(Tin Môi Trường) - Theo thông tin mới nhận được, vào ngày 11/1/2018 tới đây, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, sau lần tạm hoãn tháng 12 vừa qua, sẽ mở lại phiên tòa xét xử đối tượng Hoàng Tuấn Hải trong vụ buôn bán hơn 10 tấn rùa biển bị phát hiện cuối năm 2014 tại Khánh Hòa. Với số lượng ước tính gần 7.000 cá thể, đây là số lượng rùa biển bị thu giữ lớn nhất lịch sử, thu hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam và thế giới cuối năm 2014.
Phát hiện vụ vi phạm về rùa biển lớn nhất trong lịch sử
Cuối năm 2014, hơn
10 tấn rùa biển ước tính tương đương 7.000 cá thể được phát hiện tại sáu nhà kho ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây được coi là vụ bắt giữ rùa biển lớn nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, vụ việc thu hút sự quan tâm rộng khắp của không chỉ dư luận trong nước mà cả cộng đồng quốc tế. Hai đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán rùa biển này là hai anh em Hoàng Mạnh Cường và Hoàng Tuấn Hải. Được biết hai đối tượng này từ lâu đã được đặt trong “tầm ngắm” của lực lượng công an nhưng sau nhiều năm, các cơ quan chức năng mới triệt phá được đường dây buôn bán và chế tác rùa biển do chúng cầm đầu.
Vụ bắt giữ hơn mười tấn tang vật này là thành quả sau hơn hai năm ENV theo dõi chặt chẽ đường dây săn bắt và buôn bán rùa biển, từ những đối tượng chuyên đánh bắt rùa biển tại các địa phương đến các thương lái trung gian và mọi đầu mối đều dẫn đến đối tượng được cho là “ông trùm” đường dây - Hoàng Mạnh Cường. Cơ sở chế biến rùa biển của Hoàng Mạnh Cường được đặt ngay tại thành phố Nha Trang. Sau khi chuyển về đây, rùa biển được lọc thịt lấy mai, ngâm tẩm hóa chất và chế tác thành đồ mỹ nghệ bán sang tiêu thụ tại Trung Quốc.
Chỉ nhìn vào 7.000 cá thể rùa biển được khám phá trong vụ bắt giữ vừa qua cũng có thể thấy chắc chắn hàng chục ngàn cá thể rùa biển đã bị săn bắt, bán cho cơ sở chế biến của anh em nhà Cường trong những năm qua. Do đó, thành công của vụ bắt giữ tại Khánh Hòa là một bước tiến lớn trong nỗ lực triệt phá đường dây mua bán rùa biển trái phép lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, sau 09 tháng kể từ ngày vụ việc đầu tiên được phát hiện, Hoàng Mạnh Cường và anh trai vẫn chưa bị truy tố hay tạm giam.
Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc - Quản lý chương trình Chính sách và Pháp luật của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đặt câu hỏi: “Liệu các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa có thực sự quyết tâm điều tra và xử lý nghiêm minh những đối tượng cầm đầu đường dây tàn sát rùa biển lớn nhất trong lịch sử này? Đây là một vụ việc thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế, do đó, nó là một cơ hội lớn để Việt Nam chứng minh cho cả thế giới quyết tâm cao của quốc gia trong nỗ lực bảo vệ rùa biển và xử lý các đường dây tội phạm nghiêm trọng về ĐVHD nguy cấp quý hiếm.”
Bà Hà cho rằng: “Sự chậm trễ trong tiến trình giải quyết vụ việc hiện đang dấy lên nhiều quan ngại về tính minh bạch trong quá trình điều tra và xử lý các đối tượng cầm đầu – những kẻ được cho là có tầm ảnh hưởng lớn tại địa phương trong nhiều năm qua”. Cũng theo bà Hà, “Nếu đối tượng bị phát hiện trong vụ việc này là một người dân bình thường chứ không phải một “ông trùm” với nhiều mối quan hệt thì có lẽ vụ việc đã sớm được xử lý một cách nghiêm minh”.
Rùa biển không được bảo vệ nghiêm ngặt như các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác
Ngày 14/5/2015, sau khi vụ vận chuyển trái phép 31 sừng tê giác tại Nghệ An được phát hiện, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã ngay lập tức có thư khen ngợi và “thưởng nóng” các lực lượng chức năng liên quan. Trong vụ việc này, đối tượng ngay sau đó cũng bị bắt giữ và khởi tố.
Các vụ việc vận chuyển và buôn bán hổ trái phép cũng thường ngay lập tức bị bắt giữ và khởi tố. Một ví dụ điển hình là vụ việc một cá thể hổ đông lạnh nặng 120kg bị tịch thu trên địa bàn tỉnh Nghệ An tháng 12/2014. Trong vụ việc này, các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án chỉ 7 ngày sau khi phát hiện.
Tương tự như hổ hay tê giác, các loài rùa biển hiện đang là những loài được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bà Hà tiếp tục đặt câu hỏi: “Tại sao vụ việc liên quan hơn 7.000 cá thể rùa biển bị sát hại lại không được các cơ quan chức năng địa phương quan tâm xử lý như vụ bắt giữ 31 sừng tê giác hay một cá thể hổ đông lạnh?”.
Sự “chậm trễ”
Theo sát vụ việc ngay từ những ngày đầu, ENV được biết các cơ quan, ban, ngành Trung ương đã hết sức quan tâm đến quá trình xử lý vụ việc. Văn Phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp, Tòa án nhân dân tối cao và một số cơ quan khác đều đã gửi văn bản đến cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu nhanh chóng xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an cũng đã có các văn bản trực tiếp chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xử lý vụ việc này.
Theo quy định tại Điều 103 và 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự (2003), cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành xác minh thông tin và ra quyết định khởi tố vụ án trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo. Trong những vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá hai tháng.
Theo Luật sư, Thạc sĩ Trần Thị Ngân – Giám đốc Công ty luật Legal Associates Hà Nội: “Vi phạm được phát hiện tại Khánh Hòa không phải là một vụ việc phức tạp. Các chứng cứ thu thập được đều phù hợp với lời khai của Hải (anh trai của Cường) và khẳng định hành vi buôn bán rùa biển của các đối tượng. Kết quả giám định cũng cho thấy số rùa biển thu giữ thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160”. Chính vì thế, Luật sư Ngân nhận định: “Đối tượng Hoàng Tuấn Hải lẽ ra phải bị khởi tố ngay khi cơ quan chức năng địa phương nhận được kết quả giám định tang vật”.
Quan điểm của ENV về việc xử lý các đường dây buôn bán ĐVHD lớn
Việc đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi các quy định của pháp luật là yếu tố quyết định để triệt phá các đường dây tội phạm về rùa biển nói riêng và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nói chung. Việc bắt giữ và truy tố chỉ đối tượng vận chuyển hay trung gian sẽ không có ý nghĩa răn đe nếu kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật. Chính vì vậy, đối với vụ việc tại Khánh Hòa, việc truy tố và xét xử không nên chỉ dừng lại ở đối tượng Hoàng Tuấn Hải – người đứng ra tự nhận trách nhiệm đối với số rùa biển được phát hiện. Các cơ quan chức năng địa phương cần tiếp tục điều tra, làm rõ vai trò và xử lý nghiêm khắc đối tượng Hoàng Mạnh Cường – người được cho là kẻ cầm đầu thực sự của đường dây này.
Trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia về ĐVHD.
Quyết định đang nằm trong tay các nhà chức trách tỉnh Khánh Hòa. Họ có quyền lựa chọn trở thành một địa phương tiên phong trong nỗ lực triệt phá các đường dây tội phạm về ĐVHD hoặc tiếp tục để những tên tội phạm đầu sỏ vẫn ngang nhiên đứng ngoài vòng pháp luật!