»

Chủ nhật, 24/11/2024, 07:35:59 AM (GMT+7)

Quảng Ninh: Đừng để di tích Hồ Mạch thành phế tích

(09:16:28 AM 03/07/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Di tích Hồ Mạch hiện còn diện tích khoảng 5 sào Bắc Bộ, cách thôn Yên Đông, phường Yên Hải (thị xã Quảng Yên hơn 300m về phía bắc). Hồ nằm ở khu Thượng Đồng - cánh đồng cao nhất so với các cánh đồng khác của 8 xã đảo Hà Nam. Nhân dân quanh vùng bao đời vẫn thường lấy nước ngọt dưới hồ sử dụng trong sinh hoạt và làm nguồn tưới cho ruộng đồng.
Dấu thời gian đã khiến cho những di tích cổ dần rơi vào quên lãng...- Ảnh minh họa
 

Di tích Hồ Mạch gắn liền với sự tích 17 vị Tiên công cách đây gần 600 năm đã có công khai hoang, lấn biển lập nên đồng đất Hà Nam. Hồ Mạch có mạch nước ngọt tự nhiên, được cho là nơi đầu tiên mà các vị Tiên công đi tìm đất mới đã phát hiện và ở lại lập nghiệp. Tương truyền vào năm 1434, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành Thăng Long, có một đoàn 17 người rủ nhau tìm về phía đông lập nghiệp. Họ đi chung một con thuyền xuôi sông Hồng, sông Đá Bạc rồi đến cửa sông Bạch Đằng. Đêm mưa, chợt nghe tiếng ếch kêu giữa rừng sú vẹt vọng tới. Họ lắng nghe, xác định hướng ếch kêu và dừng thuyền đậu lại. Rẽ rừng cây, lội qua bãi lầy, lên tới một gò cao, mọi người vạch cỏ lau gặp một vũng nước sâu hiện ra. Vục tay xuống nước uống thử, thấy ngọt chẳng kém gì nước mưa, cả đoàn mừng reo sung sướng. Sáng hôm sau, thức dậy trong ánh bình minh rạng rỡ, mọi người nhìn ra bốn phía xung quanh, thấy gò đất cao nổi hẳn trong rừng sú vẹt; sau lưng, phía bắc là sông Bạch Đằng và dãy núi Tràng Kênh, Yên Tử; phía đông là dãy núi đá trùng điệp xanh biếc, tức Vịnh Hạ Long ngày nay; trước mặt, chạy về phía tây là biển cả dạt dào sóng vỗ (cửa Nam Triệu bây giờ). Trên gò đất, mạch nước vẫn ứa ra, vũng nước cạn lại đầy. Mọi người càng lấy làm lạ… Họ bàn nhau và quyết định ở lại đây tìm kế sinh sống lâu dài. Những túp nhà nhỏ đầu tiên mọc lên. Vũng nước được đào rộng ra, sâu thêm thành hồ. Hồ được đắp bờ cao giữ gìn nguồn nước mạch quý hiếm…

Thời gian trôi qua, Hồ Mạch vẫn tồn tại giữa vùng nước ngập mặn. Vùng rừng bãi được khai mở lấn biển khơi, sau tôn thành vòng đê. Vòng đê mỗi ngày, mỗi đời người thêm lớn dần, thách thức trước biển cả, gió bão, nắng mưa. Nhiều mái nhà bên nhau thành ấp, thành xóm, thành làng xã. Tiếng gà gáy râm ran xao động cả một vùng cửa sông. Từng vạt lúa vàng ghép lại nên thảm lớn, nên cánh đồng bao la. Nước ngọt Hồ Mạch đã đưa các thế hệ con cháu Tiên công vượt qua bao khó khăn, vất vả để ngày nay có được một quê hương trong chu vi 34km đê biển đạt tầm cao tới cốt 5 vững chãi trên cửa sông Bạch Đằng. Theo các cụ già kể lại, ngày xưa lòng Hồ Mạch sâu hai, ba tầm đầu với. Trên bờ, dân làng dựng một ngôi miếu thờ thần Hồ Mạch. Tương truyền, thần Hồ Mạch là một ông tiên râu tóc trắng xoá, đêm đêm từ dưới hồ hiện lên, tay cầm một bó đuốc lớn cháy rừng rực dạo quanh hồ, rồi lướt soi qua các cánh đồng ra bờ đê như tuần tra bảo vệ bờ cõi. Tới lúc tiếng gà trong làng vang lên, thần mới quay trở về hồ. Những năm nào thần hay xuất hiện là y như mùa vụ nông ngư năm đó tươi tốt, bội thu, nhà nhà mạnh khoẻ, vạn vật sinh sôi. Trong miếu thờ Hồ Mạch có bàn thờ linh thiêng nghi ngút khói hương, có bức đại tự “Phong Lưu cổ hồ”, có câu đối ca ngợi công đức người xưa khai cơ lập nghiệp. Những năm 1950-1955, người ta vẫn còn thấy ngôi miếu nằm ẩn dưới rặng cây rậm rạp quanh hồ. Cán bộ Việt Minh nằm vùng thường vào đó trú ẩn, hoạt động bí mật. Về sau do thời gian và con người quên lãng, miếu Hồ Mạch đổ nát, dần dần mất hẳn nền móng cùng dấu tích. Bờ hồ bị chặt phá cây cối, bị vạc xén đất san xuống ruộng cấy. Đáy hồ đất bồi nông dần, mùa khô hạn nẻ toác chân chim.

Hiện nay hồ đang bị dân lấn đất, thu hẹp, lẫn vào diện tích lúa màu. Phải đến tận nơi mới phát hiện ra hồ chỉ còn là một khoảng nước nông choèn. Khoảng nước ấy là di tích còn lại của Hồ Mạch. Trong nhiều dịp Lễ hội Tiên công, chúng tôi có dịp dẫn các du khách có nhu cầu đến tham quan Hồ Mạch. Ai cũng thất vọng vì một di tích ý nghĩa cội nguồn sâu sắc như thế này đã không còn gì để nói. Thêm nữa, do không ai quản lý nên không có một tấm bảng đề cho mọi người biết. Ngay cả lớp người trẻ, con cháu của cư dân ở đây cũng chẳng mấy am hiểu về Hồ Mạch ra sao và ở đâu.

Hồ Mạch, một điểm khởi thuỷ của các xã đảo Hà Nam, có ý nghĩa lịch sử mở đầu một cuộc chinh phục biển cả và đất bãi triều. Hồ Mạch là mốc thời gian đầu tiên lập đất mở cõi của người xưa, là nơi định hình thành truyền thống khai hoang, lấn biển dựng xây vùng kinh tế mới ngày nay của con cháu các vị Tiên công ở Hà Nam. Ghi nhớ sự tích này, nhiều dòng họ như họ Vũ ở phường Phong Cốc, làng Yên Đông  phường Yên Hải… đã chạm trên cửa võng gian thờ chính diện hình chú ếch với hàm ý nhắc nhở hậu thế “uống nước nhớ nguồn”.

Thiết nghĩ, Hồ Mạch là một di tích trong quần thể di tích Tiên công cần được cơ quan quản lý văn hoá thị xã cũng như của tỉnh quan tâm, có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị. Có như vậy mới tránh khỏi tình trạng hồ bị lấn chiếm, co hẹp và có nguy cơ bị mất đi.
(Dương Phượng Toại - báo Quảng Ninh)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Quảng Ninh: Đừng để di tích Hồ Mạch thành phế tích

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng”

Sinh viên Nhân văn làm sống dậy kịch hình thể với “Mắt Rừng”

(Tin Môi Trường) - “Muối của rừng” - một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sẽ được tái hiện đầy sống động trên sân khấu của Chương trình biểu diễn Kịch hình thể gây quỹ Mắt Rừng tối ngày 05/12.

VACNE 30 năm
 Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Đa hơn 250 năm tuổi trong khuôn viên Đình làng thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được chính quyền và nhân dân long trọng tổ chức Lễ cong nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 24/4/2024.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI