»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:13:06 AM (GMT+7)

Kênh Nhiêu Lộc thành "ngư trường” tận diệt cá

(19:34:32 PM 21/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Hằng ngày, khi mực nước trên kênh Nhiêu Lộc xuống thấp, nơi đây lại biến thành ngư trường để những tay trộm cá lộng hành.

Vỏ lãi, ghe, xuồng chở theo bình kích điện ngang dọc trên kênh bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá đã được ban hành từ lâu. Sau vài giờ quần thảo, những chiếc ghe đầy ắp cá lại nổ máy “rút êm” về hướng sông Sài Gòn.

 

Kênh[-]Nhiêu[-]Lộc[-]thành[-]"ngư[-]trường”[-]tận[-]diệt[-]cá

Cảnh kích điện bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc diễn ra giữa ban ngày
 
Đột nhập “ngư trường” Nhiêu Lộc
 
14g ngày 16/12, bốn chiếc vỏ lãi từ hướng sông Sài Gòn ngược dòng vào kênh Nhiêu Lộc. Như đã giao ước từ trước, khi vào đến cầu Lê Văn Sỹ (Q.3), hai chiếc vỏ lãi tắt máy, tấp sang hai bên bờ thả trôi theo dòng nước. Hai chiếc còn lại chạy thêm khoảng hơn 2km nữa cũng tắt máy, tấp sát bờ kênh để chủ phương tiện chuẩn bị “hành nghề”.
 
Trên một chiếc vỏ lãi, người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi tấp vào hướng chân cầu, tháo lớp bạt phủ trên vỏ lãi xuống. Chúng tôi thấy, trong vỏ lãi là một bình ắc-quy công suất lớn cùng nhiều dụng cụ kích điện được ngụy trang kỹ lưỡng.
 
Chưa đầy 3 phút, người này đã nối xong thiết bị kích điện để bắt cá. Lúc này, nước trên kênh Nhiêu Lộc rút xuống khá cạn nên chiếc vợt điện càn quét tới đâu, cá nổi trắng tới đó. Bất kể cá lớn hay nhỏ đều được vớt lên vỏ lãi.
 
Người đàn ông trên có lẽ đã quen đánh bắt trên dòng kênh này, nên khi chúng tôi đứng trên bờ bắt chuyện, anh ta không ngần ngại chia sẻ: “Cá lớn thì mang về bán, cá nhỏ làm thức ăn cho heo, gà cũng được mà. Nhưng người ta bắt suốt nên cũng ít cá to rồi”. Tuy than ít cá, nhưng chỉ sau hơn một giờ quần thảo, chiếc vỏ lãi của anh ta đã đầy cá rô phi, chép, diêu hồng... Trong đó, có rất nhiều cá lớn hơn bàn tay.
 
Khi thấy đã “đủ sở hụi” anh ta cất vợt điện, lấy bạt che cá lại rồi nổ máy, đưa vỏ lãi tiến nhanh ra hướng sông Sài Gòn. Sau cuộc tàn sát cá bằng điện, chúng tôi thấy ở đoạn kênh mà anh ta vừa chạy qua, cá nổi dày đặc. Có nhiều đàn cá nhỏ bị trúng điện, bơi lờ đờ vào bờ rồi nằm phơi bụng trắng xóa.
 

Kênh[-]Nhiêu[-]Lộc[-]thành[-]"ngư[-]trường”[-]tận[-]diệt[-]cá

Chiếc vỏ lãi chở đầy ắp cá chỉ sau một giờ chích điện
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoạn kênh mà “ngư dân” thích hoạt động nhất là đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Nguyễn Văn Trỗi. “Đoạn này nhiều chùa, người ta hay ra phóng sinh nên cá nhiều vô kể. Nhưng nhiều cỡ nào rồi cũng không chịu nổi mấy tay xài kích điện” - một “ngư dân” chia sẻ.
 
Một giờ sau, ở đoạn kênh gần cầu Hoàng Hoa Thám (Q.1), chúng tôi lại thấy hai “ngư dân” khác trên cùng một chiếc vỏ lãi ngang nhiên tận diệt cá. Chiếc vỏ lãi được thả trôi sát bờ kênh, người đàn ông ngồi trước kích điện, người phụ nữ ngồi sau vớt cá. Thấy có người đứng nhìn, người phụ nữ vội ra hiệu cho người đàn ông thả kích điện xuống, cầm chiếc vợt lớn giả làm công nhân vớt rác.
 
Thế nhưng, chỉ vài phút sau, ông ta lại dùng kích điện bắt cá. Dưới chiếc vỏ lãi, cá được chia thành 3 ngăn: ngăn cuối là cá nhỏ, ở giữa là cá vừa và ở đầu là cá lớn. “Cá chép phải giữ sống mới bán được nhiều tiền” - người đàn ông cầm vợt kích điện cho hay. Đến khoảng 17g, khi cả ba khoang vỏ lãi đã đầy ắp cá, họ cất vợt điện và nổ máy chạy về hướng sông Sài Gòn.
 
Treo biển cấm “cho có”
 
Các đối tượng bắt cá trộm trên kênh Nhiêu Lộc có đủ chiêu trò để hoạt động cả ngày lẫn đêm mà không bị ai phát hiện. Chập choạng tối 15/12, một thanh niên chèo ghe mang theo bình điện để bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc, đoạn gần cầu Lê Văn Sỹ. Hơn một giờ sau, người này cho chiếc ghe chạy đến dưới chân cầu Nguyễn Văn Trỗi rồi bỗng dưng… biến mất. Sau nhiều lần tìm hiểu, chúng tôi được giới “săn” cá trên kênh tiết lộ, với những chiếc ghe cỡ nhỏ, sau khi chích cá xong, chủ ghe sẽ tìm chỗ nước sâu để đánh chìm ghe ngay trên kênh, hôm khác sẽ lôi ghe lên, tiếp tục bắt cá.
 
Kênh[-]Nhiêu[-]Lộc[-]thành[-]"ngư[-]trường”[-]tận[-]diệt[-]cá
 
Khuya 9/12, chúng tôi phát hiện hai chiếc vỏ lãi “đột nhập” vào kênh Nhiêu Lộc lúc nửa đêm, chích cá bằng điện. Các đối tượng chạy vỏ lãi sát mé kênh để người đi bộ bên trên không phát hiện. Trong khi đó, người điều khiển vỏ lãi lại mặc áo phản quang rất giống lực lượng chức năng đi vớt rác. Anh Nguyễn Hùng - ngụ tại Q.3, TP.HCM - bức xúc: “Ban ngày, họ ngang nhiên kích điện bắt cá, cũng không bị ai xử lý chứ đừng nói ban đêm. Đêm xuống, họ mặc đồ giống như người đi vớt rác nên ít ai để ý. Vậy là mỗi đêm, kênh Nhiêu Lộc lại mất hàng trăm ký cá”.
 
Nhiều năm nay, để hạn chế tình trạng đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc, chính quyền địa phương đã treo biển cấm câu, cấm đánh bắt cá trên dòng kênh này. Thế nhưng, vào những ngày cuối tuần, trên bờ, các “ngư phủ” vẫn ngang nhiên nhấp cần câu, còn dưới nước lại xuất hiện tình trạng tận diệt cá bằng điện.
 
Tình trạng tận diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cách đây 6 tháng, UBND Q.1 đã có văn bản đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP.HCM, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý tình trạng đánh bắt cá trái phép trên kênh Nhiêu Lộc. Ngay sau đó, tình trạng này tạm lắng xuống rồi lại tái diễn.
 
Việc tận diệt cá bằng công cụ kích điện gây bức xúc lớn cho rất nhiều Phật tử. Vào các ngày lễ lớn của Phật giáo, các Phật tử thường phóng sinh cá xuống kênh với mong muốn cá sinh sôi, nhưng đều bị những tay vợt cá sát hại hàng loạt. Chị Trần Tuyết Vy - một Phật tử ngụ tại Q.3 - bức xúc: “Ở đây thường xuyên xảy ra cảnh trên bờ thả cá, dưới nước chích điện, khiến Phật tử rất bức xúc. Ngày mùng Một vừa rồi, gia đình tôi vừa phóng sinh 100 con cá trê xuống kênh thì một người chạy vỏ lãi tới kích điện làm cá nổi trắng trên kênh. Chứng kiến cảnh tượng này, tôi đau lòng đến chảy nước mắt mà không làm gì được”. 
 
Kênh Nhiêu Lộc (Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dài 8,7km (trước đây dài khoảng 10km), chảy qua các quận của TP.HCM gồm Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Q.3, Q1 rồi đổ ra sông Sài Gòn. Năm 2003, dự án cải thiện vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 được khởi công xây dựng, với tổng vốn đầu tư 18 triệu USD (8.600 tỷ đồng), trong đó vốn ODA của Ngân hàng Thế giới là 5.252 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM là 3.348 tỷ đồng và phải di dời tới 7.000 hộ dân.
 
Từ năm 2012, sau khi đưa trạm bơm xử lý nước thải lưu vực này vào hoạt động, hằng năm, UBND TP.HCM, UBND Q.3 và nhiều cơ quan, đoàn thể thường tổ chức thả cá giống xuống kênh (mỗi đợt hàng trăm ngàn con) nhằm làm tăng độ đa dạng sinh học, góp phần cải thiện chất lượng nước kênh, giảm thiểu ô nhiễm trên kênh.
Theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đánh bắt thủy sản), người có hành vi dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng, bị tịch thu công cụ. Để xảy ra tình trạng tận diệt cá như trên là do quản lý chưa nghiêm. Theo tôi, các đơn vị chức năng cần có cơ chế phối hợp để tuần tra, xử lý tình trạng trên một cách hiệu quả. - Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn luật sư TP.HCM 
Từ Nhân - Hoàng Lâm/PNO
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Kênh Nhiêu Lộc thành "ngư trường” tận diệt cá

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.

Tin Môi Trường
 Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”

(Tin Môi Trường) - Sau buổi thuyết trình tại vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” vừa diễn ra tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban tổ chức đã chọn được một số tác giả có đề tài xuất sắc nhất.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI