Voi là loài vật tương đối quen thuộc với con người ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, thế nhưng kỳ lạ là không mấy ai biết chính xác là chúng có màu gì..
Những tài liệu khoa học phổ thông cho biết voi thường có màu xám hay nâu xám, cũng có cả voi trắng do bạch tạng nhưng chưa ai nói rằng voi có màu đỏ bao giờ..
Thế nhưng, nếu ghé thăm công viên quốc gia Tsavo East ở Kenya, bạn sẽ được tận mắt cả đàn voi màu đỏ..
Tất nhiên là chẳng phải màu da của chúng sinh ra đã đỏ au một cách kỳ lạ như thế..
Có thể dễ dàng nhận ra màu đỏ của đàn voi xuất phát từ thứ đất đỏ rất đặc trưng trong khu vực vườn quốc gia này..
Ngay từ khi mới sinh ra, những con voi ở đây đã thường xuyên trầm mình trong những vũng bùn màu đỏ, chúng thậm chí còn “trát” thêm bụi đỏ lên người..
Bùn đất theo thời gian đã đóng thành một lớp dày trên bề mặt da của những con voi, tạo nên màu sắc đặc biệt của chúng..
Đó cũng đồng thời là một lớp “áo” rất hữu ích giúp đàn voi tránh khỏi sự tấn công của các loài côn trùng nguy hiểm vốn chẳng ít ở nơi đây..
Ngoài ra bộ cánh này cũng giúp con voi như lẫn vào màu đất đỏ, tránh khỏi sự dòm ngó của những kẻ săn mồi hung dữ như là sư tử châu Phi.
Sư tử ở Tsavo nổi tiếng là hung dữ, chúng tấn công con người và cũng sẵn sàng gây sự với những chú voi nhỏ yếu lạc bầy.
Thế nhưng đối với đàn voi thì sư tử chẳng phải là kẻ thù đáng ngại. Một con voi trưởng thành có thể dễ dàng thoát khỏi bầy sư tử hay thậm chí còn giết chết một vài con..
Kẻ thù lớn nhất đối với sự tồn tại của đàn voi tuyệt đẹp này chính là những tay thợ săn tham lam và ma mãnh..
Mặc dù được chính quyền và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế đặc biệt bảo vệ, số lượng của đàn voi tại Tsavo vẫn đang suy giảm không ngừng..
Thợ săn thường chọn giết những con voi trưởng thành vì cặp ngà đáng giá cả ngàn đô của chúng. Những con voi con không được bảo vệ vì thế cũng rất khó sống sót ở đây..
Giá trị của một cặp ngà voi trên thị trường chợ đen có thể còn lớn hơn thu nhập trung bình của một người lao động Kenya trong 10 năm ròng rã..
Điều đó lý giải tại sao rất nhiều đàn ông địa phương sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng trong các cuộc đi săn bất hợp pháp..
Năm 1970, người ta ước tính có khoảng 35.000 con “voi đỏ” ở Tsavo, thế nhưng đến năm 2005 số lượng đã giảm xuống chỉ còn chừng 10.000 cá thể..
Ngoài nạn săn trộm, voi còn bị giết hại khi chúng vô tình đi lạc vào khu vực canh tác của người dân địa phương..
Hiện tại vườn quốc gia Tsavo với sự giúp đỡ tích cực của cộng đồng quốc tế đang tiến hành nhiều nỗ lực để bảo vệ và duy trì đàn voi nơi đây..
Hy vọng tương lai của những con vật đáng yêu này sẽ từng bước trở nên tươi sáng, để chúng mãi là những con “voi đỏ” kỳ lạ nhất trên thế giới này