»

Thứ sáu, 22/11/2024, 20:06:32 PM (GMT+7)

Chính thức luật hóa việc quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo

(09:15:12 AM 02/07/2016)
(Tin Môi Trường) - Tại kỳ họp thứ 9 ngày 25/6/2015 , Quốc hội khóa XII đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Kể từ ngày 1/7/2016, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực.

Từ đây, việc quản lý tài nguyên và môi trưởng biển và hải đảo theo hướng tổng hợp, thống nhất chính thức được luật hóa và kỳ vọng mang lại hiệu quả cao trong sử dụng tài nguyên và quản lý môi trưởng biển, đảo của nước ta.

 

Chính[-]thức[-]luật[-]hóa[-]việc[-]quản[-]lý[-]tài[-]nguyên[-]và[-]môi[-]trường[-]biển[-]và[-]hải[-]đảo

Bãi biển Phú Quốc -Ảnh: TL


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Sự ra đời của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động... giúp các địa phương ven biển xác định phương hướng, mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo và khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo. Từ đó giúp cho công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của các địa phương ven biển có nhiều chuyển biến tích cực, giảm thiểu được sự chồng chéo, tranh chấp quyền lợi giữa các bên liên quan trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển, hải đảo, góp phần định hướng phát triển kinh tế biển theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương, 81 điều. Đây là công cụ hữu ích về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân trong quản lý sử dụng tài nguyên, môi trường biển. Nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc các nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo; quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển…Trong đó, nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật nước ta như: bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, sử dụng tài nguyên biển. Quản lý tổng hợp phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái…

Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này. Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhận chìm ở biển. Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lý giải về tính tổng hợp trong quản lý tài nguyên biển và hải đảo trong nội dung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn cho rằng: Việc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo với phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực; giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo.

Tính tổng hợp trong quản lý tài nguyên biển và hải đảo được thể hiện trên 3 phương diện. Trước hết là tổng hợp theo tính hệ thống: Mỗi vùng biển được coi là một hệ thống tài nguyên thống nhất, được quản lý theo phương thức không cắt rời, chia nhỏ hay xem xét các thành phần của nó một cách riêng biệt để đảm bảo tính toàn vẹn; xem xét vùng biển là hệ thống tương tác giữa tự nhiên và xã hội, giữa các yếu tố sinh học và phi sinh học. Về tổng hợp theo chức năng: Mỗi vùng biển là một hệ thống nhiều chức năng, cần được xem xét sử dụng cho phù hợp với các chức năng đó và trong giới hạn chịu tải của hệ thống, tiểu hệ thống trong vùng, tổng hợp về phương thức quản lý là phương thức quản lý theo chiều dọc và chiều ngang để đảm bảo tính đa ngành, đa cấp; đồng thời phải có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và hành động quản lý. Ngay từ năm 2000, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ.

Từ năm 2000 tới năm 2006, Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án quản lý tổng hợp vùng bờ thí điểm tại Nam Định, Thừa Thiên - Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác này tiếp tục được triển khai trên diện rộng theo Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 từ năm 2007. Nguyên tắc quản lý tổng hợp biển, hải đảo được Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo bám sát mục tiêu nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Do vậy, Luật chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể. Điều đó sẽ tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


Luật quy định các nguyên tắc, chế định rất mới như quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, quyền tiếp cận của người dân với biển, nghiêm cấm các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn. Bởi việc quản lý tổng hợp không phải là thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành nên xét về trách nhiệm, Luật chỉ rõ: “Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo đối với các loại tài nguyên cụ thể đã được quy định và thực hiện theo pháp luật chuyên ngành (như pháp luật về thủy sản, khoáng sản, dầu khí, du lịch…); trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cũng được quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường”.

Luật chỉ tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, để bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp theo hướng bền vững.

TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Chính thức luật hóa việc quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

(Tin Môi Trường) - Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organization - WMO) đã cố bố chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2024 là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI