Doanh nghiệp » Kinh doanh
Bộ Công thương:Đòi ưu đãi cho dự án bôxit
(20:53:46 PM 19/03/2014)
Đóng gói alumin tại tổ hợp bôxit - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) - Ảnh: Mai Vinh
Bộ Công thương vừa tiếp tục có báo cáo về hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ. Qua đó, khẳng định dự án hiệu quả dù Nhà máy alumin Nhân Cơ dự kiến lỗ tới năm... 2020.
Báo cáo này còn đưa ra đề nghị táo bạo: giảm phí môi trường, bỏ thuế VAT, giảm đầu tư cho an toàn hồ bùn đỏ...
Hồ chứa bùn đỏ an toàn quá mức?
Dù dư luận lên tiếng nhiều về nguy cơ mất an toàn ở hồ bùn đỏ, nhưng khá bất ngờ là trong báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương cho rằng hồ bùn đỏ (chứa chất thải sau quá trình tuyển quặng) các nhà thầu “thiết kế với độ an toàn... quá cao, gây lãng phí không cần thiết”, làm tăng thêm chi phí xây dựng 238,5 tỉ đồng, nguyên nhân là do “chưa có kinh nghiệm và do áp lực của dư luận về việc an toàn”. Liên quan đến kết luận “xây dựng hai khoang bùn đỏ đầu tiên an toàn quá mức cần thiết”, Bộ Công thương nêu một cách chung chung là đánh giá của “các chuyên gia chuyên ngành”.
Việc đầu tư cho hồ bùn đỏ, với dự án alumin Tân Rai là trên 347 tỉ đồng, chiếm 2,5% tổng mức đầu tư dự án, với dự án Nhân Cơ chiếm 3,23%. Theo Bộ Công thương, con số này “chiếm tỉ lệ khá lớn” trong tổng mức đầu tư hai dự án bôxit, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hai dự án. Bộ Công thương cho biết hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Nhân Cơ do Bộ Công thương chủ trì đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại theo hướng giảm kích thước đập ngăn, nâng cao khả năng chứa của hồ, rút ngắn hệ thống đường ống để tiết kiệm đầu tư, thời gian thi công mà vẫn đảm bảo an toàn.
Nhu cầu giảm đầu tư là dễ hiểu, bởi theo báo cáo ngày 19-2-2014 của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), cả hai dự án nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Với Tân Rai tăng 3.890 tỉ, Nhân Cơ tăng 4.318 tỉ, đẩy tổng mức đầu tư mỗi nhà máy lên tới 15.000-16.000 tỉ đồng. Riêng dự án Nhà máy alumin Tân Rai, theo TKV, tập đoàn này phải đi vay 70% tổng vốn (trên 10.790 tỉ đồng). Trong năm 2014-2015, TKV sẽ phải có khoảng 600 tỉ đồng để trả lãi/năm. Bộ Công thương đánh giá Nhà máy alumin Tân Rai sẽ lỗ đến năm 2015, với mức lỗ từ 176-258 tỉ đồng/năm. Riêng Nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ lỗ từ năm 2015 đến tận năm 2020. Việc lỗ này, theo ông Nguyễn Văn Biên - phó tổng giám đốc TKV, là bình thường trong giai đoạn đầu nhà máy đi vào sản xuất.
Đòi hàng loạt ưu đãi
Nhiều chuyên gia cho rằng VN sản xuất alumin mới chỉ là nguyên liệu, muốn sản xuất nhôm thành phẩm phải có nhà máy điện phân nhôm. Có lẽ vì thế trong lần này, Bộ Công thương khẳng định có Công ty Dongyang Gangchul (Hàn Quốc) đang muốn xây dựng nhà máy điện phân nhôm tại VN. Và Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân cũng lập dự án đầu tư nhà máy điện phân nhôm tại Đắk Nông, công suất 300.000 tấn/năm, công ty này được chấp nhận cho hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất theo các quy định hiện hành. Bộ Công thương lại còn cho rằng giá điện hiện hành trong nước cấp cho nhà máy điện phân nhôm (khoảng 6,5 cent/kWh) sẽ cao hơn nhiều so với giá điện của các nhà máy điện phân nhôm trong khu vực (chủ yếu dưới 4 cent/kWh). Bộ này nói đang hoàn chỉnh việc thẩm tra hiệu quả kinh tế và sẽ xác định giá điện hợp lý để đảm bảo dự án điện phân nhôm hiệu quả. Bộ Công thương ước tính sẽ chỉ khoảng 5,3-5,4 cent/kWh, tức chỉ khoảng 1.100-1.200 đồng/kWh - thấp hơn mức giá điện sinh hoạt hiện nay là 1.508,85 đồng/kWh.
Bộ Công thương còn tiếp tục đề nghị hàng loạt ưu đãi khác như giảm thuế, giống như TKV từng đề nghị. Cụ thể, bộ này cho rằng bôxit “không phải là khoáng sản độc hại”, sau 3-4 năm khai thác có thể hoàn thổ, đất trồng thậm chí còn được cải thiện... tốt hơn, nên mức phí bảo vệ môi trường 30.000-50.000 đồng/m3 là không hợp lý. Bộ Công thương đề xuất sửa quy định, giảm phí môi trường cho bôxit xuống chỉ còn 4.000-10.000 đồng/tấn, trước mắt chỉ áp dụng mức 4.000 đồng/tấn bôxit (tương đương 7.000 đồng/m3).
Cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng cũng có đề nghị mới. Thay vì đền bù cho dân, Bộ Công thương cho rằng cần “chính sách đền bù hợp lý”, cho phép chủ đầu tư chỉ thuê đất có thời hạn của các hộ dân. Sau khi khai thác quặng sẽ trả lại cho... chính hộ dân đó. Nghĩa là sẽ không bồi thường đất, chỉ bồi thường những tài sản như cây trồng, nhà cửa trên đất, có hỗ trợ đời sống người dân trong thời gian đất của họ đang được khai thác quặng và sau khi khai thác xong...
Đặc biệt, dù alumin là sản phẩm nguyên liệu để sản xuất nhôm nhưng Bộ Công thương cho rằng nó được chế biến sâu từ quặng bôxit, nên cần được cho hưởng thuế giá trị gia tăng bằng 0%. Ngoài ra, “do chúng ta có trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng bôxit rất lớn”, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế tài nguyên cho quặng bôxit...
Trao đổi về những đề xuất mới đây của Bộ Công thương, TS Nguyễn Thành Sơn, trưởng ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng (TKV), cho biết làm công nghiệp nhôm rất tốn điện và các nước thường chỉ làm điện phân nhôm khi đã đầu tư riêng thủy điện (có giá rẻ) cho công nghiệp nhôm. Với tư cách chuyên gia, ông Sơn nói việc cân đối nguồn điện để cho dự án có hiệu quả là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu giảm giá điện riêng cho nhà máy của TKV, có thể dẫn đến chuyện những người sử dụng điện khác sẽ phải gánh thay. Điều này là bao cấp doanh nghiệp, Nhà nước cần đối xử công bằng giữa các dự án. Việc giảm hàng loạt sắc thuế, phí, tiền đền bù cho dân..., ông Sơn cũng thẳng thắn đặt câu hỏi vậy các mục tiêu ban đầu của dự án như đóng góp phát triển kinh tế - xã hội liệu có còn trọn vẹn?
“Để an toàn, không nên lo quá đắt”
Ông Nguyễn Thành Sơn cũng không đồng ý việc giảm đầu tư cho an toàn hồ thải bùn đỏ để tiết kiệm, vì “đầu tư cho an toàn không thể nói là quá mức cần thiết”. Cần làm rõ thế nào là mức cần thiết bởi thiết kế nhằm đảm bảo an toàn trước đây cũng chính do Bộ Công thương duyệt. Ông Sơn nêu nguyên tắc “để an toàn, dù mất bao nhiêu tiền thì vẫn không nên lo là đắt”.
Là người từng đi khảo sát trực tiếp tại dự án bôxit, ông Phạm Quang Tú - viện phó Viện tư vấn phát triển thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN - cho biết đặc thù vùng Tây nguyên địa hình cao, nên nếu hồ bùn đỏ có sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Cho nên trước khi Bộ Công thương điều chỉnh thiết kế theo hướng giảm mức đầu tư vì “an toàn quá mức” thì nên công bố cho xã hội biết các chỉ số kỹ thuật hiện tại đang được cho là quá mức.
Ông Phạm Quang Tú đề nghị cần đặt chỉ số an toàn ở mức cao nhất có thể, nguyên tắc phòng ngừa rủi ro là hạn chế đến mức thấp nhất chứ không phải lo “quá mức”, nhất là khi dự án bôxit vẫn là nỗi lo lắng của nhiều người dân. “Cần tránh đánh đổi hiệu quả kinh tế lấy rủi ro trong tương lai” - ông Tú nhấn mạnh.
Hồ chứa bùn đỏ ở Nhà máy bôxit - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) - Ảnh: Mai Vinh
Doanh nghiệp VN không có cửa
Theo báo cáo của Bộ Công thương, hợp đồng Nhà máy alumin Tân Rai có 216 thiết bị dành cho các nhà thầu VN chế tạo theo chủ trương VN. Nhưng sau quá trình khảo sát, đàm phán tới hơn một năm, kết quả như thường thấy ở các dự án doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, các nhà thầu VN đều... không thể chấp nhận được mức giá và tiến độ, rốt cuộc nhà thầu Trung Quốc Chalieco đã... chuyển sang nhập khẩu.
Dự án chậm là trách nhiệm của... nhiều cơ quan
Một trong những nguyên nhân khiến tăng tổng mức đầu tư hai nhà máy alumin là vì chậm tiến độ. Bộ Công thương công nhận hai dự án bôxit bị chậm tiến độ hai năm và nêu lý do: đường giao thông xuống cấp, mất điện, tác động dư luận xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng, thời tiết... Đồng thời xác định trách nhiệm của cả nhà thầu, chủ đầu tư, Bộ Công thương và chính quyền địa phương.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- 10 phát ngôn ấn tượng của bà Mai Kiều Liên, nữ doanh nhân được vinh danh trong Top Phụ nữ quyền lực nhất châu Á
- Hàng trăm tỷ đồng "bán không khí" còn mắc kẹt chưa thể giải ngân
- Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời: Hoãn công bố báo cáo tài chính vì gặp sự kiện bất khả kháng
- Đại hội Hội Marketing Việt Nam lần thứ 5, nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu yêu cầu với khai thác nước sạch sông Đuống
- Nhà máy xử lý rác của Bảo Lộc sẽ dừng hoạt động
- Vinamilk góp mặt trong danh sách lần đầu công bố của Fortune cho khu vực Đông Nam Á
- Không đủ cơ sở cấp phép môi trường dự án truyền tải điện Quy Nhơn - Tuy Hòa
- Cấp phép môi trường cho nhà máy sản xuất thuốc nổ ở Quảng Ninh
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"
(Tin Môi Trường) - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
(Tin Môi Trường) - 5ha khu vực cánh rừng Net Zero của Vinamilk phối hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã bước sang năm thứ 2 trong dự án kéo dài 6 năm (2023-2029). Nhiều hoạt động nghiên cứu, đồng hành, báo cáo đã được doanh nghiệp thực hiện, trong đó có các chuyến đi trực tiếp tham gia khoanh nuôi rừng của nhân viên diễn ra đều đặn hàng năm.
Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng
(Tin Môi Trường) - UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt Tổng Công ty giấy Việt Nam - Công ty TNHH 1,89 tỷ đồng do nhiều vi phạm trong xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.