»

Thứ sáu, 22/11/2024, 13:10:27 PM (GMT+7)

Dự án bauxite: Chỉ có lỗ nặng!

(23:37:09 PM 24/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Các chuyên gia nhận định như vậy khi nói về tính hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên

Sau khi các cơ quan thông tin đại chúng đồng loạt phản ảnh về tính hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên, ngày 24-2, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã phản hồi.

 

Vi phạm nguyên tắc cơ bản

 

Vinacomin cho biết đến nay, mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo quy hoạch là Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng (công suất 650.000 tấn alumin/năm) và Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông (công suất 650.000 tấn alumin/năm). Cuối năm 2012, Nhà máy Alumin Tân Rai đã chạy thử, Nhà máy Alumin Nhân Cơ dự kiến giữa năm 2014 sẽ cho ra sản phẩm. Dự báo, đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án cảng đã được phê duyệt là năm 2020: 17,5 triệu tấn, năm 2025: 27 triệu tấn và năm 2030: 37 triệu tấn.

 

Theo ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, các dự án sản xuất hydroxide nhôm­, alumin, điện phân nhôm khác đều không đúng tiến độ là do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ và giá khoáng sản thấp. “Mặt khác, do các vấn đề phức tạp về công nghệ, kỹ thuật, môi trường khi đầu tư xây dựng các dự án này nên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch bauxite cho phù hợp” - ông Chiều nói.

 

Dù thừa nhận sai lầm về xây dựng cảng Kê Gà nhưng Vinacomin vẫn cho rằng việc dừng đầu tư dự án này không ảnh hưởng đến 2 dự án bauxite - alumin do có các cảng tại khu vực Thị Vải - Cái Mép như Gò Dầu, Phú Mỹ… “thế chân”.

 

Bể lắng quặng đuôi của Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng. Ảnh: QUANG TÚ
 

Ông Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm - Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), cho biết giai đoạn 1998-2001, tổng công ty đã nghiên cứu dự án khai thác bauxite - nhôm Tây Nguyên và dự kiến công suất ban đầu là 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng nảy sinh là vận tải. “Chưa có nơi nào trên thế giới vận chuyển 600.000 tấn alumin/năm ra cảng bằng ô tô trên quãng đường dài như vậy. Cách tốt nhất là vận chuyển bằng đường ống hoặc đường sắt thì mới có hiệu quả nhưng không hiểu sao Vinacomin lại vẫn dùng đường bộ?” - ông Ban đặt vấn đề. 

 

Ngay cả người của Vinacomin là TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, cũng đã nhiều lần phản đối phương thức vận chuyển bằng đường bộ. “Một nguyên tắc cơ bản trong ngành khai khoáng là vận chuyển sản phẩm không quá 10 km, trong khi quãng đường từ Tân Rai xuống cảng là 260 km, còn từ Nhân Cơ cũng cả trăm km thì chỉ có lỗ nặng” - ông Sơn nhận định.

 

Phải kiểm toán giá thành

 

Trước hàng loạt câu hỏi của giới chuyên môn về tính hiệu quả của dự án bauxite Tây Nguyên, lãnh đạo Vinacomin thanh minh rằng Nhà máy Alumin Tân Rai đưa ra sản phẩm đầu tiên với mức dưới 340 USD/tấn là do bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và giá các khoáng sản nói chung trên thế giới đều giảm. “Không công bằng nếu đánh giá hiệu quả kinh tế dự án chỉ căn cứ vào hiệu quả kinh tế đơn thuần mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội lan tỏa, cũng như ý nghĩa chính trị, an ninh quốc phòng đối với địa phương và khu vực Tây Nguyên” - ông Chiều phản ứng.

 

Tiếp tục bảo vệ dự án của mình, lãnh đạo Vinacomin đưa ra đề tài nghiên cứu thu hồi các sản phẩm có ích từ bùn đỏ “đã có kết quả ban đầu khích lệ, khả năng thành công lớn” của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) mới đây. “Với xu thế nền kinh tế thế giới đang phục hồi, Vinacomin tin chắc giá alumin sẽ tăng” - ông Chiều khẳng định. Sở dĩ có sự tự tin này là do Vinacomin căn cứ trên dự báo của các chuyên gia phân tích thuộc Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA. Theo đó, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 sẽ dao động trong khoảng 300 USD/tấn đến 640 USD/tấn, trung bình ở khoảng 450 USD/tấn.

 

Tuy nhiên, theo thông tin mà các chuyên gia Ngân hàng Societe General (Pháp) đã trả lời trên báo chí, năm 2012, sản lượng nhôm trên thế giới vượt nhu cầu 1,4 triệu tấn và tiếp tục vượt 1,1 triệu tấn vào năm 2013. Tồn kho nhôm trên sàn London đã lên mức kỷ lục là 5,177 triệu tấn. Đáng lưu ý, thay vì nhôm đến tay các nhà sản xuất (xe hơi, vỏ hộp…) thì hầu hết lại đến tay cộng đồng các nhà đầu tư và ngân hàng đầu tư - những người đang ôm hàng chờ tăng giá.

 

Theo Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ), khoảng 65%-75% nhôm tại nhà kho của sàn London thuộc sở hữu của giới đầu tư. Hiện tượng này càng trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, khi nhu cầu nhôm vật chất giảm mạnh và các nhà sản xuất buộc phải tìm những phương án khác để tăng vốn lưu động. Citigroup dự báo giá nhôm sẽ đạt trung bình 2.100 USD/tấn trong năm 2013, trong khi Societe General dự báo con số này sẽ khoảng 2.185 USD/tấn.

 

TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng mức giá bán 450 USD/tấn hay có thể lên thêm nữa không phải vấn đề chính mà là giá thành 1 tấn alumin mà Vinacomin sản xuất ra là bao nhiêu? “Vinacomin đang lập lờ, che đậy mức giá thành tính đúng, tính đủ trên 1 tấn alumin bởi hàng loạt chi phí chưa được tính hết, nhất là chi phí vận tải. Cần có cơ quan kiểm toán độc lập về giá thành alumin ở Tây Nguyên” - ông Sơn kiến nghị.

 

Cố làm thì môi trường lãnh đủ!

 

Ông Trần Văn Chiều cho rằng quyết định đầu tư 2 dự án Nhân Cơ và Tân Rai là căn cứ vào tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế, đồng thời đã tính đến mức độ rủi ro. Nhà máy Alumin Nhân Cơ được khởi công ngày 28-2-2010, hiện đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục, toàn bộ thiết bị chủ yếu đã tập kết đến chân công trình, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%. “Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ có sản phẩm vào giữa năm 2014 nên quyết định ngừng là không thực tế” - ông Chiều quả quyết.

 

Theo TS Nguyễn Thành Sơn, không chỉ mối họa môi trường mà bài toán kinh tế đã quá rõ để Vinacomin nghiêm túc xem xét Nhà máy Alumin Tân Rai, nếu thực sự có hiệu quả thì mới làm tiếp Nhà máy Alumin Nhân Cơ. “Nếu không có hiệu quả mà cố làm thì lỗ lại càng lỗ mà môi trường thì lãnh đủ” - ông Sơn cảnh báo.

 
Theo THẾ DŨNG (NLĐ)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Ý kiến bạn đọc về: Dự án bauxite: Chỉ có lỗ nặng!

  • co Vina (00:05:02 AM 25/02/2013)Lì và liều

    Vinacomin xứng danh kinh doanh Lì và liều !

Gửi ý kiến bạn đọc về: Dự án bauxite: Chỉ có lỗ nặng!

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"

Người tiêu dùng thế hệ mới: Động lực đẩy mạnh tiêu dùng "Xanh"

(Tin Môi Trường) - Chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số cùng sự quan tâm đặc biệt đến môi trường, thế hệ người tiêu dùng Gen Z, Gen Alpha (2 nhóm dân số sinh từ năm 1997 về sau) đang thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hơn, bền vững hơn. Đây cũng chính là “điểm chạm” mới giữa họ và các thương hiệu.

Tin Môi Trường
 Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero

Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero

(Tin Môi Trường) - 5ha khu vực cánh rừng Net Zero của Vinamilk phối hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã bước sang năm thứ 2 trong dự án kéo dài 6 năm (2023-2029). Nhiều hoạt động nghiên cứu, đồng hành, báo cáo đã được doanh nghiệp thực hiện, trong đó có các chuyến đi trực tiếp tham gia khoanh nuôi rừng của nhân viên diễn ra đều đặn hàng năm.

VACNE 30 năm
 Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng

Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng

(Tin Môi Trường) - UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt Tổng Công ty giấy Việt Nam - Công ty TNHH 1,89 tỷ đồng do nhiều vi phạm trong xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI