Ảnh minh họa IE
Ngày 14/1, tại hội nghị báo chí toàn quốc 2014 diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho hay, cả nước hiện có 838 cơ quan báo chí in; 92 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình; 1 hãng thông tấn quốc gia.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thứ trưởng Hưng cho biết, năm 2013 đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh thu của các cơ quan báo chí in. Số bản báo phát hành trên thị trường giảm 14 triệu bản so với năm 2012, chỉ còn 836 triệu bản.
Khó khăn của các cơ quan báo chí in không chỉ thể hiện ở sự sụt giảm lượng phát hành mà còn khiến cơ quan chủ quản của hai tạp chí Thế giới mới, Khoa học Tổ quốc xin phép tự giải thể vì không đủ điều kiện hoạt động.
Tổng doanh thu quảng cáo của tất cả cơ quan báo in năm 2013 đạt 1.650 tỉ đồng, giảm 0,9% so với năm 2012. Mặc dù theo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ có báo in được hưởng ưu đãi thuế.
Theo hướng quy hoạch báo chí được Bộ Thông tin - Truyền thông chia sẻ tại hội nghị, đến năm 2020, báo điện tử sẽ trở thành loại hình báo chí chủ lực của cơ quan truyền thông. Quy hoạch cũng đưa đến sự sắp xếp lại các cơ quan báo in đang theo mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm.
Trên báo Nhân dân cũng bình luận, không chỉ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, nỗi quan ngại về sự "hết thời" của báo in đã được đặt ra cách đây đã lâu, khi sự khủng hoảng số lượng phát hành lan tới cả các "đại gia" báo in của Mỹ như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... Thậm chí tờ báo đã có 80 năm tuổi là Newsweek cũng phải đình bản in để chuyển hoàn toàn sang báo điện tử.
Tại Pháp, báo in cũng rơi vào khủng hoảng khi nhiều báo lớn đều phải cắt giảm nhân sự, giảm đáng kể lợi nhuận và phải chuyển sang báo điện tử để tiếp tục duy trì hoạt động.
Báo VnExpress dẫn nhận định của ông chủ mới Washington Post Jeff Bezos về tương lai của báo giấy: "Tôi không biết bao nhiêu lâu nữa, có thể là vài chục năm, báo giấy sẽ là điều xa xỉ. Nó giống như việc người ta vẫn có ngựa, nhưng chẳng thường xuyên dùng chúng để đi làm vậy".