»

Chủ nhật, 19/01/2025, 14:28:20 PM (GMT+7)

Lời kêu cứu của những người cứu hộ gấu Tin ảnh

(12:35:20 PM 11/11/2012)
(Tin Môi Trường) - Trong sử sách, rừng núi ở Tam Đảo từng được ghi nhận là nơi sinh sống của nhiều loài thú dữ, trong đó có gấu. Gấu từng là nỗi ám ảnh của quan binh Pháp trong quá trình thôn tính đất này. Nhưng sau đó, gấu được xác định đã tuyệt chủng ở Tam Đảo. Và giữa thế kỷ 21 này, gấu đã trở lại đây, sống hoang dã và tự do trong giới hạn cho phép giữa lũng Chắt Dậu. Vậy mà khi đang xây dựng dở với 104 con gấu được đón về, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam lại đang đối mặt với một quyết định di dời.

Bài 1: Sự thật việc "gấu gây ô nhiễm"

Công nhân đưa gấu đi khám sức khỏe. 

 

“Không mở rộng”, “tạm dừng”, hay “di dời”?

 

Trong khi vụ gấu gây ô nhiễm nước chưa có kết luận cuối cùng, trong tháng 6, Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Đình Tiến đã đơn phương gửi thẳng công văn đã đến Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự Vĩnh Phúc và Bộ Quốc phòng, không thông qua Ban quản lý dự án, cũng không thông qua Bộ NNPTNT - cơ quan chủ quản của mình và ngang cấp với Bộ Quốc phòng - nhằm đề nghị hai cơ quan này có ý kiến đề nghị Bộ NNPTNT, Tổng cục Lâm nghiệp không mở rộng Trung tâm cứu hộ gấu ở thung lũng Chắt Dậu, đoạn Km13 quốc lộ 2B nữa và có kế hoạch di dời Trung tâm cứu hộ gấu này tới một địa điểm phù hợp khác vì lý do an ninh quốc phòng.

 

Lần lượt vào ngày 4 và 9-7-2012, hai cơ quan này đều có công văn gửi đến Bộ NNPTNT. Nhưng trong khi Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ NNPTNT “không mở rộng Trung tâm cứu hộ gấu tại thung lũng Chắt Dậu” và “tìm vị trí khác quy hoạch mở rộng Trung tâm” (theo công văn số 1997/BQP-TM) thì BCH Quân sự Vĩnh Phúc lại đề nghị “không nên mở rộng, xây dựng” và “có kế hoạch di dời Trung tâm cứu hộ gấu này tới một địa điểm phù hợp khác”.

 

Ngày 30-8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng gửi công văn số 3811 đến Bộ NNPTNT và Trung tâm cứu hộ gấu đề nghị “tạm dừng việc triển khai xây dựng các công trình trên diện tích 4.939ha đất còn lại của dự án. Việc triển khai giai đoạn 2 của dự án được thực hiện khi có sự thống nhất giữa Bộ Quốc phòng, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Vĩnh Phúc”.

 

gau[-]tam[-]dao

Công văn số 1997/BQP-TM của Bộ Quốc phòng không đề cập đến việc di dời.

 

Nếu “không được mở rộng” như trong đề nghị của Bộ Quốc phòng, có thể hiểu, dự án Trung tâm cứu hộ gấu sẽ dừng lại ở 6ha đã được xây dựng trong số 11ha được phê duyệt, và đủ chỗ cưu mang cho khoảng 100 con gấu, thay vì 200 con như mục tiêu ban đầu của dự án đề ra. Và như vậy, 104 con gấu đang sinh sống tại đây sẽ vẫn được vui chơi trong không gian tự do mà con người dành cho chúng mà không phải di dời đi bất cứ đâu, chỉ không còn cơ hội cho những con gấu khác mà thôi.

 

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 25-9 tại Bộ NNPTNT, do Thứ trưởng Hà Công Tuấn chủ trì, thì vấn đề dừng dự án và xem xét khả năng bố trí khu vực khác để xây dựng dự án lại được đại diện các bên đưa ra, chứ không chỉ dừng ở việc không mở rộng dự án như đề nghị của Bộ Quốc phòng trước đây.

 

Tại thông báo số 4850/TB-BNN-VP ngày 3-10-2012 về kết luận của Thứ trưởng Hà Công Tuấn tại cuộc họp về dự án Trung tâm cứu hộ gấu, Bộ NNPTNT đã chính thức đồng ý với đề nghị của Bộ Quốc phòng. Thứ trưởng Hà Công Tuấn giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm thông báo với tổ chức AAF bàn bạc giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến việc dừng dự án và xem xét khả năng bố trí khu vực khác để xây dựng Trung tấm cứu hộ gấu. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất văn bản lấy ý kiến bộ ngành, địa phương liên quan để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

 

“Không mở rộng”, “tạm dừng” và “di dời” dự án là những cụm từ không hề đồng nghĩa với nhau trong cách giải quyết về vụ gấu Tam Đảo mà các cơ quan liên quan đề xuất. Và giờ đây, quyết định cuối cùng được chuyển lên cho Thủ tướng Chính phủ, đây cũng là cấp đã đồng ý cho Bộ NNPTNT tiếp nhận dự án vào năm 2008.

 

Những tổn thất nặng nề

 

Ngay sau khi nhận được thông báo này, Trung tâm cứu hộ gấu đã ra thông cáo thể hiện phản ứng của mình. Theo AAF, “việc đóng cửa Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam sẽ là lệnh trục xuất đối với 104 cá thể gấu đã được cứu thoát khỏi ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật, đẩy 77 nhân viên địa phương của Trung tâm vào cảnh thất nghiệp, cũng như gây cho Tổ chức Động vật châu Á những tổn thất nặng nề hơn nhiều so với con số tài chính 2 triệu USD. Không chỉ có vậy, việc thực hiện cam kết chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật của Chính phủ Việt Nam sẽ vẫn chỉ là một câu hỏi lớn”.

 

 

44472.jpg

Đơn thư của công nhân kiến nghị về việc không nên dừng dự án.

Không phải đến bây giờ, việc phải đóng cửa Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam - ngôi nhà của 104 con gấu mới được nói đến. Vụ việc kéo dài đã một năm nay, khởi đầu bằng quyết định vô lý tạm dừng xây dựng nửa ngôi nhà gấu đôi thứ hai của Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Đình Tiến vào năm 2011. 77 nhân viên của Trung tâm đã nhiều lần “thót tim” không biết công việc của mình sẽ thế nào, và càng không biết số phận của những con gấu sẽ ra sao. Họ đã bảo nhau viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng kêu cứu cho gấu, cũng là tự cứu lấy mình. Nhiều lá đơn đọc xong khiến người ta phải cảm động ứa nước mắt vì sự gắn bó giữa người và gấu nơi đây.

 

Vài chục lá đơn mà chúng tôi có trong tay đều kể về quá trình gắn bó với gấu của những nhân viên nơi đây và ấn tượng mạnh mẽ của họ khi được làm việc trong một môi trường năng động mà một tổ chức nhân đạo đã dành mối quan tâm sâu sắc tới không chỉ quyền lợi của các loài động vật mà còn cả môi trường cũng như các điều kiện sống, làm việc của công nhân với cộng đồng xung quanh...

 

Họ cho rằng, một nơi như Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam xứng đáng là một hình mẫu cho không chỉ các trung tâm cứu hộ động vật trong nước mà còn là một hình mẫu cho các doanh nghiệp về môi trường làm việc và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

 

Trong lá đơn của mình, nhân viên Đào Thị H. băn khoăn: “Không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể tự xây dựng một trung tâm với hệ thống thiết bị như vậy. Liệu phải mất bao lâu để tìm một vị trí mới và xây dựng lại từ đầu? Liệu lúc đó hơn 100 con gấu sẽ ở đâu? Sau bao lâu được tự do, được sống thực sự như một con vật hoang dã thì nay chúng đang trong nguy cơ bị nhốt lại lần nữa để con người xây cho chúng ngôi nhà khác? Hay Chính phủ Việt Nam sẽ có công văn thả hơn 100 con gấu về rừng và 100 con gấu này, trong một ngày không xa bị bắt lại để chích hút mật? Liệu còn nhà đầu tư nào tiếp tục bỏ tiền và một dự án mà tính bền vững không có? Liệu có tin được rằng Trung tâm cứu hộ sẽ được phát triển bền vững tại một nơi mới hay lại phải chiến đấu với những kẻ tham lam được bệ đỡ?...”

 

Công nhân Nguyễn Văn Ng. đặt câu hỏi: “Giả sử Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam phải đóng cửa hoặc di dời đi nơi khác, hay một tổ chức nào đó vào hoạt động, họ có mang lại công việc ổn định cho chúng tôi không? Và loài gấu có được bảo tồn nữa không?”

 

Nhiều lá đơn kể chi tiết quá trình Trung tâm từ chỗ đang hoạt động rất tốt lại bị tạm đình chỉ, bị thanh tra về môi trường, rồi nằm trong khu vực phòng thủ về an ninh quốc phòng, để rồi cuối cùng bị đề nghị đóng cửa.

 

Và rất trùng hợp khi tất cả các lá đơn đều có chung một nhận định: Trung tâm cứu hộ gấu bị di dời là do Giám đốc VQG Tam Đảo Đỗ Đình Tiến ngăn cản vì những tư lợi cá nhân. Nhiều lá đơn còn tố cáo hành vi nhận tiền hối lộ của ông Tiến đối với hàng chục nhân viên khi họ nộp đơn xin dự tuyển vào Trung tâm cứu hộ gấu. Số tiền ông Tiến nhận của những công nhân này là từ 8 đến 50 triệu đồng mỗi người. Và chỉ khi có tiền, đơn dự tuyển vào Trung tâm của họ mới được ông Tiến chuyển cho Trung tâm cứu hộ gấu.

 

Lá đơn của chị Phạm Thị Thu H. cho biết, khi vào làm việc ở Trung tâm vào tháng 7 năm ngoái, chị mới biết vị trí cán bộ giáo dục của chị đã từng được rao với giá 70 triệu đồng, nhưng phía Vườn không tìm được hồ sơ nào đáp ứng được yêu cầu, nên Trung tâm mới được đăng tuyển công khai trên toàn quốc. Và chị được chọn vào làm việc nhờ điều đó.

 

Đây không chỉ là "thiên đường" của loài gấu mà còn là nơi làm việc lý tưởng của nhiều người.

 

Các lá đơn đều khẩn thiết kêu gọi các cơ quan chức năng xem xét thay đổi quyết định di dời Trung tâm cứu hộ gấu. “Hy vọng các cá thể gấu vốn đã bị đối xử tàn tệ bởi chính sự độc ác của con người sẽ không lại bị sự tham lam ích kỷ của một số người làm ảnh hưởng một lần nữa”, một lá đơn viết. “Kính mong Bộ xem xét kỹ lưỡng và có quyết định đúng đắn. Chúng ta hãy góp một phần bảo vệ các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới”, một lá đơn khác viết. Có người đề nghị “các lãnh đạo có thẩm quyền xem xét kỹ hơn bản chất của sự việc cũng như tư cách của một Giám đốc VQG. Liệu ông Tiến đang hành động vì lợi ích của đất nước hay vì lợi ích cá nhân?”

 

Khi gặp chúng tôi, Nguyễn Văn P., một trong những công nhân đầu tiên được tuyển vào làm việc tại đây, buồn bã nói, gia đình anh chỉ quen làm nông, nhưng giờ ruộng đất không còn. 5 năm làm việc, với vị trí tổ trưởng công nhân, P. được nhận mức lương hơn 6 triệu đồng. Không bằng cấp gì, nhưng P. cho biết mình thật may mắn kiếm được một công việc với mức lương đáng mơ ước cho những người dân nghèo nơi đây. Nếu trung tâm đóng cửa, P. vẫn không biết mình sẽ tiếp tục sống bằng nghề gì. “Giờ còn ngày nào hay ngày ấy, gấu còn ở đây thì bọn em vẫn ở lại để giúp đỡ Trung tâm”, anh nói.

 

Đến tận bây giờ, không chỉ P., 77 nhân viên của Trung tâm vẫn quyết bám trụ cùng những con gấu, chưa ai rời bỏ vị trí của mình, dù trong lòng họ rất buồn...

HOÀNG THẢO LÊ (Báo Nhân Dân điện tử)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Lời kêu cứu của những người cứu hộ gấu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI