»

Thứ năm, 31/10/2024, 02:19:38 AM (GMT+7)

Bi sơn bút thế...

(09:39:32 AM 22/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Người xưa (dân gian) truyền miệng lại “ Bi sơn bút thế- Nựu đảnh quy hình” ( Dáng núi Đá Bia như cây bút; đỉnh núi Chóp Chài như hình rùa . Đây cũng chính là một trong ba biểu tượng xứ Đàng Trong

 

 

Núi Đá Bia “ Bi sơn bút thế” 

 

Núi Đá Bia, có tên gọi khác: Thạch Bi Sơn. Là một trong ba biểu tượng xứ Đàng Trong: Nam thiên đệ nhất trụ (cây trụ kỳ vĩ nhất trời Nam). Dãy núi Đại Lãnh và Đá Bia – đèo Cả đã được vua Minh Mạng chọn khắc vào một trong chín Tuyên Đỉnh đặt tại Thế miếu trong Đại Nội kinh thành Huế.

 

Bao thế hệ, người Phú Yên bằng huyết hãn của mình đã biến đổi vùng lam sơn chướng khí thành miền đất phì nhiêu dân cư đông đúc. Là một vùng đất mới, cách xa Đế đô, cư dân chủ yếu là những lưu dân (người nghèo không sản nghiệp) nên Phú Yên rất hiếm người theo việc đèn sách.

 

Từ khi Phú Yên chính thức có tên trên bản đồ Đại Việt (1611) đến khi triều đại phong kiến cuối cùng sụp đổ (1945) Phú Yên chưa có một nhà đại khoa cỡ tiến sĩ. Tuy còn ít nhưng hàng khoa bảng thấp hơn thì thời nào cũng có. Đặc biệt người  Phú Yên rất trọng chữ nghĩa và học hành, xem núi Đá Bia như cây bút, như  một lời nguyện ước cho con ăn học “năm ba chữ” để làm người.

 

Dưới thời chúa Nguyễn, Phú Yên là phủ mới lập, ở xa chính dinh (Kinh đô) nên hầu như rất hiếm người lặn lội ra Kinh đô để học hành thi cử. Sách Đại Nam nhất thống chí chép là “ ít người chuyên theo việc học”  nhưng cũng đã có người ra thi ở Chính dinh và đỗ cao là ông Bạch Doãn Triều (kỳ thi Hương năm Mậu tý 1768).

 

Dưới triều Tây Sơn, tuy thời gian ngắn ngủi, song việc học hành thi cử được quan tâm. Khoa thi đầu tiên được mở (khoa Minh kinh) ông Phan Văn Biên đậu hạng ưu, được bổ làm huấn đạo ở Phú Yên. Mặc dù sĩ tử Phú Yên không có ai vào Điện thí, nhưng được tạo điều kiện học tập và thi cử. Quốc triều hương khoa lục, chép rằng: Từ khoa Đinh Mão Gia Long thứ 6 (1807) đến khoa Ất Dậu, Hàm Nghi thứ 1 (1885) có 34 khoa thi Hương, Phú Yên có 15 người đậu cử nhân, đơn cử như: Lê Đức Ngạn (xã Cự Lộ, huyện Đồng Xuân) đậu cử nhân  trường thi Gia Định, khoa Tân Tỵ, Minh Mạng năm thứ 2 (1821); Nguyễn Đăng Dinh (Xã Phương Đài, huyện Đồng Xuân) đậu cử nhân  trường thi Bình Định, khoa Canh Ngọ năm Tự Đức thứ 23 (1830); Đào Tấn Tú (xã Phú Lộc, huyện Tuy Hoà) đậu cử nhân trường thi Thừa Thiên, khoa Tân Sửu năm Thiệu Trị thứ 1 (1841); Mạnh Thế Tuyển (xã Yên Thành, huyện Đồng Xuân) đậu cử nhân trường thi Thừa Thiên, khoa Canh Tuất năm Tự Đức thứ 3 (1850)…

 

Thời Pháp thuộc, vẫn còn duy trì các kỳ thi ở khu vực do triều đình Huế quản lý. Sĩ tử Phú Yên được thi ở trường thi Bình Định từ năm 1885 đến khoa thi hương cuối cùng 1918, Phú Yên có một số người đỗ cử nhân, đó là: Nguyễn Đức (1891); Nguyễn Bá Côn (1894); Võ Phụng cang (1897); Võ Đôn Luân(1897); Lê Mai (1897); Lê Hoàng Lưu (1903); Phạm Đàm; Đặng Lang; Lê Phụng Cảnh; Trương Trọng Cầu (1912); Trần Khắc Đôn (1912); Đặng Trác Văn đỗ á khoa (1915) (cùng cử nhân đồng khoa có: Nguyễn Viết Duy; Bùi Cạnh); Trần Đình Hiến; cùng đỗ cử nhân khoa này có ông Lê Hoàng Hà (là con trai của Lê Hoàng Lưu, đậu cử nhân năm 1903).

 

Một số người dự khoá thi hương, không đậu nên không được học vị cử nhân mà chỉ đạt học vị tú tài. Do đó, không được đưa vào “Quốc triều hương khoa lục”. Qua sưu tầm tư liệu giáo dục thời xưa và nay của Phú Yên, có thể thống kê bước đầu danh sách 25 tú tài, như: Trương Chính Đường,; Ngô Quang Khuê; Lê Thành Phương; Trần Đình Khánh; Nguyễn Hộc; Nguyễn Vận; Tô Quế; Huỳnh Thượng Trung; Nguyễn Tấn; Nguyễn Doãn; Lê Văn Hoành; Đinh Châu; Nguyễn Nho Trân; Huỳnh Huệ Địch; Nguyễn Nhân Hiếu; Trình Châu; Trương Dụng Bút (tú tài hậu bổ); Lê Ngọc Cẩn; Lê Doãn Cung; Đặng Uyển; Phan Quế...

 

Tuy chưa có người hiển đạt đại khoa, năm 1925 Phú Yên cũng có Á nguyên thi hương là ông Đặng Trác Văn. Năm 1821 Hương cống đầu tiên là ông Lê Đức Ngạn. Nhiều nhà nho không hiển đạt trong khoa cử nhưng học vấn uyên thâm cùng với cốt cách người coan đất Việt, đã đóng góp xây dựng Phú Yên thực sự là một vùng đất học, hoặc khi tổ quốc lâm nguy họ đứng lên cứu nước, như cuộc khởi nghĩa giữa thế kỷ XIX (1885) của Tú Tài Lê Thành Phương đã làm cho quân Pháp thất điên bát đảo. Tiếng thét "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" (thà chịu chết chứ không chịu nhục!) của thủ lĩnh Lê Thành Phương đã vang vọng mãi ngàn sau thể hiện ý chí bất khuất của con người Phú Yên. Có người không là khoa bảng nhưng được tu dưỡng rèn luyện trong môi trường giáo dục gia đình, lưu đức muôn đời như: Thống chế Nguyễn Nhàn (1789-1872); Đào Trí, nhiều tấm gương yêu nước chống Pháp được người đời ca ngợi, tôn kính như: Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ, Tham trấn Hoà Đa Nguyễn Hữu Dực; Lê Hanh; Trần Đôn...

 

Ngoài các cá nhân khoa bảng, trí thức còn có nhiều tấm gương hiếu tử được triều đình nhà Nguyễn khen thưởng như: Nguyễn Văn Tựu, Nguyễn Văn Thiện, Phạm Văn Thụ, Tô Hỷ, Nguyễn Phác, Lê Văn Trạch…

 

Những năm 1920-1945, người Pháp xây dựng trường tiểu học Pháp-Việt ở Sông Cầu (1923); Tuy Hoà (1926); Tuy An (1932); Bàn Thạch (1940)...Nhiều người Phú Yên đậu bằng Tiểu học Pháp - Việt, đơn cử: Lê Hoàng Hà, người đầu tiên đậu ở Huế năm 1920 (cũng là người đậu bằng cử nhân nho học khoa thi cuối cùng triều Nguyễn năm 1918); Quách Đình Liên (1921); Phan Ngọc Thành; Huỳnh Tấn Dung; Trần Bính; Đặng Tín; Trương Tấn Tiếp(1922); Võ Thị Trang (1923) cùng với các ông Đoàn Thuật; Cao Văn Minh. Năm 1924 có ông Phan Tấn Kích; Ngô Phụng Lâm; Nguyễn Như; Nguyễn Đệ. Năm 1925 có ông Huỳnh Ảnh; Lê Nguyễn Thẩm; Huỳnh Thượng Thạch; Phan Thanh; Huỳnh Nhân; Trần Lễ. Năm 1926 có ông: Lê Kỉnh Hứa; Nguyễn Khiêm; Huỳnh Khinh; Đặng Nhơn; Phan Thanh Cưu; Lê Cụ.

 

Riêng những người đậu bằng thành chung (Đíp-lôm) bậc Trung học Pháp-Việt ở Phú Yên có 3 người: ông Đào Sỉa năm 1924; ông Trần Sĩ năm 1929; Huỳnh Thượng Thạch năm 1930. Những người đậu tú tài có ông Nguyễn Tích; Trần Kỳ Doanh và Trần Ngũ Phương (năm 1939) và ông Trần Suyền (năm 1943).

 

Trong cách mạng tháng Tám, hầu hết trí thức Phú Yên tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với nền dân trí tỉnh nhà là tháng 10-1946 trường Trung học đầu tiên của Phú Yên ra đời mang tên vị thành hoàng - Lương Văn Chánh. Sau 4 năm thành lập, năm học 1949 - 1950, liên khu V tổ chức thi tốt nghiệp bậc trung học đầu tiên, học sinh thi đỗ 100%. Hai anh em Cao Chi, Cao Lan (hiện là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, ngành nguyên điện tử Việt Nam) và Trần Văn Nho đỗ Thủ khoa và Á khoa.

 

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, giáo dục Phú Yên đã phát triển vượt bậc. Từ 5 trường tiểu học toàn cấp với 45 giáo viên và chưa đầy 1.000 học sinh, đến năm 1954 đã có tới 186 trường học, 25.000 học sinh và 550 giáo viên các cấp.

 

Một thế hệ vàng học sinh Lương Văn Chánh, thời kháng chiến chống Pháp đã làm rạng danh cho quê hương đất nước, như Anh hùng lao động-Tiến sĩ Thái Phụng Nê; Tiến sĩ Điều khiển học Nguyễn Thúc Loan; PGS-Tiến sĩ Nguyễn Quốc Lộc; Đoàn Văn Điện. Các Tiến sĩ  tiêu biểu như: Nguyễn Xuân Đàm; Trần Mạnh Trí... và nhiều vị khác.

 

Sau 22 năm tái lập tỉnh, hiện Phú Yên có trên 30.000 người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, chiếm 3,46% dân số toàn tỉnh. Trong đó, 600 người có trình độ thạc sĩ, 21 người có trình độ tiến sĩ. Điều đáng chú ý Phú Yên đã từng có 8 học sinh xuất sắc đoạt giải học sinh giỏi toán quốc gia, được Bộ GD-ĐT triệu tập vào đội dự tuyển quốc gia để tuyển chọn 6 em vào đội tuyển chính thức tham dự kỳ thi Olympic toán quốc tế. Đó là các em Trần Thế Trung (1994), Phan Thành Nam (2002), Trần Thanh Phong (2005). Năm 2010, có 3 học sinh được triệu tập vào đội dự tuyển quốc gia gồm: Lê Hồng Nam, Trần Quốc Luân, Nguyễn Đình Thi. Em Lê Hồng Nam được xếp thứ 7/42. Tất cả học sinh xuất sắc trên đều là học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, các em đều tiếp tục tỏa sáng như Phan Thành Nam sắp bảo vệ luận án tiến sĩ toán học ở Đan Mạch ở tuổi 26, Lê Hồng Nam là thủ khoa trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh năm 2010 với số điểm 29/30, Trần Quốc Luân được Nhà nước cấp học bổng du học ở Mỹ…

 

Riêng năm 2011, Phú Yên có hai học sinh xuất sắc đoạt giải toán quốc gia và được vào đội tuyển quốc gia là Võ Văn Huy (Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa) và Lê Cao Thăng (Trường THPT Phan Chu Trinh, TX Sông Cầu). Võ Văn Huy đã mang về cho quê hương Phú Yên và đất nước, chiếc Huy chương đồng Ôlimpic Toán quốc tế lần thứ 52.

 

Với Bi Sơn bút thế, với hào khí 400 năm Phú Yên, với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, với trí tuệ thông minh và mẫn tiệp được hun đúc từ truyền thống ngàn năm văn hiến của tổ tông. Là hậu duệ của Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh, của Bình Tây nguyên soái Lê Thành Phương, đội ngũ kế thừa   các bậc anh hùng dưới thời đại Hồ Chí Minh và các lớp "sĩ, nông, công, thương, binh" sẽ cùng nhau xây dựng một Phú Yên giàu có và yên bình như nguyện ước của cha ông khi đặt tên cho mảnh đất này. 

Hoàng Hà Thế
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bi sơn bút thế...

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

VACNE 30 năm
 Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Đa hơn 250 năm tuổi trong khuôn viên Đình làng thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được chính quyền và nhân dân long trọng tổ chức Lễ cong nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 24/4/2024.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI