Di sản xanh » Kiến trúc xanh
Mộ tháp cá voi ở Phú Yên
(22:12:04 PM 14/06/2012)Hai ngôi mộ tháp cá voi bị các chùm thanh long bao phủ
Địa điểm di tích mộ tháp cá voi thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu, nằm bên bờ Vũng Lắm thuộc vịnh Xuân Đài, một hải cảng lớn ở Phú Yên trong lịch sử. Chính nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhất là về giao thông đường thủy nên làng biển Tân Thạnh có lịch sử hình thành sớm. Đây là địa bàn có hoạt động kinh tế thương nghiệp phát triển. Bên cạnh kinh tế thương nghiệp, một bộ phận lớn dân cư sinh sống bằng ngư nghiệp và nghề này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay. Giống với nhiều làng biển khác ở Phú Yên, ngư dân làng Tân Thạnh có tục thờ cá voi, ngư dân tôn kính gọi cá voi là Ông hoặc Ông Nam Hải,...Theo quan niệm của ngư dân vùng ven biển, cá voi là vị phúc thần, là ân nhân của người đi biển, thường cứu giúp ngư dân khi bị nạn. Những trường hợp “Ông lụy” (cá voi chết và trôi dạt vào bờ) nếu được dân làng phát hiện sẽ được chôn cất, để tang. Sau một đến ba năm, những bộ xương cá voi được lấy lên đưa vào quách thờ ở các lăng Ông với các thần hiệu Nam Hải Ngọc lân Tôn thần, Nam Hải Đại Nam tướng quân,... và được cúng tế bằng những nghi thức rất trang trọng. Như vậy, những ngôi mộ tháp cá voi ở Tân Thạnh ra đời gắn với tín ngưỡng thờ cá voi của làng biển nơi đây. Căn cứ vào kiến trúc và đặc điểm trang trí, cho biết di tích mộ tháp cá voi này có lịch sử xây dựng từ thế kỷ XIX trở về trước.
Khu tháp gồm hai ngôi mộ tháp nằm cách quốc lộ 1A khoảng 60km về phía Đông liền kề mép nước vịnh Xuân Đài (hiện tại là hồ tôm). Hai ngôi mộ tháp có kiến trúc giống nhau, dạng tháp tầng, gồm 4 tầng, tầng trên là kiến trúc thu nhỏ của tầng dưới. Các mộ tháp có tiết diện và đế hình bát giác. Vị trí hai tháp cách nhau một khoảng rộng 6m theo chiều Tây Bắc - Đông Nam. Trên thân tháp có tạo tác nhiều hoa văn trang trí đắp nổi, với các hình hoa lá, cảnh vật, được đắp rất tỉ mỉ và tinh tế, sắc nét. Ngoài trang trí đắp nổi bằng vôi cát, ở một số điểm trên thân tháp còn nhận thấy vết tích trang trí bằng kỹ thuật ghép mảnh gốm. Các tháp đều được trát phủ ngoài bề mặt một lớp vôi cát. Tại một số điểm bị bong tróc cho thấy vật liệu xây tháp bên trong chủ yếu là đá tự nhiên được liên kết với nhau bằng những mạch vữa khá chắc chắn.
Ngôi tháp phía Đông có quy mô nhỏ hơn ngôi tháp ngôi phía Tây, có độ cao 6,3m, trên một mặt tháp ở bậc thứ hai có đắp 4 chữ Hán bằng mảnh gốm là “Nam Hải thần mộ”. Tháp phía Tây có độ cao 7,5m, hiện bị dây leo bao phủ dày đặc từ đỉnh xuống chân nên không tìm thấy dấu chữ trên tháp. Ông Nguyễn Hữu An, Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Phú Yên cho biết: “ở thời điểm tháng 7 năm 2001, khi khảo sát di tích này, các nhà nghiên cứu còn đọc được 4 chữ “phong vật đồng long” đắp trên thân tháp”. Cách hai ngôi mộ tháp cổ khoảng 250m về phía Tây Nam bên kia quốc lộ 1A, gần khu vực đình làng Tân Thạnh, còn lại dấu tích của một lăng thờ cá voi. Công trình này chỉ còn lại phần nền móng cao ngang tầm người đứng, xung quanh là những bờ móng bằng đá kiên cố.
Qua bộ phận nền móng cho thấy kiến trúc lăng trước đây có quy mô lớn, phía sau di tích nền móng của lăng còn lại một ngôi mộ cá voi với nấm mộ hình búp sen, xung quanh có thành bao, phía trước có bình phong còn tương đối nguyên vẹn. Lăng này tồn tại đến năm 1959 thì chuyển về xây dựng tại xóm Lưới cách đó gần 1km về phía Nam. Vị trí này cách thành phố Tuy Hòa 42km đường bộ. Từ thành phố Tuy Hòa ra hướng Bắc qua khỏi dốc Gành Đỏ, đến địa bàn thôn Tân Thạnh (Vũng Lắm), quan sát bên phía Đông quốc lộ sẽ nhận thấy hai ngôi tháp cổ kính nằm giữa một chòm dừa rợp bóng. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, đây là di tích mộ cá voi. Về cơ bản những ngôi tháp được xây dựng khá vững chắc, còn bảo lưu được kiểu dáng kiến trúc và đặc điểm trang trí. Song, trải qua thời gian năm tháng và trước tác động của biến đổi thời tiết, thêm nữa là cả sự thờ ơ của chính con người nên những ngôi tháp không thể tránh khỏi dấu hiệu xuống cấp. Ngoài bề mặt nhiều chỗ bị bong tróc, một số chi tiết kiến trúc trang trí ở các góc của những tầng tháp đã bị sứt vỡ, nhiều mảng trang trí hoa văn đắp nổi trên thân tháp bị bong tróc hoặc mòn mờ. Cả hai ngôi tháp đều có các chùm thanh long bao phủ từ đỉnh xuống đế, che lấp phần lớn bề mặt các tháp, làm cho bề mặt di tích càng bị ăn mòn nhanh chóng.
Cá voi được các vua triều Nguyễn phong làm “Nam hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần”. Tất cả các làng ven biển hoặc làng nghề cá đều được ban sắc thần ngày để phụng thờ. Với cội nguồn rất xa xưa, được phủ thêm màu sắc Phật giáo, Nho giáo phù hợp với cấu trúc đa nguyên trong tín ngưỡng người Việt, trong quá trình tồn tại và phát triển đã tiếp thu và tôn vinh một số đạo lý cổ truyền thấm đượm tính nhân văn. Cá voi là một sinh vật có ích đã được nhân cách hóa thành một đấng cứu nhân độ thế, khi sống Ông sắn sàng cứu giúp người bị nạn, lúc thác Ông phù hộ độ trì cho vạn chài mưa thuận gió hòa, làm ăn yên ổn, được mùa cá tôm. Vì thế được con người biết ơn, tôn sùng không những khi sống mà cả lúc chết. Những lăng thờ cùng với những mộ tháp cá voi là những di tích vật chất phản ánh về một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, một tín ngưỡng cộng đồng độc đáo của ngư dân vùng ven biển Phú Yên,...điều cần thiết lúc này là cần có những giải pháp kịp thời để bảo tồn những ngôi mộ tháp cá voi trước sự tác động của biến đổi khí hậu và cả sự thiếu ý thức của chính con người.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
- Những tòa nhà chọc trời bằng bùn giữa lòng Yemen
- Thành phố của những thác nước
- Làng cổ gần 700 năm đẹp như tranh
- Dùng dằng Mã Pì Lèng
- Trùng tu ngôi đình hơn 100 tuổi, giữ nguyên hai cây bồ đề độc đáo trên nóc
- Quần thể đền thờ nằm dưới tảng đá khổng lồ
- Công viên có thể tự di chuyển
- Phát động cuộc thi thiết kế nhà an toàn trong bão lụt
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.
Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
(Tin Môi Trường) - Di tích lịch sử mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.