Làm du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng và tham quan cảnh đẹp, suy cho cùng đó chính là “bán” trời (ánh nắng, gió, mây), bán đất (núi đồi, rừng cây, đảo) và nước (sông, hồ, biển cả).
|
Ở Hạ Long, nước biển xanh ngắt với hàng ngàn đảo đá xinh đẹp nên đi tham quan vào buổi sáng, hay nằm trên du thuyền ngắm hoàng hôn vào buổi chiều, đều không có bút mực nào tả hết được. Chỉ có thể chiêm nghiệm bằng cảm xúc thực sự. Có thể nói, Hạ Long là nơi có đầy đủ mọi lợi thế để ngành du lịch dựa vào đó mà kinh doanh.
Tôi vẫn thường hỏi bạn bè và du khách nước ngoài “nếu chọn một tài nguyên du lịch nổi bật nhất của Việt Nam, anh chọn gì?”, thì câu trả lời thường là “biển”. Còn khi hỏi họ thích nơi nào nhất từ các vùng biển của Việt Nam, thì phần lớn đều nói hai chữ “Hạ Long”.
Như vậy, từ lâu Hạ Long đã được du khách coi như một điểm đến đẹp “không có gì phải bàn cãi nữa”. Vì vậy việc chúng ta cố gắng vận động bầu chọn cho Hạ Long vào “Kỳ quan thiên nhiên thế giới” cũng chỉ có giá trị để cho “Nơi Rồng đáp xuống” một lần nữa danh chính ngôn thuận lên ngôi Hoa hậu mà thôi. Trước đó, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO tôn vinh di sản thế giới.
Nhưng để được du khách truyền khẩu “Đến Việt Nam mà chưa tới Hạ Long là chưa đến Việt Nam”, hay thậm chí “Đến Đông Nam Á mà chưa đến Hạ Long chưa phải đến Đông Nam Á”, thì chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Trước hết, nói về sản phẩm thì hiện nay Hạ Long chỉ mới khai thác được các dịch vụ: tham quan vịnh, chèo xuồng Kayak, ngủ đêm trên thuyền. Trong đó, sản phẩm được khách ưa chuộng nhất chính là tour “3 trong 1”: ngao du trên vịnh, chèo xuồng Kayak vào thăm các hang động và ăn, ngủ luôn trên tàu trong các cabin sang trọng.
Với một tài nguyên rộng đến 1.500 km2 cùng 3.000 hòn đảo xinh đẹp mà chúng ta chỉ mới khai thác được như vậy thì quả là khiêm tốn. Các loại hình du lịch thể thao, mạo hiểm, khám phá các hòn đảo hoang sơ hay làm cảnh quay cho các phim nổi tiếng còn chưa khai thác được bao nhiêu.
Hạ Long trong các chiến dịch quảng cáo của ngành du lịch Việt Nam ra thế giới, cũng còn nhàn nhạt. Hầu như chỉ người Việt hoặc ai đã đến rồi mới biết Hạ Long quá đẹp, còn đối với người dân các nước, thì Hạ Long vẫn là một vẻ đẹp được chúng ta giấu kỹ.
Các ấn phẩm điện ảnh, băng đĩa, tài liệu do các nhà sản xuất nổi tiếng trên thế giới làm về Hạ Long hãy còn ít. Các ấn phẩm của chúng ta tuy phong phú, nhưng chưa hợp “gu” hay ít được quảng bá đến tận khách hàng tiềm năng.
Như vậy để hình ảnh về Hạ Long có thể tạo ra nhu cầu mua tour của khách khi đến châu Á, thì chúng ta còn nhiều việc phải làm, đó là phải có các chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp, các chương trình PR liên tục thông qua lễ hội, sự kiện, famtrip, các chuyến viếng thăm của những nhân vật nổi tiếng hay các minh tinh màn bạc, các cuộc thi thể thao quốc tế trên vịnh…
Làm sao để du khách quốc tế đặt Hạ Long vào giấc mơ khám phá vùng đất Đông Dương quả thật phải cần một chiến lược bài bản và dài hơi.
Bên cạnh đó, môi trường du lịch cũng là điều đáng bàn. Ngay khi cả nước đang hân hoan bầu chọn cho Hạ Long trở thành Kỳ quan mới của thế giới, thì một nhà tổ chức tour du lịch tàu biển chuyên nghiệp gửi cho tôi những tấm hình trẻ em đeo bám vào mạn tàu của khách để bán hàng. Thậm chí nhiều khách than phiền không chèo được Kayak vào thăm động do bị quá nhiều thuyền nhỏ của người dân địa phương bu xung quanh bán hàng.
Tình trạng khách bị mất cắp khi ngủ trên tàu cũng không hiếm, hay cảnh khách bị bắt chẹt, bị “chém đẹp” vẫn là chuyện diễn ra thường xuyên. Đi thăm vịnh mà thấy rác trôi lềnh bềnh cũng giảm đi sự thích thú.
Tóm lại, chúng ta đang có một tài sản quý giá được trời, đất ban tặng, nhưng để nó trở thành một trong những động cơ thúc đẩy du khách tìm đến Việt Nam để đi du lịch, thì cũng còn nhiều việc phải làm. Sau hân hoan của kết quả bầu chọn, thì cần có một chiến lược quảng bá và khai thác Hạ Long chuyên nghiệp, để sao cho những hòn đảo trên vịnh này không chỉ là "Gà Chọi", mà là gà đẻ trứng vàng cho ngành du lịch Việt Nam.