Di sản xanh » Văn hóa
Di sản là để bảo tồn
(21:16:46 PM 01/05/2016)
Một trạm dừng của hệ thống cáp treo lên Fanxipan đang được xây dựng. Ảnh: Trang Nguyen
Bà Trần Thị Hoàng Mai cho biết: theo quan điểm của UNESCO, bất cứ một danh mục nào được UNESCO công nhận di sản thì điều đầu tiên là nhằm mục đích bảo tồn. Với việc xếp hạng di sản, mục tiêu số một là muốn mọi người thấy cũng như nhắc nhở mọi người rằng đó là thứ quý giá đối với loài người, cần phải bảo tồn. Tiếp sau đó mới để tự hào, mang mọi người đến xem, chiêm ngưỡng, hoặc tham quan, và bước sau cùng mới để phát triển bền vững.
“Phát triển chứ không phải khai thác”, bà Mai nhấn mạnh, “Một lần nữa phải khẳng định tất cả những di sản Việt Nam đang có hiện nay là phải để bảo tồn”.
Theo bà Mai, đối với những di sản đã được UNESCO công nhận, mọi sự thay đổi nguyên trạng phải thông báo cho UNESCO. Nếu muốn làm bất cứ việc gì, ví dụ như xây dựng cáp treo ở Sơn Đoòng, thì quốc gia, địa phương, và công ty thực hiện phải thực hiện nghiên cứu độc lập và nộp UNESCO kiểm tra. Nếu đảm bảo không ảnh hưởng mới có thể làm. Tuy nhiên, hiện quy định cấm không cho làm cáp treo ở vùng lõi. “Người muốn làm thuyết phục rằng họ muốn làm cáp treo ở vùng đệm của một di sản tự nhiên chứ không làm trực tiếp ở vùng lõi, và nó chỉ bắc qua vùng lõi thôi. Tuy nhiên, phải hiểu di sản ở đây có cả phần không gian, cảnh quan, phần trên mặt đất chứ không chỉ là một vật thể riêng biệt, nên việc làm cáp treo ở vùng đệm hay vùng lõi đều phá vỡ cảnh quan của di sản, phạm vi nhiều hay ít…”, bà Mai nói.
Hoạt động cáp treo hiện diện ngày càng nhiều ở Việt Nam, theo bà điều này mang lại tích cực hay tiêu cực gì cho di sản thiên nhiên nói chung?
Phải khẳng định cáp treo là một phương tiện dễ dàng hơn cho người du lịch. Tuy nhiên, phải thấy rằng cáp treo mà làm ở khu vực núi cao, hay rừng, có nghĩa là trong quá trình làm cáp treo sẽ phải có hoạt động san bằng, phá núi, tàn phá rừng nhất định. Vậy điều đó đáng để đánh đổi hay không? Nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường xung quanh?
Một số nơi làm cáp treo vì có thể ảnh hưởng đến môi trường không nhiều. Tuy nhiên, điều này phải thực hiện nghiên cứu điều tra khoa học và khách quan. Phải do một cơ quan độc lập thực hiện, chứ không phải của những người tự xây dựng, tự trả lời.
Các nhà khoa học phải tham gia và tìm câu trả lời rõ ràng rằng việc làm cáp treo không ảnh hưởng đến môi trường, tính tất cả các yếu tố như đa dạng sinh học, môi trường, cảnh quan… Những tài nguyên thiên nhiên ấy có tái tạo được không? Trường hợp không tái tạo được, hậu quả sẽ thế nào?
Khi trả lời được câu hỏi có làm ảnh hưởng hay không, lúc đó mới nói đến quyết định làm hay không làm. Không thể chỉ vì lợi nhuận mà tự ý, tự làm thì không chấp nhận được.
Quan điểm của tôi là cần phải hạn chế cáp treo. Chỉ những nơi nào mà ta chắc chắn nó không ảnh hưởng nhiều và bắt buộc phải làm thì mới làm.
Điểm xuất phát cáp treo từ nhà ga chính lên đỉnh Fansipan (Ảnh do khách sạn Châu Long ở Sa Pa chụp, tháng 11.2015)
Chắc bà có theo dõi câu chuyện cáp treo được xây dựng để đưa khách lên khu vực Fansipan?
Fansipan chưa phải là di sản của UNESCO, nhưng điều đó không có nghĩa ai muốn làm gì thì làm. Đây là một tài nguyên của quốc gia, là một di sản về phong cảnh của quốc gia cho dù chưa được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO công nhận. Đối với dân tộc, đối với đất nước, thì Fansipan vẫn là một di sản. Việc được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO công nhận mục đích chính là khơi dậy ý thức của con người. Nhưng với những tài sản quốc gia chưa được hội đồng di sản quốc tế công nhận thì vẫn là di sản của quốc gia. Không phải chỉ khi nào quốc tế bảo vệ di sản của mình thì mình mới bảo vệ.
Tất cả những tài nguyên, núi cao, rừng xanh, cảnh đẹp trong một đất nước đều là một hình thái di sản, có thể là di sản địa chất, có thể là di sản cảnh quan, có thể là di sản về mặt đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, quan trọng nhất trong việc làm cáp treo tại Fansipan chính là: đã có nghiên cứu nào đánh giá tác động chưa và đã chứng minh rằng nó không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên? Và trong mọi trường hợp luôn cần cố gắng giảm tối đa tác động của con người đến những nơi đó.
Sơn Đoòng hay Fansipan là những tài nguyên vô cùng hiếm, có một không hai. Trong rất nhiều giải pháp, hãy chọn giải pháp ít xấu nhất. Con người sống trong thiên nhiên tất nhiên sẽ có những tác động nhất định đến nó. Như thế hãy tác động đến nó ít nhất có thể. Nếu như không thể không làm thì mới tìm biện pháp làm, còn nếu như vẫn có cách khác thì hãy lựa chọn cách khác.
Về quan điểm cá nhân của tôi, nếu việc làm cáp treo không gây ảnh hưởng tài nguyên thiên nhiên thì có thể làm. Tuy nhiên, một số nơi như Fansipan thì không nên làm cáp treo, vì đó là tài nguyên thiên nhiên, di sản thiên nhiên, những cái không thể tái tạo. Và thực sự có kế hoạch làm thì phải cân nhắc, chỉ khi chứng minh rằng nó không ảnh hưởng, không có tác động xấu thì mới làm.
Việc khai thác du lịch đại trà đối với những nơi đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận di sản có vi phạm gì đến các tiêu chí và quy định di sản của UNESCO thể hiện trong công ước quốc tế?
Khi UNESCO làm công ước bảo vệ di sản, họ mới chỉ nói đến phần bảo tồn, chưa đặt vấn đề về phát triển. Việt Nam là một trong những nước yêu cầu cần phải có những điều kiện phát triển, và là phát triển bền vững, phải có sự cân đối. Một đất nước có di sản thì có quyền khai thác du lịch, nhưng cách khai thác phải tuyệt đối không xâm phạm đến di sản và phải góp phần nâng giá trị di sản ấy lên. Du lịch đó phải có sự giáo dục đi kèm, chứ không chỉ là đưa khách đến nơi, chụp hình rồi về. Cần phải giải thích cho khách du lịch hiểu được giá trị của di sản ấy, để họ có ý thức để bảo vệ di sản.
Thậm chí nếu số lượng khách du lịch đến nhiều, nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, UNESCO có quy định hạn chế số khách đến, yêu cầu có cách điều tiết để số lượng người không đến ồ ạt cùng lúc. Làm như thế thì mới có thể gìn giữ di sản lâu bền được.
Ngoài ra, nếu phát triển du lịch mà ảnh hưởng đến di sản thì sẽ không khuyến khích làm vì bảo tồn luôn là tiêu chí số một. Những di sản quá mỏng manh, chẳng hạn như những rạn san hô ngoài biển, thì không khuyến khích lặn, vì có nguy cơ làm xáo trộn môi trường sống nơi đó.
Hệ thống cột cáp treo và trạm (trên đồi) đang được xây dựng tại thành phố Hạ Long. Ảnh: Ninh Hạ
Theo bà, chúng ta có nên ủng hộ quan điểm mọi tour “thám hiểm du lịch cần dễ dàng hơn” để thu hút kinh doanh?
Giá vé hiện nay của du lịch là đại trà, thiếu kiểm soát. Hiện phần lớn chỉ tận thu cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ mà không đóng góp vào việc tái tạo di sản, điều đó chưa được. Vé du lịch phải đưa lại một phần vào việc tái tạo di sản, đấy là điều vô cùng quan trọng. Hiện nay, có những loại hình du lịch ít người, nhưng giá vé rất cao, và vé đó đóng góp vào phần tái tạo lại thiên nhiên. Thêm vào đó, các nhà làm du lịch phải lựa chọn việc đưa người du lịch có ý thức, được giáo dục đến di sản. Có thể doanh thu ít do lượng người giới hạn nhưng một khi người tham quan đã được chọn lựa kỹ thì việc phải trả phí thỏa đáng cho việc tái tạo di sản đó sẽ được họ chấp nhận.
UNESCO khuyến khích công ty làm du lịch tại bất cứ di sản nào phải làm lợi cho cộng đồng địa phương, để họ thấy được lợi thế mà có ý thức gìn giữ di sản họ có. Đó chính là một trong những yếu tố của du lịch bền vững. Rất nhiều người có tiền từ đâu đó đến làm rồi hưởng lợi, nhưng chưa chắc đã đóng góp gì cho cộng đồng địa phương.
UNESCO đã từng rút danh hiệu di sản thế giới nào do không tuân thủ yêu cầu bảo tồn?
Nước Đức có kinh nghiệm về di sản bị tước danh hiệu. Ủy ban di sản thế giới của UNESCO năm 2009 đã gạt tên thung lũng Dresden Elbe tại nước này khỏi danh sách di sản thế giới vì chính quyền địa phương đã xây dựng một cây cầu dân sinh 4 làn đường giữa cảnh quan văn hóa được công nhận năm 2004, với lý do di sản không “giữ được sự giá trị nổi bật toàn thể như đã được đánh giá”.
Ủy ban cho rằng có nhiều cách khác, chứ không nhất thiết phải xây cây cầu, vì cây cầu phá vỡ cảnh quan của di sản đó. Một đất nước có di sản mà không bảo vệ được mục tiêu bảo tồn thì sẽ bị rút khỏi danh sách, vì di sản là bảo tồn.
Tour giới hạn vào hang Sơn Đoòng. Ảnh: Ninh Hạ
Theo bà, những tỉnh có tài nguyên thiên nhiên quý như Fansipan hay Sơn Đoòng, nên làm gì để có thể khai thác bền vững, vừa giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, vừa có thể bảo tồn lâu dài tài nguyên này cho các thế hệ tiếp theo?
Tất nhiên, bây giờ ai cũng nói đến việc phát triển kinh tế. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đến địa phương, nói chuyện với cộng đồng địa phương về việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế bền vững. Với địa phương này có thể phù hợp xây dựng một nhà máy, nhưng địa phương khác thì xây dựng một công viên địa chất toàn cầu thành di sản thế giới.
Nơi đó không xây thêm nhà máy, không phá đi một thứ gì tự nhiên mà kết hợp với bảo tồn những cái gì đang có, ví dụ di sản địa chất, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và những phong cảnh đang có. Nên tổ chức lại để làm du lịch bền vững. Điều đó có lợi cho chính cộng đồng địa phương. Khi làm thế ta vừa giáo dục được ý thức bảo tồn, dạy người dân làm du lịch bền vững. Cộng đồng nơi đó họ vừa tiếp tục được sống cách sống truyền thống của họ, vừa có thêm thu nhập. Họ sống gần gũi thiên nhiên hơn, bảo tồn được thiên nhiên và giá trị văn hóa riêng.
Khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế luôn luôn có mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong cuộc sống ngày nay đôi khi các nhà quản lý và các nhà đầu tư quên mất đi phần tồn tại lâu dài mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, có cái nhìn ngắn hạn, phát triển ngắn hạn. Khi họ quên, chúng ta phải nhắc. Làm sao cho việc đó hài hòa, phát triển phải dựa vào môi trường chứ không phải phá hủy môi trường tự nhiên. Ngày xưa, con người dùng tài nguyên, khai thác tài nguyên để phát triển, còn bây giờ dựa vào tài nguyên và dần dần là tái tạo tài nguyên. Mọi người phải có ý thức giữ gìn, tái tạo, chứ không chỉ khai thác tài nguyên, để dần dần chính mình lại hủy hoại cuộc sống của mình.
Thường thì định hướng và nhận thức nằm ở cấp cao, nhưng vấn đề thực hiện và áp dụng nằm ở địa phương. Tài nguyên thiên nhiên nằm ở địa phương, chính những cộng đồng địa phương nơi có tài nguyên phải nhận thức được chính mình là những người đầu tiên phải bảo vệ tài nguyên đó. Vì nó gắn trước hết với cuộc sống của họ, sau đó mới đến của cả dân tộc và của cả thế giới.
Và đôi khi cũng phải nhắc đến cái giá phải trả cho việc tận dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên?
Thứ nhất, hãy nhìn thực tế đang diễn ra: lũ lụt hàng năm, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn để hiểu rằng khi ta đối xử không ra sao với thiên nhiên, ta sẽ nhận lại những gì. Những bài học nhãn tiền về đánh mất sự đa dạng văn hóa, đa dạng sinh học đã xảy ra tại Việt Nam. Họ đang làm nghèo cuộc sống và còn tạo ra nhiều nguy cơ cho cuộc sống của mình.
Thứ hai, ta đang phá đi những tiềm năng rất lớn để phát triển lâu dài mà không hề biết. Tiềm năng này có thể phát huy cách khác, thay vì khai thác nó một cách thiếu suy tính cặn kẽ, thậm chí bừa bãi.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9
- Ký ức quê hương:Đêm nhạc cảm xúc với tinh thần "Xanh"
- Hoa hậu Lương Thùy Linh cùng 4 đại sứ nhí sẽ góp mặt trong chương trình “Vì môi trường xanh Quốc Gia 2024”
- Hoa hậu Lương Thùy Linh làm Đại sứ Chương trình "Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024"
- Bản đồ Việt Nam kết từ 5.000 chậu sen, lớn nhất từ trước đến nay
- Cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân thế giới người Việt lần VII - 2024 sẽ được tổ chức tại Thái Lan
- Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” tại Lễ hội Đền Hùng 2024
- Nhà thiết kế Yến Ngô lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong gala "Khát vọng xanh" ở Đền Hùng
- Phim "Đinh Sư Phụ" chính thức công chiếu trên siêu ứng dụng giải trí VieON
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...
Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam
(Tin Môi Trường) - Cây Đa hơn 250 năm tuổi trong khuôn viên Đình làng thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được chính quyền và nhân dân long trọng tổ chức Lễ cong nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 24/4/2024.