(Tin Môi Trường) - “Tháp” là tác phẩm nghệ thuật công cộng mang nhiều tâm huyết của nhóm tác giả Mai Thu Vân, Nguyễn Ngọc Lam, Đỗ Anh Tuấn. Nhưng chỉ sau ít ngày ra mắt ở phố đi bộ Hà Nội, kề cận hồ Hoàn Kiếm tác phẩm này đã... bốc mùi nồng nặc với lý do vô cùng xấu hổ: người dân tưởng đó là nhà vệ sinh.
Với những nguyên nhân khó cưỡng trên, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các nghệ sĩ đã buộc phải dỡ bỏ tác phẩm này vào chiều 30.10.
Nỗi đau của “Tháp”…
“Tháp” là một trong 6 tác phẩm thuộc cụm công trình
nghệ thuật sắp đặt được thực hiện nhân kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô trong dịp tháng 10.2019. Dự án gồm 6 công trình: “Tháp”, “Nhịp điệu”, “Những ô cửa”, “Saphia”, “Hoa” và “Tháng Mười”, lần lượt nằm dọc bờ hồ Hoàn Kiếm, được nhóm tác giả thực hiện trong vòng một tháng, với khoảng 20 người tham gia.
Những ngày đầu, sự xuất hiện của “Tháp” được mọi người rất thích thú với thiết kế 6 tầng, có nhiều ô cửa sắc màu, mô phỏng ngọn tháp thực ngoài đời. Theo nhóm tác giả, Hồ Gươm có nhiều tháp như tháp Rùa, tháp Hòa Phong, và sự xuất hiện của tác phẩm
nghệ thuật sắp đặt “Tháp” là một sáng tạo mô phỏng bằng ngôn ngữ hiện đại. Điều thú vị thu hút du khách ở tác phẩm là không gian mở, mọi người có thể đi sâu vào bên trong, ngắm nhìn cảnh vật bờ Hồ Hoàn Kiếm qua lăng kính nhiều sắc màu. Thậm chí trong những ngày đầu, người dân phải xếp hàng chờ tới lượt để được đi vào bên trong của ngọn tháp nhiều màu này.
Buộc phải tháo dỡ “Tháp”
Những tác phẩm
nghệ thuật công cộng, có sức thu hút và thỏa mãn nhu cầu thị giác của công chúng vốn rất phổ biến tại nhiều quốc gia. Nhưng tại Việt Nam và ngay tại trung tâm đô thị lớn là Hà Nội thì lại rất hiếm hoi. Thói quen thưởng thức và sống cùng những tác phẩm
nghệ thuật ở nơi công cộng vì thế còn xa lạ với người dân. Không ít nghệ sĩ mong muốn đưa tác phẩm của mình đến gần với không gian sống nhưng rồi nhanh chóng nản lòng. Trường hợp “Tháp” nói trên cũng không phải là ngoại lệ. Chỉ sau vài ngày ra mắt , tác phẩm
nghệ thuật này đã bốc mùi xú uế, mất vệ sinh khiến rất nhiều người chỉ vừa đặt chân vào đã vội trở ra. Du khách vừa đi vừa bịt mũi và rảo bước thật nhanh mỗi lần đi qua tác phẩm. Mục đích tô điểm cho không gian đẹp bên Hồ Gươm mà nhóm nghệ sĩ đã dành nhiều tâm huyết, mong chờ được cộng đồng ghi nhận và hưởng ứng, cuối cùng đã bị “ứng xử” thật thậm tệ.
Lý do, bởi nhiều người đi đường nhìn thấy công trình khá kín đáo, lại khuất nẻo ở bên trong nên đã tận dụng để... đi vệ sinh, thay vì tới các nhà vệ sinh công cộng. Không ít ông bố bà mẹ “hồn nhiên” đưa con vào công trình
nghệ thuật này để giải quyết “nỗi buồn”. Bắt đầu lẻ tẻ vài trường hợp, đến khi những mùi khó chịu bốc lên từ bên trong “Tháp” thì dường như không còn ai xem đây là một tác phẩm
nghệ thuật nữa. Đáng buồn và xấu hổ khi ai đó đã phải nguệch ngoạc ghi dòng cảnh báo: “Đây là mô hình trang trí, không phải nhà vệ sinh”. Thế nhưng sau đó, sự hành xử thiếu ý thức nơi công cộng, một cách cố tình của một số người dân khiến cho công trình tiếp tục bị đóng vai “nhà vệ sinh” một cách bất đắc dĩ. Và có lẽ, đây là tình huống mà cả chính quyền quận Hoàn Kiếm lẫn nhóm tác giả đều không thể lường tới.
Không ai có thể nghĩ “Tháp” lại bị đối xử như thế
Một lần nữa vẫn phải nhắc lại, tác phẩm sắp đặt này mang nhiều tâm huyết, ấp ủ mong muốn cải thiện, làm đẹp không gian sống của các nghệ sĩ. Chỉ là người đi đường thoáng qua, là phóng viên đến nơi để tìm hiểu đã không thể chịu nổi, không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận nổi thì đương nhiên, những người trực tiếp sáng tạo còn có cảm giác bị thiếu tôn trọng đến thế nào. Nhà điêu khắc Mai Thu Vân, Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, chị cảm thấy buồn và đau xót cho một tác phẩm đáng lý phải được trân trọng. Chứng kiến “đứa con tinh thần” của mình bị đối xử thiếu tôn trọng, các nghệ sĩ cũng không khỏi trăn trở về số phận của những công trình
nghệ thuật công cộng như thế này.
Đó là chưa nói đến số tiền để thực hiện tác phẩm này đã không mang lại hiệu quả sử dụng. “Thật khó hiểu với cung cách hành xử của nhiều người. Dù đã có nhắc nhở đây là tác phẩm
nghệ thuật mà họ vẫn làm ngơ cho được. Các ông bố bà mẹ cho con đi chơi thì cũng phải có sự chuẩn bị trước, không thể đưa ra bất cứ lý do gì để giải thích. Họ cũng phải hiểu rằng, hành vi đó ngay từ nhỏ đã khiến cho những đứa trẻ trở nên vô ý thức hơn, thiếu tôn trọng không gian công cộng”, Như Hoa, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bức xúc.
Cuối cùng, chiều 30.10, lực lượng chức năng của quận Hoàn Kiếm và các nghệ sĩ đã quyết định buộc dỡ bỏ tác phẩm này. Không khó để có thể hiểu tâm trạng thất vọng và không sẵn sàng cho những tác phẩm kế tiếp, không chỉ của nhóm nghệ sĩ làm “Tháp” mà còn của nhiều nghệ sĩ khác, nếu họ còn ý định cống hiến, sáng tạo phục vụ người dân và du khách.Trước đó, dự án
nghệ thuật sắp đặt ánh sáng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2019, do nhóm tác giả của NĐK Mai Thu Vân thực hiện, cũng từng xuất hiện tình trạng người dân leo trèo, gây hỏng hóc.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng là thế sao?
Một dự án đẹp, mang ý tưởng đẹp, vì sao lại bị xuất hiện tràn lan với những hình ảnh xấu xí, phản cảm, lại ở ngay giữa Thủ đô? Câu trả lời lại tiếp tục là lời cảnh báo về văn hóa ứng xử nơi công cộng. Ở số báo trước, Văn Hóa cũng đã có bài viết phản ánh tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của công trình
nghệ thuật “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, nguyên nhân chủ yếu cũng xuất phát từ sự vô ý thức của người dân đã hủy hoại những giá trị của tác phẩm.
Người dân phải bịt mũi khi ngang qua tác phẩm “Tháp”
Ứng xử không chuẩn mực, thiếu tôn trọng với các tác phẩm công cộng rõ ràng đã khiến người làm nghề và cả công chúng thất vọng, chán nản. Chưa kể, phố đi bộ là một địa điểm du lịch rất đông du khách cả trong lẫn ngoài nước. Hành động thiếu văn hóa của người dân ít nhiều khiến hình ảnh Thủ đô xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Khách nước ngoài đến Hồ Gươm sẽ nghĩ như thế nào khi chứng kiến cảnh mọi người bịt mũi đi ngang một tác phẩm như thế? Có lẽ họ không
tưởng tượng nổi đó là một công trình
nghệ thuật làm đẹp không gian công cộng.
Dù Hà Nội đã dẹp đi, nhưng hệ quả sẽ là không còn những dự án tương tự trong thời gian tới. Bản thân người sáng tạo chắc cũng không còn ý tưởng mang ra chỗ công cộng để bày tác phẩm cá nhân của mình. Vòng luẩn quẩn tìm chỗ đứng cho tác phẩm
nghệ thuật công cộng, tạo không gian thưởng thức, giải trí và thư giãn cho người dân, sau vụ việc lần này tiếp tục cho thấy là bài toán khó.
Cũng phải nhắc lại, tháng 3.2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Theo đó, tại những không gian như vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên, khu vui chơi giải trí, điểm tham quan du lịch..., quy định được đưa ra là: Tôn trọng không gian chung của cộng đồng; tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường... Các hành vi ứng xử được khuyến cáo không nên là hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện... Cũng theo bộ quy tắc ứng xử, các cá nhân vi phạm quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai, trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.
Qua những vụ việc cụ thể ảnh hưởng đến giá trị thẩm mỹ và hình ảnh văn hóa công cộng của Thủ đô như thế này, thiết nghĩ việc thực hiện, đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống cần được Hà Nội triển khai, giám sát chặt chẽ hơn. Cần thiết phải có những chế tài, hình thức xử lý nghiêm khắc, không để tái diễn những hình ảnh xấu xí ở Thủ đô trong mắt du khách, bạn bè quốc tế.