»

Thứ bảy, 18/01/2025, 11:06:51 AM (GMT+7)

Bình Định:Đổ xô đi hái lá trầu không và cà gai leo bán cho thương lái Trung Quốc

(11:53:59 AM 15/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Do thương lái Trung Quốc ráo riết thu mua, người dân 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn (Bình Định) đổ xô đi khai thác 2 loại cây này theo kiểu tận diệt.

Băm cà gai leo chuẩn bị xuất bán vào TP HCM

 

Cà gai leo bị truy diệt

Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trên đê bao sông Lại thuộc địa bàn thôn Bình Chương, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn-Bình Định) xuất hiện điểm thu mua, sơ chế cây cà gai leo. Hằng ngày thu hút hàng chục người dân từ các địa phương Hoài Ân, An lão vận chuyển những lô cà gai leo tươi về đây bán.

Điểm thu mua cà gai leo (còn được gọi là cây cà quánh) của chị T. nằm dưới chân cầu Bồng Sơn thường nhộn nhịp vào khoảng cuối giờ chiều. Hàng chục người dân chở đến đây nhiều bó cây cà gai leo to đùng để bán. Theo chị T, cây cà gai leo được thu mua mạnh từ trước Tết Nguyên đán. Điểm thu mua của chị hàng ngày gom hàng, sơ chế (băm), phơi khô; sau đó cho vào bao chuyển vào bán cho một bạn hàng ở TP HCM.

Mặt hàng này đang ăn rất mạnh, có bao nhiêu thương lái Trung Quốc cũng thu mua tất. Riêng tại điểm thu mua này, mỗi ngày chị T. gom được từ 1.500 đến 2.000kg cây cà gai leo tươi. Đầu năm nay, giá mỗi ký cà gai leo tươi là 5.000 đ; đến tháng 3, hàng khan dần nên giá tăng 7.000 đ/kg. Tuy nhiên vẫn thu không đủ nguồn hàng để ung ứng.

Sau khi bán 30kg cà gai leo, anh Nguyễn Ân ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây (Hoài Ân) rất vui mừng với số tiền 210.000đ đang cầm trên tay. Anh Ân bộc bạch: “Tui vừa mới mổ ruột thừa, sức khỏe còn yếu, không lao động nặng được. Hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, mấy tháng nay thấy người ta mua cây cà gai leo, tui ráng đi nhổ về bán. Vậy mà có thu nhập khá, mỗi ngày đi từ sáng sớm đến chiều cũng kiếm được vài trăm ngàn”.

Còn anh Nguyễn Văn Sinh ở thôn Phú Thuận, xã ân Đức (Hoài Ân) thì cho hay, mấy tháng vừa rồi anh đã kiếm được gần chục triệu đồng từ cây cà gai leo. Anh Sinh nói: “Lúc đầu ít người biết, nên mỗi ngày tui đi tìm chặt, nhổ cây cà gai leo rất nhiều. Có ngày tui thu hoạch được 50-60kg, bây giờ đi ráo riết cũng chỉ được khoảng 20kg/ngày”.

Theo lời của chị Võ Thị Thu Chí, ở thôn Văn Cang, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn), một trong những người chuyên băm cây cà gai leo cho chị T, cho biết: “Mấy tháng nay tui làm công ở đây với mức công khoán: Băm 1.000kg cà gai leo thì được trả công 600 ngàn; phơi khô, dồn bao 300 ngàn đ/tấn.

Cũng theo chị Chí, khoảng 4kg cà gai leo tươi phơi ra được 1kg khô, ở điểm thu mua này trung bình 1 tháng chuyển vào TP HCM từ 8 đến 10 tấn cà gai leo khô, tương đương với 40 tấn cây tươi.

Ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, lo lắng: “Việc người dân các địa phương lân cận khai thác cây cà gai leo bán cho thương lái diễn ra trong thời gian qua là hiện tượng bất bình thường. Chúng tôi muốn ngăn chặn tình trạng này, nhưng về mặt pháp lý, đây là lâm sản phụ, chưa có chế tài xử phạt nên không thể xử lý”.

Bỏ rẫy đi hái lá trầu


Trong khi ở huyện Hoài Nhơn cây cà gai leo bị tận diệt thì ở huyện An Lão, lá trầu không cũng đang bị “truy hái” ráo riết. Nguyên nhân do thương lái Trung Quốc tập trung về đây thu mua lá trầu với giá rất cao.

Hoạt động mua bán lá trầu diễn ra rầm rộ nhất tại các xã An Quang, An Hòa và An Hưng (An Lão). Những dây trầu trồng ở mép và giữa rừng trên địa bàn huyện này nhanh chóng bị “vặt” sạch, chỉ còn trơ dây. Bây giờ người dân muốn hái lá trầu phải đi vào tận rừng sâu.

Sáng sớm mỗi ngày họ ăn no bụng rồi mang theo cơm, chiều tối mới về. Khó khổ là vậy nhưng dòng người đi tìm hái trầu vẫn luôn tấp nập, bởi giá trầu mỗi ngày một tăng. Từ giá 5.000đ/kg ban đầu, tăng dần và có lúc đạt đỉnh 45.000đ/kg.

Anh Tư Lợt, ở thôn 3 (xã An Quang) thật thà: “Thời gian đầu, thấy người người đổ xô đi hái lá trầu bán với số lượng lớn tôi thấy làm lạ. Mình đi làm rẫy khổ cực mà không có tiền, trong khi nhiều người chỉ đi hái lá trầu bán mà tiền rủng rỉnh, nên tôi cũng vào rừng tìm trầu. Việc nương rẫy cứ để đó đã, không hái trầu thì người khác sẽ hái hết mất”.

Theo người dân địa phương, chỉ những lá trầu vàng úa là thương lái không mua, còn lại mua tất từ lá non đến lá già, từ loại lớn đến loại nhỏ. Việc thu mua lá trầu của thương lái bắt đầu từ sau Tết Giáp Ngọ 2014. Ban đầu việc thu mua chỉ diễn ra nhỏ lẻ với giá thấp chỉ từ 5.000đ-10.000đ/kg, rồi sau tăng dần đến 45.000 đ/kg, trầu càng hiếm dần giá càng tăng thêm.

Hiện ở An Lão có 4 điểm thu mua lá trầu lớn, tập trung ở xã An Hòa. Những điểm này, ngoài việc thu gom từ những đầu mối nhỏ ở các xã lân cận như An Quang, An Hưng; họ còn thu mua của người dân trực tiếp đem đến bán lẻ.

Một người dân ở xã An Hòa cho biết, cứ vào khoảng 16 giờ chiều hàng ngày, một nhóm người cả người Việt và người Trung Quốc lái xe tải lớn đến 4 điểm thu mua ở địa phương này để thu mua toàn bộ lá trầu tập kết được. Sau khi giao dịch xong, khoảng 21 giờ cùng ngày là số lá trầu kia được vận chuyển đi ngay xuống thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), sau đó đi đâu không ai biết.

“Điều đáng quan ngại là khi trầu trong những vườn nhà đã hết, người dân đổ xô vào rừng tìm hái. Dây trầu bò trên những cây rừng to, họ không trèo lên được nên đốn cả cây để hái trầu. Đây là mối lo cho những cánh rừng trên địa bàn”, một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện An Lão lo lắng.
 

(Theo Nông thôn Việt Nam)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bình Định:Đổ xô đi hái lá trầu không và cà gai leo bán cho thương lái Trung Quốc

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"

Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"

(Tin Môi Trường) - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.

Tin Môi Trường
 Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên

Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên

(Tin Môi Trường) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy – Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

VACNE 30 năm
 Bãi rác lộ thiên của Tâm Sinh Nghĩa cháy âm ỉ, người dân khốn khổ vì mùi hôi

Bãi rác lộ thiên của Tâm Sinh Nghĩa cháy âm ỉ, người dân khốn khổ vì mùi hôi

(Tin Môi Trường) - Bãi rác lộ thiên trong Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa (Long An) của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục cháy âm ỉ, tỏa ra mùi hôi khó chịu, gây khổ cho người dân sống gần nhà máy rác này.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI