»

Thứ năm, 21/11/2024, 13:16:35 PM (GMT+7)

Những vấn đề pháp lý về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường

(17:30:30 PM 12/08/2015)
(Tin Môi Trường) - Sản phẩm thân thiện với môi trường còn được gọi là các sản phẩm xanh, sản phẩm sinh thái. Ngày nay, sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được sử dụng phổ biến tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển

Dưới góc độ xã hội và môi trường, một sản phẩm được xem là sản phẩm thân thiện với môi trường phải đáp ứng một trong bốn tiêu chí. Đó là sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường; đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người, thay cho các sản phẩm phẩm độc hại truyền thống; giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì); sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khỏe con người.

 

Những[-]vấn[-]đề[-]pháp[-]lý[-]về[-]sản[-]xuất[-]và[-]tiêu[-]thụ[-]sản[-]phẩm[-]thân[-]thiện[-]môi[-]trường

Một sản phẩm thân thiện với môi trường phải đáp ứng một trong bốn tiêu chí- Ảnh: TL


Một số quy định pháp lý

Nghị định số 19/2015 ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014 đưa ra định nghĩa sản phẩm thân thiện với môi trường tại Điều 3, khoản 9. Theo đó “Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái". Theo định nghĩa này, một sản phẩm được xác định là sản phẩm thân thiện với môi trường khi đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái. Tiêu chí " đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái" là tiêu chí cần và tiêu chí " được chứng nhận nhãn sinh thái" là tiêu chí đủ để một sản phẩm được xác định là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Điều 1, Thông tư số 41/2013 ngày 2/12/2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường, thì nhãn sinh thái gắn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường được gọi là Nhãn xanh Việt Nam. Theo quy định này, để được cấp chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, các sản phẩm phải đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Các tiêu chí này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện của Tổng cục Môi trường.

Cho tới thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam cho 5 nhóm sản phẩm gồm ắc quy, giấy văn phòng, sơn phủ dùng cho xây dựng, máy in, máy tính xách tay. Có thể thấy, nội dung quy định về tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam đã xác định những tiêu chí mang tính định lượng cần đáp ứng để một sản phẩm được coi là sản phẩm thân thiện với môi trường. Gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện nên để được cấp Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm của mình, tổ chức, cá nhân phải lập hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 41/2013 và gửi cho Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khi hồ sơ được chấp nhận đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm đánh giá hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam, trên cơ sở xác định mức độ phù hợp của hồ sơ đăng ký với tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam. Trường hợp kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường ký Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam. Quyết định chứng nhận được thông báo tới doanh nghiệp ngay khi được ký ban hành. Sau khi có Quyết định chứng nhận, doanh nghiệp có quyền gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm đã được chứng nhận.

Doanh nghiệp có quyền gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm đã được chứng nhận trong thời hạn 3 năm, kể từ thời điểm có Quyết định chứng nhận. Hết thời hạn này, để được tiếp tục gắn Nhãn xanh Việt Nam, doanh nghiệp phải lập lại hồ sơ và thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký và chứng nhận lại.

 

Những[-]vấn[-]đề[-]pháp[-]lý[-]về[-]sản[-]xuất[-]và[-]tiêu[-]thụ[-]sản[-]phẩm[-]thân[-]thiện[-]môi[-]trường

Sản phẩm thân thiện với môi trường còn được gọi là các sản phẩm xanh, sản phẩm sinh thái-Ảnh: TL

 

Chính sách ưu đãi và hỗ trợ

Ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường được quy định tại Nghị định số 19/2015. Các quy định này thay thế các quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 4/2009 ngày 14/1/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Điều 16, khoản 1, Luật Đầu tư 2014 quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư không liệt kê lĩnh vực sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, Ðiều 16, khoản 3, Luật Ðầu tư 2014 ủy quyền cho Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Do đó, những quy định về ưu đãi đầu tư đối với hoạt động đầu tư, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường theo Nghị định số 19/2015 không trái với Luật Đầu tư 2014 và có giá trị thi hành.

Có thể thấy, các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Nghị định 19/2015 đa dạng, cụ thể và với mức cao hơn so với quy định trước đây, gồm ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo Điều 40, Khoản 3, Nghị định số 19/2015, dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai như đối với các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Điều 110, khoản 1, mục a, mục g Luật Đất đai 2013 quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong các trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Trong các trường hợp được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất được quy định tại Ðiều 19, Ðiều 20, Nghị định số 46/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước không có trường hợp dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy vậy, dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường có thể được miễn hoặc giảm tiền thuê đất theo quy định tại Khoản 10, Điều 19; Khoản 5, Điều 20 Nghị định số 46/2014.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định miễn, giảm tiền thuê đất đối với các trường hợp không được quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định số 46/2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình theo đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo Điều 42, khoản 1 điểm b Nghị định số 19/2015, chủ dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường được vay vốn với lãi xuất ưu đãi tối đa không quá 50% mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm cho vay, tổng mức vay vốn không quá 70% tổng mức đầu tư xây dựng công trình; được ưu tiên hỗ trợ sau đầu tư hoặc bảo lãnh vay vốn. Việc vay vốn và thực hiện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trong trường hợp vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam), UBND cấp tỉnh (trong trường hợp vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương).

