»

Thứ bảy, 18/01/2025, 07:59:15 AM (GMT+7)

Toàn văn báo cáo công tác quản lý về khoáng sản 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TN&MT

(09:08:23 AM 23/07/2015)
(Tin Môi Trường) - Tin Môi Trường giới thiệu toàn văn: "Báo cáo về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường". Nội dung sẽ được trình bày tại Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 25/7/2015 tại tỉnh Nghệ An.

>>Toàn văn báo cáo 6 tháng đầu năm của ngành tài nguyên và môi trường

>>Toàn văn báo cáo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường 6 tháng đầu năm 2015

 

Toàn[-]văn[-]báo[-]cáo[-]công[-]tác[-]quản[-]lý[-]về[-]khoáng[-]sản[-]6[-]tháng[-]đầu[-]năm[-]2015[-]của[-]Bộ[-]TN&MT

Khai thác khoáng sản- Ảnh: TL

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN NĂM 2014 KẾT QUẢ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
6 THÁNG CUỐI NĂM 2015



Từ khi Luật khoáng sản năm 2011 có hiệu lực đến năm 2014, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về khoáng sản cơ bản đã được hoàn thiện với 04 Nghị định, 03 Quyết định và 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 29 Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 03 Thông tư của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, 03 Thông tư liên tịch của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch đầu tư được ban hành. Đây là những tiền đề, những cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong năm 2015 cũng như 6 tháng đầu năm 2015 đạt được những kết quả đáng kể, góp phần chấn chỉnh hoạt động khoáng sản trên phạm vi toàn quốc, thể hiện trên các mặt sau đây:


I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN


1. Kết quả công tác năm 2014


1.1. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật về khoáng sản


a) Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quản lý khoáng sản


Trong năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành theo thẩm quyền 05 thông tư về quản lý khoáng sản; 04 Thông tư về tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan ban hành 02 Thông tư liên tịch liên quan đến quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và góp vốn, quản lý vốn góp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.


Về phía các địa phương, cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản  quy phạm pháp luật, văn bản quản lý thuộc thẩm quyền để triển khai Luật khoáng sản trên địa bàn. Theo thống kê từ 61/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2014 Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành 173 Quyết định và 831 văn bản quản lý về khoáng sản hoặc văn bản chỉ đạo, điều hành trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành tập trung chủ yếu để thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn giá tối thiểu tính thuế tài nguyên, quy định tỷ lệ quy đổi khoáng sản thành phẩm và khoáng sản nguyên khai; chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.


b) Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản


Trong năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tổ chức 04 Hội nghị hướng dẫn, phổ biến pháp luật về khoáng sản. Theo đó, để triển khai Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Nghị định 203), Bộ  đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ cho các Sở, ngành liên quan thuộc 63 tỉnh, thành phố cả nước, đồng thời chỉ đạo tập huấn tại 13 tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Hà Nam, Kiên Giang, Hải Dương và Hòa Bình; đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về triển khai thực hiện Nghị định 203 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về quy trình “Thăm dò, đánh giá phần trữ lượng còn lại” để giải quyết vướng mắc trong việc tính trữ lượng còn lại của các mỏ khoáng sản đang khai thác khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.


Về phía các địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản cũng được các tỉnh tiếp tục quan tâm, trực tiếp tổ chức tập huấn về Luật khoáng sản, chủ động thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: phối hợp với báo, đài phát thanh truyền hình, tổ chức hội nghị, hội thảo, thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh. Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khoáng sản cho các ngành, các cấp và địa phương, nhất là triển khai Nghị định 203 và Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (Nghị định 142) trên địa bàn; giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách pháp luật về khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã và người dân nơi có khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.


1.2. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản, khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản


a) Công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản


Về quy hoạch khoáng sản cả nước: Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2014, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng; Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 01 quy hoạch (thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 để thay quy hoạch phê duyệt năm 2006); theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ cũng đã ban hành 07 quyết định để bổ sung các khu vực có khoáng sản vào 07 quy hoạch đã duyệt trong giai đoạn trước khi Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực.


Về phía quy hoạch tỉnh, thành phố: Theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố, đến cuối năm 2014, các địa phương đã phê duyệt mới, điều chỉnh 58 quy hoạch khoáng sản các loại. Các quy hoạch điều chỉnh chủ yếu là các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi; sét gạch ngói, v.v... Ngoài ra, cuối năm 2014 có 14 tỉnh, thành phố đã lập quy hoạch điều chỉnh, đang trình Hội đồng nhân dân cùng cấp để thông qua trước khi phê duyệt (Sơn La, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, thành phố Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Bình Phước, Đồng Tháp và Trà Vinh).


b) Công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản


Năm 2014, công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ và làm đầu mối tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ công tác này được thúc đẩy nhanh hơn. Nhờ đó, trong năm 2014 đã có hồ sơ của 17 tỉnh, thành phố là: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Phước, Kon Tum, Đăk Nông, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Phú Yên đã được thẩm định và phê duyệt. Đến cuối năm 2014 có 21 hồ sơ của các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Trà Vinh và Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn thành và đang thực hiện công tác trình, thẩm định trước khi phê duyệt.


1.3. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản


a) Công tác cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường


Trong năm 2014, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tiếp tục được thực hiện theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010, các Nghị định hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 02/CT-TTg. Trong quá trình thẩm định có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản trong việc lấy ý kiến về khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Việc cấp phép mới đối với quặng titan, đá hoa trắng chỉ thực hiện sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; cấp phép mới khai thác khoáng sản đều gắn với địa chỉ sử dụng khoáng sản sau khai thác. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 phê duyệt các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ.


Kết quả, Bộ đã cấp tổng cộng 75 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, gồm: (1) Giấy phép thăm dò khoáng sản: 34 giấy phép (30 giấy phép cấp mới, 04 giấy phép gia hạn, chuyển nhượng, điều chỉnh) cho 22 doanh nghiệp trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố để thăm dò 16 loại khoáng sản với tổng diện tích là 13.568 ha; (2) Giấy phép khai thác khoáng sản: cấp 41 giấy phép (35 giấy phép cấp mới, 06 giấy phép gia hạn, chuyển nhượng, điều chỉnh) cho 32 doanh nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố để khai thác 14 loại khoáng sản với tổng diện tích là 4.940 ha.


b) Công tác cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh


Trong năm 2014 tổng số giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã cấp là 853 giấy phép. Trong đó, thăm dò: 408 giấy phép (390 giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, 18 giấy phép thăm dò khoáng sản khác); khai thác: 439 giấy phép (435 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 23 giấy phép khai thác khoáng sản khác). Một số địa phương không cấp phép mới như Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có 07 tỉnh, thành phố đã thu hồi 124 giấy phép khai thác khoáng sản do các đơn vị vi phạm pháp luật về khoáng sản, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đăk Nông, Gia Lai, Đà Nẵng; có 15 tỉnh, thành phố ban hành quyết định đóng cửa 66 khu vực khai thác khoáng sản, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đăk Nông, Gia Lai, Đà Nẵng và An Giang.


c) Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản


Để có cơ sở pháp lý tổ chức đấu giá theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ như đã nêu trên. Mặt khác, Bộ cùng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định về quy chế hoạt động của Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ.


Trong năm 2014 nhiều địa phương đã phê duyệt danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như kế hoạch đấu giá như: thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái, Thái Nguyên, Đăk Nông, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Bước đầu đã có một số tỉnh tổ chức đấu giá thành công như: Quảng Bình đấu giá quyền khai thác khoáng sản 03 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng số tiền là 1.382.290.000 đồng; Kon Tum đấu giá quyền khai thác khoáng sản 09 điểm mỏ cát, sỏi trên lòng sông Đăk Bla, thành phố Kon Tum với tổng số tiền là 2.183.900.000 đồng; Quảng Ngãi đấu giá quyền khai thác khoáng sản một số điểm mỏ với tổng số tiền là 5,142 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố khác đang lập kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản để triển khai trong năm 2015 như: Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai,...


1.4. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực khoáng sản


a) Công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường


Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản được thực hiện thông qua kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm được Bộ trưởng phê duyệt ngày 25 tháng 11 của năm trước. Năm 2014, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện tổng số 34 cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó có 30 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và 04 cuộc thanh tra kiểm tra đột xuất) đối với 196 tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn 31 tỉnh, thành phố, cụ thể:


Đã thực hiện 07 cuộc thanh tra chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Long An; thanh tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại tỉnh Thái Nguyên, Lâm Đồng.


Hoàn thành kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại các tỉnh tại 07 tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Yên Bái, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Nam; hậu kiểm tình hình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh: Bình Định, Lào Cai, An Giang, Phú Thọ, Long An, Khánh Hòa, Ninh Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Dương.


Bộ cũng đã thực hiện 10 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng liên quan tại các tỉnh: Thừa Thiên - Huế; Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đăk Nông.


Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 67 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền đã xử phạt gần 4 tỷ đồng. Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính chủ yếu là không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản, kết quả thống kê kiểm kê trữ lượng năm 2013; khai thác khi giấy phép đã hết hạn hoặc không có giấy phép; khai thác không có thiết kế mỏ được phê duyệt theo quy định; không cắm mốc ranh giới khu vực khai thác.


b) Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương


Trong năm 2014, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản cũng đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh duy trì và tăng cường thực hiện. Theo đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan đối với các đơn vị hoạt động trên địa bàn theo giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng như hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khai thác khoáng sản trái phép) trên địa bàn.


Các địa phương đã thực hiện trên 300 cuộc thanh tra, kiểm tra (kể cả kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép), xử phạt hành chính hàng trăm tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành phố thực hiện khá quyết liệt như Kiên Giang, Bình Thuận, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Bình, Sơn La, Bắc Giang... trong đó thành phố Đà Nẵng xử phạt với số tiền 2,940 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng xử phạt 2,009 tỷ đồng, tỉnh Quảng Nam xử phạt với số tiền 1,344 tỷ đồng, tỉnh Bắc Giang xử phạt với số tiền 883 triệu đồng, tỉnh Sơn La xử phạt với số tiền 835 triệu đồng, tỉnh Bắc Ninh xử phạt với số tiền 433 triệu đồng...


c) Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác


Thực hiện trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, năm 2014 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có nhiều khoáng sản đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép bằng nhiều hình thức như: ban hành các công văn, chỉ thị nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các địa phương, các ngành chức năng công bố địa chỉ thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tổ chức, cá nhân biết, phản ánh mọi thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; tổ chức nhiều đợt truy quét, giải toả, tịch thu nhiều phương tiện phục vụ khai thác trái phép, xử phạt hành chính đối với các tổ chức cá nhân. Điển hình như các tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Nam, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng và thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng v.v...


Nhờ đó, tình trạng khai thác trái phép trong năm 2014 đã giảm (từ 45 tỉnh, thành phố trong năm 2013 xuống còn 39 tỉnh, thành phố cả nước có hoạt động khai thác trái phép) nhưng vẫn chưa chấm dứt. Vẫn còn nhiều loại khoáng sản bị khai thác trái phép, nhất là đối với khoáng sản kim loại, quý, hiếm (vàng, đá quý, mangan, antimon,...), cát, sỏi, nước khoáng v.v.... Các địa phương còn nhiều khu vực có khoáng sản bị khai thác trái phép như: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lào Cai, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra trên địa bàn 22 tỉnh, thành phố; khai thác vàng trái phép còn diễn ra trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố.


1.5. Công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản


a) Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thực hiện Nghị định 203, trong năm 2014 Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 460 hồ sơ (377/495 hồ sơ cấp phép cũ và 83/118 hồ sơ cấp phép mới) với tổng số tiền là 41.778 tỷ đồng và số tiền phải thu trong năm 2014 là 5.176 tỷ đồng (kế hoạch thu năm 2014 là 4.500 tỷ đồng). Trong đó, số hồ sơ đã được Bộ TN&MT phê duyệt là 168/452 với tổng số tiền là 19.277 tỷ đồng.


b) Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ động hướng dẫn, tập huấn công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho tất cả các tỉnh, thành phố và đôn đốc công tác triển khai thực hiện. Theo báo cáo, đến hết năm 2014 đã có 39/63 tỉnh, thành phố đã có kết quả triển khai phê duyệt tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với 608 hồ sơ, tổng số tiền là 2053 tỷ đồng và số tiền thu trong năm 2014 là 411 tỷ đồng.


1.6. Công tác xác định và hoàn trả kinh phí đã điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản bằng ngân sách của Nhà nước


Để triển khai tốt công tác này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành quy trình tổ chức xây dựng và nghiệm thu báo cáo xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước, đồng thời Bộ cũng đã ban hành Quy trình tổ chức thẩm định và phê duyệt kết quả xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước. Nhờ vậy, từ năm 2014 công tác này được thúc đẩy nhanh hơn so với năm 2012, 2013, kết quả cụ thể như sau:


Tính đến thời điểm ngày 31/3/2015, số nhiệm vụ xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước đã được triển khai thực hiện là 188 báo cáo. Đến ngày 07/4/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt 60 báo cáo với số tiền là 1.021,569 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014 phê duyệt 23 báo cáo (136,94 tỷ đồng).


1.7. Về khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ


Thực hiện khoản 2 Điều 82 Luật khoáng sản năm 2010 và Điều 11 Nghị định 15, trong năm 2014 trên cơ sở kết quả của công tác điều tra, đánh giá khoáng sản và đề nghị của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và công bố 38 khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ với tổng diện tích là 10,463 km2 trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố gồm: Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Gia Lai để Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.


1.8. Công tác phê duyệt trữ lượng khoáng sản


a) Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thực hiện nhiệm vụ thường trực Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Bộ  Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia tiếp nhận, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo đúng quy định. Kết quả năm 2014 Hội đồng đã phê duyệt trữ lượng 35 loại khoáng sản khác nhau trong các báo cáo của các doanh nghiệp thăm dò theo giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó đã góp phần gia tăng trữ lượng cho một số khoáng sản như: quặng mangan (1.515 nghìn tấn), đồng (5.604 nghìn tấn), vàng (4.446 kg), đá vôi làm nguyên liệu xi măng (335,954 triệu tấn), đá sét làm nguyên liệu xi măng (62,267 triệu tấn), đá hoa trắng ốp lát (9,643 triệu m3), đá hoa trắng làm bột cacbonat canxi (56,307 triệu tấn)... Chi tiết trữ lượng của các loại khoáng sản đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt tại Phụ lục số 08.


b) Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Công tác phê duyệt trữ lượng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 49 Luật khoáng sản năm 2010. Theo đó, nhiều tỉnh, thành phố đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản (chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) cho hàng trăm báo cáo thăm dò khoáng sản. Một số địa phương đã có báo cáo thống kê trữ lượng đã phê duyệt như: Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai... Theo đó, tổng trữ lượng khoáng sản do các địa phương nêu trên như sau: đá xây dựng, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường: 66,04 triệu m3, cát sỏi vật liệu xây dựng, cát san lấp: 5,53 triệu m3, sét gạch ngói, đất san lấp: 15,82 triệu m3, felspat: 362 nghìn tấn, quặng sắt: 141,133 nghìn tấn, quặng barit: 20,133 nghìn tấn và antimon: 46 tấn, than bùn: 45.551 m3.


II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015 CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG


Phát huy kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản năm 2014, công tác này trong 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đạt được những kết quả đáng kể, thể hiện trên một số mặt cơ bản sau đây:


1. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản


Từ đầu năm năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền 04 Thông tư: (1) số 03/2015/TT-BTNMT ngày 13/02/2015 quy định về thăm dò và phân cấp trữ lượng, cấp tài nguyên khoáng sản vàng gốc; (2) số 04/2015/TT-BTNMT ngày 13/02/2015 quy định về thăm dò và phân cấp trữ lượng, cấp tài nguyên khoáng sản chì - kẽm; (3) số 06/2015/TT-BTNMT ngày 25/02/2015 quy định kỹ thuật công tác điều tra, đánh giá địa chất môi trường khu vực có khoáng sản độc hại; (4) số 37/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định kiểm tra nội bộ phòng thí nghiệm trong phân tích mẫu địa chất khoáng sản rắn.


Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản để thay thế Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02/10/2008 và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.


2. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản


Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật khoáng sản. Ngày 12/12/2014, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1356/QĐ-ĐCKS chính thức công bố Hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của Tổng cục phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008. Trong đó có “Quy trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, gia hạn, chuyển nhượng, đóng cửa mỏ, cấp quyền khai thác khoáng sản”. Việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong trong giải quyết hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cũng như trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ.


Chính vì vậy trong 6 tháng đầu năm 2015 công tác này đã đạt được kết quả đáng kể. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét, cấp phép 48 Giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản. Trong đó, 20 Giấy phép thăm dò khoáng sản và 27 Giấy phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, Bộ đã thẩm định 04 Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, ban hành 01 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.


3. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản


Để triển khai hình thức cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-BTNMT phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đợt 1 với 05 mỏ) của năm 2015 tại 05 mỏ trên địa bàn các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình. Hiện nay, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn thành hồ sơ mời đấu giá cho 04 mỏ: quặng sắt Khe Bằng (Phú Thọ), cát thạch anh Phong Hòa (Thừa Thiên - Huế), fluorit Bình Đường (Cao Bằng) và đá metacacbonat Suối Giàng (Yên Bái); đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai công tác đấu giá để tổ chức đấu giá vào 6 tháng cuối năm 2015.


4. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản


Công tác thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm được Bộ chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thực hiện đúng theo kế hoạch đã phê duyệt. Trong đó, triển khai thanh tra chuyên đề về quản lý, khai thác, sử dụng đá vôi trên phạm vi toàn quốc trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố cả nước. Đến nay, đã tiến hành 07 cuộc thanh tra, kiểm tra, cụ thể như sau:


Kết thúc 01 cuộc thanh tra chuyên đề quản lý, thăm dò, khai thác đá vôi tại tỉnh Hà Nam và đang triển khai tại tỉnh Ninh Bình, Hải Dương và Quảng Ninh.


Đã kết thúc 04 cuộc kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Gia Lai, Thừa Thiên Huế và đang triển khai tại tỉnh Bình Định. Đã tiến hành 07 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu công tác quản lý. Trong đó có 01 cuộc thanh tra công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với UBND tỉnh Phú Thọ; kiểm tra đột xuất khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam; khai thác titan, nước khoáng tại tỉnh Bình Thuận, khai thác nước khoáng tại tỉnh Khánh Hòa.


5. Công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản


Tính đến ngày 15/6/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện và phê dyệt được 144 báo cáo tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền phê duyệt là 6.164,8 tỷ đồng, số tiền phê duyệt nộp trong năm 2015 là 739.635.396.000 đồng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế trong 6 tháng đầu năm 2015 trên toàn quốc đã thu vào ngân sách nhà nước số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã thu vào ngân sách Trung ương là 1.257 tỷ đồng.


Theo số liệu của các địa phương, đến ngày 31/3/2015, tổng số hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã được các tỉnh, thành phố nêu trên phê duyệt là 1.347 hồ sơ với tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Một số tỉnh có tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã phê duyệt khá lớn như Hà Nam (1.796 tỷ đồng), Thái Nguyên (1.049 tỷ đồng), Lạng Sơn (921 tỷ đồng), Ninh Bình (404 tỷ đồng), Hà Giang (173 tỷ đồng), v.v...Trong đó, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong 6 tháng đầu năm 2015 đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 1.056 tỷ đồng.


III. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ


1. Đánh giá chung


Năm 2014 cũng như 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 ngày 12/10/2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, và đặc biệt mới đây nhất là Chỉ thị 03/CT-TTg. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét theo chiều hướng tích cực. Đó là:


a) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản năm 2010 cơ bản đã được hoàn thiện


Cùng với 15 Thông tư, Thông tư liên tịch do các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư ban hành trong năm 2014 và đầu năm 2015 đã nâng số văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản năm 2010 lên 33 văn bản. Có thể nói, cơ bản các văn bản có nội dung hướng dẫn chi tiết trong Luật khoáng sản năm 2010 đã được ban hành, tạo nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản khá hoàn chỉnh, đồng bộ. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quan tâm, ban hành khá kịp thời làm cơ sở để thực thi Luật khoáng sản năm 2010 trên địa bàn.


b) Công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch khoáng sản ở Trung ương và địa phương tiếp tục được đẩy mạnh; công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đạt được kết quả đáng kể


Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch khoáng sản tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác khoanh định, trình thẩm định và phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản của các địa phương đã đạt được những kết quả đáng kể với 17 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và 21 tỉnh, thành phố đã hoàn thành và đang trình thẩm định để phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cấp phép hoạt động khoáng sản, góp phần chấn chỉnh tình trạng cấp phép tràn lan không theo quy hoạch khoáng sản như trước đây.


c) Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được chấn chỉnh ngày càng chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản


Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng chặt chẽ, khai thác phải gắn với địa chỉ chế biến sâu khoáng sản. Đặc biệt, số lượng giấy phép khai thác khoáng sản cấp mới thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục giảm gần một nửa so với con số trung bình của giai đoạn 2010 - 2013. Số lượng giấy phép thăm dò khoáng sản cấp mới ở các địa phương tăng, góp phần gia tăng trữ lượng khoáng sản chung của cả nước, khắc phục tình trạng cấp phép khai thác không có trữ lượng.


Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện một cách thận trọng, đúng quy trình, đến nay cơ bản đã được chuẩn bị để triển khai từ Trung ương đến địa phương. Bước đầu đã có địa phương thực hiện thành công việc cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010. Đây là những bài học kinh nghiệm thực tế quan trọng để tiếp tục nhân rộng trong năm 2015.


d) Công tác xác định và hoàn trả kinh phí điều tra, thăm dò của Nhà nước; công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt được kết quả đáng kể, đưa chính sách, quy định mới vào cuộc sống


 Công tác xác định tiền sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước được thực hiện quyết liệt và có hiệu quả và thúc đẩy nhạnh hơn nhằm sớm thu hồi kinh phí của Nhà nước đã đầu tư. Công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở Trung ương cũng như các địa phương được triển khai khá đồng bộ, đã đạt được kết quả đáng kể. Kết quả đã xác định được số tiền thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm đối với các giấy phép do cơ quan Trung ương và địa phương cấp phép trung bình khoảng 5.000 tỷ đồng góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, đưa chính sách, quy định mới của Nhà nước vào cuộc sống.


đ) Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản tiếp tục được đẩy mạnh, có hiệu quả hơn


Công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện với số lượng các đơn vị được thanh tra, kiểm tra tăng dần theo từng năm, nhất là đối với thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; đối tượng thanh tra, kiểm tra được lựa chọn trúng và đúng; các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành dứt điểm, kết luận rõ ràng. Năm 2014 là năm đầu tiên áp dụng các hình thức và mức xử phạt theo Nghị định số 142/2013/NĐ-CP. Với việc cương quyết xử lý các hành vi vi phạm hành chính và áp dụng nhiều hành vi mới với mức xử phạt nghiêm khắc theo quy định của Nghị định số 142/NĐ-CP, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra được nâng cao.


Việc xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là khai thác trái phép được một số địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả hơn; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm cả về số lượng các loại khoáng sản bị khai thác trái phép cũng như số lượng các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác trái phép; ý thức tuân thủ pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân cũng như của người dân và các cơ quan, tổ chức đã được nâng lên một bước.


2. Một số tồn tại và hạn chế


a) Một số quy định của pháp luật về khoáng sản chậm được triển khai, một số quy định có tính khả thi chưa cao: Đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản năm 2010 đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, do có một số quy định mới, lần đầu thực hiện như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản nên có khó khăn nhất định. Do đó, một số văn bản hướng dẫn liên quan đến hướng dẫn Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn triển khai việc tính tiền cấp quyền khai thác còn chậm. Một số quy định của Luật khoáng sản cần hướng dẫn hoặc quy định chi tiết nhưng chưa được có văn bản hướng dẫn như quy định bảo hộ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm a khoản 2 Điều 64, v.v... Một số quy định khi triển khai thực hiện gặp khó khăn cần bổ sung, chỉnh sửa như quy định về thời gian nộp báo cáo định kỳ của tổ chức, cá nhân; quy định về hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản theo Điều 65, v.v...


b) Công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được đẩy mạnh nhưng còn chậm: Mặc dù các địa phương đã đẩy mạnh công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa lập và phê duyệt quy hoạch hoạch khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010 như: Hải Dương, Gia Lai, Bạc Liêu, Cà Mau; hoặc có lập nhưng vẫn chưa được phê duyệt như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước, Hậu Giang. Nhiều quy hoạch khoáng sản ở các địa phương chưa gắn với quy hoạch các dự án chưa chế biến sâu của cả nước; chưa mang tính liên kết vùng, lãnh thổ, còn nặng tính chất “cục bộ” của địa phương. Các quy hoạch của cả nước chậm được rà soát, điều chinh, phê duyệt theo yêu cầu về nội dung của Luật khoáng sản năm 2010, nhất là đã chuyển sang kỳ quy hoạch mới (2016 - 2020). Công tác khoanh định, trình thủ tướng chính phủ phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại một số địa phương thực hiện còn chậm, đến ngày 31/12/2014 mới có 17 tỉnh đã khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010, có 22 tỉnh đang triển khai.


c) Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tại một số địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế; cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai chậm: Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản ở Trung ương vẫn còn giải quyết đối với các hồ sơ đã tiếp nhận trước ngày Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đạt được kết quả đáng kể, nhất là ở Trung ương. Tuy nhiên, đến nay đầu năm 2015 vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa triển khai, còn nhiều địa phương mới tạm tính để thu cho năm 2014 mà chưa tính cho các khu vực đã cấp phép khai thác trước ngày Luật khoáng sản có hiệu lực. Công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại các tỉnh, thành phố đã được thực hiện ngày càng chặt chẽ, nhưng vẫn còn một số giấy phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cấp khi chưa phê duyệt khu vực cấp phép là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chậm mới được triển khai ở một vài địa phương, phần lớn các địa phương mới phê duyệt kế hoạch để thực hiện trong năm 2015.


d) Công tác thanh tra, kiểm tra đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng hiệu quả chưa cao; chưa triển khai thực hiện theo chiều sâu: Thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản chủ yếu rà soát là trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản mà chưa thực hiện nội dung của thanh tra, kiểm tra chuyên ngành như: trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác triệt để, thu hồi tối đa khoáng sản; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản; công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác cũng như kiểm soát sản lượng đã khai thác hàng năm... Công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, thông báo khắc phục vi phạm (công tác hậu kiểm) còn mang nặng tính hành chính, chưa có cơ chế phù hợp với thực tế nên hiệu quả chưa cao. Lực lượng công chức, viên chức thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng về chuyên môn, năng lực quản lý nhà nước. Việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật chưa cương quyết, chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe, nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Mặc dù, chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm truy quét, giải tỏa, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn nhiều địa phương vẫn chưa chấm dứt và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.


đ) Công tác phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản: Sự phối hợp giữa các Bộ có liên quan; giữa các Sở, ban, ngành địa phương trong quản lý khoáng sản cũng như trong thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản hiệu quả chưa cao; chưa có quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản trong việc xác định sản lượng tính thuế. Sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan với chính quyền địa phương trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa hiệu quả; chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa tích cực xử lý lực lượng khai thác khoáng sản trái phép.

 

Toàn[-]văn[-]báo[-]cáo[-]công[-]tác[-]quản[-]lý[-]về[-]khoáng[-]sản[-]6[-]tháng[-]đầu[-]năm[-]2015[-]của[-]Bộ[-]TN&MT

Khai thác khoáng sản -Ảnh: TL

 


IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015


1. Một số giải pháp


Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nêu trong Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH13 ngày 12/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03/CT-TTg. Theo đó, trong năm 2015 triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:


1.1. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường:


a) Tập trung chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế Nghị định 15 để trình Chính phủ vào tháng 11 năm 2015. Đẩy nhanh việc hoàn thiện để ban hành 05 Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ, gồm: (1) hướng dẫn một số nội dung thanh tra chuyên ngành khoáng sản; (2) quy định nội dung công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất đá làm vật liệu san lấp; (3) quy định công tác giám sát các đề án thăm dò khoáng sản; (4) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật của 12 hạng mục công việc trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản; (5) ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật công tác đo địa chấn 2D trên đất liền cho các trạm địa chấn từ 180 kênh đến 750 kênh.


Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng để ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phương pháp xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức, thủ tục hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư (thay thế Thông tư liên tịch số 186/2009/TT-BTC-BTNMT).


b) Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Theo đó, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, nhất là đối với các lỗi liên quan đến xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế; thống kê, kiểm kê trữ lượn khoáng sản; bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản;


c) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, khơi thông luồng kết hợp thu hồi cát. Thành lập các đoàn kiểm tra một số dự án nạo vét, khơi thông luống, nhất là các dự án gây bức xúc dư luận xã hội đã được báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý.


1.2. Về phía các Bộ, ngành liên quan


a) Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với kỳ quy hoạch 2016-2020 và quy định khác của Luật khoáng sản năm 2010, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


b) Bộ Giao thông vận tải: thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị 03/CT-TTg, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan: quyết định phê duyệt; thông báo kế hoạch, thời gian thực hiện các dự án nạo vét, khơi luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia thuộc thẩm quyền để phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.


1.3. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương


Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị 03/CT-TTg trên địa bàn địa phương. Theo đó, tập trung thực hiện, hoàn thành sớm một số nội dung công việc sau:


a) Đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010 cho kỳ quy hoạch 2016 - 2020; khẩn trương hoàn thành công tác khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trong năm 2015;


b) Hoàn thành việc khoanh định, phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền; thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, xử lý;


c) Phối hợp, tạo tính liên kết vùng giữa các địa phương trong việc cung cấp nguyên liệu với xây dựng cơ sở chế biến sâu khoáng sản để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và hài hòa lợi ích của các địa phương theo quy hoạch khoáng sản của cả nước và của địa phương đã duyệt;


d) Tiếp tục chấn chỉnh công tác cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn, thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định của Nghị định 15; tổ chức việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò khoáng sản tại các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ kết quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn để Bộ Tài nguyên và Môi trường có số liệu tổng hợp, lập báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn.


Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian qua, nhất là trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế như đã nêu trên. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên; cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chúng ta tin tưởng rằng kế hoạch 6 tháng cuối năm 2015 lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc sẽ hoàn thành đúng kế hoạch với kết quả tốt nhất góp phần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản.

Tin Môi Trường
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Toàn văn báo cáo công tác quản lý về khoáng sản 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TN&MT

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI