(Tin Môi Trường) - Đó là nhận định cay nghiệt, và cũng là lời cảnh báo, của tác giả Rodolphe Christin trong quyển sách khảo cứu của mình mang tên 'Manuel de l’antitourisme', tạm dịch 'Cẩm nang đả phá du lịch'. Tại sao như vậy?
Du khách chen nhau thưởng lãm tác phẩm hội họa La Joconde - Ảnh: AFP
Vì sao tác giả lên tiếng như vậy khi ngành du lịch hiện đang ăn nên làm ra trên toàn thế giới?
Tác giả đã nói thẳng, không quanh co. Nhưng cũng bằng một nhận chua chát là dù đã được cải biên và tái bản, nhưng đứa con tinh thần của ông cũng chưa làm gì được để "thay đổi hoạt động (du lịch) trên thế giới" và chắc còn lâu mới có thể trở thành sách gối đầu giường hay best-seller.
Chỉ tại vì ông chống đối. Chống đối du lịch và những người đi du lịch!
Thế nhưng, quan điểm của tác giả chưa hẳn đã vô ích và lạc hậu, mà rất thời sự, nào là tác động kinh tế từ du lịch, ảnh hưởng của nó đến môi trường sống và sinh hoạt xã hội, rồi tương lai của các loại hình du lịch sẽ ra sao…
Và trong một tác phẩm ngắn nhưng súc tích và phong phú về nội dung này, từ chuyện kinh tế, chuyện nhân loại học, chuyện toàn cầu hóa, có nhiều gương mặt từ nhiều lĩnh vực khác nhau góp mặt, như chuyên gia về địa lý Élisée Reclus đứng ra làm nhân chứng, nhà văn danh tiếng Jean-Marie Le Clezio củng cố lập luận hay ý kiến từ nhà nhân chủng học Marc Augé.
Xét riêng về lĩnh vực kinh tế, theo quyển sách, du lịch là một nét sinh hoạt không thể thiếu của
thế giới hiện đại, của con người hiện đại, và được sinh ra đồng thới với những kỳ nghỉ phép có lương của nhân viên.
Vì thế, du lịch đang đứng ngang bằng với những lĩnh vực đại chúng khác trong xã hội như thể thao hay công nghệ thông tin kỹ thuật số.
Thậm chí cách dùng từ cũng cho thấy thành công của ngành du lịch hiện là như thế nào rồi. Có đúng không, khi một con người hiện đại, hay tự cho mình là hiện đại, không còn dùng từ "nghỉ hè" nữa mà phải là "đi nghỉ hè", hay cụ thể hơn là "đi Nhật", "đi Costa Rica".
Suy nghĩ và ý tưởng đó thôi thúc người hiện đại xách vali lên đường, như một mệnh lệnh để chứng tỏ ta là một người hiện đại!
Venice thơ mộng của Ý giờ đây cũng dậy sóng vì hoạt động kinh doanh du lịch số đông - Ảnh: REUTERS
Du lịch = "ký sinh trùng" tàn phá thế giới
Trong vòng nửa thế kỷ qua, hoạt động du lịch đã phát triển vượt bậc, và đè nặng, chi phối hoặc lôi cuốn mọi người thuộc đủ thành phần trong xã hội hơn bất cứ một hoạt động nào khác của con người.
Đó là con số hai tỉ người đã "dấn thân" vào con đường hưởng thụ du lịch và hàng trăm triệu người nữa có công ăn việc làm là nhờ du lịch mang lại.
Thị trường du lịch không ngừng được mở rộng. Đã qua rồi cái thời mà dân châu Âu đổ xô đi ngắm tháp Eiffel ở Pháp, đi chiêm ngưỡng các Kim tự tháp Ai Cập hay đến Ấn Độ để trầm trồ trước một đền Taj Mahal kỳ vĩ.
Ngày nay, người Trung Quốc cũng rong ruổi khắp
thế giới rồi, mặc dù nước này là điểm đến hấp dẫn đứng hàng thứ tư thế giới.
Song, tác giả Rodolphe Christin đã không ngại nêu lên một sự thật khác, với cái nhìn nghiêm túc và chính xác như một quan tòa, phũ phàng chăng?
Sự thật đó đen tối hơn, sự thật đó, theo tác giả, là ngành du lịch trở thành một "dạng ký sinh trùng đang ăn mòn thế giới", và du khách là một "sinh vật kỳ dị", vì họ là người "hùng hồn tuyên bố là mình yêu mến
thế giới này lắm, một
thế giới mà họ sẵn sàng viếng thăm tận cùng trời cuối đất và, qua đó, góp phần tàn phá chúng một cách không thưong tiếc".
Đó không phải là chuyện khí thải CO2 hay khí thải nhà kính, mà theo tác giả, từ trong bản chất, ngành du lịch là một yếu tố mang lại sự "tàn phá", và du khách là những đối tượng không bao giờ thỏa mãn được chính mình mà cứ "luôn tung hoành ngang dọc để thỏa chí tìm tòi những tọa độ địa lý mới, với một ước muốn mơ hồ là được cập nhật liên tục những cảm giác mới trong không gian mới với điều kiện là không gian mới đó là an toàn cho mình".
Người dân thị trấn La Barceloneta ở Barcelona (Tây Ban Nha) tiến hành chiến dịch chống du khách vào năm 2017 vì họ quấy rối cuộc sống yên bình của họ và rượu chè ồn ào - Ảnh: AFP
Lịch sử văn minh nhân loại đang bị khai tử
Hoạt động du lịch tập thể, du lịch theo đoàn, đang phổ biến cùng với hệ lụy mà những chuẩn mực của hoạt động này tạo ra là không nhỏ, đó có thể là một tour vòng quanh Địa Trung Hải khiến khu vực này đang hấp hối, hay một Venise đang chết dần, rồi Barcelona phải đang tìm cách hạn chế du khách. Tất cả những "điểm đen" đó đã được tác giả dẫn ra.
Song song đó, những trang viết nóng hổi lại là những chuyện về lĩnh vực "du lịch bền vững", "du lịch sạch", mà trái ngược với du lịch đám đông, hình thức du lịch này muốn chứng tỏ là mình tôn trọng những vùng đất mà mình đến thăm và cả những con người nơi đó.
Nhưng tác giả Rodolphe Christin cũng đã lên tiếng, đó chỉ là ảo giác, là viễn vông.
Lên đường đến thăm một công trình xây dựng đậm nét lịch sử, hay đến viếng một bộ tộc sơ khai, hoặc giả đắm mình trên lưng những chú lạc đà mạnh mẽ, tất cả những hoạt động du lịch đó cũng bị chỉ trích như khi đi du hí một tuần tại Marrakech bên Morocco hay Bali ở Indonesia.
Mà trong bất cứ bối cảnh nào, thì du khách cũng đang tham gia vào một hành động khai tử một nền văn minh, hay tệ hơn, là đến đó để đối diện với những bóng ma của quá khứ.
Rồi mọi người sẽ hiểu điều này, là tác giả Rodolphe Christin đưa ra một bản tổng kết đầy bi quan về ngành du lịch đúng y như những gì mà người phương Tây đã nói vào thế kỷ 19.
Tác giả nhìn nhận rằng: "Du lịch không góp phần mang lại hòa bình giữa các dân tộc, du lịch đã không giải quyết được các vấn đề phức tạp của thế giới. Phải chăng du lịch chỉ góp phần vào việc thông hiểu lẫn nhau giữa các dân tộc, giúp các dân tộc trên
thế giới xích lại gần nhau hơn về mặt văn hóa ? Chưa hẳn vậy".