(Tin Môi Trường) - Ngày 26/6 được tiếp tục với Phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 (ngày làm việc thứ 3 và là ngày cuối cùng của Phiên họp) và 36 sự kiện bên lề. Ngoài ra còn có cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LDCF) lần thứ 24, Diễn đàn của các tổ chức chính trị xã hội (CSO) và các sự kiện liên quan.
Đặc biệt, trong ngày 26/6 diễn ra 04 sự kiện bên lề do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì, bao gồm: (1) Chương trình chung tay bảo vệ đại dương; (2) Quản lý rác thải nhựa đại dương; (3) Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững; và (4) Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.
I. Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 54 sẵn sàng đem lại những kết quả tốt đẹp hơn cho môi trường
Cuộc họp
Hội đồng GEF
lần thứ 54 tại Đà Nẵng, Việt Nam khai mạc từ ngày 24/6 đến hết ngày 26/6/2018 đã thể hiện nỗ lực và cam kết của các Chính phủ khẩn cấp cùng hành động chống lại tình trạng suy thoái môi trường toàn cầu. Ông Peter Elder, Giám đốc Quỹ Khí hậu và Môi trường thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc được bầu làm đồng Chủ tịch
Hội đồng GEF lần thứ 54.
Tại Phiên khai mạc, Bà Naoko Ishii, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch
GEF phát biểu rằng:
Hội đồng được diễn ra tại “thời điểm then chốt cho tương lai của hành tinh và loài người”. Phản ánh những thành quả mà
GEF đạt được, bà phát biểu: “Kinh nghiệm sẽ giúp
GEF hoạt động hiệu quả và hiệu suất cao hơn trong những năm tới”. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm: “Chúng ta biết rằng môi trường toàn cầu tiếp tục bị suy thoái và vấn đề này đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn, thôi thúc chúng ta cùng hành động. Vì vậy, chúng ta cần phải cùng nhau làm nhiều hơn thế nữa.”
Bà Ishii nhấn mạnh việc cùng hành động nhằm chuyển đổi các hệ thống kinh tế quan trọng như lương thực và sử dụng đất, năng lượng, các thành phố và các mô hình sản xuất và tiêu thụ đang “vô cùng khẩn cấp”, “GEF sẽ tiếp tục cung cấp “các chương trình đổi mới để hỗ trợ các nước thực hiện những chuyển đổi này.”
Ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về Tài chính Phát triển và Đồng chủ tịch của quá trình thực hiện gói bổ sung GEF7, phát biểu: “Ở một thời điểm then chốt khi môi trường toàn cầu đang xấu đi và hậu quả đang ngày càng hiện ra rõ nét thì
GEF đã sẵn sàng đem lại những kết quả tốt đẹp hơn cho môi trường cũng như trong việc hỗ trợ để tăng hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.”
Sau Cuộc họp
Hội đồng GEF
lần thứ 54 sẽ là Kỳ họp Đại hội đồng
GEF lần thứ 6, diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/6/2018. Kỳ họp được tổ chức bốn năm một lần với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các quốc gia, các Bộ trưởng môi trường, Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi Chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp.
II. Cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu Đặc biệt (SCCF)/ Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LDCF) lần thứ 24
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu Naoko Ishii khai mạc Phiên họp. Quốc gia thành viên Thuỵ Điển đã thông báo việc cam kết bổ sung 50 triệu SEK (tương đương 5,65 triệu đô la Mỹ) cho Quỹ Uỷ thác các nước kém phát triển (LDCF) tại Phiên họp của
Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF)/Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24.
Hội đồng đã bầu ông Peter Elder, Thành viên
Hội đồng GEF Australia làm Đồng chủ tịch của Phiên họp
Hội đồng này.
Chủ tịch nhóm các nước kém phát triển (LDC) thuộc Công ước Khung Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, ông Gerbu Jember Endalew phát biểu khai mạc cuộc họp. Ngài Ato Kare Chawicha Debessa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu, Ethiopia đã trình bày những thành tựu của Dự án “Quản lý đất bền vững” do Quỹ Uỷ thác các nước kém phát triển tài trợ, được thực hiện bởi Ngân hàng thế giới.
Tại Phiên họp đã thông qua Chương trình chiến lược
GEF 2018 - 2022 về thích ứng với biến đổi khí hậu đối với Quỹ uỷ thác các nước kém phát triển,
Hội đồng Quỹ biến đổi khí hậu đặc biệt và các hoạt động cải tiến.
III. Các tổ chức chính trị xã hội (CSO) đóng góp tích cực cho tương lai của môi trường toàn cầu
Tại Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6), các tổ chức CSO đã khẳng định vai trò và sự đóng góp tích cực cho tương lai của môi trường toàn cầu và việc thực hiện triển khai GEF7.
Diễn đàn các tổ chức xã hội được khai mạc mang đậm bản sắc văn hóa phong phú Việt Nam để có thể truyền cảm hứng cho các đại biểu tham gia các phiên thảo luận trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Tham dự và điều hành có Bà Naoko Ishii Giám đốc điều hành GEF; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Bà Lucy Mulenkei, Chủ tịch nhóm tư vấn người bản địa (IPLC); Ông Victor Kawanga, Chủ tịch, Mạng lưới
GEF CSO và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền CSO Việt Nam.
Diễn đàn các tổ chức xã hội dân sự được diễn ra trong cả ngày 26/6, ngoài ra cũng đã có một loạt các hoạt động mà các tổ chức CSO sẽ kết hợp với người dân địa phương thực hiện bao gồm các triển lãm, sự kiện bên lề và thăm các dự án của GEF.
Thông qua Diễn đàn sẽ giới thiệu các kinh nghiệm, dự án; đồng thời đóng góp các ý kiến, khuyến cáo cụ thể từ các CSO khắp nơi trên thế giới, góp phần thức đẩy quan hệ hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau của các nước thành viên
GEF về những đóng góp của họ, nhằm đảo ngược được các suy thái môi trường toàn cầu trong chu kỳ
GEF tiếp theo.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái môi trường, ô nhiễm và biến đổi khí hậu; với những nỗ lực của từng quốc gia, từng tổ chức đơn lẻ sẽ không thể giải quyết được và thay vào đó chỉ có sự chung tay của cộng đồng thế giới mới có thể cùng nhau xây dựng được sự phát triển nền kinh tế bền vững, năng suất cao, thân thiện với môi trường và đem lại lợi ích chung cho toàn cầu.
Thứ trưởng đánh giá cao về cam kết của các tổ chức chính trị xã hội đã thể hiện tại Diễn đàn; đồng thời phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn có sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị xã hội và những đề xuất, sáng kiến của Diễn đàn hôm nay sẽ là đóng góp to lớn trong việc thực thiện, triển khai các dự án, chính sách của
GEF trong những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để thực hiện hiệu quả các sáng kiến và chính sách nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các tổ chức phi chính phủ đã tích cực tham gia và đồng hành cùng những nỗ lực của Chính phủ. Tại Diễn đàn, Thứ trưởng đề nghị các tổ chức chính trị xã hội của Việt Nam chia sẻ với các tổ chức chính trị xã hội từ khắp nơi trên thế giới thực tiễn của họ, đóng góp vào các khuyến nghị của Diễn đàn cho
Hội đồng GEF.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Bà Naoko Ishii Giám đốc điều hành
GEF cho biết, bà đến Việt Nam lần đầu vào năm 1996 và sau hơn 20 năm bà đã chứng kiến Việt Nam phát triển ấn tượng về mọi mặt. Tại Diễn đàn lần này, bà Naoko Ishii cho biết có nhiều mục tiêu, ý tưởng của các tổ chức chính trị xã hội đóng góp vào định hướng cho GEF7. Bà cho rằng, tất cả các quốc gia, tổ chức cần phải nỗ lực hơn nữa để cùng nhau chuyển đổi sang hệ sinh thái bền vững hơn.
Bà Naoko Ishii cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Kỳ họp Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 và các sự kiện liên quan lần này và với những mục tiêu, cam kết, định hướng được đưa ra sẽ là tiền đề để 4 năm sau tất cả cùng nhìn nhận lại sự thành công, chứng minh được đây là diễn đàn của những nỗ lực chung toàn cầu.
Trong khi đó, Bà Lucy Mulenkei, Chủ tịch nhóm tư vấn người bản địa (IPLC) cho biết, bà đã làm việc với rất nhiều tổ chức chính trị xã hội khác nhau trên thế giới và đều đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó tại các quốc gia đang phát triển có những đóng góp rất quan trọng. Tại GEF6 lần này, bà Lucy Mulenkei hy vọng sẽ đưa ra những chiến lược tối ưu trong bối cảnh toàn cầu hiện nay đang bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Bà Lucy Mulenkei mong muốn tiếp tục có sự hợp tác toàn diện với GEF, với các tổ chức chính trị xã hội trên toàn thế giới để giải quyết các vấn đề thực tiễn nhất góp phần vào ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, đại diện của Chương trình Quốc gia của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (Small Grants Programme - SGP) cho biết, SGP Việt Nam đã được triển khai từ năm 1999. Kể từ đó, SGP Việt Nam đã phát triển trở thành một chương trình hoạt động đầy đủ và hiện đang trong giai đoạn vận hành thứ năm. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho rằng, các tổ chức chính trị xã hội ở Việt Nam đã luôn gắn kết với Chính phủ để tham gia vào các chương trình phát triển của Chính phủ bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Tại Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội cho các tổ chức chính trị xã hội Việt Nam có thể lắng nghe những ý kiến chia sẻ, những kinh nghiệm của các tổ chức chính trị xã hội trên thế giới về những câu chuyện thành công của họ và hy vọng có thể áp dụng những mô hình thành công này tại Việt Nam, cùng chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
IV. Một số sự kiện bên lề quan trọng
1. Chương trình chung tay bảo vệ đại dương
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương” hưởng ứng một trong những chủ đề của Kỳ họp lần này là khắc phục các mối đe dọa môi trường do ô nhiễm rác thải nhựa trên biển. Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Giám đốc điều hành UN Habitat - Bà Maimunah Mohd Sharif, Giám đốc Tài chính Môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - Bà Adriana Dinu, lãnh đạo các ban, ngành thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, thành phố biển Đà Nẵng được biết đến với những danh hiệu như “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, “Một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015” luôn hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của các loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển.
Theo Thứ trưởng, rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.
Trong đó, hoạt động làm sạch bãi biển là dịp để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước tích cực phối hợp, tham gia với ngành tài nguyên và môi trường trong việc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển nhằm gìn giữ môi trường biển cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.
Cũng tại buổi lễ, Giám đốc điều hành UN Habitat - Bà Maimunah Mohd Sharif cho biết, ô nhiễm đại dương hay ô nhiễm biển là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay. Những năm gần đây, chúng ta phải chứng kiến thực trạng ô nhiễm đại dương với tốc độ tăng nhanh chưa từng thấy, nguyên nhân chính do rác thải công nghiệp, nông nghiệp, hoặc chất thải sinh hoạt.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Liên Hợp Quốc đã đặt mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững”, trong đó chỉ tiêu 14.1 đặt ra đến năm 2025, ngăn chặn và làm giảm đáng kể tất cả các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền.
Cũng theo bà Maimunah Mohd Sharif, ngoài việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ, chúng ta phải chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân về rác thải đại dương và trách nhiệm cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường biển. Bà Maimunah Mohd Sharif cũng cam kết với Việt Nam, sẽ hợp tác và hỗ trợ các đối tác, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong các hoạt động chống ô nhiễm biển.
Cũng tại buổi lễ, chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - Bà Adriana Dinu nói: Khi chúng ta cùng có mặt sáng ngày hôm nay để có hành động bảo vệ môi trường và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, sự có mặt và tham gia của quý vị, đại diện của các quốc gia, sinh viên, thanh niên và quân đội cho thấy một nỗ lực lớn trong việc giữ đại dương không bị ô nhiễm. Chúng ta tất cả đều hưởng lợi từ vịnh biển xinh đẹp này và chúng ta cùng phải hành động để bảo vệ nó.
Với đường bờ biển dài hơn 3,000 km, Việt Nam góp phần vào ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và cũng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, từ các trung tâm dân số ven biển và rác thải đổ ra biển theo các dòng sông. Với 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, Việt Nam cần tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ và phục hồi đại dương và vùng bờ.
UNDP đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và người dân Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, lối sống bền vững và thói quen mua sắm bền vững hơn. Một ví dụ về sáng kiến thay đổi hành vi, UNDP và các cơ quan khác của Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc thử thách 7 ngày để khuyến khích ăn, ở và đi lại thông minh và bền vững. Tại văn phòng làm việc, chúng tôi đã không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp.
Bà Adriana Dinu cũng khẳng định rằng, cần có cam kết và hành động. Hãy cùng thu nhặt rác và thải rác đúng chỗ và ngừng việc vứt rác bừa bãi ra khu công cộng. Hãy cùng nhau sử dụng các sản phẩm địa phương thân thiện môi trường, và giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt các quy hoạch trên đất liền và quản lý chất thải. Hơn 80% chất thải thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, vì vậy chúng ta cần tích hợp quản lý lưu vực sông, vùng bờ và đất liền. Đồng thời, cần có các hành động chung cấp khu vực và toàn cầu; cần sự tham gia chặt chẽ của khối tư nhân vì một quốc gia không thể một mình giải quyết vấn về ô nhiễm đại dương mang tính chất khu vực và toàn cầu. Ô nhiễm chất thải được tạo ra tại địa phương nhưng tác động thì mang tính khu vực và toàn cầu. Hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và bài học giữa các quốc gia. Nhân dịp này, Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã đề xuất ba hành động có thể áp dụng để tạo ra sự khác biệt.
Một là, cần có cam kết và hành động. Hãy cùng thu nhặt rác và thải rác đúng chỗ và ngừng việc vứt rác bừa bãi ra khu công cộng. Hãy cùng nhau sử dụng các sản phẩm địa phương thân thiện môi trường, và giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Hai là, cần thực hiện tốt các quy hoạch trên đất liền và quản lý chất thải. Hơn 80% chất thải thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, vì vậy chúng ta cần tích hợp quản lý lưu vực sông, vùng bờ và đất liền.
Ba là, cần có các hành động chung cấp khu vực và toàn cầu và sự tham gia chặt chẽ của khối tư nhân vì một quốc gia không thể một mình giải quyết vấn về ô nhiễm đại dương mang tính chất khu vực và toàn cầu. Ô nhiễm chất thải được tạo ra tại địa phương nhưng tác động thì mang tính khu vực và toàn cầu. Hãy cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và bài học giữa các quốc gia.
“Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050 đại dương của chúng ta có nhiều nhựa và nilon hơn cá. Thông điệp đơn giản: Loại bỏ nhựa dùng một lần. Từ chối những thứ không thể tái sử dụng. Cùng nhau chúng ta tạo ra một thế giới xanh hơn, sạch hơn” - Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhân ngày Môi trường thế giới.
2. Quản lý rác thải nhựa đại dương
Trong khuôn khổ GEF6, chiều 26/6, tại sự kiện bên lề “Rác thải biển” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với
GEF tổ chức, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”.
Chủ trì Hội nghị bên lề “Rác thải biển” có Chủ tịch
GEF bà Naoko Ishii; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - ông Erik Solheim; Trưởng phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương - ông Peter Thomson.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Tham dự hội nghị có các thành viên
GEF và đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số Bộ, Ngành, tỉnh thành liên quan và gần 500 đại biểu
GEF tham dự.
Sự kiện bên lề “Quản lý rác thải biển” nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của khu vực và quốc tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng và đề xuất các giải pháp, biện pháp giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đại dương đến tài nguyên, môi trường biển và sức khỏe của con người.
Biển và đại dương là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái đất, trên 90% không gian sinh tồn của các loài sinh vật trên hành tinh. Đại dương tạo ra hơn 50% lượng oxy chúng ta hít thở hàng ngày, đồng thời, cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh cũng như là nguồn năng lượng sạch cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, từ các hoạt động kinh tế- xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Việt Nam đừng số 4/20 quốc gia đang chịu ảnh hưởng bởi rác thải nhựa đại dương với sản lượng trung bình là 0.5 tấn/mỗi năm.
Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải nhựa ở biển đã trở thành vấn đề của toàn thế giới. Ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến với các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
“Việt Nam mong muốn thông qua sự kiện này sẽ thúc đẩy sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương; đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết và trách nhiệm của các nước, cộng đồng quốc tế trong nỗ lực chung vì một đại dương khỏe mạnh. Việt Nam sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao để đóng góp chung vào những nỗ lực đó.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tại Kỳ họp Đại hội đồng
GEF 6, Việt Nam đề xuất sáng kiến “Thành lập Đối tác vì khu vực các biển Đông Á không có rác thải nhựa”. Sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức toàn cầu và địa phương; chuyển hóa mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế tiêu thụ nhiên liệu sang tái chế, huy động sự tham gia của các cấp, các nhà sản xuất; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin và kiến thức về quản lý rác thải đại dương giữa các quốc gia trong khu vực; tăng cường năng lực và đào tạo về mặt chiến lược.
“Việt Nam muốn tạo ra một cơ chế về quản lý rác thải nhựa ở cấp khu vực để nâng cao nhận thực của người dân; thiết lập một mô hình mang tính thực tế giữa các quốc gia tham gia. Việt Nam rất mong muốn các quốc gia đưa ra những chia sẻ, góp ý để hoàn thiện những sáng kiến trong giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”- Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết.
Hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, ông Erik Solheim, Tổng Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho rằng: Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta đã có những bước tiến nhằm hiện thực những chiến lược liên quan đến rác thải nhựa phấn đấu đạt mục tiêu vào năm 2022 không còn rác thải nhựa đại dương.
“Ở đây chúng ta có những bài học kinh nghiệm từ những việc làm cụ thể như hạn chế sử dụng những sản phẩm ống nhựa, sản phẩm dùng một lần, xây dựng hệ thống tái chế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta cần thực hiện được ba trụ cột chính phủ - công dân – đổi mới sáng tạo trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thì sẽ tạo thành một sức mạnh vô địch cùng cùng nhau cứu hành tinh của chúng ta.”- ông Erik Solheim đề xuất.
Ông Peter Thomson, Phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương khẳng định: Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3000km đang phải đối diện với các thách thức như hệ sinh thái bờ biển suy giảm, nước biển tăng, rác thải …Liên hợp quốc sẽ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề này tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Biến đổi khí hậu, nước biển dâng có sự liên quan chặt chẽ đến nhau và những gì diễn ra trên đất liền cũng tác động đến biển. Do vậy, chính phủ Việt Nam cần ban hành các chính sách nghiêm ngặt quy định bảo vệ môi trường đối với các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… để nâng cao nhận thức người dân có trách nhiệm với đại dương, tiến tới thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về nước sạch, làm sạch bờ biển”- Ông Peter Thomson, Phái đoàn Liên hợp quốc về đại dương đề xuất.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Lê Công Thành cảm ơn và đánh giá cao các đại biểu đến từ nhiều quốc gia đã tích cực tham gia và thảo luận những vấn đề liên quan đến chủ đề quản lý rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là sự ủng hộ của các quý vị đối với Sáng kiến của Việt Nam về việc thiết lập mối quan hệ đối tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương khu vực biển Đông Á. Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm quốc tế và khu vực hết sức hữu ích về quản lý rác thải nhựa đại dương; đặc biệt là nguy cơ rất cao sự gia tăng ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đối với khu vực các biển Đông Á, các tác động tiềm tàng của rác thải nhựa, nhất là tác động của vi nhựa tới các hệ sinh thái biển và sức khỏe của con người.
Thứ trưởng Lê Công Thành tóm lược những nội dung cụ thể như: Một là, chúng ta cần thúc đẩy việc tạo lập môi trường thuận lợi ở cấp độ quốc tế và tại mỗi quốc gia để các bên tham gia tích cực, có hiệu quả vào các nỗ lực quốc tế trong giảm thiểu rác thải nhựa ra biển và đại dương. Việc duy trì một đại dương xanh, sạch, không có rác thải nhựa cho tất cả chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các quốc gia ven biển tiến hành các giải pháp đồng bộ kiểm soát ô nhiễm môi trường biển cùng với sự đồng hành của Quỹ Môi trường toàn cầu.
Hai là, vấn đề quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á là hết sức cấp bách. Chúng ta cần phối hợp cùng nhau thiết lập quan hệ đối tác vì khu vực biển Đông Á không có rác thải nhựa nhằm đưa ra một kế hoạch hành động chung cho cả khu vực, từng bước giảm thiểu rác thải nhựa ra biển và đại dương, bao gồm các hoạt động: từ việc ban hành và thực thi cơ chế, chính sách, tăng cường công tác quản lý hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và tiêu dùng nhựa đến việc đẩy mạnh chia sẻ thông tin, dữ liệu, nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi tập quán, thói quen và ứng xử với rác thải nhựa.
Ba là, sáng kiến Việt Nam trình bày hôm nay đề xuất dự án khu vực thiết lập mối quan hệ đối tác các biển Đông Á về quản lý rác thải nhựa đại dương với các mục tiêu rất tổng thể, bao trùm nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường phối hợp khu vực trong giảm rác thải nhựa cho khu vực các biển Đông Á; tạo động lực cho việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế tuần hoàn theo nguyên tắc giảm tiêu thụ, gia tăng tái chế và tái sử dụng nhựa; thiết lập cơ sở tri thức về rác thải nhựa ở biển và đặc biệt là nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa. Để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực, bao gồm việc xây dựng, phê duyệt và thực thi chiến lược và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á; hợp tác nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á và các tác động của rác thải nhựa tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển, sức khỏe con người; hợp tác, chuyển giao công nghệ để làm sạch biển; hợp tác trong ngăn ngừa rác thải nhựa ở biển từ nguồn và cuối cùng là thiết lập một Trung tâm quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các nghiên cứu trong xây dựng cơ chế, chính sách, đánh giá tác động của rác thải nhựa ở biển tới môi trường, các hệ sinh thái biển, các ngành kinh tế biển cũng như xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu và tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tri thức giữa các quốc gia thành viên khu vực các biển Đông Á.
“Tôi chân thành cảm ơn các quý vị ủng hộ những nội dung sáng kiến trên của Việt Nam nhằm góp phần hiện thực hoá mục tiêu vì một đại dương không có rác thải nhựa. Những kết quả của hội nghị ngày hôm nay sẽ là đầu vào quan trọng cho Hội nghị bàn tròn cấp cao về rác thải nhựa đại dương ngày mai cũng như đóng góp chung vào Kế hoạch hành động của Quỹ Môi trường toàn cầu trong thời gian tới, kế hoạch của các tổ chức quốc tế và mỗi quốc gia liên quan đến việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương…” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
3. Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững
Trong khuôn khổ Hội nghị Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) đã đồng chủ trì Hội nghị bên lề với chủ đề “Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững ở Việt Nam”.
Hội nghị đã nhận được sự quan tâm, tham gia rất nhiệt tình của gần 150 đại biểu là các cơ quan đầu mối của
GEF của các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia bảo tồn, đại diện của các Bộ, ngành liên quan, đại diện các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các cơ quan chức năng tại địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đa dạng sinh học của Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi của quốc gia mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Điều này được thể hiện qua chức năng và tầm quan trọng của các hệ sinh thái. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài ... đang mang lại các dịch vụ về văn hóa, điều tiết, cung cấp và hỗ trợ. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững.
“Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Đồng thời, du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường” – Bộ trưởng nhấn mạnh
Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cụ thể: Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR ), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES), … Hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận, bao gồm: 08 Khu Ramsar, 09 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 02 Khu Di sản thiên nhiên thế giới, 01 Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 05 Khu Vườn di sản Asean. Hiện nay tại Việt Nam, có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.
“Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái trong thời gian qua, đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy thoái. Rừng, các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá, ... tiếp tục bị đe dọa. Các hành vi khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp vẫn đang diễn ra hàng ngày. Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường (thay đổi mục đích sử dụng đất, gây suy giảm diện tích rừng, chia cắt sinh cảnh, phá hủy các rạn san hô, …), gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học. Do vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang tiếp tục phải đối đầu với nhiều thách thức. Để có thể thành công trong công cuộc bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chính phủ, cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học của mình cũng như khẳng định du lịch bền vững có thể góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng độc đáo của Việt Nam. Bên cạnh các báo cáo tham luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp quý báu về hiện trạng, cơ hội cũng như thách thức đối với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã được trao đổi, thảo luận. Đặc biệt, Hội nghị đã lắng nghe những kinh nghiệm của quốc tế về phát triển du lịch bền vững từ góc nhìn của các doanh nghiệp, kinh nghiệm của các quốc gia, chuyên gia về bảo tồn và du lịch. Đây là những thông tin rất quan trọng, cần thiết cho Việt Nam để phát triển du lịch gắn bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã kết luận Hội nghị, truyền đi thông điệp rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, ủng hộ của cộng đồng thế giới, các tổ chức quốc tế (Ngân hàng thế giới, GEF, …), các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để thực hiện giải pháp hài hoà giữa bảo tồn và phát triển bền vững bao gồm phát triển du lịch bền vững trong các hoạt động cụ thể. Đó là tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật, xây dựng năng lực để bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên chú trọng đến các ưu tiên bảo tồn, vai trò của cộng đồng bản địa, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đồng thời tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện các mô hình phát triển du lịch sinh thái, các mô hình hợp tác công - tư để thực hiện hài hòa mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học để thực hiện thành công các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học.
Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu và các tổ chức trong nước, quốc tế cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và tin tưởng rằng, trong chu kỳ
GEF lần thứ 7, Việt Nam tiếp tục nhận được hợp tác của các cơ quan thực hiện
GEF và các tổ chức, cơ quan đối tác để thực hiện các sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững.
4. Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng với Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), bà Naoko Ishii đã chủ trì Hội nghị bên lề “Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam-GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững”. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Axel Van Trotsenburg và Phó Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, bà Akiko Fujii đã đến tham dự Hội nghị.
Việt Nam đã tham gia
GEF 25 năm. Ttrong 25 năm đó, với sự hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Việt Nam đã và đang thể hiện những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thực hiện cam kết quốc tế giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu cấp bách.
Với 107 dự án trong lĩnh vực môi trường với sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực và nhiều địa phương, hỗ trợ của
GEF đã góp phần thực hiện những nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm của Việt Nam như bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, hoá chất và chất thải.
Các dự án do
GEF hỗ trợ đã góp phần cho quá trình xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách của Việt Nam về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án này cũng đã góp phần phát triển sinh kế bền vững cho nhiều cộng đồng dân cư địa phương với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững dựa vào quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò đầu mối quốc gia đã và đang nỗ lực hết mình nhằm xây dựng, hoạch định định hướng chiến lược của
GEF tại Việt Nam trong thời gian tới với mục tiêu tối ưu hóa nguồn lực tài chính của GEF, tăng cường năng lực thực hiện Dự án của quốc gia và thu hút sự đầu tư mạnh mẽ và có hiệu quả của các đối tác quốc tế cũng như khu vực tư nhân.
Với tinh thần cầu thị, học hỏi, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị bên lề với mong muốn cùng với GEF, các đối tác quốc tế, các quốc gia thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án do
GEF hỗ trợ, qua đó, đề xuất được những cơ chế phối hợp với
GEF trong huy động, phân bổ nguồn lực, các cơ chế hợp tác linh hoạt nhằm thực hiện những dự án mang tính cấp bách trên phạm vi toàn cầu, cũng như đề xuất các dự án mang tính liên vùng, liên lĩnh vực.