Thu nhập của doanh nghiệp từ việc thực hiện những dự án sản xuất mới các sản phẩm thân thiện với môi trường, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như đối tượng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định tại Ðiều 13, Ðiều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (2008, 2013), thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong bảo vệ môi trường sẽ áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.

Đối với thuế xuất khẩu, Điều 44 Nghị định số 19/2015 ủy quyền cho Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thân thiện với môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết danh mục các sản phẩm này. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích. Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 130/2013 ngày 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh xây dựng, hướng dẫn về mức trợ giá và trợ cấp, trình tự thủ tục thực hiện trợ giá và trợ cấp phù hợp với đặc điểm, tình hình thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Điều 47, khoản 1 Nghị định số 19/2015 quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ýu tiên mua sắm công sản phẩm thân thiện với môi trường khi mua sắm loại sản phẩm đó. Khi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và phổ biến các thể loại phim, chương trình truyền hình về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thì chi phí thực hiện các hoạt động này được hạch toán vào chi phí sản xuất của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Những[-]vấn[-]đề[-]pháp[-]lý[-]về[-]sản[-]xuất[-]và[-]tiêu[-]thụ[-]sản[-]phẩm[-]thân[-]thiện[-]môi[-]trường

Sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được sử dụng phổ biến tại các quốc gia - Ảnh: TL


Những vướng mắc cần tháo gỡ

Việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường là một xu hướng ngày càng phát triển trong thương mại quốc tế và mua sắm trong lĩnh vực công tại các nước đã và đang phát triển, nhằm thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. So với các quốc gia phát triển và các quốc gia trong khu vực, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường trên thị trường Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội - môi trường của sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng còn hạn chế. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam, bao gồm cả tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc tiêu thụ sản phẩm của các nhà sản xuất không hoặc rất ít phụ thuộc vào sản phẩm đó có phải là sản phẩm thân thiện với môi trường hay không? sản phẩm đó có được gắn Nhãn xanh Việt Nam hay không?.

Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường phức tạp, không rõ ràng, chưa cụ thể, khó thực thi trên thực tế nên các doanh nghiệp không có động lực để thực hiện các thủ tục gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm. Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với sản phẩm thân thiện đối với môi trường theo Nghị định số 19/2015 chủ yếu là những quy định dẫn chiếu. Tuy nhiên, khi xem xét những quy định khác của pháp luật thì nhiều quy định chỉ mang tính chất chung chung, hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước tiếp tục quy định hoặc quyết định mức ưu đãi, hỗ trợ. Các cơ quan nhà nước được ủy quyền quy định mức hỗ trợ lại chậm hoặc chưa ban hành những quy định này. Do đó, các doanh nghiệp khó có thể nắm bắt được những ưu đãi, hỗ trợ mà mình được hưởng khi đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để đầu tư, sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu gắn Nhãn xanh Việt Nam. Các tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam còn rất hạn chế về mặt số lượng. Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ ban hành một số tiêu chí đối với một số loại sản phẩm nhất định. Tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá, thẩm định sản phẩm có phải là sản phẩm thân thiện với môi trường hay không. Nếu tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam đối với một loại, nhóm loại sản phẩm nào đó chưa được ban hành thì loại, nhóm loại sản phẩm đó không có cơ hội được gắn Nhãn xanh Việt Nam và loại sản phẩm, nhóm hàng hóa đó không thể được công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa về kinh tế, Việt Nam cần phải thay đổi về nhận thức cũng như hành động về vai trò của việc gắn Nhãn xanh Việt Nam, vai trò của sản phẩm thân thiện với môi trường đối với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trên thị trường trong nước, nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế nhập khẩu và yêu cầu của thị trường về sản phẩm thân thiện đối với môi trường. Nên trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân nhằm định hướng sự lựa chọn mua sản phẩm đã được gắn Nhãn xanh Việt Nam, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, cần có những hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý đối với các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp thực hiện thủ tục để được cấp Nhãn xanh Việt Nam; đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo thẩm quyền, các cơ quan quản lý nhà nước được pháp luật ủy quyền cần nỗ lực và khẩn trương ban hành các tiêu chí Nhãn xanh, để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp Nhãn xanh Việt Nam và các quy định cho việc triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện đối với môi trường.

Các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường cần cụ thể, minh bạch và rõ ràng, dễ tiếp cận nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp nắm bắt được những ưu đãi, hỗ trợ mà mình được thụ hưởng khi đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Khi những ưu đãi, hỗ trợ rõ ràng, minh bạch sẽ tạo động lực kinh tế cho các chủ đầu tư, nhà sản xuất thực hiện các biện pháp khác nhau nhằm bảo đảm các tiêu chí để gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm của mình và sản phẩm của mình được công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nguyễn Văn Phương
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Những vấn đề pháp lý về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện môi trường

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI