Di sản xanh » Văn hóa
Vì sao công trình nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh bị phạt?
(23:33:42 PM 27/02/2016)
Cổng của nhà thờ tổ - Ảnh: Trung Hiếu
Ở P.Long Phước, Q.9, khu nhà thờ tổ nằm trên diện tích đất khá rộng, bao quanh là các con rạch. Hai cổng nằm ở hai con đường đóng kín mít. Nhìn vào phía trong, công trình có hai nhà lớn và một nhà nhỏ. Nhà phía trước trông khá đồ sộ và hoàn thiện gần xong. Nhà phía sau đang xây dựng dở dang. Lúc PV có mặt, một vài người thợ vẫn đang tiếp tục thi công.
Không “bỏ về Mỹ”như tin đồn
Ông Nguyễn Văn Coi, một hộ dân sống cạnh khu công trình nhà thờ tổ, cho biết miếng đất của nghệ sĩ Hoài Linh rộng chừng 7.000 m2 trước đây là của ông. Cách đây nhiều năm, ông Coi bán lại và miếng đất được sang tay qua nhiều đời chủ. Đầu năm 2015, nghệ sĩ Hoài Linh mua lại từ một bác sĩ thẩm mỹ khá nổi tiếng ở TP.HCM và cho san lấp mặt bằng để xây dựng nhà thờ tổ.
Ông Coi cho biết thêm, nhà thờ tổ được khởi công xây dựng vào khoảng tháng 3.2015. Công trình xây dựng một thời gian thì bị đình chỉ thi công, sau đó xây dựng trở lại. Lần đình chỉ thứ hai là khi người con gái của ông Coi, có nhà kề với tường của công trình, phản ánh với chính quyền về việc một số công trình của khu nhà thờ tổ làm nứt nhà của bà. Trước tết, người giám sát công trình có qua nhà con gái ông Coi và hứa sẽ sớm sửa lại, nhưng đến nay vẫn chưa thấy sửa.
Ngày 22.2.2016, mạng xã hội xuất hiện thông tin dự án nhà thờ tổ đứng trước nguy cơ phải dỡ bỏ khiến Hoài Linh thất vọng, quyết định trở về Mỹ, thề không quay lại VN. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, đích thân nam danh hài đã gọi điện, chia sẻ với PV Thanh Niên rằng không hề có chuyện nhà thờ tổ bị dỡ bỏ. Khi PV hỏi công trình có xin giấy phép hay không, nghệ sĩ Hoài Linh khẳng định: “Dĩ nhiên một công trình lớn như vậy làm sao không có được”. Khi PV tiếp tục hỏi thêm chi tiết, danh hài chỉ trả lời ngắn gọn rằng: “Công trình đang trong giai đoạn sắp hoàn thành, có thể là trong năm nay. Còn tôi hiện đang quay phim ở Đồng Nai chứ làm gì có chuyện quay trở về Mỹ như tin đồn”.
Bị xử phạt 6,25 triệu đồng
Trong khi đó, chiều 25.2, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND Q.9, cho hay do công trình xây trên đất nông nghiệp và không có giấy phép xây dựng nên địa phương buộc phải đình chỉ thi công để bổ sung các thủ tục pháp lý liên quan, như chuyển mục đích sử dụng đất và giấy phép xây dựng.
Theo quyết định xử phạt do UBND Q.9 ban hành ngày 16.2.2016, công trình vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng được quy định ở Nghị định 121 và bị xử phạt 6,25 triệu đồng. Có 3 hạng mục không có giấy phép, gồm hạng mục diện tích 319 m2; hạng mục diện tích 68 m2 và hạng mục 128 m2. Sau khi có quyết định, đại diện của nghệ sĩ Hoài Linh đã đóng tiền nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước Q.9. Hiện cơ quan chức năng Q.9 đang hướng dẫn nghệ sĩ Hoài Linh làm thủ tục xin phép xây dựng theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo UBND Q.9, vị trí mà nhà thờ tổ nghệ sĩ Hoài Linh xây dựng nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp kết hợp với nhà ở kinh tế vườn nên chỉ cho phép chuyển đổi 10% diện tích sang đất nhà ở. Với quy định này, nghệ sĩ Hoài Linh chỉ được chuyển đổi 700 m2 sang đất ở trong tổng số 7.000 m2 đất nông nghiệp đang có và mật độ xây dựng sẽ thấp hơn con số 700 m2.
Cơ quan chức năng Q.9 sẽ phối hợp với đại diện nghệ sĩ Hoài Linh xác định chính xác diện tích có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang đất ở bao nhiêu rồi mới xem xét việc xử lý vi phạm.
Trường hợp hạng mục công trình xây dựng nằm ngoài phần cho phép xây dựng của đất ở sẽ bị xử lý theo quy định. “Đất ở chỉ được chuyển đổi bao nhiêu đó thôi, mà anh còn xây dựng ngoài diện tích cho phép sẽ bị xử lý. Hiện quận đang làm hướng dẫn để nghệ sĩ Hoài Linh chuyển mục đích sử dụng nên chưa bàn chuyện dỡ bỏ gì cả. Những thông tin dỡ bỏ mà một số báo mạng đưa như vừa qua là không chính xác. Chúng tôi đang xem xét. Quan điểm của quận là giải quyết sự việc theo đúng pháp luật”, ông Tuấn Anh nói.
Về thông tin nếu được tồn tại, nghệ sĩ Hoài Linh phải đóng thêm 40% giá trị công trình, ông Tuấn Anh khẳng định đây là thông tin không chính xác. Khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, nghệ sĩ Hoài Linh phải đóng thuế cho những diện tích đất được chuyển đổi theo giá của nhà nước quy định ở khu vực đó. Hiện cơ quan chức năng đang làm tiến hành đo đạc nên chưa thống kê được diện tích xây dựng toàn bộ công trình chiếm bao nhiêu phần trăm diện tích khu đất.
“Có lẽ anh Hoài Linh là nghệ sĩ...”
PV đặt câu hỏi tại sao một công trình lớn được xây dựng trong nhiều tháng liền mà gần đây chính quyền mới có quyết định đình chỉ và xử phạt? Trách nhiệm thuộc về ai? Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn Anh cho biết sau khi công trình khởi công, UBND P.Long Phước đã 2 lần đình chỉ thi công. Tuy nhiên theo quy định, sau khi đình chỉ, người vi phạm có thời gian 60 ngày để hoàn chỉnh hồ sơ hay thủ tục cấp phép xây dựng. Trong thời gian này, chủ công trình đã đóng cửa và bên trong thợ vẫn tiếp tục làm. Đến thời điểm trước Tết Nguyên đán 2016, UBND P.Long Phước mới có văn bản báo cáo lên và UBND Q.9 ra quyết định xử phạt.
“Có lẽ anh Hoài Linh là nghệ sĩ của công chúng nên anh em ở phường cũng có phần du di. Ngoài ra, công trình nhà thờ tổ mang tính tâm linh văn hóa nên anh em xử lý chưa quyết liệt. Các quy trình xử lý ở phường đều đúng hết chỉ có điều do tình cảm nên xử lý chưa rốt ráo”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Sau khi công trình bị đình chỉ thi công, nghệ sĩ Hoài Linh cũng đã có đơn xin cứu xét gửi UBND Q.9.
Chủ trương cho tồn tại
Chiều 25.2, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND P.Long Phước, Q.9, khẳng định không có chuyện cơ quan chức năng nhũng nhiễu, gây khó dễ trong quá trình xây dựng nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh. Theo bà Thanh, do có quốc tịch VN nên nghệ sĩ Hoài Linh là người đứng tên trong giấy tờ sở hữu khu đất. Hiện công trình đã tạm dừng thi công và việc xem xét cho công trình tồn tại thuộc thẩm quyền UBND Q.9. Tuy nhiên chủ trương là công trình sẽ được tồn tại.
Theo thông tin từ Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM, trong ngày 25.2 cán bộ sở đã xuống kiểm tra công trình sai phạm. Dự kiến trong tuần sau sẽ có đầy đủ thông tin để có thể cung cấp cho cơ quan chức năng.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
- Đào Đức Hiếu: Người mang trà Việt vươn tầm quốc tế
- Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng”
- Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9
- Ký ức quê hương:Đêm nhạc cảm xúc với tinh thần "Xanh"
- Hoa hậu Lương Thùy Linh cùng 4 đại sứ nhí sẽ góp mặt trong chương trình “Vì môi trường xanh Quốc Gia 2024”
- Hoa hậu Lương Thùy Linh làm Đại sứ Chương trình "Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024"
- Bản đồ Việt Nam kết từ 5.000 chậu sen, lớn nhất từ trước đến nay
- Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt lần VII - 2024 sẽ được tổ chức tại Thái Lan
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...
Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
(Tin Môi Trường) - Di tích lịch sử mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.