Tin môi trường và bạn đọc » Thấy và viết
Tận diệt thú rừng
(16:30:41 PM 01/11/2012)
Thú rừng đang bị tàn sát ở nhiều tỉnh thành, là đặc sản trên bàn nhậu trong nhà hàng, quán ăn. Điều đáng nói, nhiều loài thú quý hiếm được buôn bán công khai và ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài.
Kỳ 1: Tấp nập kẻ bán người mua
Phóng viên Tuổi Trẻ điều tra và phát hiện nhiều tay buôn bán thú rừng xây cả hầm bí mật cùng các kho chứa hàng ở các khu hẻo lánh để cất giấu thú rừng.
Ông Dương - chủ lò thịt rừng ở TP.HCM - ngang nhiên đưa thịt thú rừng ra bán trên lề đường - Ảnh: Ngọc Khải |
Loại nào cũng có
Theo điều tra của chúng tôi, một trong những lò thịt rừng hoạt động đình đám ở TP.HCM hiện nay là của ông Dương (trạc 40 tuổi). Ông Dương thuê mảnh đất trống có cổng rào rộng khoảng 100m2 trên hương lộ 3 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) với giá 2 triệu đồng/tháng. Ở đây chứa đủ loại thú rừng, đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày đêm tấp nập ra vào. Để tiếp thị, ông Dương còn ngang nhiên đưa cả thú rừng ra lề đường treo bán. Bên trên bàn, những con thú bị thắt cổ treo lủng lẳng cùng những thùng nhựa đựng rắn, lồng sắt nhốt heo rừng, chồn hương và vạc con nằm la liệt dưới đất.
17g ngày 17-10, có hai thanh niên vào mua thú, ông Dương nói thẳng: “Hàng rừng chỗ tôi gì cũng sẵn. Hiện đang có một số chồn hương, cheo và gấu chó con 6kg. Mua đây cũng được hoặc cứ điện thoại đặt hàng sẽ có người giao ngay. Độc như hổ, gấu con chỉ cần ít bữa là hàng về”. Nói xong, ông Dương nghe điện thoại rồi lấy xe máy chạy đi và xách hai con cheo đông lạnh về. Ông ta cho biết cheo đang hút hàng nên hôm nay bán hết chín con sống rồi.
Tùy vào tình trạng sống chết, sức khỏe của thú rừng mà ông Dương chia làm bốn loại: nằm (tức bị thương nặng), ngáp (bị thương nhẹ), đứng (khỏe mạnh) và hàng đông lạnh. Hàng đứng có giá cao nhất và được nhiều người chọn mua. Theo đó, giá dơi ngựa 450.000 đồng/con, chồn đèn 300.000 đồng/kg, chồn mướp 700.000 đồng/kg, chồn hương 900.000 đồng/kg, hổ mang chúa 1,8 triệu đồng/kg... Ông Dương nói: “Ở khu vực này tôi là vựa lớn, nhiều người cũng mua nhưng bị hốt hết rồi. Ông Tèo là một đầu nậu cung cấp thịt rừng trên đường này cũng bị bắt và đóng tiền phạt. Bọn nó không quen biết gì nên bị bắt hoài”.
Theo điều tra, ông Dương còn có một số mặt hàng thú rừng cực quý nhốt tại lò bí mật tận quận Tân Phú nhằm đề phòng lò thịt rừng ở hương lộ 3 bị kiểm tra đột xuất. Tại lò này đang có gấu chó rừng nặng 6kg, giá 23 triệu đồng/con. “Con này mới “tách sữa” nên vừa có thể làm kiểng vừa có giá trị ngâm rượu làm thuốc và nhất là mồi nhậu. Bộ lòng gấu nếu xào nấu đúng cách thì nhậu bao nhiêu cho đủ” - ông Dương cười nói.
Ông Dương quê ở huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk, có thâm niên hơn chục năm buôn bán hàng động vật hoang dã tại TP.HCM. Nguồn hàng của ông ta khá phong phú, trong đó phần lớn có nguồn gốc từ mạn rừng Tây nguyên (chủ yếu Đắk Lắk), hàng do các tay săn thú đem từ khu rừng biên giới Campuchia về. Một số mặt hàng chim rừng cũng được ông Dương gom từ các thợ săn miền Tây mang lên.
Khi trở lại lần hai vào trưa 21-10, chúng tôi tiếp tục chứng kiến khách hàng tấp nập vào mua thịt rừng tại lò của ông Dương. Hàng chục con chồn hương, vạc, dúi, heo rừng được nhốt trong lồng sắt. Hôm nay, ông Dương tập kết thêm hai con mèo rừng, một con 4kg, một con 2kg với giá 450.000 đồng/kg. Sâu bên trong là các lồng sắt đựng vạc cũng như các thùng xốp đựng thịt rừng đông lạnh. Vừa ngồi xuống buôn chuyện, chúng tôi gặp ngay một thanh niên sà đến, bắt ba con vạc non với giá 200.000 đồng/con. Khách hàng của ông Dương ngoài vãng lai còn có khách ruột ở TP.HCM và cả Hà Nội. “Tui mới đóng thùng hàng mười con vạc và chồn gửi ra Hà Nội” - ông ta khoe.
Một phụ nữ dùng đèn khò làm lông con chồn tại khu vựa chứa thú rừng (xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) - Ảnh: Ngọc Khải |
Xây hầm bí mật chứa thú quý
Cuối tháng 10, chúng tôi ngược về Bình Phước để tiếp cận điểm mua thú rừng của ông Bình, một đầu nậu bán thú rừng lớn ở thị xã Đồng Xoài. Nơi tập kết hàng cũng là nhà ông Bình nằm ngay đường Nguyễn Huệ, P.Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài. Những lồng thú được ông Bình bày đầy trên sàn sau nhà. Không những thế, ông Bình còn cho xây dựng cả một hầm bí mật để trữ các loài động vật rừng quý hiếm.
Cẩn trọng hơn, ông Bình còn bố trí ít nhất bốn camera quan sát: một được đặt trước hiên nhà, ba cái còn lại đặt xung quanh khu nhốt thú. Một hàng dài các lồng thú rừng được xếp lớp này nối lớp kia, bao quanh cả khu nhà rộng hơn 70m2. Những thùng sắt với hàng chục con dúi đang bị nhốt lúc nhúc kêu chin chít. Những con cheo hiền lành co rúm trong lồng sắt và có cả một con cheo bị đứt lìa chân, máu chảy thành vệt. “Nó mới bị đánh bẫy ngoài rừng mang về, chân còn nguyên máu” - người làm của ông Bình giải thích.
Được treo giữa nhà, phía trên hồ nuôi cá trê là lồng nhốt khỉ. Kế đó là những lồng nhốt chồn hương, chồn mướp. Ở góc nhà là gần mười bao rắn hổ mang đất, mang bành, rắn ráo trâu, hổ hành, hổ mang chúa... phun phè phè khi thấy người đến. Phía gần trong cùng là những lồng kỳ đà với hơn chục con. Có con kỳ đà nặng đến 5-6kg với cái mồm há hốc, lưỡi đỏ au thụt thè liên hồi. Phía sau cùng của nơi chứa thú có một cánh cổng lưới sắt B40 đóng kín dẫn ra sau để đi xuống hầm bí mật, nơi chứa những loại thú đặc biệt. Vờ tìm chỗ rửa mặt, chúng tôi đi ra, cầm cánh cổng lưới sắt toan mở thì một thanh niên mặt lầm lì chạy tới giữ chặt cánh cổng: “Anh đi đâu, không được xuống đó”.
Khi chúng tôi đến, có ba khách hàng đang mua thú rừng của ông Bình. Bà Hoa, vợ ông Bình, cùng ba thanh niên là người làm giới thiệu các loại thú rừng. Một thanh niên mặc áo sơmi trắng cho biết: “Đang kiếm vài con dúi về nhậu chơi”. Sau một hồi chọn lựa, người thanh niên lấy bốn con dúi rừng cân nặng 5,3kg. Riêng hai người đàn ông còn lại sau một hồi săm soi đã quyết định mua một con cheo nặng hơn 1kg với giá 320.000 đồng/kg.
Con cheo được người làm của ông Bình bắt ra khỏi lồng. Nó co rúm người trong bàn tay to bè của người thanh niên đang tiến về góc nhà. Rồi anh ta cầm con dao sắc nhọn cứa ngang cổ họng con vật. Con cheo mềm oặt, máu chảy ra từ cuống họng cùng hàng nước mắt rịn ra hai bên má. Người thanh niên xách con thú xuống cuối hành lang, bật vòi bình gas để khò đốt trụi lông. Và chỉ chưa đầy năm phút, lớp da con cheo lộ ra rám lửa vàng ươm, rướm mỡ. Anh ta đắc chí: “Quá thơm, con này nhậu bá cháy”.
Bán hàng từ sáng tới khuya
Tại lò ông Bình có khá nhiều tủ lạnh loại lớn. Một tủ lạnh loại nằm để trên nhà dành chứa các loại thú rừng nhỏ như cheo, mễn, cúi, cầy, kỳ đà, rắn... đã làm sẵn. Còn loại tủ đứng chỉ dành làm lạnh thú nhỏ còn nguyên trạng để bịch nilông cùng các tảng thịt đã xẻ từ 1-3kg của thú lớn như nai, sơn dương, heo rừng... Riêng các loại đùi, đầu thú lớn thì ông Bình cho đàn em mang ướp riêng trong một tủ tại hầm bí mật nằm sâu phía sau nhà.
Sáng 25-10, chúng tôi trở lại lò ông Bình và bắt gặp nhiều xe của các tay săn thú dựng ngổn ngang trước cửa nhà. 9g40, một thanh niên đi xe Wave khệ nệ bê một thùng xốp lớn buộc vào xe chạy theo đường Nguyễn Huệ, sau đó quẹo trái lên đường Phú Riềng Đỏ. Tới hẻm 326, ấp 3, đường Phú Riềng Đỏ, P.Tân Xuân thì dừng lại giao khoảng 2kg thịt rừng cho một thanh niên khác. Tiếp đó, xe chạy về hướng ấp Tân Long, huyện Phú Giáo rồi đi tắt qua đập nước sông Bé vòng ra ngã ba Bến Trám, giao với quốc lộ 14C thì dừng lại. Tại đây, thanh niên này đưa số thịt thú rừng nặng hàng chục ký lên một ôtô 24 chỗ chờ sẵn để chở hàng về TP.HCM tiêu thụ.
9g ngày 25-10, hai người đàn ông đi ôtô bảy chỗ vào lò ông Bình, khệ nệ khiêng thùng xốp đựng thú để vào sau xe. Sau đó xe này chạy ra quốc lộ 14C rồi hướng về TP.HCM. Khoảng 16g40, một ôtô Ford sang trọng đỗ xịch trước nhà ông Bình. Hai người đàn ông và một phụ nữ xuống xe cầm túi đi vào. Sau khi đảo một vòng qua dãy lồng sắt nhốt các loại thú, một trong hai người đàn ông hỏi: “Còn đùi nai hay đùi heo rừng không?”. Bà Hoa vồn vã: “Anh muốn lấy mấy đùi cũng có”. Chừng 10 phút sau, người làm của ông Bình xuống hầm bí mật vác lên hai đùi heo rừng loại lớn, một đùi nai khoảng 30kg, thả bịch xuống nền gạch bông nhớp nháp. Người phụ nữ trong nhóm tới các lồng sắt lựa thêm một số dúi, cheo, gà rừng còn sống và thịt cầy hương, mễn đã chết để trong tủ lạnh. Khách lựa xong, bà Hoa gom thú lên nhà trên tỉ mỉ cân từng loại rồi tính giá, lấy tiền. Chủ hàng cho biết thường tới tận lò thú rừng của ông Bình lấy hàng về bán tại quán thịt rừng của gia đình ở Lái Thiêu (Bình Dương).
16g50 cùng ngày, có hai thanh niên đi xe Dream mang bao lưới đựng một con chồn bị thương vào bán. Tiếp đó khoảng 20 phút, một người đàn ông đi xe tay ga mang 2kg thịt heo rừng, được chặt thành miếng tươi rói từ lò đi ra. Bà Hoa tay vừa đếm tiền vừa nói: “Tại đây từ 7g sáng tới 22g khuya mới “chốt lò” ngừng mua bán”.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải
- Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
- Cuốn sách “Tài nguyên thiên nhiên – nền tảng chuyển đổi xanh” do VACNE biên soạn đã cơ bản hoàn thành
- Vỉnh Phúc: Cây Gạo cổ thụ trăm tuổi tại chùa Long Khánh được vinh danh Cây Di sản Việt Nam
- Đón Bằng Công nhận Cây Di sản Việt Nam là hoạt động mở đầu cho Lễ hội Hương sắc Na Hang -Tuyên Quang
- Cây Bách xanh đầu tiên được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
- Hai cây cổ thụ gần 200 năm tuổi ở Hải Dương được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Cây cổ thụ đầu tiên của khu vực phía Nam được vinh danh Cây Di sản Việt Nam năm 2024
- HANE: Khởi động chương trình "Một triệu cây vì biển đảo tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh”.
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội
(Tin Môi Trường) - Sáng 26/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành năm 2024.
- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1
- Cuốn sách “Tài nguyên thiên nhiên và chuyển đổi xanh” sẽ được hoàn thiện vào cuối năm
- Các cấp chính quyền và đoàn thể, cộng đồng nhân dân chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh
Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”
(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.