Nhà vệ sinh công công đã chuyển thành tiệm sửa xe. Du khách có nhu cầu tìm tới đây sẽ được chỉ cho chỗ... đi bậy
Có thực tế, du khách nước ngoài đi du lịch tại Việt Nam cảm thấy rất khốn khổ bởi những chuyện “tế nhị” như chuyện… đi vệ sinh vì nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) quá thiếu. Chưa kể đến cách cư xử “hẹp hòi” của một số người Việt trong vấn đề này.
TPHCM là điểm thu hút du khách nước ngoài rất đông, thế nhưng nhắc đến NVSCC, nếu có nhu cầu thì tìm “đỏ con mắt” cũng chưa chắc thấy. Những ngày qua, phóng viên dạo khắp các ngả đường trong trung tâm TPHCM để tìm hiểu về các NVSCC mà theo phàn nàn của khách du lịch là rất thiếu và bẩn.
Tìm “đỏ mắt” không thấy nhà vệ sinh
Còn nhớ, NVSCC đã được thành phố cho lắp đặt rất nhiều từ 3 năm qua theo chương trình “Nếp sống văn minh đô thị”. Thế nhưng khi đi tìm nó thì lại không thấy, có nơi thì bị biến tướng thành nhà... ở. Theo thông tin từ Sở TN&MT, năm 2009 thành phố đã lắp thêm 150 NVSCC, thế nhưng để tìm được một NVSCC khi có “nhu cầu” có thể nói như là “mò kim đáy biển”.
Từ giao lộ Lý Thường Kiệt với đường 3/2 (quận 11) kéo dài đến đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), có chiều dài hơn 4 km nhưng tìm mãi chỉ có duy nhất NVSCC số 8, được đặt kế bên trường Nguyễn Thượng Hiền. Nếu người dân hoặc khách du lịch đi ngang đoạn đường này mà có nhu cầu “vệ sinh” tại NVSCC thì coi như... “bó tay”, bởi vì từ lâu, nhà vệ sinh này đã được “cải tiến” thành... tiệm sửa xe gắn máy.
Chúng tôi đề nghị người đàn ông chủ tiệm sửa xe ở đây cho tôi nhờ đi “vệ sinh”, thì chỉ nhận được cái xua tay và ông ta chỉ cho chúng tôi chỗ “trút bầu tâm sự” là nơi tập kết các xe lấy rác khu dân cư ngay gần đó. Ngay tại nơi tập kết các xe lấy rác, mùi hôi bốc lên nồng nặc vì có quá nhiều người dân chọn chỗ này làm nơi “giải quyết nỗi buồn”.
Ở khu phố cổ độc nhất tại TPHCM trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) thì chỉ có duy nhất một NVSCC, tuy nhiên chỉ có 2 phòng vệ sinh nhỏ, cả không gian lớn còn lại là dùng để kinh doanh, buôn bán. Mang tiếng là NVSCC nhưng với cách bố trí và hoạt động thì lại trông như là quầy hàng tạp hóa.
Trên đường Hùng Vương, kéo dài từ quận 5 đến quận 10, cũng chỉ có duy nhất một NVSCC ngay chợ An Đông, thế nhưng lại bị quây xung quanh là đủ loại hàng rong. Còn trên những tuyến đường khác thuộc các quận trung tâm TP như: đường 3/2, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ... thì không hề có NVSCC nào. Thực sự người dân hoặc du khách có “nhu cầu” cấp thiết thì quả là khó khăn để... thỏa mãn nhu cầu.
Đánh giá về NVSCC tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng: “Những NVSCC được lắp đặt từ 3 năm qua nhưng không phát huy được tác dụng, không thu hút, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thực tế vẫn có rất nhiều người dân “phóng uế” bừa bãi ngoài đường, như vậy rõ ràng là việc lắp đặt NVSCC là chưa hợp lý. Có nhiều NVSCC rất nhếch nhác, dơ bẩn, không chỉ là du khách mà cả người dân cũng rất ngại không dám vào vệ sinh. Vấn đề là phải làm đến nơi đến chốn, còn không làm thì thôi, chứ lắp đặt NVSCC xong bỏ đó, không quản lý chặt chẽ để nhếch nhác dơ bẩn thì làm sao người dân ủng hộ và hình ảnh du lịch Việt Nam hoàn toàn bị mất điểm. Tôi biết tâm lý của những du khách nước ngoài đến khách sạn, việc đầu tiên là họ xem nhà vệ sinh của khách sạn đó có sạch sẽ không. Đối với họ điều đó rất quan trọng”.
Du khách ngán ngẩm
Chị Nguyễn Thị Tình, một hướng dẫn viên chuyên hướng dẫn cho khách nước ngoài tại TPHCM nói: “Có rất nhiều du khách phàn nàn về NVSCC. Họ nói rằng, NVSCC của mình rất mất vệ sinh cho nên khi đi thăm thú các điểm du lịch họ cảm thấy không thoải mái. Họ còn nói về cách ứng xử của một số người Việt Nam trong chuyện này thì rất hẹp hòi. Thậm chí bản thân tôi khi dắt khách đi tour thường khuyên họ nên đi vệ sinh tại khách sạn trước khi bắt đầu chuyến đi”.
Theo chị Tình, việc một số du khách nói số ít người Việt Nam có quan điểm hẹp hòi trong chuyện “tế nhị” này là vì những nhà hàng, quán ăn, cửa hàng trên các tuyến đường chính không cho du khách đi “vệ sinh” nhờ. Trong khi đó ở nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức... khi có “nhu cầu” thì khách có thể thoải mái vào nhà hàng, khách sạn, cửa hàng “nhờ vả chuyện tế nhị ”
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, ở một số nước quanh ta, những nhà hàng, khách sạn, cửa hàng trên các tuyến phố chính bắt buộc phải cho khách bộ hành đi vào “vệ sinh”, đó là quy định.
Trong hội nghị quốc tế về xúc tiến du lịch vừa diễn ra tại TPHCM trung tuần tháng 9, hầu hết các công ty du lịch lữ hành, lãnh đạo các tỉnh đều nói Việt Nam còn thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng, chưa gắn kết giữa các tỉnh trong tổ chức tour... nhưng lại chẳng ai quan tâm đến cái NVSCC hết.
Trong tuần lễ văn hóa, du lịch Việt Nam được tổ chức tại Nhật Bản vừa qua đã có rất nhiều người Nhật từng du lịch ở Việt Nam cho biết, vịnh Hạ Long rất đẹp, ngoài ra còn có Nha Trang, Mũi Né... cũng đẹp mê hồn, nhưng cái NVSCC của các bạn thì quả là hiếm thì phải. Từ những thông tin này ta có thể làm tốt hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng các NVSCC để thu hút du khách đến Việt Nam.
Theo Thái Nguyên - Anh Đức
Thể thao & Văn hóa