»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:22:34 PM (GMT+7)

Phần chìm của tảng băng nợ nần tại Mai Linh Tin ảnh

(00:08:30 AM 01/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Nợ nần của Mai Linh có lẽ là câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất những ngày cuối năm 2012. Tuy nhiên, thua lỗ do đầu tư vào bất động sản, nợ một số nhà đầu tư cá nhân vài trăm tỷ đồng chỉ là phần nổi của tảng băng.

 

Thực tế, Mai Linh rơi vào hoàn cảnh như hiện nay không chỉ do đầu tư đa ngành mà đến từ sai lầm trong cấu trúc cũng như cách vận hành doanh nghiệp. Con số nợ 500 tỷ đồng với 800 nhà đầu tư cũng chỉ là một phần nhỏ bé trong tổng số nợ rất lớn của doanh nghiệp vận tải này.

 

 Với số nợ phải trả đến 4.690 tỷ đồng, chỉ sau vài năm làm ăn không hiệu quả, số vốn chủ sở hữu 504 tỷ của Mai Linh chỉ mới đủ trả lãi.

 

 Sai lầm toàn diện

 

Đầu tư đa ngành, đặc biệt là vào bất động sản, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ nần của Mai Linh. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của Mai Linh, tài sản dài hạn là bất động sản đầu tư chỉ có 194 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là vào các công ty liên kết, cũng chỉ 201 tỷ đồng.

 

Đối với một doanh nghiệp có tổng tài sản trên 5.000 tỷ đồng thì đầu tư ngoài ngành chưa đến 500 tỷ là một con số không lớn. Ông Hồ Huy, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Mai Linh, cũng cho biết 95% tài sản của Mai Linh là dành cho ngành vận tải. Vậy bản chất của vấn đề nằm ở đâu?

 

Là người dẫn đầu thị trường, Mai Linh chọn chiến lược bao phủ toàn quốc, mở rộng ra các tỉnh thành nhằm đón đầu xu hướng gia tăng nhu cầu đi lại bằng taxi. Đây là chiến lược đúng đắn nhưng theo ông Đỗ Thanh Năm, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty tư vấn chiến lược Win Win, Mai Linh đã bỏ qua 2 yếu tố quan trọng. Đó là chọn đúng thời gian và khu vực để triển khai.

 

Thực tế nhu cầu đi lại bằng taxi chỉ bùng nổ ở các đô thị lớn và chỉ những khu vực này taxi mới đạt hiệu suất cao. Trong khi đó, tại những tinh thành có nhu cầu đi lại thấp Mai Linh vẫn tập trung đầu tư số đầu xe quá mức cần thiết, khiến hiệu suất khai thác taxi thấp dẫn đến thua lỗ.

 

“Công ty mẹ Mai Linh rót vốn vào gần 60 công ty con khắp cả nước, với tổng số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Những năm qua các công ty con này chỉ trả cổ tức cho công ty ở mức 3-5%/năm, trong khi lãi suất Mai Linh vay từ người dân lên đến 18-25%/năm. Phần chênh lệch lãi suất này khiến chúng tôi lỗ nặng”, ông Hồ Huy thừa nhận.

 

Chiến lược của Mai Linh còn sai lầm hơn khi tự tay dâng miếng bánh thị phần ở 2 thị trường lớn nhất cho 2 đối thủ, ở TP.HCM là Vinasun và ở Hà Nội là TaxiGroup. Phân tích Vinasun cho thấy, là kẻ đi sau Vinasun đã có chiến lược cạnh tranh rất hợp lý. Đó là phát triển theo kiểu tập trung hóa, khai thác tối đa thị trường tại các đô thị lớn phía Nam có nhu cầu đi lại bằng taxi cao.

 

“Nếu Mai Linh chỉ tập trung vào taxi thì bây giờ chắc sẽ thắng lớn, Vinasun khó có thể theo kịp”, ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinasun, thừa nhận.

 

Song song với chiến lược dàn trải, Mai Linh còn mắc sai lầm trong cấu trúc hoạt động doanh nghiệp. Mai Linh tổ chức doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - con theo từng khu vực và các công ty cháu tại từng tỉnh, thành. Thậm chí tại một tỉnh thành còn có nhiều công ty con. Nổi bật là tại TP.HCM, họ có tới 20 công ty con. Cách tổ chức này đã tạo ra bộ máy hành chính cồng kềnh, khó kiểm soát, do bộ phận lao động gián tiếp phình to so với bộ phận lao động trực tiếp là các tài xế. Kết quả là chi phí quản lý hành chính tăng cao, vì công ty thành viên nào cũng cần một phòng nhân sự, một phòng kế toán và nhiều vị trí hành chính khác không trực tiếp tạo ra doanh thu cho tổ chức.

 

Tái cấu trúc: Nan giải tài chính

 

Tái cấu trúc luôn là phương cách được các chuyên gia “khuyên dùng” khi doanh nghiệp gặp sự cố hay khó khăn. Tuy nhiên, tái cơ cấu như thế nào khi sức khỏe đã suy kiệt như Mai Linh là chuyện không dễ dàng.

 

Tái cấu trúc gồm nhiều hoạt động đa dạng, tuy nhiên, có thể chia làm 3 hướng tái cấu trúc cơ bản là tái cấu trúc hoạt động, tái cấu trúc chiến lược và tái cấu trúc tài chính. Trọng tâm của tái cấu trúc hoạt động trước hết đặt vào việc đảm bảo khả năng tồn tại trong ngắn hạn của công ty, bằng cách hành động nhanh chóng nhằm gia tăng lượng tiền mặt và cải thiện kết quả kinh doanh. Trong khi đó, tái cấu trúc chiến lược đòi hỏi sự thay đổi chiến lược kinh doanh và mang tính dài hạn.

 

Mai Linh sai lầm trong chiến lược đầu tư nói chung chứ không riêng vào lĩnh vực bất động sản.

 

 

 

Theo những thông tin được ông Hồ Huy đưa ra tại buổi họp báo hôm 22/12, Mai Linh đang quyết tâm thực hiện cả tái cấu trúc hoạt động cũng như chiến lược. Cụ thể như công ty con tại các tỉnh sẽ chuyển thành chi nhánh trực thuộc, bán bớt tài sản là bất động sản, sử dụng trụ sở thuê, sắp xếp lại công việc, giúp tiết kiệm chi phí và có nguồn tiền xoay xở trong bối cảnh hiện nay.

 

Ông Huy cũng cho biết sẽ cắt những chuyến vận tải đường dài bị thua lỗ; những chuyến có lãi sẽ chuyển cho nhà đầu tư, cán bộ công nhân viên nhằm thoái vốn để đầu tư cho hoạt động taxi. Hoạt động kinh doanh taxi sẽ được cơ cấu lại theo hướng tập trung vào 2 thị trường trọng yếu là Hà Nội và TP.HCM.

 

Quay lại lĩnh vực taxi có lẽ là giải pháp khả thi nhất, vì thực tế đây là lĩnh vực mạnh nhất và có lãi nhất của Mai Linh. Trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu từ dịch vụ taxi của công ty này đạt 1.137 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, trong khi giá vốn của dịch vụ taxi là 782 tỷ đồng.

 

“Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, uy tín và thương hiệu đảm bảo sự sống còn. Mai Linh có thể mất uy tín những lĩnh vực khác nhưng taxi vẫn được người tiêu dùng nghĩ đến. Tôi nghĩ Mai Linh chỉ còn có cửa này”, ông Đỗ Hòa, tổng giám đốc công ty tư vấn IME Việt Nam, nhận định.

 

Tuy nhiên, hiện nay các thị trường taxi lớn đều rơi vào tay của Vinasun và việc lấy lại thị phần từ đối thủ này là không dễ. Vinasun đang có rất nhiều thuận lợi, trong khi Mai Linh còn rất nhiều điều phải giải quyết, đặc biệt là câu chuyện tái cấu trúc tài chính.

 

Tái cấu trúc tài chính là việc thực hiện các biện pháp để đẩy lùi tình trạng mất khả năng thanh toán và đảm bảo khả năng tồn tại của công ty. Mục tiêu tái cấu trúc tài chính trong trung và dài hạn là nhằm thiết lập lại cấu trúc vốn vững chắc và lành mạnh. Đây là điều kiện tiên quyết cho quá trình tái cấu trúc bền vững.

 

Theo ông Đỗ Thanh Năm, năng lực, sự quyết đoán và sẵn sàng cho thay đổi của ban lãnh đạo cấp cao nhất của Mai Linh quyết định 85% cho khả năng tái cấu trúc thành công. Tuy nhiên với vấn đề tài chính, năng lực và sự quyết đoán thôi cũng là chưa đủ.

 

Chuyện nợ nần của Mai Linh được giới truyền thông khai thác gần đây đều xoay quanh các chủ nợ cá nhân. Khoản nợ này, theo Mai Linh, là khoảng 800 người với 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải là khoản nợ duy nhất. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011, tổng nợ của tập đoàn này lên đến 4.703 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 2.195 tỷ đồng và dài hạn là 2.507 tỷ đồng. Số nợ này lớn gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của Mai Linh (kết thúc năm 2011 vốn chủ sở hữu của Mai Linh là 504 tỷ đồng). 

 

 

Tái cấu trúc tài chính là nhiệm vụ rất khó khăn của Mai Linh

 

Tính đến thời điểm 30/6/2012, trong cơ cấu nguồn vốn gần 5.580 tỷ đồng của Mai Linh, nợ phải trả đã chiếm 4.690 tỷ đồng, tương đương 84%. Chỉ tính riêng khoản vay dài hạn từ ngân hàng con số đã lên đến hơn 830 tỷ đồng, vay ngắn hạn hơn 300 tỷ đồng với lãi suất 17-21%/năm. Chưa kể Mai Linh còn vay tín chấp các đối tượng khác 685 tỷ đồng, lãi suất 18-25%/năm.

 

Với số nợ này thì chỉ sau vài năm làm ăn không hiệu quả, số vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng của Mai Linh chỉ mới đủ trả lãi. Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra khi trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2012, chi phí lãi vay của Mai Linh là hơn 272 tỷ đồng, tương đương 67% lợi nhuận gộp. 6 tháng đầu năm nay, Mai Linh tiếp tục lỗ gần 29 tỷ đồng, lỗ lũy kế của Công ty tiếp tục tăng lên 469 tỷ đồng.

 

Hiện tại, để trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân, Mai Linh đang tính đến việc bán bớt bất động sản và tài sản. Thị trường bất động sản vẫn trong cơn bạo bệnh nên thoái vốn khỏi lĩnh vực này là khó khả thi. Vì vậy, theo kế hoạch, Mai Linh sẽ bán hơn 1.000 xe, giá trị mỗi xe dao động từ 150-400triệu đồng. Như vậy, tập đoàn này sẽ thu về được 200-300 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua.

 

Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây, khi được hỏi Vinasun có chiến lược mua lại Mai Linh hay không, chủ tịch Vinasun Đặng Phước Thành cho biết, ông sẽ không mua lại doanh nghiệp hay mua lại xe mà chỉ mua thương quyền. “Nếu Mai Linh bán 1.000 thương quyền với giá rẻ thì Vinasun sẽ mua”, ông Thành nói.

 

Giả định như trong trường hợp tốt nhất là Mai Linh có thể bán được xe, bán được đất để trả khoản nợ 500 tỷ đồng thì các khoản nợ còn lại, chủ yếu là với các tổ chức tín dụng, thì sao?. Rõ ràng Mai Linh đang hoạt động không hiệu quả, nên khả năng khủng hoảng nợ là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Cơ cấu lại nợ, chuyển nợ thành vốn góp có lẽ là giải pháp tối ưu cho Mai Linh để tái cấu trúc tài chính, nếu không muốn phải bán công ty. Tuy nhiên, liệu các chủ nợ lớn của Mai Linh là ngân hàng MB và BIDV có chịu tham gia phương án này không là chuyện khác. Không phải ai cũng may mắn như Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An khi chủ nợ Habubank đồng ý trở thành cổ đông.

 

Theo Nhịp cầu đầu tư
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phần chìm của tảng băng nợ nần tại Mai Linh

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"

Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"

(Tin Môi Trường) - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.

Tin Môi Trường
 Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên

Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên

(Tin Môi Trường) - Xuất phát từ tình yêu biển, đảo quê hương và tâm huyết đồng hành phát triển du lịch địa phương, chị Vũ Thị Diễm Thúy – Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Hòn Sơn, cùng bạn đầu tư kinh doanh resort Fly Up tại xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang).

VACNE 30 năm
 Bãi rác lộ thiên của Tâm Sinh Nghĩa cháy âm ỉ, người dân khốn khổ vì mùi hôi

Bãi rác lộ thiên của Tâm Sinh Nghĩa cháy âm ỉ, người dân khốn khổ vì mùi hôi

(Tin Môi Trường) - Bãi rác lộ thiên trong Nhà máy xử lý rác Thạnh Hóa (Long An) của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tiếp tục cháy âm ỉ, tỏa ra mùi hôi khó chịu, gây khổ cho người dân sống gần nhà máy rác này.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI