»

Thứ bảy, 18/01/2025, 12:25:03 PM (GMT+7)

Chắc Cà Đao, “địa danh không tưởng”

(22:36:27 PM 18/02/2021)
(Tin Môi Trường) - Không chỉ có thật, Chắc Cà Đao còn là vùng cửa ngõ trung tâm của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, với tên gọi thị trấn An Châu.

“Bộ ở Chắc Cà Đao hả?”, thường là câu “cà khịa” quen thuộc dành cho một người kỳ quặc thái quá nào đó. Kiểu kỳ quặc đến mức... chỉ có ở Chắc Cà Đao - một địa danh không thể có trên đời. Trong văn nói dân gian hiện đại, Chắc Cà Đao đã trở thành một “địa danh không tưởng”, giống danh từ chỉ thời gian không tưởng là “Tết Congo” với ý nghĩa không biết điều đó bao giờ mới xảy ra.

 
Vậy mà, không chỉ có thật, Chắc Cà Đao còn là vùng cửa ngõ trung tâm của huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, với tên gọi thị trấn An Châu.
 
Chắc[-]Cà[-]Đao,[-]“địa[-]danh[-]không[-]tưởng”
Bà Nguyễn Thị Bé vẫn giữ thói quen tắm trên dòng kênh Chắc Cà Đao suốt hơn 70 năm qua
 
Bờ sông vẫn gió
 
Mới mờ sáng, chị dâu đã lay tôi dậy: “Út, chút nữa qua Chắc Đao ăn bánh mì xíu mại thịt khìa bà Sáu đi”. Chắc Đao là tên người dân quê tôi thường gọi Chắc Cà Đao - nơi mà muốn qua, phải đi thiệt sớm cho khỏi nắng. Trong ký ức tôi vẫn còn đó tiếng ba réo má: “Nhanh lên, đi sớm cho kịp con nước lớn của Chắc Đao bà ơi”. Rồi ba cõng tôi lúc đó hãy còn ngái ngủ xuống xuồng. Tiếng đưa xuồng đều đặn theo con sóng. Giăng mắt ra xa, chỉ thấy màn đêm đen kịt.
 
Tiếng ba nhắc: “Mạnh tay bà ơi, vịnh Bà Lân nước xiết lắm, ráng bơi để tới Chắc Đao tám tới chín giờ sáng là vừa”. Dù không nhìn, tôi cũng biết mới được 1/5 chặng đường từ Chợ Mới qua Chắc Cà Đao, rồi vô ruộng trong kênh Hai Thứ, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nhưng vịnh này không là gì so với vàm Chắc Cà Đao rộng lớn, nơi từng có nhiều thuyền ghe chìm - đó mới là thử thách thật sự với những người đi ruộng như ba má tôi.
 
“Ghé đâu trước Út ơi?” - chị dâu tôi lên tiếng khi cả hai dừng trước cây cầu có cắm bảng “Cầu Chắc Cà Đao, Km68 963 QL91”. Chúng tôi thả bộ giữa cầu, nhìn rạch Chắc Cà Đao đỏ quạch phù sa đang êm đềm chảy. Hai bên bờ, nhà sàn, nhà gạch đều hướng cửa chính về phía sông. Trên cầu, tiếng xe chạy ầm ì. Dưới nước, tiếng xuồng nổ máy “tạch tạch”, ghe chở lúa, trái cây tấp nập ngược xuôi. Trước mặt là cửa sông, sau lưng là chợ cũ, mái đình. “Ra cửa sông đi chị” - tôi nói rồi tự cảm thấy bất ngờ vì sự lựa chọn có phần vô thức của mình.
 
“Chú ơi, đường này đi ra cửa sông được không?”. Ông Nguyễn Văn Dũng (64 tuổi, ở ấp Hòa Long 4, thị trấn An Châu) đang chẻ củi bèn dừng tay lại, gật đầu: “Được chớ, xứ này cứ chạy cặp sông thì không sợ lạc đâu”. Khi biết tôi “hồi nhỏ ghé chợ Chắc Cà Đao hoài”, ông cười hiền: “Chắc Đao ai ở cũng thương, ai đi cũng nhớ”. Rồi ông chỉ tay ra sông: “Ngày xưa, con sông nhỏ xíu, nước cạn queo, xăn quần tới đầu gối là lội qua bên kia hái ổi, hái me nước miết. Hồi đó, xuồng ghe nườm nượp nhưng cá vẫn nhóc (nhiều) ăn không hết, phải ủ mắm, làm khô”.
 
Bà Nguyễn Thị Năm (60 tuổi), vợ ông, ngồi gần đó, góp lời: “Ngày xưa ở đây đẹp lắm cô ơi, ngoài cửa sông có một bãi đất bồi y như bãi biển Nha Trang. Con nít tụi tui ra tắm sông rồi chơi trượt từ trên cao xuống. Giờ bãi đất lở sâu vô trong này”. Bà đánh thượt tiếng thở dài, đứng lên cắp nón lá và dẫn xe đạp ra, ngoắt: “Theo tui nè, tui dẫn ra cửa sông”.
 
Hóa ra, “trong này”, ngay tay bà chỉ, là một căn nhà gạch cũ kỹ, to lớn và kiên cố, có phần lạc lõng với kiến trúc xung quanh. Bà Năm cho biết căn nhà cỡ 100 tuổi ấy của ông Sáu Tiếp, giàu nhất thời đó. Nhìn khoảng cách từ bờ đến cổng nhà chỉ trên dưới hai mét, chạnh lòng nghĩ trong lúc bờ bên Nhơn Mỹ ngày càng bồi, bên Chắc Cà Đao ngày càng lở, chẳng biết dấu tích sót lại cho sự phồn thịnh, trù phú của một thời này còn “giữ mình” được bao nhiêu năm nữa?
 
Chắc[-]Cà[-]Đao,[-]“địa[-]danh[-]không[-]tưởng”
Vợ chồng ông Dũng, bà Hồng bên bàn trà trước nhà
 
Tôi bước nhanh về phía cửa sông Chắc Cà Đao đầy gió, một chi lưu của sông Hậu. Con rạch dài 15km này như “bến trú” an toàn cho bất cứ ai đi qua đoạn sông mênh mông chảy xiết trước đó. Trong trí nhớ của chị dâu tôi vẫn còn đó dáng hình con bé nhỏ loắt choắt tám tuổi, theo cha là ông Đỗ Văn Nhuệ (80 tuổi), nhà ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới mà làm ruộng tuốt miệt Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn.
 
Mỗi lần vô ruộng, gia đình chị phải bơi xuồng và dẫn đàn bò ra vô cung đường này biết bao lần. Ba má chị có lần suýt bỏ mạng ở đây. Đêm, tiếng đập muỗi lép bép, tiếng đàn guitar phím lõm, câu vọng cổ mùi mẫn trong trăng non mới nhú là những ký ức không thể quên. Giờ cồn phía huyện Chợ Mới ngày càng bồi ra, đoạn sông mênh mông đã được thu hẹp, ghe xuồng qua lại không còn nỗi phập phồng như xưa kia.
 
Qua chợ Chắc Cà Đao một đoạn, về hướng kênh 4 Tỗng là thủ phủ lò gạch. Nhìn đoàn người cõng gạch oằn lưng, trong đó có rất nhiều trẻ em và phụ nữ, lại nhớ bộ dạng cái đứa nhỏ xíu - là mình ngày xưa - lội ruộng cắt lúa. Có lẽ, đó cũng là một phần lịch sử của vùng đất này, nơi mà vẻ đẹp lao động cũng là một nét chấm phá thú vị. Các chị, các em chân yếu tay mềm là vậy, nhưng khi đỡ lấy chồng gạch gần cả chục viên để chất lên ghe lại thoăn thoắt lạ kỳ. Và cũng là các chị, tám ngón tay kẹp tám viên gạch để chất vào lò nung một cách rất điệu nghệ.
 
Có lẽ dân Chắc Cà Đao chủ yếu là lao động thủ công, bưng bê cực nhọc, đôi tay thô ráp, chai cứng, to bè, nên xứ này mới có câu: “Chắc Cà Đao Mặc Cần Dưng/ Cùm tay lớn hơn cùm chưn”. “Giờ người ta làm lò gạch hiện đại, nhiều người bỏ nghề rồi” - chị dâu tôi nói. Khi chạy xe qua cặp kênh Chắc Cà Đao, vô tới gần chợ Ba Bằng, nhác chỉ còn lác đác vài lò gạch, không như cái thời gạch ngói nơi đây tản đi khắp nơi, qua Đồng Tháp, ngược Hà Tiên, tới tận Bạc Liêu, Cà Mau.
 
Chắc[-]Cà[-]Đao,[-]“địa[-]danh[-]không[-]tưởng”
Cửa sông Chắc Cà Đao
 
Chắc cà Đao là Chắc Cà Đao, vậy thôi!
 
Theo sử sách, Chắc Cà Đao được lưu tên trên bản đồ nước ta từ vài trăm năm trước. Nhà “Nam bộ học” Sơn Nam cho rằng, địa danh Chắc Cà Đao do chữ Khmer “prek pedao” mà ra, nghĩa là con rạch có nhiều dây mây. Còn trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển lại đồng tình với cách giải thích của ông Nguyễn Văn Đính, Chắc Cà Đao là một cách phát âm hình thành từ chữ Khmer “chắp kdam” (bắt cua) - vì vùng này xưa có nhiều cua.
 
Chẳng biết sau rốt thế nào, có điều, người dân Chắc Cà Đao không bao giờ thắc mắc về cái tên này. Với họ, Chắc Cà Đao quen thuộc và tự nhiên như hơi thở, có gì mà thắc mắc.
 
Mặc đồ bà ba đen, tóc búi củ tỏi, râu bạc trắng, ông Tư Bụng (tên khai sinh là Tạ Văn Hằng, 81 tuổi) đứng trầm ngâm nhìn con kênh Chắc Cà Đao. Xưa, gia đình ông sống trong ruộng sâu của Thoại Sơn, nhưng lúc ông bảy tuổi, “bom đạn ớn quá” nên ba má dẫn ông về đây, sống tới giờ đã 74 năm. “Ở đây hồi đó vắng dữ lắm cháu ơi, cây cối lại rậm rạp”, ông Tư Bụng kể chuyện, khoe nguyên nụ cười móm mém không còn chiếc răng nào.
 
“Còn con sông Chắc Cà Đao này, nghe ông bà tui kể là hồi xưa voi đi mà thành sông đó, chớ không có ai đào hết. Sau này nhà nước mới cho xáng múc, xáng thổi nên sông mới bự và sâu như bây giờ”. Ông Tư nói một thôi một hồi, như thể đã lâu ông không sống lại những ngày xưa đó, cái thuở nghèo mà “sướng lắm à nghen”.
 
Hồi đó, Chắc Cà Đao của ông là cái xứ ruộng đồng mênh mông, nhà nào cũng làm cả 100 công đất trở lên. Một năm chỉ có một mùa, sạ lúa xong thì chơi cho đến gần tết mới thu hoạch, nhà nào cũng ăn tết xông xênh. Nhắc tới tết, tới ấu thơ, đôi mắt màu trắng đục của ông Tư Bụng sáng lên. Đó là dịp nhà nào cũng quết bánh phồng, gói bánh tét. Hồi đó, làm vần công, cả xóm hôm nay làm cho nhà này, ngày mai xúm qua làm cho nhà khác, vui lắm.
 
Ông Tư đang kể thì ông Lê Văn Khiêm (77 tuổi) - ông từ của đình Hòa Bình Thạnh - nhập hội. Ông là cháu cố của ông hương cả Lê Văn Cường, người lập đình và lập làng Hòa Bình Thạnh (là làng Chắc Cà Đao, sau này làng Hòa Bình Thạnh được đặt cho xã khác, còn Chắc Cà Đao đổi tên thành thị trấn An Châu) vào năm 1892. Qua lời ông kể, ngày xưa vùng này chủ yếu chỉ có ba họ lớn: Lê, Lý, Phan. Mọi người chăm chỉ khai hoang, trồng lúa nên ít lâu sau dân làng no ấm, phồn thịnh, tiến tới lập đình, lập làng.
 
Nghe bạn già nhắc lại chuyện xưa, ông Khiêm vỗ đùi cái đét: “Ngày xưa lạc hậu, không máy móc, nhưng sống khỏe, nuôi bầy con khỏe re anh Tư ha”. Hai ông cụ thoắt cái biến thành những đứa trẻ lên bảy lên tám, thi nhau kể những món ăn và trò chơi dân gian xưa. Hai ông cứ mở miệng ra là “hồi đó”. “Hồi đó ngó bộ vui”. Và “ở đây bình yên lắm con ơi, thời chiến tranh cũng vậy, mà bây giờ cũng vậy”.
 
Chắc[-]Cà[-]Đao,[-]“địa[-]danh[-]không[-]tưởng”
Ngày nay, nhiều cư dân Chắc Cà Đao vẫn sống với nghề chài lưới
 
Ai cũng có một dòng sông thiêng
 
Hai chị em tôi tìm về chợ Chắc Cà Đao cũ. Ngôi chợ cũ sầm uất một thời giờ chỉ còn vài ba hàng quán lèo tèo. Sự trầm lắng của không gian hiện rõ trên nét mặt người bán hàng nước kiệm lời. “Mọi người qua chợ mới hết, sao chị không đi?” - tôi bắt chuyện. Chị nói cụt ngủn: “Quen ngồi ở đây rồi”. Nhìn chị, nhìn những vị khách mối - cũng chỉ vì quen chốn, có đi đâu vẫn quay về ngồi tám chuyện, nhìn cái quán nước nhỏ của chị lọt thỏm trong ngôi chợ cũ còn sót lại đó, bất giác nghĩ, đôi khi người ta chọn ở lại, đâu cần lý do, hỏi làm chi, “mắc mệt hà”.
 
Chúng tôi gọi hai ly sữa đậu xanh như mấy chục năm trước mỗi khi ghé chợ. Trong cái nắng trưa thiêu đốt, giàn hoa giấy lả lơi từng chùm nửa trên bờ, nửa thả xuống mé sông. Ở ngay cầu thang lối xuống sông, có một bà cụ đang ngồi lấy tay vẩy nước như trẻ con chơi đùa. Tôi nghĩ bụng “chắc bà không được bình thường”. Rồi bà mở bung lọn tóc búi, và thả mình xuống nước. Hóa ra là một bà cụ tắm sông.
 
Tôi hỏi: “Bà có hay tắm sông không bà?”. Bà tròn mắt nhìn tôi: “Ngày nào mà tui không tắm, nhỏ tới lớn chỉ tắm ở đây thôi”. “Nhà bà có nhà tắm không bà?”. Có lẽ, đến lượt bà nghĩ tôi có vấn đề, bà hơi cao giọng: “Có chứ sao không, nhưng tôi chỉ thích tắm sông, quen rồi”. Nói xong, bà lại hụp sâu xuống nước, chừng 30 giây sau bà nổi lên, hai tay vuốt nước trên mặt và cười sảng khoái, đầy vẻ tận hưởng.
 
Bà cụ làm tôi nhớ đến sông Hằng linh thiêng của người Ấn Độ. Con sông được cho là ô nhiễm nặng, người tắm bên này, xác chết trôi ngay bên cạnh; nhưng người dân vẫn thản nhiên lặn ngụp trong nước, nhiệt thành và say mê. Dường như những cảnh báo ô nhiễm, nguy hiểm của khoa học đều không thể ngăn họ đến với dòng sông mẹ - dòng sông thiêng trong mình.
 
Cũng như với bà Nguyễn Thị Bé (71 tuổi) ở ấp Hòa Long 1, thị trấn An Châu - bà cụ tắm sông mà tôi vừa nhắc - con kênh Chắc Cà Đao, nơi bà đã tắm từ thuở còn ẵm ngửa, đến lúc thiếu niên, qua trung niên và giờ đây là một bà lão, chẳng có lý do gì ngăn được bà vẫy vùng thỏa thích trong con sông thân thuộc, gắn bó cả đời người. Bà tắm theo cái tập quán cũ xưa của người vùng sông nước, mặc cho trong cái không khí đang phả quanh mình, hơi thở của hiện đại, của tiện nghi đã len khắp cái thị tứ quê hương.
 
Chắc Cà Đao là một thị tứ thời hiện đại thứ thiệt; nhưng bằng một cách nào đó, nó vẫn giữ được nhịp sống chậm rãi. Từ cái lu nước trước sân, cái ấm trà bày sẵn giữa hiên nhà; cái khung cảnh ngồi chẻ củi ban trưa yên ắng của vợ chồng ông Dũng, cho đến hàng nước nằm đơn độc và cô hàng nước kiệm lời ở chợ cũ. Hay thậm chí, một tiệm bánh mì chỉ bán món xíu mại, bì, thịt khìa mấy chục năm, những người phụ nữ chơi loại bài tứ sắc xưa cũ, cụ bà tắm sông và sự xuất hiện của những cụ ông, cụ bà mặc áo bà ba nâu… Tất cả như từ trong một bộ phim âm bản “hồi nào đó” bước ra.
 

Chắc[-]Cà[-]Đao,[-]“địa[-]danh[-]không[-]tưởng” 

Trà nước trong sinh hoạt làng xóm thường nhật của đàn ông xứ này
 
Chiều muộn. Ở bến sông phía sau nhà thờ An Châu, ông Nguyễn Văn Thành (61 tuổi) kéo lưới lên được một mớ cá linh trắng ánh bạc. Một buổi chiều yên tĩnh chợt tan đi bởi tiếng lao xao của bọn trẻ đi đá banh về. Chúng nhảy ùm xuống dòng sông, mặc ông Thành kêu: “Mấy đứa bơi ở trong, đừng làm cá động để chú chài coi bây”. Nhưng trẻ con nhớ rồi quên đó, chài của ông kéo lên đã bớt đi ánh bạc của cá, bọn trẻ thấy có lỗi nên lảng đi, và chạy theo tôi khi thấy tôi cầm máy ảnh “tách tách”. “Cô ơi, cô ở kênh YouTube nào vậy? Để tụi con mở coi”. “Kênh Chắc Cà Đao” - tôi đùa. Bọn trẻ cười rộ: “Quê con đó nghen cô”.
 
Có không ít điều tưởng chừng đã mất, người ta hồi cố, tìm lại cũng không thể; thì may mắn sao, ở xứ này, người dân quê vẫn còn nguyên sự chân chất, hồn hậu, hào sảng, sum vầy giữa đời, thuận theo tự nhiên.
 
Lặng lẽ ngắm cửa sông Chắc Cà Đao trước khi về, thuyền ghe vẫn xuôi ngược ra vào. Chắc Cà Đao - cái tên ngộ nghĩnh, quê mùa, nhưng cả đường thủy lẫn đường bộ đều là tuyến đường huyết mạch của tỉnh, của khu vực. Từ Chợ Mới muốn đi ruộng ở các huyện Thoại Sơn, Châu Thành; hay từ Long Xuyên, muốn đi Châu Đốc, Hà Tiên, hay qua Campuchia, cũng phải qua Chắc Cà Đao. Một con rạch nhưng chứa quá nhiều phận người lưu lạc, những chuyến xe, chuyến đò đến rồi đi, quay quắt.
 
Từ một con rạch nhỏ được đào ra để trở thành một con sông lớn như hiện nay, đó không chỉ là câu chuyện của năm tháng, mà còn là chuyện đời của đất và của cái không gian văn hóa - xã hội trương nở dần theo tốc độ phát triển của cái thị tứ bình yên, mặn mòi lâu năm bên bờ kênh này. Tôi tin vào con người, vào dòng kênh huyền thoại, tôi tin những người trẻ Chắc Cà Đao mà tôi gặp ở cửa sông với sự khát khao cháy bỏng: “Con muốn phụ ba con mua bán”, “Con muốn làm công an”, “Con muốn làm chủ”… sẽ giúp Chắc Cà Đao ngày càng phát triển hơn, mà vẫn giữ được nét đẹp hồn hậu, hào sảng, dung dị của đất và người.
(Thùy Dương/PNO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chắc Cà Đao, “địa danh không tưởng”

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI