»

Chủ nhật, 19/01/2025, 03:12:44 AM (GMT+7)

Du khách Trung Quốc làm gì ở Đà Nẵng?

(11:49:01 AM 23/03/2017)
(Tin Môi Trường) - Nhập cảnh bằng hộ chiếu “đường lưỡi bò”; lợi dụng đi du lịch để làm việc “chui”, xuyên tạc chủ quyền và lịch sử Việt Nam… là những hành vi của du khách Trung Quốc tại Đà Nẵng

Người Trung Quốc đến TP Đà Nẵng ngày càng đông, hình thành nên những “phố Trung Quốc” giữa lòng một thành phố đáng sống. Vấn đề là họ đến Đà Nẵng để thăm thú hay làm những việc không được luật pháp Việt Nam cho phép?


Ngang nhiên vi phạm
 
Trên các tuyến đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng)… có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn trưng biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Những tuyến đường này được cho là “phố Trung Quốc” bởi phần đông hàng quán, khách sạn phục vụ chủ yếu cho du khách Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn An, ngụ quận Ngũ Hành Sơn, cho biết nhà ông ở gần một nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp, hằng ngày chỉ thấy toàn người Trung Quốc vào đấy. “Mấy nhà hàng này chủ yếu đón tiếp khách Trung Quốc thôi, thi thoảng mới có khách du lịch trong nước. Có lẽ thấy tên nhà hàng ghi chữ Trung Quốc nên dân mình ngại vào” - ông An nói.
 
Vấn đề nghiêm trọng nhất mà người dân Đà Nẵng đang rất lo ngại là người Trung Quốc lợi dụng đi du lịch để… mang “đường lưỡi bò” vào Việt Nam. Trên thực tế, người Trung Quốc khi đến Việt Nam du lịch thường xuyên sử dụng các poster, ấn phẩm, bản đồ… có in “đường lưỡi bò”. Trên các ấn phẩm này in phần lãnh thổ Việt Nam không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Du[-]khách[-]Trung[-]Quốc[-]làm[-]gì[-]ở[-]Đà[-]Nẵng?
Du khách Trung Quốc tham quan bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng
 
Mới nhất, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng thu hồi hàng ngàn poster của Công ty Jeep Tour (số 38 An Thượng 5, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Trên những poster này giới thiệu các tour du lịch của Công ty Jeep Tour, ghi biển Đông thành “China Beach”. Đó là chưa nói trên poster quảng cáo các điểm tham quan, du lịch tại Đà Nẵng bằng xe jeep của Công ty Jeep Tour (được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt), tên biển Đông thay thành biển của Trung Quốc. Khi làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty Jeep Tour vô tư nói các poster này do một người đàn ông nước ngoài cung cấp khi đến đặt tour. Bà này nói mình không hề biết tấm poster có nội dung không chính xác (!?).
 
Đáng chú ý là không chỉ có poster, bản đồ sai sự thật, thời gian qua, cơ quan chức năng ở Đà Nẵng còn phát hiện khá nhiều người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu “đường lưỡi bò”. Điển hình vào tháng 7-2016, 2 nữ du khách người Trung Quốc mang theo hộ chiếu in “đường 9 đoạn” phi pháp này. Khi làm thủ tục đăng ký lưu trú, một chủ khách sạn ở Đà Nẵng phát hiện nên cương quyết từ chối cho thuê phòng.
 
Trong vụ việc phát hiện 5 người Trung Quốc tại một công trình xây dựng không phép ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ vào ngày 9-3, qua kiểm tra, Công an quận Cẩm Lệ xác định có 1 người sử dụng hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, được đóng dấu nhập cảnh trên thị thực rời. Các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng xác nhận khá nhiều người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu này khi nhập cảnh Việt Nam.
 
Được tiếp tay...
 
Thời gian gần đây, nhiều người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam với thị thực du lịch rồi đến Đà Nẵng hoạt động hướng dẫn du lịch “chui”, làm việc trái phép. Đó là chưa nói tình trạng người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất, mở cơ sở kinh doanh mà các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đang xác minh.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phổ biến nhất hiện nay là người Trung Quốc vào Đà Nẵng để làm hướng dẫn viên (HDV) du lịch “chui”. Họ thường được một số công ty du lịch, lữ hành tiếp tay để tham gia dẫn các tour có đoàn Trung Quốc. Để qua mặt cơ quan chức năng, các công ty lữ hành bố trí 1 HDV người Việt đi kèm. Khi bị kiểm tra, HDV người Việt đứng ra nhận thay để không bị xử phạt. Anh Nguyễn Biển, một HDV du lịch tiếng Trung, tiết lộ: “Những người Trung Quốc này sõi tiếng Việt, hiểu được những gì người Việt nói để truyền đạt lại cho khách nước họ. Cũng vì biết tiếng Việt nên khi cơ quan chức năng xuất hiện, họ giả vờ như một khách tham quan bình thường. Nếu không có người đứng ra tố cáo thì rất khó phát hiện”. Theo anh Biển, cũng vì chiêu qua mặt này mà HDV “chui” người Trung Quốc không cần thẻ hành nghề, không quan tâm đến việc có giấy phép lao động hay không. “Họ hoạt động “chui” như vậy khiến những HDV tiếng Trung mất công việc làm ăn” - anh Biển bức xúc.
 
Đáng chú ý, không chỉ được tạo điều kiện vào Việt Nam làm HDV trái phép, các nhóm người Trung Quốc còn được một số công ty du lịch lo cả nơi ăn chốn ở. Cụ thể, người Trung Quốc được thuê nhà và bố trí ở chung một nơi. Khi có khách, họ sẽ theo thứ tự đi dẫn đoàn. Vào cao điểm, số lượng người Trung Quốc làm HDV du lịch “chui” có thể lên đến gần 60 người.
 
Tình trạng người Trung Quốc làm HDV du lịch “chui” còn kéo theo những phức tạp xã hội khác, trong đó có việc lợi dụng hoạt động du lịch để xuyên tạc, thông tin sai lệch về kiến thức địa lý, lịch sử Việt Nam với du khách. Trước đó, tháng 6-2016, Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhận được video tố cáo từ các HDV du lịch người Việt về 1 người Trung Quốc trình bày sai lệch về lịch sử Việt Nam. Sau đó, người này bị xử phạt và trục xuất khỏi Việt Nam.
 
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, thừa nhận sở dĩ có tình trạng người Trung Quốc làm HDV du lịch “chui” là do sự tiếp tay của người Việt. Cụ thể, nhiều công ty lữ hành vì lợi nhuận nên đã bố trí người Trung Quốc hoạt động “chui”. Ngoài ra, nhiều HDV du lịch người Việt cũng vô tình tiếp tay cho họ khi chấp nhận làm “bù nhìn” trong các tour có khách Trung Quốc.
 
Báo cáo ngược với thực tế
 
Bà Hồ Thị Thanh Thúy, Chánh Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết trong năm 2016, có 25.467 lượt khách Trung Quốc vào quận. Trong đó, 56 người Trung Quốc làm việc tại các dự án trên địa bàn, chủ yếu là lao động trình độ cao, có giấy phép lao động. Khi được hỏi về tình hình người Trung Quốc làm việc trái phép, bà Thúy nói chung chung: “Nếu có sẽ xử lý nghiêm”.
 
Còn theo ông Võ Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Việc làm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, toàn TP có khoảng 167 lao động Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại 57 đơn vị. Số lao động này chủ yếu là chuyên gia, trí thức, kỹ sư… đã được đơn vị sử dụng lao động đăng ký và được cấp giấy phép lao động. Khi chúng tôi đặt vấn đề về lao động “chui” thì ông Tiến cho rằng việc này do công an quản lý chứ sở không biết (?).
 
Những con số báo cáo này là khá đẹp, trái ngược với thời gian qua, báo chí phát hiện nhiều vụ việc lao động phổ thông Trung Quốc làm việc “chui” trong các công trình; tình trạng người Trung Quốc thâu tóm các dự án rồi đưa lao động nước sở tại đến làm việc.
 
Hộ chiếu “đường lưỡi bò” vẫn cho nhập cảnh
 
Trước tình hình khách du lịch Trung Quốc sử dụng ấn phẩm, bản đồ chỉ dẫn tham quan du lịch Đà Nẵng thể hiện “đường lưỡi bò”, đại diện Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết sở đã ban hành các quy tắc ứng xử du lịch dành riêng cho khách Trung Quốc và các đơn vị lữ hành chuyên phục vụ đối tượng này. Trong số các quy tắc ứng xử, Sở Du lịch TP Đà Nẵng khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn nên báo cáo với công an địa phương khi phát hiện khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu in “đường lưỡi bò”.
 
Đối với việc người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bằng hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, đại tá Trần Hữu Do, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng, cho rằng việc du khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có “đường lưỡi bò” phi pháp là sai. Tuy nhiên, họ vẫn được nhập cảnh Việt Nam. Vì sao vẫn được nhập cảnh? Ông Do nói: “Mình không công nhận, không cấp giấy tờ gì trên cuốn hộ chiếu đó. Mình cấp thị thực rời, không dán vào hộ chiếu. Khi họ xuất cảnh sẽ thu lại tờ thị thực đó. Hộ chiếu của họ sẽ là hộ chiếu trắng, coi như chưa đến Việt Nam”.
 
Theo luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, “đường lưỡi bò” in trên hộ chiếu của du khách Trung Quốc không có giá trị về mặt pháp lý, Tòa án Trọng tài quốc tế cũng không công nhận. Tuy nhiên, hộ chiếu ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau, nước khác không thể can thiệp. “Việc đóng dấu vào tờ thị thực rời như cách làm của Đà Nẵng là đúng nhưng cần làm nghiêm túc, kỹ càng để tránh đóng dấu nhầm lên những tấm hộ chiếu phi pháp” - luật sư Cao nói.
Theo Bích Vân/NLĐ
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Du khách Trung Quốc làm gì ở Đà Nẵng?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI