»

Thứ tư, 30/10/2024, 04:22:58 AM (GMT+7)

Báo cáo về những tác động của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

(19:58:59 PM 05/10/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 3/10 tại Quảng Nam đã diễn ra đối thoại các bên liên quan về chủ đề: “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân”. TMT giới thiệu toàn văn "Báo cáo tham luận về những tác động của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam" do ông Nguyễn Minh Tuấn (Sở Nông nghiệp & PTNT Quảng Nam) trình bày tại đối thoại

Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 2/10 khiến người dân vùng hạ du thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hoảng hốt vì tưởng vỡ đập

 

I. VỀ QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN 

 

Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng lớn về thủy năng, nhất là trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 44 dự án thủy điện, với tổng công suất 1.584,6 MW, điện lượng bình quân năm 6,261 tỷ kWh, trong đó:

 

 a) 10 dự án thuộc Quy hoạch bậc thang thủy điện, với tổng công suất 1.147 MW, điện lượng 4,521 tỷ kWh/năm, bao gồm:

 

- 05 công trình đã phát điện: tổng công suất 682MW: A Vương (210MW), Sông Côn 2 (63MW), Sông Tranh 2 (190MW), Ðăk Mi 4 (190 MW), Sông Bung 6 (29MW).

 

- 05 công trình đang xây dựng: tổng công suất 465MW: Sông Bung 4 (156MW), Sông Bung 5 (57MW- Đã phát điện tổ máy số 1), Sông Bung 2 (100MW), Đăk Mi 2 (98MW), Đăk Mi 3 (54MW).

 

b) 34 dự án thủy điện thuộc Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, bao gồm:

 

- 08 công trình đã phát điện với công suất thiết kế 84,7MW bao gồm: Sông Cùng (1,3MW), Đại Đồng (0,6MW), Khe Diên (9,0MW), Za Hung (30MW), Trà Linh (7,2MW), An Điềm 2 (15,6MW), Tà Vi (3,0MW)Đăk Mi 4C (18MW).

 

- 04 công trình đang xây dựng với công suất thiết kế 189,0MW bao gồm: Sông Bung 4A (49,0MW), Tr’Hy (30 MW), Sông Tranh 3 (62,0MW), Sông Tranh 4 (48,0MW.

 

c)11 dự án đã tham gia ý kiến thiết kế cơ sở, công suất theo dự án đầu tư 118,9MW: Đăk Pring (7,5MW), Chà Vàl (4,5MW), Đăk Di 1 (20MW), Đăk Di 2 (12MW), A Vương 3 (4,8MW), Sông Bung 3A (20MW), Nước Biêu (5MW), Nước Chè (18,4MW), Đăk Di 4 (19,2MW), Sông Bung 3 (7,5MW)., Đăksa (1,96 MW). 

 

d) 9 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư, công suất theo quy hoạch 40,56MW bao gồm: A Vương 4 (10MW, A Vương 5 (6MW), Nước Bươu (1,8MW), Trà Linh 2 (11MW), Nước Xa (1,2MW), Hà Ra (1MW), Đăk Pring 2 (5,4MW), Tầm Phục (1,5MW), Đăk Sa (1,6MW), Ag Rồng (1MW). 

 

e) 02 dự án chưa cho phép nghiên cứu đầu tư, công suất theo quy hoạch 4,8MW bao gồm: A Banh (4,2MW) và Bồng Miêu (0,6MW).

 

Ngày 18/10/2012, UBND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 339/TB-UBND về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh về rà soát quy hoạch và đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh; Nội dung cụ thể như sau:

 

- Đưa ra khỏi quy hoạch 02 dự án thủy điện vừa và nhỏ (Bồng Miêu và Hà Ra);

 

- Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đang triển khai thi công và 02 dự án thủy điện vừa và nhỏ (Ag Rồng và Đăk Sa);

 

- Dừng việc nghiên cứu đầu tư đối với 18 dự án thủy điện gồm: 10 dự án đã thẩm định thiết kế cơ sở (Đăk Pring, Chà Vàl, A Vương 3, Sông Bung 3A, Nước Biêu, Đăk Di 1, Đăk Di 2, Nước Chè, Đăk Di 4, Sông Bung 3), 07 dự án trong giai đoạn lập dự án đầu tư (A Vương 4, A vương 5, Nước Bươu, Trà Linh 2, Nước Xa, Đăk Pring 2, Tầm Phục), 01 dự án chưa cho phép nghiên cứu đầu tư (A Banh);

 

II. ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM.

 

Trong tổng số 44 dự án thủy điện thuộc quy hoạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 22 dự án đã hoàn thành và đang triển khai xây dựng, bao gồm: 13 dự án đã phát điện (05 dự án thủy điện bậc thang: A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 (A-B), Sông Bung 6; 08 dự án thủy điện vừa và nhỏ: Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh, An Điềm 2, Tà Vi, Đăk Mi 4C); 09 dự án đang triển khai thi công xây dựng (05 dự án thủy điện bậc thang: Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3; 04 dự án thủy điện vừa và nhỏ: Sông Bung 4A, Tr’Hy, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4).

 

Việc phát triển  các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có những tác động tích cự và tiêu cực sau:

 

1. Những tác động tích cực:

 

1.1. Bổ sung nguồn điện quốc gia: Trong tình hình nhu cầu điện sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng, nếu các dự án thủy điện tỉnh Quảng Nam hoàn thành theo quy hoạch, sẽ đóng góp đáng kể nguồn điện cho quốc gia với tổng điện lượng bình quân năm 6,261 tỷ KWh.

 

1.2. Tăng nguồn thu ngân sách: Dự kiến đến cuối năm 2015, khoảng 22 dự án thủy điện sẽ đi vào hoạt động với tổng công suất khoảng 1.420 MW, tổng điện lượng hằng năm khoảng 5,6 tỷ kWh. Với giá bán điện bình quân như hiện nay là 700 đồng/kWh thì doanh số phát sinh sản xuất thủy điện gần 3.920 tỷ đồng, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách tỉnh hằng năm khoảng 800 tỷ đồng.

 

1.3. Điều tiết nước các hồ chứa:

 

Các hồ thủy điện bậc thang có tổng dung tích khoảng hơn 2 tỷ m3, nhưng dung tích phòng lũ chỉ khoảng 150 triệu m3. Vì vậy các hồ thủy điện này chủ yếu cát lũ, giảm lũ đối với những cơn lũ đầu vụ. Khi vào chính vụ (tháng 10, 11) hầu hết các hồ đã đầy nên hiệu quả giảm lũ là rất nhỏ.

 

Tuy nhiên vào mùa kiệt (từ tháng 1 đến tháng 8 hằng năm), các hồ thủy điện này điều tiết nước cho hạ du có hiệu quả rất tốt, nhất là trong các tháng 5,6,7 hằng năm, tham gia đẩy mặn, tạo nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ổn định cho nhân dân vùng hạ du tỉnh Quảng Nam. Điều này dã được chứng minh rất rõ trong năm 2012 và 2013.

 

1.4. Phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân:

 

Việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ tạo điều kiện cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các công trình phúc lợi đối với dân cư khu vực ven hồ; tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương trong quá trình thi công và vận hành nhà máy; các loại hình kinh tế như dịch vụ nhà hàng, kinh doanh tạp hóa, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ phát triển mạnh…, dẫn đến một bộ phận người dân ở địa phương cải thiện đời sống tốt hơn.

 

2. Những tác động tiêu cực:

 

2.1. Công tác bồi thường, di dân, tái định định cư: 

 

22 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến 3.181 hộ với 14.408 nhân khẩu; trong đó 1.736 hộ dân phải di dời, tái định cư nơi ở mới do bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Trong đó, hầu hết thuộc các dự án bậc thang thủy điện do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt quy hoạch; Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và đã được thẩm định phê duyệt có số lượng tái định cư là 1.649 hộ, bao gồm:

 

- Sông Tranh 2: 1.046 hộ, đã thực hiện di dời và bố trí tái định cư tập trung 428 hộ (trong đó tại khu vực huyện Bắc Trà My 412 hộ và huyện Nam Trà My 16 hộ); còn lại 618 hộ di dời, tái định cư tự do.

 

- A Vương: 330 hộ, đã di dời và bố trí tái định cư tập trung 296 hộ; còn lại 34 hộ di dời, tái định cư tự do.

 

- Sông Bung 4: 229 hộ, chuẩn bị triển khai xây dựng các khu tái định cư bố trí tái định cư tập trung 224 hộ; còn lại 5 hộ di dời, tái định cư tự do.

 

- Đăk Mi 4: 30 hộ, đã di dời và bố trí tái định cư 30 hộ.

 

- Sông Côn 2: 14 hộ, đã di dời.

 

Đối với các dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch hầu hết có hồ chứa chỉ điều tiết ngày đêm nên dung tích nhỏ, diện tích đất bị ngập ít; chỉ có 84 hộ phải bị ảnh hưởng, chủ yếu là ảnh hưởng đất sản xuất (trong đó Đăk Mi 4C: 44 hộ, Tà Vi: 27 hộ, Tr’ Hy 02 hộ và Sông Tranh 4: 11 hộ).

 

Những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

 

- Các khu tái định cư quy hoạch chưa hợp lý như bố trí tái định cư vào các khu vực rừng phòng hộ, không bố trí đủ đất sản xuất cho người dân tái định cư; ngoài việc phải mất rừng để xây dựng các khu tái định cư thì việc người dân phải chuyển đến nơi ở mới thiếu đất sản xuất, đất đai xấu hơn, sản xuất không ổn định, xây dựng chuồng trại chăn nuôi… dẫn đến việc rừng tiếp tục bị xâm hại;

 

- Tại một số dự án thủy điện, việc xây dựng nhà tái định cư của các dự án thủy điện chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương nên người dân ít sử dụng nhà mà phải khai thác gỗ xây dựng lại nhà cửa mới để ở, gây lãng phí và mất rừng rất nhiều;

 

- Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các ban, ngành có chức năng lập quy hoạch, bố trí đất sản xuất cho người dân mất đất để xây dựng công trình chưa chặt chẽ và hợp lý;

 

- Phần lớn người bị thu hồi đất có trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn; kể cả việc tuyển dụng vào làm tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do trình độ lao động không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều nan giải, thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và tập quán của người dân;

 

- Tính công khai, dân chủ trong tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tài định cư tại một số địa phương chưa đảm bảo theo quy trình, quy định. Chưa tổ chức được nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân trong vùng dự án để kịp thời xử lý những vướng mắc, giải quyết tâm tư và bức xúc của nhân dân trong vùng thực hiện dự án.

 

2. 2. Về ảnh hưởng chiếm đất, mất rừng

 

a) Số lượng đất lâm nghiệp và rừng bị chiếm để làm thủy điện:

 

Các huyện miền núi của tỉnh có tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp là 763.581 ha. Diện tích đất thu hồi để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi từ năm 2000 đến nay là 33.447 ha, chiếm 4,4%, trong đó dự kiến thu hồi để đầu tư các dự án thủy điện là 11.396,52ha.

 

Tổng diện tích đất lâm nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp để thực hiện các dự án thủy điện (công trình thủy công, nhà máy thủy điện, khu tái định cư, đường dây điện,..): 8.596,79 ha (trong đó: diện tích có rừng 3.620,79 ha, diện tích không có rừng 4.976,00 ha).

 

So với tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi thì diện tích dự kiến thu hồi để thực hiện các công trình thủy điện chiếm khoảng 1,5%. Trong tổng diện tích đất rừng và đất khác của các huyện miền núi đã thu hồi để triển khai các dự án kinh tế - xã hội thì diện tích dự kiến thu hồi để thực hiện các công trình thủy điện chiếm 34,6%. Trong đó: 10 công trình theo quy hoạch bậc thang Vu Gia- Thu Bồn chiếm 76,49% diện tích (8.717ha/11.396ha), các công trình thủy điện vừa và nhỏ chiếm 23,51% (2.679ha/11.396ha).

 

b).  Công tác trồng rừng thay thế:

 

Tại tất cả các Báo cáo đánh giá tác động môi trường đều nêu việc trồng bồi hoàn rừng bị mất khi xây dựng công trình thuỷ điện, tuy nhiên thời gian qua nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện việc trồng rừng bồi hoàn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là không thể tìm được vị trí thích hợp, diện tích đất trống đồi trọc đã giao cho người dân địa phương sử dụng, còn diện tích khác thì đã có rừng. Thực tế cho thấy, tính đa dạng sinh học trong rừng trồng không cao, khi trồng thông thường chỉ trồng 01 loại cây, không tạo thành các quần thể sinh thái, chưa thể là nơi ở lý tưởng cho các loài động vật di cư.

 

Từ năm 2009 -2011, UBND tỉnh đã phê duyệt 09 Phương án trồng rừng thay thế (đối với 07 dự án thủy điện: A Vương, Sông Côn 2, Sông Bung 4, Tà Vi, Sông Bung 5, Đăk Mi 4, Tr’Hy), đến nay đã có 04/09 Phương án thực hiện; cụ thể như sau:

 

- Trồng rừng:  28,5ha / 520,406 ha, đạt 5,476%;

 

- Khoanh nuôi trồng bổ sung:  171,80ha / 172,00ha, đạt 99,88%;

 

-Về kinh phí: Đã có 06 Phương án được chuyển ứng kinh phí để thực hiện với số tiền: 4.677.990.000 đồng/12.522.125.000 đồng (nguồn kinh phí đến năm 2011), đạt 37,35%.

 

Những tồn tại, hạn chế trong vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất và công tác trồng rừng thay thế:

 

Các công trình thủy điện được xây dựng không chỉ có những diện tích rừng tự nhiên mất đi vĩnh viễn bởi bị ngập nước lòng hồ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh, tài nguyên rừng, nguồn nước, môi trường sinh thái,...

 

- Đối với các công trình thuỷ điện phần lớn khi đánh giá về diện tích rừng cần chuyển mục đích các dự án thường tách rời các hạng mục công trình như lòng hồ, nhà máy, đường dây tải điện, đường công vụ, tái định cư,… nếu xét riêng từng hạng mục công trình thì diện tích rừng bị tác động ít, nhưng xét trên tổng thể dự án thủy điện hoàn chỉnh thì tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là rất lớn;

 

- Diện tích đất sản xuất của nhân dân bị thu hẹp do ngập nước, bị vùi lấp đất do mở các đường công vụ; từ chỗ thiếu đất sản xuất, không đủ lương thực cho nhu cầu đời sống, nhân dân bị thu hồi đất phải phá, lấn vào rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất, gây áp lực vào rừng là rất lớn;

 

- Chưa thực hiện tốt công tác kiểm kê, đánh giá hiện trạng, diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng để xây dựng công trình. Việc đánh giá tác động môi trường của việc chuyển mục đích sử dụng rừng còn chung chung, chưa cụ thể;

 

- Các tuyến đường mới mở để thi công thuỷ điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận đến rừng dễ dàng hơn, các sản phẩm từ rừng có thể bị khai thác được thuận lợi hơn và làm mất đi nơi cư trú, sinh sống, đường di trú của nhiều loài động vật rừng. Khu vực nước dao động do điều tiết hồ chứa sẽ bị xói mòn một phần diện tích đất rừng và sẽ trở nên trơ mòn, vô cơ hóa.

 

- Công tác trồng rừng thay thế chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức Do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do phải chi phí khá lớn và không thể tìm được vị trí thích hợp, diện tích đất trống đồi trọc đã giao cho người dân địa phương sử dụng, còn diện tích khác thì đã có rừng. Thực tế cho thấy, tính đa dạng sinh học trong rừng trồng không cao, thông thường chỉ trồng 01 loại cây, không tạo thành các quần thể sinh thái, chưa thể là nơi ở lý tưởng cho các loài động vật di cư; thảm thực vật rừng trồng kém hơn rất nhiều so với rừng tự nhiên, dẫn đến việc điều tiết dòng chảy lũ suy giảm và có xu thế bất lợi.

 

3. Một số vấn đề tác động có liên quan khác.

 

3.1. Tác động đến an sinh xã hội tại các khu tái định cư của các công trình thủy điện:

 

- Phần lớn công tác thu hồi đất phục vụ cho các dự án thủy điện của tỉnh chủ yếu tác động đến quỹ đất nông nghiệp và lâm nghiệp, đây là quỹ đất gắn liền với sinh kế, văn hóa truyền thống lâu đời của người dân lao động nông nghiệp. Do đó khi thu hồi đất sẽ ảnh hưởng phát sinh đến nhiều yếu tố xã hội khác, như: người lao động mất đất sản xuất, vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho nhân dân, tái định cư,... trong khi đó hiện tại các ảnh hưởng này nếu chỉ được giải quyết, bồi thường, hỗ trợ bằng tiền thì chưa thể đầy đủ và triệt để.

 

- Về giải quyết việc làm phần lớn lao động nông thôn trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Mặt khác chưa có biện pháp chế tài, ràng buộc nên doanh nghiệp chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân trong vùng dự án.

 

- Phần lớn người dân ở các khu tái định cư gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sản xuất bấp bênh. Vì vậy, đã có nhiều trường hợp tham gia vào các hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép, gây phức tạp về tình hình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

 

3.2. Tác động đến hệ sinh thái dưới nước.

 

Khi hình thành các hồ chứa sẽ phân nhỏ dòng sông vùng thượng lưu và trung lưu thành các đoạn sông và làm mất đi tính liên tục của dòng chảy. Việc xây dựng đập và hồ chứa làm thay đổi căn bản chế độ thuỷ văn, lưu lượng dòng chảy ở cả phía trên đập lẫn phía sau đập. Sự thay đổi chế độ thuỷ văn, dòng chảy sẽ làm thay đổi môi trường sống, gây tác động mạnh lên hệ sinh thái và khu hệ thuỷ sinh vật sống, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sau đập. Việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính dự báo và tập trung đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn xây và và giai đoạn vận hành nhà máy, mà hầu như chưa chú trọng tới đánh giá tác động môi trường lâu dài ở vùng sau đập về sản lượng cá, về nơi cư trú, nơi sinh sản của các loài thuỷ sinh vật nói chung và cá nói riêng;

 

3.3. Tác động đến hệ sinh thái trên cạn.

 

Diện tích rừng bị mất do các hồ làm ngập, do bị phá làm đường, hành lang vận chuyển và đường dây tải điện sẽ gây ra mất hay hủy hoại rất nhiều diện tích rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Việc xây dựng các công trình hồ chứa, đường giao thông nội bộ… sẽ làm cắt đường di chuyển, cô lập các quần thể động vật, thực vật. Chất lượng rừng bị suy giảm, việc vận chuyển và đi lại dễ dàng hơn sẽ dẫn tới gia tăng tình trạng buôn bán động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép… làm thu hẹp dần nơi cư trú của các loài động vật.

 

3.4. Tác động do sự cố công trình hoặc quy trình vận hành chưa phù hợp.

 

- Bất kỳ một công trình thủy lợi nào cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các yếu tố khí tượng thủy văn có nhiều thay đổi theo chiều hướng bất lợi, trong khi đó các công trình thủy điện sử dụng tài liệu khí tượng thủy văn trước đây để tính toán. Nếu gặp các trận lũ lớn nhất là lũ cực hạn (PMF), các công trình có thể bị sự cố vỡ đập, hậu quả sẽ khôn lường. Đây là vấn đề chưa được các chủ đập quan tâm, đánh giá đúng mức.

 

- Quy trình vận hành các hồ thủy điện hầu hết là trữ nước sớm nhằm tăng hiệu quả phát điện, vì vậy khi vào lũ chính vụ, các hồ hầu như xả lũ với lưu lượng Qxã = Q đến, hồ không còn chức năng giảm lũ, cắt lũ cho hạ du.

 

- Việc thực hiện xả dòng chảy tối thiểu theo Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của các hồ thủy điện còn nhiều bất cập. Hầu hết các hồ đều có cống xả sâu để xả dòng chảy tối thiểu nhưng gần như chưa có hồ nào thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nhiều doạn sông sau đập trở thành dòng sông chết.

 

- Công tác đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện tuy có làm nhưng thật sự vẫn chưa đầy đủ và công tác kiểm tra thực hiện vẫn còn buông lỏng. Đặc biệt việc tuân thủ xả về hạ lưu dòng chảy tối thiểu theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP hầu như chưa có công trình thủy điện nào thực hiện nghiêm túc.

 

- Theo khảo sát của Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy địa chất cắt ngang. Vì vậy, việc xây dựng các hồ thủy điện có dung tích chứa nước lớn sẽ gây nên động đất kích thích. Thực tế cho thấy khu vực hồ  thủy điện sông Tranh 2 trong năm 2012 đã xảy ra 75 cơn dư chấn (cơn lớn nhất 4,7 độ richter) gây nứt nẻ hư hỏng hơn 1.600 nhà dân và trụ sở cơ quan, trường học, tư tưởng nhân dân luôn ở trong tình trạng hoang mang, lo sợ.

 

III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ.

 

1. Về công tác di dân, tái định canh, định cư

 

- Tăng cường công tác vận động tuyên truyền, lấy ý kiến một cách đầy đủ, cụ thể hơn nữa của nhân dân trong quá trình thực hiện công tác di dân, tái định cư; không nên chỉ lấy ý kiến của chính quyền cấp huyện, xã, thôn để áp đặt yêu cầu của người dân.

 

- Khảo sát, mở rộng diện tích đất sản xuất cấp cho nhân dân, tránh tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ con giống, cây giống và hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp để ổn định đời sống.

 

- Các chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện tái định canh, định cư nhằm nhanh chóng khắc phục những vướng mắc, tồn tại sau khi thực hiện. Gắn trách nhiệm lâu dài của các chủ đầu tư với đời sống nhân dân trong vùng dự án.

 

- Cần có các giải pháp để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững tại các khu tái định cư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân phải được cải thiện tốt hơn; giao cho các địa phương trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này và chỉ được khởi công dự án khi đã hoàn thành công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng.

 

- Chính phủ cần có cơ chế chính sách chia sẻ lợi ích lợi nhuận khi khai thác công trình thuỷ điện cho địa phương, để địa phương có nguồn quỹ chủ động khắc phục những công trình tái định cư đã xây dựng bị hư hỏng, xuống cấp và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Chủ dự án lập quỹ phục hồi thu nhập sau tái định cư nhằm hỗ trợ cho người dân trong thời gian dài từ 05 - 10 năm;

 

2. Về chuyển mục đích sử dụng đất, công tác trồng rừng, trồng lại rừng

 

- Cần nghiên cứu điều tra quy hoạch tổng thể các công trình điện, thủy điện trên địa bàn tỉnh trên cơ sở có sự tham gia đánh giá, phản biện của các nhà khoa học chuyên ngành; theo đó phải hạn chế việc tối đa ảnh hưởng đến các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khi làm thủy điện. Có biện pháp chế tài, bắt buộc các chủ đầu tư phải trồng bù lại diện tích rừng bị mất khi xây dựng công trình thủy điện. Ngoài ra, các chủ đầu tư thủy điện phải có trách nhiệm và chia sẽ lợi ích, hỗ trợ đời sống của đồng bào nằm trong khu vực ảnh hưởng của dự án nhằm đảm bảo một phần kinh phí trong việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

 

- Cần đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản tại các dự án thủy điện; đánh giá trữ lượng, chất lượng và điều kiện khai thác các loại khoáng sản quan trọng, có giá trị đã được phát hiện nhằm tránh lãng phí tài nguyên. 

 

3. Về vấn đề rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quy trình vận hành.

 

- Có thể nói, việc xây dựng các công trình thủy điện đã phát sinh nhiều hệ lụy như đã nêu trên. Vì vậy việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy điện là công việc thường xuyên thực hiện. Trong đó, kiên quyết loại bỏ những công trình có hiệu quả kinh tế thấp, tác động xấu đến môi trường nhiều, nhất là các thủy điện có quy mô nhỏ. Việc quy hoạch thủy điện phải dược xem xét thấu đáo, lồng ghép phù hợp với các quy hoạch kinh tế xã hội của địa phương nhằm tránh mâu thuẩn về lợi ích trong quá trình khai thác, vận hành, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp.

 

- Về quy trình vận hành các hồ thủy điện bậc thang cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp với yêu cầu vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa phát huy hiệu quả phát điện, vừa phải đảm bảo giảm lũ và đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhan dân vùng hạ du. Hiện nay các hồ thủy điện đều có quy trình vận hành đơn hồ, riêng hồ thủy điện Sông Tranh 2, ĐăkMi 4, A Vương vạn hành theo quy trình liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 13/10/2010. Các quy trình trên đều quy định các hồ thủy điện dược tích nước sớm, riêng quy trình vận hành liên hồ có quy định mực nước đón lũ các hồ thủy điện Sông Tranh 2, ĐăkMi4 và A Vương, nhưng tổng dung tích phòng lũ rất nhỏ (135 triệu m3), chưa đáp ứng được yêu cầu giảm lũ ở hạ du.

 

Mặt khác quy trình vận hành các hồ thủy điện chưa đề cập nhiều đến việc điều tiết trong mùa kiệt, đã gây tranh chấp nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất ở vùng hạ du mà trong nhiều năm qua các cơ quan chuyên môn đã nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

 

4. Về xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập.

 

Trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có 10 dự án thủy điện bậc thang. Nếu chỉ một công trình sự cố vỡ đập sẽ kéo theo vỡ đập liên hoàn, thảm họa sẽ vô cùng lớn. Vì vậy việc xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện là hết sức cần thiết nhằm giúp cho địa phương chủ động ứng phó hạn chế đến mức thấp nhật thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du; đây là bài toán hết sức phức tạp, đòi hỏi phải được tính toán kỷ lưỡng và sớm triển khai thực hiện. Đề nghị  Tập đoàn điện lực Việt Nam là đơn vị đầu mối tìm kiếm đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và đủ năng lực xây dựng phương án này. 

 

5. Về thể chế.

 

- Sớm lập quy hoạch lưu vực sông và thành lập Uỷ ban quản lý lưu vực Sông Vu Gia - Thu Bồn để làm cơ sở quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, đặc biệt đối với việc quản lý, xây dựng các nhà máy thuỷ điện trên lưu vực sông này.

 

- Ban hành quy định hướng dẫn đánh giá tác động môi truờng cụ thể cho loại hình thuỷ điện, quy định những trường hợp không được cho phép nghiên cứu khả thi (diện tích lòng hồ, rừng bị chiếm dụng, tác động đến hệ sinh thái, các vấn đề xã hội…), đồng thời đây là cơ sở để rà soát loại bỏ các thuỷ điện có tác động lớn đến môi trường.

 

- Cần sớm nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về các hệ sinh thái trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, mối tương quan giữa hoạt động các hồ thủy điện với bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, các hệ sinh thái đặc hữu, xói lở ở hạ lưu và xâm nhập mặn vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn.

SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT TỈNH QUẢNG NAM
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Báo cáo về những tác động của các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8

(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI