           Chưa qua núi lại thấy đò bên cạnh núi.
 
Sau giây phút lặng người, ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên hung vĩ, đò dừng lại ở khu đền Trình, để tất cả mọi người vào làm lễ trình diện với các vị sơn thần, với một dũng tướng của vua Hùng cai quản vùng đất thiêng. Đến với địa điểm này, tất cả chúng tôi ,ai nấy đều có một cảm giác  rất mơ hồ, giống như đang lạc vào cõi thanh tịnh  của chốn cửa phật linh thiêng.
 
Rời Đền Trình tất cả đoàn chúng tôi rời đến với khu đền Thiên Trù để chuẩn bị cho chuyến đi vất vả nhưng thật đáng nhớ vào Động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Tương truyền rằng, vào đời vua Lê Thánh Tông thế kỷ 15, trong một lần đi tuần thú phương Nam nhà vua đã ghé đến nơi đây và gọi vùng đất này là Thiên Trù. Sau đó còn có ba vị Hòa thượng đến đây dựng thảo am tu tập. Nhưng phải đến thế kỷ thứ 17, năm 1687, Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang Châu Nhân đến dây tu hành, và vùng núi này mới bắt đầu được mỡ mang xây dựng thành một trung tâm Phật giáo, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng như hiện nay.
 
Thiên Trù-Bếp trời, chẳng biết các thiên tướng nhà trời có phải xuống đây đặt bếp hay không, nhưng các đoàn hành hương mỗi khi đến đây đều phải lo ăn uống cho thật no, nai nịt gọn gàng chuẩn bị cho cuộc hành hương vào chùa trong. Trước chuyến đi ai cũng đi vòng, quanh chùa Thiên Trù thắp vài nén hương cầu Phật phù hộ cho chân cứng đá mềm rồi khỏi hành đến chùa Trong- Động Hương Tích, nơi quan trọng nhất, thiêng liêng nhất, đẹp nhất của Hương Sơn. Đường vào chùa Trong chỉ hơn 2 cây số, nhưng là hàng ngàn bậc đá nằm cheo leo, vắt vẻo trên sườn núi, cứ lên cao, cao mãi, nhìn xa xa lấp giữa muôn mầu lá, thấy một đoàn người cứ nối đuôi nhau như đi trên chiếc thang lên giữa trời. Trên đường đi có nhiều tảng đá đã mòn vẹt, trơn nhẫy, bởi muôn vàn buớc chân của khách hành hương, nhiều tảng đá cao chông chênh, đôi khi phải gập người mới lên khỏi, nhưng không thấy ai than thở, ca thán, bởi ai cũng mang theo trong hàng trang của mình một chiếc gậy trúc cầm tay, một câu kinh nơi cửa miệng: Nam Mô A Di Đà Phật.
 
Trên đường vào Động Hương Tích, ta sẽ còn đi qua thật nhiều địa danh nổi tiếng nữa: Chùa giải oan, Đền cửa Võng, giếng Long Tuyền, am Phật Tích, Động Tuyết Quỳnh, những địa danh đã đi vào thơ ca của biết bao nhà thơ lớn như trong bài Phong cảnh Hương Sơn của nhà thơ Chu Mạnh Trinh.
 
Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
                    Này am Phật Tích, này động Tuyết Quỳnh
 
Quả thực Hang động ở Hương Sơn là yếu tố cấu thành quan trọng để quần thể Hương Sơn trở thành danh thắng nổi tiếng. Hiện nay ở  Hương Sơn người ta đã tìm ra rất nhiều hang động đẹp như  hang Sơn Thủy Hữu Tình, hang Long Vân,, hang Trú Quân, động Tuyết Sơn, động Hương Tích…Ngoài ra ở Hương Sơn có một điều cũng khá thú vị đó là các chùa ở đây thường  đi liền với hang, do đó người ta còn gọi là chùa hang (chùa ở trong hang) như chùa Tuyết Sơn, chùa Cá, chùa Cây Khế, chùa Hinh Bồng, chùa Tiên, chùa Giải Oan... Trong tất cả các hang động, nổi bật hơn cả là động Hương Tích và động Tuyết Sơn. Đặc biệt là động Hương Tích.
 
Động Hương Tích rất to và rộng . Người xưa coi động Hương Tích là miệng con rồng.Theo quan niệm dân gian, đã đi chùa Hương mà chưa tới động Hương Tích coi như chưa tới chùa Hương. Do vậy mỗi lần đến đây dù mệt nhọc tới cỡ nào đi chăng nữa, nhưng hầu như tất cả du khách đều cố công leo cho tới động đẹp nhất tại nơi này.
 
Động hương tích là một hang động lớn nằm ở vị thế lưng chừng núi, trong hang động có hang ngàn nhũ đá với đủ kiểu dáng và hình thù khác nhau hệt như những tác phẩm tuyệt mỹ mà tạo hóa phải thầm lặng hàng triệu năm bồi hoàn mới thành khối, thành hình lạ lùng đến thế. Và có lẽ cũng vì lẽ này ,vào năm Canh Dần (1770) Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, người có tài văn chương tuần thú qua vùng Hương Sơn, đã đặt bút khắc năm chữ: "Nam thiên đệ nhất động" (động đẹp nhất trời Nam). Điều đó, chứng tỏ không phải ngày hôm nay mà cách đây hơn hai thế kỷ non nước Hương Sơn đã nổi tiếng.
 
Từ cửa động đi xuống dưới lòng hang phải vượt qua chừng một trăm bậc đá, càng xuống dưới ta sẽ càng thấy sáng sủa hơn, thoáng mát, nhẹ nhõm hơn. Trong giây lát, bao nhiêu mệt nhọc của đoạn đường leo núi đều tan đi đâu mất, chỉ thấy trong lòng rộn một niềm lâng lâng. Trong Động Hương Tích có muôn vàn tượng Phật lớn nhỏ, được khắc vào đá, được tạc lên các nhũ thạch rủ xuống muôn mầu, muôn sắc. Nhưng đẹp nhất, bề thế nhất là bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay ở chính giữa bàn thờ.
        
Sau động Hương Tích là động Tuyết Sơn. Động này Phan Huy Chú đã từng giới thiệu trong sách Lịch triều hiến chương loại chí: "Tuyết Sơn”ở huyện Hoài An, có nhiều lớp núi cao, trong núi có động rất đẹp. Trong động có nhũ đá nhủ xuống, trùng trập hiện ra, coi như vảy rồng. Trên ngọn núi có tượng phật bằng đá, lại có những cây thông mọc từng hàng, coi như một dãy tán. Cảnh trí xanh tốt, âm u". Chỗ nhũ đá như ổ rồng được đặt tên là động Ngọc Long. Chúa Trịnh Sâm đã thăm thú nơi này, cảm tác hai bài thơ (một Hán, một Nôm) tạc đề ở cửa động. Chùa Tuyết được xác lập vào năm Giáp Tuất (1694) do bà Quận phu nhân Hoàng Ngọc Hương bỏ tiền ra tu chỉnh. Bia Chính Hòa năm 24 (1703) ở chùa Tuyết có ghi về việc này.
 
Không phải ngẫu nhiên các bậc tao nhân mặc khách của nhiều thời đã tìm đến Hương Sơn và để lại nhiều bài thơ hay, lắng sâu trong trái tim bạn đọc, sống mãi với thời gian, góp tiếng nói đưa Hương Sơn trở thành danh thắng không của một vùng mà của cả nước . Cũng không phải ngẫu nhiên, ca dao - tâm tư tình cảm của người lao động - được sưu tầm ở Hương Sơn, lại dành nhiều câu ca ngợi vẻ đẹp của Hương Sơn như thế . Do đó, tuy du khách đến chùa Hương có nhiều mục đích khác nhau nhưng mục đích tích cực nhất là để hướng đến với cái thiện, cái đẹp, phản ánh sự khao khát của con người hướng tới ước vọng tự hoàn thiện bản thân mình. Yếu tố này tạo nên sắc thái văn hóa du lịch của hội chùa Hương.
 
(Còn tiếp)

Phùng Thế Trường - Sinh viên K 3A Sư phạm Mỹ thuật -Trường ĐHSPNTTW
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: ­­­ “Chùa Hương” - nơi hội tụ của văn hóa Việt

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9

Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9

(Tin Môi Trường) - Hòa chung với niềm phấn khởi tự hào của nhân dân cả nước đón chào Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), nhân dân làng Vạn Lộc, xã Xuân Phong (được sát nhập thành xã Xuân Giang từ ngày 01/9/2024), huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định long trọng tổ chức lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Tin Môi Trường
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

VACNE 30 năm
 Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Đa hơn 250 năm tuổi trong khuôn viên Đình làng thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được chính quyền và nhân dân long trọng tổ chức Lễ cong nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 24/4/2024.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI