Theo Luật thì mọi hoạt động trùng tu, tôn tạo hay khai thác… di tích phải có ý kiến của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, gần đây di tích này đã bị xâm hại, mà theo thông tin thì đã được sự đồng ý của chính quyền sở tại.
|
Cổng chính của chùa Dơi |
Ngày 8/1, chúng tôi có mặt tại chùa Dơi để tìm hiểu thực trạng di tích bị xâm hại, không chỉ chúng tôi mà nhiều người dân ở đây cũng tỏ ra đau xót về những gì đang diễn ra ở đây.
Đặt chân đến cổng chùa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một điểm phục vụ du lịch với đầy đủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn, bãi đậu xe... bề thế được xây dựng ngay trên phần đất của di tích, đối diện với cổng chùa chưa đầy 100m.
Qua tìm hiểu được biết đây là “khu du lịch” của Công ty cổ phần quốc tế Satraco đầu tư xây dựng. Năm 2011, Hội đồng Ban quản trị chùa Dơi do Đại đức Kim Rêne đại diện đã thực hiện một hợp đồng cho Công ty Satraco “mượn” quyền sử dụng đất thửa đất số 17, tờ bản đồ 41 của chùa có diện tích hơn 8.000m2 với mục đích làm điểm phục vụ du lịch, thời hạn cho mượn là 49 năm.
Phía Công ty hỗ trợ tiền cúng dường nhang, đèn cho chùa thành 5 đợt với giá trị 120 triệu đồng/đợt, mỗi đợt 10 năm. Ngày 13/12/2012, Công ty Satraco đã thực hiện “hỗ trợ” cho chùa trước 120 triệu đồng có biên bản xác nhận của các bên liên quan.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Thạch Sen, Phó Ban quản trị chùa Dơi thừa nhận đúng là như vậy! Về phía Công ty Satraco, ông Ngụy Bá Tùng, Tổng giám đốc cho biết: Không phải ngẫu nhiên chúng tôi lập dự án đầu tư khu du lịch, nhà hàng, khách sạn tại đây. Điều này đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép (?).
Dẫn chúng tôi mục sở thị phần đất cho thuê, ông Thạch Sen lý giải, đây là khu vực đất bỏ trống nhiều năm, nên chùa cho thuê để Công ty Satraco đầu tư xây dựng làm cho cảnh quan sạch đẹp, mở rộng đường sá để phục vụ du khách đến tham quan chứ không phải Công ty tự ý lấn chiếm đất của di tích? Tuy nhiên, việc xây dựng điểm phục vụ du lịch của Công ty Satraco đã phá vỡ khu vực cảnh quan của di tích; các hoạt động đưa đón khách, vui chơi giải trí, hát hò mỗi khi có tiệc tùng, đám cưới đã gây náo động cả chốn cửa thiền. Biết chúng tôi đến tìm hiểu thực trạng của di tích, một phật tử nói “Chùa bây giờ do công ty quản lý hết rồi”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi còn được biết, khoảng 1.000m2 đất của di tích cũng đã bị một hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa sinh sống nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương lại “ngó lơ” như không hề có chuyện gì. Đại đức Kim Rêne, trụ trì chùa Dơi cho biết, nhà chùa đã nhiều lần thưa với cấp chính quyền nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí nhà chùa tự bỏ tiền mua một khu đất mới với giá cả 100 triệu đồng để đổi cho hộ dân lấn chiếm, và hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhưng vẫn không nhúc nhích.
|
Công trình xây dựng đang thi công không phép trong khuôn viên di tích |
Bên trong khuôn viên chùa thì đang diễn ra công trình xây dựng, cải tạo lại tháp cũ, cảnh xe hơi đậu giữa sân chùa, người bán vé số tụ tập… vẫn diễn ra tự do dù trước cổng chùa có bảng thông báo
cấm tất cả các loại xe ô tô, xe gắn máy vào chùa,
cấm bán vé số, hàng rong… trước cổng và trong khuôn viên chùa.
Đau lòng hơn là số lượng đàn dơi trong chùa dần dần biến mất do bị giăng lưới, bắt bán cho các nhà hàng. Đại đức Kim Rêne than thở, không biết mai này dơi có còn không? Trước năm 2000 dơi ở đây rất nhiều, từ năm 2000 đến nay đã giảm khoảng 80% do nạn săn bắt.
Với những gì đang diễn ra, Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia chùa Dơi đang “gồng mình” gánh chịu sự xâm hại, lấn chiếm từ nhiều phía. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc trách nhiệm của chính quyền địa phương, là cấp được phân công quản lý các di tích trên địa bàn đối với Di tích Lịch sử- văn hóa có một không hai này.