Chính sách - Dự án » Tư liệu
Báo cáo công tác quản lý về tài nguyên nước 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TN&MT
(07:40:16 AM 24/07/2015)Ảnh minh họa: TL
BÁO CÁO CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2014 KẾT QUẢ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015
A. CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC NĂM 2014, 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015
I. Một số kết quả trong công tác quản lý tài nguyên nước
1. Về công tác xây dựng thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật
Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực tài nguyên nước đã được ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13, gồm: 02 Nghị định: Nghị định số 43/2015/NĐ- CP về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và Nghị định số 54/2015/NĐ- CP quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Bộ ban hành 03 Thông tư: Thông tư quy định về cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước; Thông tư quy định việc hành nghề khoa nước dưới đất; Thông tư quy định điều kiện năng lực của đơn vị thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước.
Ở địa phương, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý tài nguyên nước ở địa phương. Một số văn bản đã ban hành như: Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 26/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 03/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
Các Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động ban hành các văn bản thực thi pháp luật về tài nguyên nước, điển hình như Văn bản số 230/TB-STNMT ngày 06/3/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam thông báo về việc triển khai thực hiện Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT ngày 24/9/2014 và Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT ngày 11/7/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước đối với sự phát triển kinh tế xã hội, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ như: tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Tiền Giang...
2. Công tác quy hoạch tài nguyên nước
Từ năm 2011 đến nay, cơ bản hoàn thành dự án “Quy hoạch Quản lý sử dụng tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015 và định hướng đến 2020”; đã hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Srepok và vùng sông Hậu; hoàn thành lập đề cương đề án Chính phủ “Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh” (gồm 11 lưu vực sông lớn). Ở địa phương, công tác quy hoạch tài nguyên nước đã từng bước được triển khai và đáp ứng được yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Tính đến nay đã có 30 địa phương ban hành quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh.
3. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước
Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử (VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam,…),... thông qua các hình thức xây dựng các phim, ảnh, băng đĩa các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân, xuất bản Bản tin tài nguyên nước… để giải đáp pháp luật, trao đổi về những vấn đề quan trọng, cấp bách cần giải quyết trong quản lý tài nguyên nước, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
Việc tổ chức lễ mít tinh quốc gia và chuỗi các sự kiện bên lề hưởng ứng Ngày nước thế giới 22 tháng 3 hàng năm, năm 2014 và năm 2015 lần lượt tại các tỉnh Lai Châu và thành phố Bắc Giang. Các hoạt động đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của toàn xã hội, có ý nghĩa và sức lan tỏa cao, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen và cách ứng xử với tài nguyên nước ở hiện tại và tương lai.
Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã có 25 địa phương tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước cho đối tượng là cán bộ ở cấp xã, huyện, cộng đồng, doanh nghiệp trên địa bàn.
4. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước
Công tác thanh tra, kiểm tra được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý tài nguyên nước. Hàng năm, cấp Trung ương và địa phương đều xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra định kỳ tình hình triển khai, thi hành pháp luật về tài nguyên nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước tại một số cơ sở khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 4 đợt kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, cụ thể như sau:
- Thanh tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất tại các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định.
- Kiểm tra việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ hàng năm và việc thực hiện vận hành điều tiết nước trong mùa cạn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên đối với các hồ trong quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
- Hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước của các đơn vị đang hoạt động kinh doanh sân Golf trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, gồm: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình.
Các địa phương cũng tích cực triển khai thanh tra, kiểm tra tổng số hơn 800 tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất.
Qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, tập trung chủ yếu ở các hành vi sau:
- Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ việc quan trắc, giám sát nguồn nước (mực nước, lưu lượng, chất lượng nước) trong quá trình khai thác, sử dụng theo quy định của nội dung giấy phép và theo quy định tại Điều 16 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chưa thực hiện việc báo cáo định kỳ tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất theo quy định của nội dung giấy phép và quy định tại Điều 17 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chưa thực hiện kê khai nộp thuế tài nguyên nước theo quy định.
- Không thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước dưới đất trong quá trình khai thác, sử dụng nước tại các giếng khai thác theo quy định tại Điều 15 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước các cấp và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.
5. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước
- Công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước được đẩy mạnh. Đối với một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội, một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, cụ thể như sau:
- Xác định dòng chảy tối thiểu trong sông mới thực hiện 04/13 dòng chính thuộc các lưu vực sông lớn (sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn, sông Cả, sông Mã); ngưỡng giới hạn khai thác nước dưới đất thực hiện khoảng 110.626 km2 (33%) trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Hồng; vùng ven biển Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên.
- Công tác đánh giá cảnh báo, dự báo tác động biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước đã được thực hiện ở các vùng Đồng bằng Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển miền Trung (Đà Nẵng đến Phú Yên) và lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn.
- Một số chương trình, đề án chính phủ đã được thực hiện như: “Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị lớn”; “Điều tra, đánh giá quy hoạch sử dụng đất, nước mặt tại các thủy vực ven biển; tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển và hải đảo” thuộc đề án “Điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển”.
- Thực hiện xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, giai đoạn 1 xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Bước đầu triển khai xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới Việt Nam-Cam Pu Chia.
- Triển khai nâng cấp và xây dựng mới hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước trên các vùng kinh tế trọng điểm như vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Nam Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tính đến thời điểm hiện nay có 714 công trình (707 công trình nước dưới đất, 7 công trình nước mặt).
Nhìn chung, công tác điều tra cơ bản, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước đã được tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, kinh phí cho các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu. Mạng lưới trạm quan trắc, điều tra tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đánh giá số lượng, chất lượng và dự báo diễn biến tài nguyên nước. Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đủ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
6. Công tác cấp giấy phép tài nguyên nước
Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 126 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; các địa phương đã cấp và gia hạn gần 3000 giấy phép.
II. Những tồn tại hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn một số nội dung đề ra trong kế hoạch chưa thực hiện được hoặc hiệu quả đạt được chưa cao. Những hạn chế, tồn tại đó là:
- Đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ quản lý và các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước chưa tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu.
- Mạng lưới trạm quan trắc, điều tra tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đánh giá số lượng, chất lượng và dự báo diễn biến tài nguyên nước. Công nghệ, thiết bị, kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước còn lạc hậu; Hệ thống mạng quan trắc nguồn nước xuyên biên giới chưa được hoàn thiện để đảm bảo việc tích hợp với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước nước quốc gia; Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn phân tán và chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước, nhất là phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, công tác dự báo, thẩm định hồ sơ cấp phép ở cả cấp trung ương và địa phương.
- Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý đối với việc thực hiện giấy phép sau cấp phép, tình hình khai thác sử dụng nước còn nhiều hạn chế do đội ngũ cán bộ quản lý còn thiếu, kinh phí cho công tác thanh, kiểm tra còn hạn hẹp dẫn đến việc chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, còn nhiều công trình đang khai thác tài nguyên nước nhưng chưa có giấy phép.
- Nhận thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước còn nhiều hạn chế. Nhân lực, kinh nghiệm cán bộ và cơ sở vật chất của lĩnh vực tài nguyên nước cũng như các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
- Phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước chưa rộng khắp, chủ yếu tập trung cho khối cơ quan quản lý và khối doanh nghiệp, chưa phổ biến, giáo dục sâu rộng đến các đối tượng khác như người dân, học sinh; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là tổ chức hội thảo, tập huấn, đăng tải trên trang tin điện tử nội bộ, báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành; kinh phí thực hiện hạn chế nên khó khăn trong việc đa dạng hóa hình thức cũng như việc mở rộng đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước.
III. Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2015
1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước: Nghị định của Chính phủ quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư Quy định việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Thông tư quy định trình tự thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tài nguyên nước và hồ sơ quy hoạch tài nguyên nước.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 43/2015/NĐ- CP về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và Nghị định số 54/2015/NĐ- CP quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
3. Hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án “Nghiên cứu, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến vấn đề sụt lún nền đất khu vực thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long, đề xuất giải pháp khắc phục, giải quyết trước mắt và lâu dài”.
4. Tích cực xây dựng và ban hành các Thông tư Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Thông tư Quy định việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;
5. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn hàng năm trên các lưu vực sông: Vu Gia- Thu Bồn, Trà Khúc, Mã, Cả, Hồng, Hương, Kôn và Đồng Nai;
6. Đẩy mạnh công tác cấp phép về tài nguyên nước, thực hiện đúng quy trình thẩm định hồ sơ, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác cấp phép theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
7. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước.
8. Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
B. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI CÁC QUY TRÌNH VẬN HÀNH LIÊN HỒ CHỨA
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trong đó có 08 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ (sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Đồng Nai và sông Hồng), 03 quy trình vận hành liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn (sông Ba, sông Sê San và sông Srêpôk).
Việc ban hành kịp thời 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông trong mùa lũ hàng năm có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại do nước gây ra. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước dưới hạ du các hồ để đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường của các địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta.
Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức các Hội nghị công bố, quán triệt, hướng dẫn việc thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm áp dụng kịp thời ngay trong đầu mùa lũ năm 2014 trên hầu hết các lưu vực sông. Qua việc tổ chức các Hội nghị công bố, các địa phương trên các lưu vực sông đã nhận thức rõ được vai trò và tầm quan trọng của Quy trình vận hành liên hồ chứa và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, các địa phương trong lưu vực và các đơn vị quản lý, vận hành hồ. Từ đó, các địa phương đã và đang chủ động xây dựng, ban hành các quy chế phối hợp trong vận hành các hồ, góp phần giảm thiểu tác động do lũ gây ra ở hạ lưu các lưu vực sông.
Trong mùa lũ năm 2014 vừa qua, trên hầu hết các lưu vực sông không có lũ, tuy nhiên vào cuối mùa lũ, các hồ đã chủ động việc ưu tiên tích nước các hồ chứa theo quy định của quy trình để đủ nước phục vụ cấp nước cho mùa cạn. Trên 3 lưu vực sông Ba, Sê San và Srêpôk (đã có quy trình cho cả mùa lũ và mùa cạn) không có lũ, tuy nhiên vào cuối mùa lũ các hồ đã chủ động thực hiện việc ưu tiên tích nước các hồ chứa theo quy định của quy trình và tính đến cuối mùa lũ, tổng dung tích các hồ tích được là trên 2,8 tỷ m3, mặc dù dung tích này chỉ đạt khoảng 83% dung tích của các hồ nhưng so với yêu cầu tối thiểu của Quy trình cũng vượt trên 50 triệu m3.
Thực hiện theo Quy trình, từ đầu mùa cạn đến nay, thực tế các hồ đã vận hành, điều tiết, cung cấp một lượng nước đáng kể bổ sung cho hạ du. Tính đến đầu tháng 5, các hồ vẫn còn đang trữ được một lượng nước khoảng 1,55 tỷ m3 để tiếp tục điều tiết, bổ sung nguồn nước cho hạ du trong thời gian từ nay đến cuối mùa cạn. Theo quy định thì lượng nước nêu trên vẫn còn nhiều hơn yêu cầu tối thiểu (khoảng 1,07 tỷ m3) khoảng 480 triệu m3.
Trong thời gian qua, kể từ khi các Quy trình có hiệu lực và được áp dụng vào thực tế vận hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát việc vận hành các hồ chứa nhằm đảm bảo việc các hồ điều tiết, vận hành theo đúng quy trình. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân quản lý hồ việc thực hiện quy trình vận hành các quy trình liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với quy trình vận hành trong mùa cạn của 08 lưu vực sông còn lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng các dự thảo, hoàn thiện, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ đã hoàn chỉnh việc tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành, địa phương đối với Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Hồng; đang trong thời gian lấy ý kiến đối với Quy trình trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; đang hoàn thiện và trong tháng 7 sẽ họp Tổ soạn thảo, gửi lấy kiến Quy trình trên các lưu vực sông Mã, Trà Khúc và Kôn; trong tháng 8, tháng 9 năm 2015 sẽ tổ chức họp Tổ soạn thảo và lấy kiến Quy trình trên các lưu vực sông Cả, Hương và Đồng Nai. Phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 08 Quy trình này trong Quý III và IV năm 2015 để kịp thời áp dụng trong mùa cạn năm 2016.
Gửi ý kiến bạn đọc về: Báo cáo công tác quản lý về tài nguyên nước 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TN&MT
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Chủ đề Ngày Khí tượng Thế giới năm 2024: “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”
- Chủ đề Ngày nước Thế giới năm 2024: “Nước cho hòa bình”
- Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5): "Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học"
- Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5): Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống
- Chủ đề Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai
- Chủ đề ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2020: “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”
- Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (22/5/2021): "Chúng ta là một phần của giải pháp"
- Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 "“Đại dương, Khí hậu và Thời tiết của chúng ta”
- Chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2021 “Giá trị của nước”
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Những chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 8
(Tin Môi Trường) - Ba luật về đất đai, nhà ở; kiểm kê đất đai toàn quốc; các trường hợp di dời khẩn cấp nhà chung cư, đăng ký xe bằng dịch vụ công trực tuyến; các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, có hiệu lực từ tháng 8.
Dự án resort ở Bà Rịa- Vũng Tàu "xén" trên 30ha khu bảo tồn thiên nhiên
(Tin Môi Trường) - Dự án resort Hoàn Vũ - Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) dự kiến sẽ được doanh nghiệp lập thủ tục thuê trên 30,24ha thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu- Phước Bửu.