»

Thứ bảy, 18/01/2025, 08:54:22 AM (GMT+7)

“MaKeNo” đâu phải là cứu cánh

(16:10:42 PM 08/07/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Thời đại ta đang sống là thời đại phát triển tốc độ cao. Áp lực công việc đè nặng. Quan hệ xã hội phức tạp đa chiều. Tình cảm con người chi phối. Ganh đua quyết liệt một mất một còn.

Thông tin quá nhiều và nhiễu. Môi trường sống ngày thêm ô nhiễm cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Cuộc sống tích cực nhưng thiếu bền vững. Từ xã hội cho tới tận gia đình luôn tiềm ẩn xung đột, khủng hoảng. Và y học xuất hiện thuật ngữ “Stress” - một hội chứng tâm thần phân lập thời hiện đại.

 

 

 

Trong cuốn giáo trình tiếng Pháp cấp độ C “Văn minh thường ngày ở Pháp” có một bài khóa rất đặc trưng văn minh Pháp. Chị Maria từ công sở về trong tâm trạng rầu rĩ bởi chị vừa bị Sếp “sát xà phòng”. Về tới nhà, con gái đứng tựa cửa ra vào mặt buồn thiu “- Mẹ ơi con bị cô giáo phạt”. Con trai ngồi bệt trên bậc đá thút thít “- Mẹ hỡi con bị điểm kém”.

 

Maria cố gượng không hắt ra tiếng than. Chị dìu hai con vào nhà: “Được rồi. Sẽ ổn thôi”. Vừa lúc mặc tạp dề đứng bếp, chồng chị Teodo kéo về ba người bạn trong trạng thái “tây tây” tiến lại phía vợ “chút” lên má chị “- Em thân yêu! Làm bữa tối cho bọn anh ăn cùng!” Rồi cả bốn đổ xuống sô - pha. Teodo ôm con trai vào lòng “- Học tập tốt chứ? Chắc chắn rồi!”. Maria tưởng phải òa lên khóc hét. Nhưng chị kìm nén cười như mếu “- Vâng ạ! Rất hân hạnh!”

 

Một bức tranh biếm họa có nhan đề “Sản lượng thông tin trên đầu người Hà Nội ngày nay”, vẽ một ông đeo kính tay phải cầm viên thuốc chống stress, tay trái cầm cốc nước lọc, bao quanh ông là các đường xoáy như lốc của hàng trăm tờ nhật báo, hàng trăm đường sóng phát thanh và truyền hình, còn nhằng nhịt quanh thân và chân ông là các đường dây truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, điện thoại, đường truyền internet… Cái hay của người họa sĩ là vẫn nhấn vào hai mép ông đeo kính một nụ cười mãn nguyện: No thông tin chỉ hiềm quá tải.

 

Trong xã hội ngày nay con người chịu trận trước nhiều áp lực về môi trường công việc và ma trận tinh thần. Ít nhiều ai cũng dính. Tầng lớp người có học vấn dính nhiều hơn.

 

Ai bảo làm lãnh đạo là sướng? Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tìm công ăn việc làm cho hàng nghìn cán bộ nhân viên dưới quyền, để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng thích hợp với thị hiếu tiêu dùng, tìm thị trường tiêu thụ, cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường phát triển tùm lum vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không có một chiến lược phát triển đúng và thông minh. Cán bộ dưới quyền chỉ đề bạt thời hạn 6 tháng, bỏ phiếu tín nhiệm, không làm việc có hiệu quả là bãi nhiệm liền bổ nhiệm người khác. Ai cũng phải khẳng định mình để không bị đào thải. Một năm tại nhiệm là bạc tóc.

 

Khảo sát xã hội của một nhà tâm thần học cho thấy lượng thông tin của một người thời đại ta đang sống gấp nghìn lần hơn ở thế kỷ trước. Nhận thông tin phải xử lý thông tin. Sau đó không biết vệ sinh tâm thần (xả stress) là mắc chứng tâm thần phân lập. Sinh thời, Nhà xã hội học – Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cho biết: Xã hội càng văn minh bao nhiêu chứng tâm thần phân lập càng gia tăng bấy nhiêu nếu không biết vệ sinh tâm thần (thư giãn). Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) có lý khi định nghĩa “Sức khỏe là có đầy đủ về thể chất và thoải mái về tinh thần”.

Nhưng cuộc sống ngày nay vốn phức tạp tới tinh vi, cho ta đủ đầy về thể chất nhưng lại không cho ta cơ hội thoải mái về tinh thần.

 

 

Một người bạn ít tuổi của tôi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc một cơ quan truyền thông tầm quốc gia. Hơn năm sau tóc anh đã bạc ở tuổi 52. Phải dùng thuốc “gội là đen”. Khi ở cương vị Phó tổng anh chỉ phụ trách có một mảng “sân chơi”. Giờ, anh phải chịu trách nhiệm pháp lý tới 18 mảng. Phức tạp nhất là tổ chức lại nhân sự, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư kỹ thuật, phát triển và nâng cao chất lượng chương trình thu hút tài trợ và quảng cáo.

 

Anh phải lo đủ công việc và thu nhập cho phóng viên khả dĩ, gắn bó được họ với Đài. Bởi Đài của anh tự chủ về tài chính. Gặp gỡ các nhà báo nghỉ hưu có bữa buffet và chiếc phong bì đầy đặn, mừng cho anh là Đài đang ăn nên làm ra. Anh khoe đang xây cột phát sóng ở Mễ Trì 250 mét cao thứ nhì cả nước. Hỏi “- Cao nhất là ai?” “- Sài Gòn – Bình Dương – 252 mét”. “- Sao ta không xây 253 mét để giành quán quân?” Anh cười “- Thế thì hơi bất kính!” Vậy là anh đã phải “nhìn trên - nhìn dưới - nhìn ngang” để xây. Phải nhào lộn và biến hóa. Không thể vô tư.

 

Tôi gọi điện cho chị Thư ký Tòa soạn hỏi, liệu có in được chân dung nhân vật này không. Anh ta còn là một nhà thơ. Chị Thư ký Tòa soạn cười rú “- Tốt quá! Nhưng anh cần làm đậm khía cạnh làm thơ để giải tỏa áp lực công việc. Em đang có chuyên đề này”. Đến lần tôi cười rú. Mời chị café. Làm thơ không thể nói giải tỏa tinh thần như hát karaoke. Tôi đưa chị xem tập thơ mới xuất bản “Lời nguyện cầu trước lửa” của anh. Đọc xong mà thấy lòng anh đau đáu nỗi nhân gian. Gặp nhau trong lễ mít tinh Ngày BCCMVN 21 – 6, anh tặng tôi tờ báo Văn Nghệ có in chùm thơ 3 bài mới viết. Anh chỉ một bài “- Em thích nhất bài này”. Đọc, tôi lại thích cái bài không phải là bài anh thích. “- Sao vậy?” “- Bài cậu thích chỉ là cảm xúc kỷ niệm. Bài mình thích có triết lý xã hội”. Anh sung sướng khoe “- Em đang có một tứ hay anh thích. Sẽ khó viết. Hai con trâu gặp nhau trước khi thân thiết phải đọ sừng một trận. Hai con chó gặp nhau phải cắn sủa một hồi rồi mới quẫy đuôi kết bạn. Con người ngược lại, gặp nhau dù xa lạ đã tay bắt mặt mừng ôm hôn thắm thiết. Để rồi sau đó…”

 

Chưa nói hết câu thì chuông hội trường reo khai mạc lễ. Vậy là anh bạn ít tuổi của tôi sẽ phải đau đáu hàng tháng có khi hàng năm để xây dựng cấu trúc, vật vã chọn chữ lựa nghĩa, và tu từ đặt câu. Sẽ vất vả hơn việc xây dựng cột phát sóng. Bởi vì công việc làm thơ là công việc chỉ mình anh làm trong những mẩu thời gian eo hẹp ít ỏi sau công việc của một Tổng Giám đốc.

 

Sống cuộc sống thời nay con người chịu áp lực nhiều bề nhiều phía dù là ở cương vị to hay phận bé mọn. Cương vị to phải lo phát triển sự nghiệp và tiền lương đủ sống cho cả một đội ngũ dưới quyền, ấy là có may mắn trong một môi trường lành mạnh không tỵ hiềm. Hoặc có nhưng không đáng kể.

 

Phận nhỏ thì chịu áp lực lo cho mình và quan hệ công chúng. Nhưng đâu có đơn giản là thế. Công chức làm việc trong một bối cảnh mà người quản lý trực tiếp năng lực kém cỏi lãnh đạo không chuyên nghiệp lại bảo thủ sĩ diện, thì ngày ngày bất hòa ý kiến là điều khó tránh, trí thông minh không thể sống cùng cái đầu trì độn. Thu nhập hằng tháng quá thấp chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho bữa ăn, còn bao nhiêu thứ tiền điện nước, học hành cho con, nuôi dưỡng bố mẹ già, ma chay cưới hỏi không biết trông vào đâu? Đành đầu tắt mặt tối chạy chợ bán quán vỉa hè chè chanh đá và đành vi phạm trật tự đô thị kiếm thêm.

 

Trong gia đình cũng vậy. Bố mẹ chồng tưởng rằng thế là đoàn kết bắt ép các con ở chung ăn chung mà quên rằng mỗi gia đình nhỏ có mức thu nhập khác nhau, có sở thích khác nhau cần khoảng riêng độc lập. Người dâu cả thêm việc bất đắc dĩ chấm cơm hằng ngày, tài chính công khai mỗi ngày. Trong bữa ăn người em dâu phàn nàn nộp 2 triệu một tháng mà bữa ăn đạm bạc vậy sao, cứa vào lòng tự ái người dâu cả. Đi làm thì vui về nhà cứ như ở trọ nhà mình. Hay như người chịu án oan sai thiếu công bằng xã hội kêu trời không thấu dẫn tới tuyệt vọng mất lòng tin. Rồi bực bội chuyện cơ quan về nhà phàn nàn trong bữa ăn hoặc trên giường ngủ. Tuổi trẻ mới lớn thất học, thất tình có thể dẫn tới quyên sinh. Đã có. Những bức xúc xã hội gọi về đường dây nóng Tòa soạn tưởng như có lửa.

 

 
Một đồng nghiệp của tôi đưa ra chủ thuyết “Makeno”, nghĩa là Mặc – Kệ - Nó cho yên phận. Tưởng thế là ổn. Tới khi chính anh bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng bằng giai thoại, đã làm anh nổi đóa quyết truy tìm tác giả đặt giai thoại ấy mà không thể “Makeno”. Một chị vợ luôn xăm soi điện thoại di động của chồng kiểm tra tin nhắn và danh bạ, xem có tên đứa nào giống tên con gái. Phát hiện hương nước hoa lạ trên vai áo chồng là lập tức nì nèo bắt giải trình mà không thể “Makeno”. Chồng chị nổi cáu bảo chị mắc chứng tâm thần phân lập hoang tưởng thể ghen tuông.

Một nữ nhà báo trẻ tâm sự với tôi “- Nguy hiểm quá anh ơi! Em, và các bạn em nữa, bỗng nhận ra rằng với chồng, trong các cuộc đi chơi, ngồi chung bàn ăn tối, thậm chí trên giường ngủ, 70% câu chuyện đều dẫn tới cãi vã như khắc khẩu, không thể là thủ thỉ tâm tình. Đôi khi chỉ là những chuyện vu vơ vớ vẩn như chuyện Biển Đông và tranh chấp ngôi đền Preah Vihear giữa Campuchia và nước Thái”. Cười “- Tôi cũng thế. Tỷ lệ còn cao hơn”. Thực tế những vấn đề bức xúc trong cuộc sống cứ dội vào lòng con người như những con sóng có gai nhọn hoắt làm cho tâm trạng bất an, cứ chạm vào là lập tức “xù lông nhím”. Chứ đâu phải tình cạn.

Thời bao cấp, mẹ tôi có lần đánh thức cha dậy lúc 2 giờ sáng, hỏi “- Hình như lương kỳ hai anh chưa đưa? Hi hi!” “- Không thể để đến mai được sao?” “- Em hay quên mà anh cũng nhãng lắm cơ!” Cha ra bàn mở cặp lấy tiền, kẹp thêm chiếc phong bì tiền bồi dưỡng giảng viên. Mẹ cười “- Tốt rồi! Anh ngủ tiếp đi kẻo trời sắp sáng”. Cha thương mẹ. Cả đêm mất ngủ chắc suy đi tính lại mãi mà cứ thấy ngân sách gia đình thiêu thiếu một khoản gì.

“Makeno” đâu phải là cứu cánh.

Có mẫu số chung nào cho liệu pháp hóa giải những áp lực công việc và khủng hoảng tinh thần để đến nỗi con người đôi lúc trở nên ngốc nghếch thế không?

Có lẽ hài hước là giải pháp tối ưu.

Người Pháp thích hài hước và có khiếu hài hước nhất thế giới. Bởi hài hước đem lại tiếng cười (hưng phấn tích cực) mà y học ví tiếng cười bằng mười viên thuốc bổ. Ý nghĩa xã hội thì hài hước sẽ biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện bé tí tẹo, chuyện bé tí tẹo thành chuyện không có gì. Khiếu hài hước đưa người Pháp hòa nhập trong “thế giới những người thích đùa” làm nên văn hóa ứng xử kiểu Pháp. Hoàng đế Napoléon thích café tới mức nói “Nếu không có café chính trị chỉ còn một nửa”. Chị Mimi, hướng dẫn viên du lịch trong chuyến tôi tới Pháp tháng trước, một buổi sáng đầy nắng, đã yêu cầu tôi hôn chị, bởi hôm đó là “Ngày của Mẹ”. Tôi hôn chị một cái lên má, hôn thêm một cái nữa lên trán, bởi hôm sau là “Ngày của Cha”. Chị cười ha ha khen tôi hài hước như một người Pháp.

Trong một cuộc họp báo quốc tế kết thúc hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Nga, ông V.Putin được một nữ ký giả BBC trẻ đẹp xin “qua đêm” với ông. V.Putin cười hô hô hoan nghênh ý tưởng tuyệt vời ấy, và đề nghị chị viết yêu cầu lên trang giấy nhỏ trao cho Thư ký báo chí của ông.

 

Nhà thơ trào phúng Yên Thao hôm rồi gọi điện cho tôi khoe mới làm một bài thơ có nhan đề “Ca-ve thời bão giá”, có câu: “Thượng vàng hạ cám đều lên giá / Riêng em vẫn đứng giá thế thôi”.

 

Lại có một truyện mini “Bí quyết sống lâu”. Có ba nhà báo mò lên tận cực Bắc tổ quốc nước tìm gặp một cụ ông để tìm hiểu bí quyết gì làm cho cụ sống lâu tới 162 tuổi. “- Có lẽ cụ không uống rượu?” Nhầm. Cụ uống một hơi hết túi rượu 5 phoòng (2 lít rưỡi). “- Hẳn cụ không hút thuốc?” Lại nhầm. Tẩu thuốc của cụ to như vỏ trái bầu khô, và khói thuốc cụ phả ra mù mịt như người Hà Nội nhóm lò than tổ ong. “Chắc chắn cụ không… có vợ?” Nhầm to. Xung quanh thung lũng có 24 ngọn núi là 24 bà vợ cụ ở. Ba nhà báo chụm đầu hội ý một câu hỏi thứ tư. Cụ giật mình hỏi:“- Các cháu làm gì đấy?” “- Chúng cháu hội ý ạ”. Cụ ngã ngựa té xỉu. Phun nước khoáng Lavie vào mặt. Xoa dầu cù là lên thái dương, cổ và ngực. Hô hấp nhân tạo. Cụ hé mắt tỉnh. “- Sao thế cụ?” Cụ thì thào “- Lão sợ hội ý lắm. 162 năm nay lão không hội ý một lần nào cả. Bí quyết sống lâu đấy”. Tên cụ là Lao Vo Tu (nghe như Lão Vô Tư). Dân tộc Thoai Mai (nghe cứ như Thoải Mái). Sống ở bản Khoong Ban Tam (nghe như Không Bận Tâm).

 

Ở Hà Nội có Câu lạc bộ “Xóm Cọ” của các họa sĩ vẽ tranh hài hước. Có cả Câu lạc bộ “Làng Cười” của các nhà thơ trào phúng. Các tờ báo, tạp chí đều dành góc dành trang cho thơ vui tranh vui. Đọc xong xem xong là cười. Tinh thần thư giãn. Quên phắt những phiền muộn trong nhà ngoài phố. Sinh thời nhà văn Nam Cao, nhân dân làng Vũ Đại đã sớm biết coi những lời chửi đổng chửi cả làng Vũ Đại của Chí Phèo khi gã say rượu, là chửi ai đó đã chừa mình ra. Ông cha ta đã biết hài hước với tiếng ngáy ngủ “o o” của vợ như một giai điệu yêu “ngáy cho vui cửa vui nhà”.

 

Vệ sinh tâm thần là thư giãn tuyệt đối. Hãy chủ động tạo một không gian thời gian thư giãn tuyệt đối. Khi có được những nơi những phút giờ như thế nhớ tắt máy điện thoại di động. Để chỉ có một mình với một mình thôi.

 

Khiếu Quang Bảo
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: “MaKeNo” đâu phải là cứu cánh

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân

Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân

(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.

VACNE 30 năm
Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI