Di sản xanh » Văn hóa
Xuân ở bản người Mông nơi rẻo cao Nặm Pọng
(07:58:48 AM 04/01/2014)( Ảnh minh họa )
* Ấm áp xuân rẻo cao
Để đến được bản Nặm Pọng, chúng tôi phải trải qua hành trình gần 50 km, xuôi theo quốc lộ 279 hướng Hà Nội, rồi vượt hàng chục km đường đèo dốc, đồi núi theo độ cao cứ tăng dần. Khi con đường đất liên bản đến các bản Chan I, Chan II dẫn đến một con dốc cao ngất, chúng tôi đã đặt chân đến cửa ngõ bản Nặm Pọng. Văn hóa trọng tình, mến khách của người Mông đen nơi đây vốn dĩ đã có từ thủa “khai sơn, lập địa” được thể hiện bằng sự hiện diện của trưởng bản Vàng A Páo (44 tuổi). Ông Páo ra đón chúng tôi như những đứa con của bản đi xa lâu ngày trở về. Trưởng bản Vàng A Páo kể: “Nghe cha ông kể lại thì từ trước thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), vùng đất quanh năm chỉ có sương mù, mây phủ này đã có 3 hộ người Mông sinh sống rồi, lúc ấy tên bản vẫn chưa có đâu. Đến khoảng năm 1960 số hộ dân ở đây cũng chỉ mới có 6 hộ thôi. Từ năm 1972, người Mông chúng tôi mới tìm về đây cùng chung tay xây dựng bản. Không như trước đây, chúng tôi giờ đã làm chủ được dòng suối Nặm Pọng và gắn liền với nó trong cuộc sống”.
Dõi theo ánh nhìn của Trưởng bản Vàng A Páo, chúng tôi thấy khung cảnh bản Nặm Pọng thật yên bình: Từ thượng nguồn suối Nặm Pọng xuôi về phía hạ nguồn trước lúc đổ dồn xuống khu vực ruộng lúa nước của bản, từng tốp nhà trệt nằm ở những độ cao khác tựa lưng vào núi của bà con dân tộc Mông đang ẩn hiện trong sương sớm và khói bếp. “Tết người Mông năm nay, bản mình ăn Tết từ ngày 1 tháng 12 (âm lịch) và kéo dài đến nhiều ngày sau. Thời điểm này, không khí Tết đã có rồi đấy, vui lắm”- Trưởng bản Páo hồ hởi khoe.
Từ độ cao của con dốc đầu bản nhìn xuống, chúng tôi thấy từng tốp nam, nữ thanh niên đang chơi tu lu (đánh cù) trên những con đường ngoằn nghoèo phía dưới chân, hay trên những đám ruộng sau mùa gặt phía xa xa. Bên con dốc đầu bản, gần 20 đứa trẻ xúng xính trong những bộ quần áo, váy mới đang chơi trò chọi cù. Tiếng cười của các em giòn tan, như đập vào vách núi, vang xa. Chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ hây, tay vẫn thoăn thắt quấn dây cù, em Giàng A Thàng, cho biết: Khi mẹ thức dậy nổi lửa đồ nếp để làm bánh dày thì em cũng dậy đi gọi các bạn ra đây. Tết mà. Chơi trò này vui lắm anh ạ”.
Chúng tôi ngược con dốc cao để lên nhà anh Giàng A Chứ (24 tuổi). Trong nhà anh Chứ, mọi người đang nói chuyện vui vẻ dù tất bật với công việc. Đàn ông, thanh niên xắn tay làm thịt lợn, phụ nữ lau lá dong, giã bánh dày, nấu thức ăn... Anh Giàng A Chứ cho biết: "Người dân tộc Mông mình, Tết đến ai cũng vui vì được gặp lại người thân, họ hàng bởi ngày bình thường ít có dịp gặp nhau vì bận đi rẫy, lên nương. Tết là dịp để anh em họ hàng gặp nhau, uống với nhau chén rượu, chúc cho nhau sang năm mới làm ruộng, làm nương được nhiều thóc, ngô, nuôi được nhiều trâu, nhiều gà, nhiều lợn. Anh em họ hàng không bị ốm đau bệnh tật”.
Men theo những bờ rào được xếp cao bằng đá, chúng tôi đi ngược lên vào trung tâm bản. Đặt chân lên nền nhà cao, chủ nhà- anh Giàng A Lứ (41 tuổi) đã dừng việc nhà, ra tận cửa đon đả bắt tay và chúc chúng tôi những điều tốt đẹp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ rộng, vững chãi, anh Lứ cho biết : “Gia đình mình có người thân ở mãi tận huyện Tủa Chùa về chơi tết. Mình cho con và vợ đưa đi đến chúc tết họ hàng từ sáng rồi…”. Vừa nghe anh Lứ kể chuyện, chúng tôi vừa nghe tiếng giã bánh dày vang dậy khắp bản và tiếng khèn lá từ phía núi xa xa vọng lại.
* Những nghi thức độc đáo
Đầu giờ chiều, chúng tôi trở lại giữa bản, vào nhà ông Giàng A Giống (75 tuổi) để chúc Tết. Nhà ông Giống lúc này đông vui lắm. Đám thanh niên đang hì hụi bên cối giã bánh dày đặt trước nhà, chếch mé đầu hồi. Các mẹ, các bà, các chị người Mông đang nhanh tay lau sạch lá dong, nặn và gói bánh dày cho vào lu-cở để ăn dần trong những ngày Tết. Đám trẻ nhỏ đứa mải mê với việc chơi cù, đứa thì ngồi ngắm chị thêu thùa những đường chỉ cuối cùng cho chiếc váy, áo sặc sỡ thổ cẩm…
Ông Giống đang cầm một nhánh cây rừng đều đặn quét lên những bức vách gỗ của ngôi nhà, miệng ông rì rầm những điều không nghe rõ. Người nhà của ông cho biết: “Ông cụ đang xua đuổi những điều xấu ra khỏi nhà trước lúc đón tổ tiên và những điều may mắn về nhà”. Sau khi thực hiện nghi thức trên, ông Giống vác cuốc ra sau nhà, cào một đường lên mặt đất chạy dài theo chiều dài mái nhà. Trong quá trình làm, miệng ông cũng lầm rầm đọc những câu tiếng Mông… Theo ông Giống, đó là việc làm có ý nghĩa khẳng định phần đất đai cho “thổ địa” và tổ tiên biết để gìn giữ, bảo vệ những người sống trên đó gặp an lành, không bị điều xấu làm tổn hại.
Điều làm chúng tôi cuốn hút nữa là nghi thức “bắt bỏ” điều xấu ra khỏi nhà mà ông Giống thực hiện trước lúc gia đình bắt đầu đón tết. Tại những chân cột nhà, chuồng trâu, chuồng gà, ông Giống đều đặt tự tay đặt một mấu giấy gọi là giấy Tớ (tiếng Mông: ntawv ), trên có miếng vải đỏ có kích thước nhỏ hơn. Sau khi cây hương thắp lên cháy được hơn một nửa, chủ nhà bắt đầu nghi thức “bắt bỏ điều xấu”. Tại những nơi có đặt mẩu giấy tớ, vải đỏ, ông đều đọc rì rầm tiếng Mông, tay cầm gậy nhỏ, dài khều cho chiếc vải đỏ rời khỏi mảnh giấy Tớ. Rồi ông nhặt cả mẩu giấy và vải đỏ bỏ vào một ống nứa tre nhỏ. Kết thúc nghi thức này, ông lặng lẽ, nghiêm trang mang ống nứa ra khỏi nhà đi vứt bỏ. Nhưng không ai biết ông Giống vứt ở đâu, vứt khi nào vì theo “cái lý” của người Mông, điều tối kỵ của việc này là để ai đó phát hiện mình vứt giấy ở đâu, khi nào nên không ai được phép đi theo ông.
Độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc trong Tết của người Mông đen ở Nặm Pọng còn thể hiện ở bàn thờ trong những ngày Tết của họ. Ban thờ ở chính giữa hướng cửa, một tờ giấy trắng được gắn lên, giữa tờ giấy trắng là 3 lọn lông gà trống gắn chặt vào đó bằng tiết gà. Lọn lông gà thứ nhất có tác dụng trừ tà, không để tà ma vào được nhà; lọn thứ hai để bảo vệ sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình. Lọn thứ 3 bảo vệ họ hàng, làng bản bình yên.
Anh Giàng A Lứ cho biết: 3 lọn lông gà này phải lấy từ chính những chiếc lông đẹp nhất sau gáy con gà trống lúc cắt tiết thịt để cúng tổ tiên vào đêm cuối cùng của năm cũ. Nghi thức này được sử dụng khi xây dựng nhà cửa, tách hộ được 1 năm, nhưng bắt buộc không thể không có khi nhà đã xây dựng xong được 2 năm. Thứ tự dán 3 lọn lông gà này cũng phải theo trật tự nhất định từ trái qua phải.
Điều đặc biệt, sau nghi thức lập bàn thờ cúng tổ tiên (gồm các lễ vật chính: một con gà trống luộc chín, chiếc bánh dầy to, hoa quả) là nghi thức dán những mẩu giấy Tớ trắng lên những vật dụng sinh hoạt như như cày, cuốc, dao, máy khâu, chuồng gà… Quan niệm của đồng bào Mông ở Nặm Pọng cho rằng để các vật dụng có “sức khỏe” thì chúng cũng phải được nghỉ ngơi như con người. Đặc biệt hơn, các vật dụng gần gũi với người Mông như dao, cuốc, xẻng… cũng được dựng cạnh ban thờ tổ tiên để thờ cúng.
Chúng tôi rời bản rẻo cao Nặm Pọng khi người dân ở đây đang chuẩn bị những bó đuốc cho nghi thức “lấy nước về bản”. Trên con đường rời bản ngập tràn sắc hoa dã quỳ, chúng tôi bắt gặp những tốp thanh niên năm nữ đang rủ nhau đi chúc Tết. Không khí nhộn nhịp ở đây báo hiệu một mùa xuân đang về trên bản Mông Nặm Pọng.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
- Đào Đức Hiếu: Người mang trà Việt vươn tầm quốc tế
- Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng”
- Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9
- Ký ức quê hương:Đêm nhạc cảm xúc với tinh thần "Xanh"
- Hoa hậu Lương Thùy Linh cùng 4 đại sứ nhí sẽ góp mặt trong chương trình “Vì môi trường xanh Quốc Gia 2024”
- Hoa hậu Lương Thùy Linh làm Đại sứ Chương trình "Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024"
- Bản đồ Việt Nam kết từ 5.000 chậu sen, lớn nhất từ trước đến nay
- Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt lần VII - 2024 sẽ được tổ chức tại Thái Lan
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...
Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
(Tin Môi Trường) - Di tích lịch sử mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.