»

Thứ năm, 21/11/2024, 23:32:10 PM (GMT+7)

Cổng Tam quan có phải là của riêng chùa? Tin ảnh

(20:38:15 PM 31/01/2013)
(Tin Môi Trường) - Vừa qua, UBND TP Quy Nhơn, Sở VH-TT-DL Bình Định, Phòng VH-TT thành phố Quy Nhơn đã triển khai công tác xây dựng, thiết kế Dự án “Tôn tạo đình Cẩm Thượng – TP. Quy Nhơn”. Trên cơ sở tham khảo cổng Tam quan của nhiều đình làng trong nước, cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định và TP. Quy Nhơn đã mời các kiến trúc sư vẽ thiết kế cổng đình, đồng thời mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, góp ý, bổ sung, điều chỉnh, thậm chí niêm yết để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, thông qua một số cơ quan báo chí, có tác giả cho rằng “cổng Tam quan chỉ gắn bó với chùa, không có cổng đình xây kiểu Tam quan”. Và như vậy, việc xây dựng cổng đình Cẩm Thượng là “đem cổng chùa cắm trước đình”. Nhằm rộng đường dư luận, TMT xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Viết Hiền xung quanh vấn đề này.


Cổng chùa Diệu Viên (Huế)

 

Tôi đã đọc bài viết “Dự án tôn tạo đình Cẩm Thượng (Quy Nhơn): Liệu có … đem cổng chùa cắm trước đình?” của tác giả Nguyễn Thanh Quang (Báo Bình Định số ra ngày 11.7.2011) và bài “Liệu có... đem cổng chùa cắm trước đình?” đăng trên PhatgiaoVietNam.Net (số ngày 17.07.2011). Đồng thời, tôi cũng đã đọc những “ý kiến qua lại” giữa ông Nguyễn Thanh Quang và ông Lê Ngọc Anh, Trưởng Phòng VH-TT Quy Nhơn (Báo Bình Định số ra ngày 29.7 và ngày 3.8.2011). Xung quanh việc xây dựng cổng đình Cẩm Thượng, tôi xin mạn phép được bàn và có đôi điều góp ý…

 

 

 

Tam quan chùa Bối Khê (Thanh Oai – Hà Tây) 

 

Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Tam quan là kiến trúc đầu tiên báo hiệu một ngôi chùa. Mang ý nghĩa Phật triết, Tam quan chùa thực chất là một tuyên ngôn Phật pháp..”; và “Để biểu hiện về ba lối nhìn mà kiến trúc này đã được chia ra thành: không quan, giả quan và trung quan. Không quan là lối nhìn cốt lõi chung của cả muôn loài, muôn vật, tức là nhìn về bản thể chân như. Giả quan là lối nhìn thấy muôn loài, muôn vật, có sinh ắt có diệt. Trung quan là cách nhìn trí tuệ, đi sâu vào ý nghĩa cứu cánh của đạo; hiểu sâu sắc về không và giả mà bước vào chính pháp, dẫn tới giải thoát”.  Thế rồi ông Quang kết luận: “Như vậy, rõ ràng Tam quan chỉ gắn bó với chùa, không có cổng đình hoặc đền xây kiểu Tam quan, mà chỉ xây kiểu nghi môn với ý nghĩa thực tế là cửa (cổng)”…   

 

 

           Tam quan đình làng Khúc Thủy (Đông Anh – Hà Nội)

 

Thực ra, về Tam quan có khá nhiều thuyết, nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau. Có thuyết cho rằng, Tam quan là "tam giải thoát môn" của Thiền tông gồm cửa Không (còn gọi là Không môn, Không Giải Thoát môn); cửa Vô tướng (còn gọi là Vô Tướng Môn); cửa Vô tác (còn gọi là Vô Tác Môn). Bên cạnh đó, cổng Tam quan chùa biểu tượng cho Tam Giải Thoát Môn để vào được Niết bàn. Do đó mà cổng chùa dù xây 01 cửa cũng vẫn gọi là Tam Quan hay Tam Môn. Điều đó cũng có nghĩa, không phải bất cứ cổng chùa nào cũng xây kiểu Tam quan. Ngược lại, đạo Cao Đài thì quan niệm "Tam quan là ba giác quan làm con người lạc lối”…

 


Tam quan đình làng Lệ Mật (Gia Lâm – Hà Nội)

 

Đối với cổng Tam quan chùa, trong 3 lối đi, thường thì cửa giữa lớn hơn hai cửa bên; vách cổng có thể là gỗ hay xây tường gạch hoặc đá; phía trên lợp mái; hai bên lối đi thường đắp câu đối, trán cửa ghi tên chùa… Tuy nhiên, không phải Tam quan chùa nào cũng giống nhau. Theo đó, có chùa dựng Tam quan bằng cách xây tường gạch (hoặc đá), nhưng có chùa lại xây theo kiểu tứ trụ. Nghĩa là, người ta dùng bốn trụ biểu, hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên để chia thành ba lối đi; phía trên nối liền bốn trụ biểu là xà cách điệu làm trán cổng. Đơn cử như Tam quan chùa Quốc Ân (Huế). Trong khi đó, có chùa làm cổng Tam quan với quy mô 2-3 tầng mái, hoặc xây cả gác bên trên (ví dụ như Tam quan chùa Thiên Mụ - Huế)… Đáng lưu ý, cũng là chùa, song không ít chùa lại không xây dựng Tam quan với 3 cửa, mà thực hiện “biến thể kiến trúc” khá đa dạng, phong phú. Chẳng hạn, cổng chùa Diệu Viên ở Huế; chùa Thập Tháp (An Nhơn - Bình Định); chùa Dậu (Hà Tây – Hà Nội); chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho – Tiền Giang)… chỉ có 1 cửa; trong khi đó Tam quan của chùa Sét (Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai – Hà Tây cũ) lại có tới … 5 cửa. Và, điều cần lưu ý, theo các nhà nghiên cứu, cũng là chùa nhưng đối với các nước không thuộc Phật giáo Thiền tông thì không xây cổng Tam quan làm lối vào chùa….

 

 

 

Tam quan chùa Quốc Ân (Huế)  

 

 

Hai là, theo ông Nguyễn Thanh Quang, “Tam quan chỉ gắn bó với chùa, không có cổng đình hoặc đền xây kiểu Tam quan”; “cổng đình làng là nghi môn, còn Tam quan là cổng chùa!”. Không biết ông Quang dựa vào đâu mà lại kết luận võ đoán như vậy? Bởi lẽ, như trên đã đề cập, có khá nhiều cách hiểu, cách lý giải về cổng Tam quan. Hơn nữa, thực tế là trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, cổng Tam quan đã được “Việt hóa” và được áp dụng ở rất nhiều đền, đình, miếu, đạo quán, thánh thất, dinh thự, phủ, cổng thành, và cả… trường học. Chỉ riêng ở đất nước ta cũng có thể thấy vô vàn đình, đền, miếu, thánh thất, dinh thự… có cổng được xây dựng theo lối Tam quan. Không phải như ông Quang khẳng định “không có cổng đình hoặc đền xây kiểu Tam quan”, ở đây, tôi xin đơn cử một số cổng Tam quan của các công trình, di tích đã tồn tại bao đời nay trên đất nước ta, như sau: Đền Hùng (Phú Thọ); đền Bà Triệu (Thanh Hóa); đền Kiếp Bạc (Chí Linh – Hải Dương); đền Quan Thánh (Hà Nội); đền Trần (Bãi Sậy - Hưng Yên, thờ Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn)… Về đình thì đơn cử như Tam quan của các đình: Thổ Hà (Bắc Giang); Cổ Loa (Thanh Oai - Hà Nội); đình làng Lỗ Giang (Cẩm Lệ - Đà Nẵng); đình làng Khúc Thủy (Đông Anh – Hà Nội); đình làng Tri Thủy (Ninh Chữ - Ninh Thuận); đình làng Vạn Phúc (Hà Nội); đình làng So (Quốc Oai – Hà Tây cũ); đình làng Phú Nhi (Sơn Tây); đình làng Phú Hội (Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận); đình làng Mộ Trạch, đình làng Vạn Niên (Hải Dương); đình làng Lệ Mật (Gia Lâm – Hà Nội), đình làng Phước Hòa (Tam Kỳ - Quảng Nam); đình làng Trường Thọ (Thủ Đức – TP. Hồ Chí Minh)…

 

 

 Tam quan lăng Võ Tánh (thành Hoàng đế - An Nhơn)

 

Ngoài ra, còn có thể ví dụ về Tam quan của các công trình, di tích, như: Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội); Phủ Đức Quốc công (Huế); Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc); cổng Tam quan lăng Võ Tánh (di tích thành Hoàng đế - An Nhơn – Bình Định); Châu Thành (Rạch Giá); Trường Quốc Học Huế; Thánh đường Giáo xứ Đa Minh - Ba Chuông (TP. Hồ Chí Minh); dinh Thầy Nhím (Hàm Tân – Phan Thiết)… Đặc biệt, như trên đã đề cập, Thánh thất Cao ĐàiTây Ninh có tới… 13 cổng Tam quan chung quanh. Bởi lẽ, theo đạo Cao Đài thì "Tam quan là ba giác quan làm con người lạc lối”. Nhân đây, cũng xin “giới thiệu” với ông Quang về sự “giao thoa văn hóa” giống nhau đến mức “kỳ lạ” giữa kiến trúc cổng Tam quan chùa Quốc ÂnHuếcổng Tam quan lăng Võ Tánh (di tích thành Hoàng đế - An Nhơn – Bình Định). Theo đó, cả 2 cổng Tam quan này đều được thiết kế theo kiểu tứ trụ….  

 

Như vậy, có thể thấy, cổng Tam quan không phải “của riêng chùa”, mà từ lâu đã được sử dụng đối với nhiều công trình kiến trúc đền, đình, miếu, dinh, thánh thất… Điều đó cũng có nghĩa, việc tôn tạo, xây mới cổng đình làng Cẩm Thượng theo kiến trúc cổng Tam quan là “việc làm bình thường”, không có vấn đề gì phải “bàn cãi to tát”. Và, theo tôi thời gian qua UBND TP Quy Nhơn, Sở VH-TT-DL, Phòng VH-TT thành phố Quy Nhơn triển khai công tác xây dựng, thiết kế Dự án “Tôn tạo đình Cẩm Thượng” trên cơ sở tham khảo cổng Tam quan của các đình làng trong nước, đồng thời mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng với ngành chức năng của tỉnh, thành phố góp ý, bổ sung, điều chỉnh, thậm chí niêm yết để lấy ý kiến nhân dân là rất cẩn trọng và trách nhiệm.

VIẾT HIỀN (Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Hội viên Hội sử học Bình Định)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Ý kiến bạn đọc về: Cổng Tam quan có phải là của riêng chùa?

  • Trần Văn Hảo (09:54:02 AM 19/11/2014)Gọi tên cho đúng

    Theo tôi, không lệ thuộc vào mấy lối vào lối ra, mà chủ yếu là tên gọi cho đúng với hình thức tín ngưỡng hay tôn giáo mà thôi, nếu gọi không chính xác thì thành ra "nói chữ" không đúng cách. Cũng hình thức cái cổng như thế, nhưng ở chùa thì gọi nó là tam quan, còn ở các các cơ sở tín ngưỡng (đình, miếu, nhà thờ tộc...) thì gọi nó là Nghi môn. Dĩ nhiên trên tam quan có thể có hoa sen, bánh xe luân hồi... còn ở Nghi môn có thể là hình ngọn lửa hoặc 2 con nghê, con lân...như các cơ sở tín ngưỡng truyền thống của dân tộc

  • Huynh Quoc Hoi (21:23:22 PM 19/12/2015)Tam quan khac voi Nghi mon

    http://hoiktsquangnam.blogspot.com/2013/08/khi-nao-cong-tam-quan-khi-nao-la-nghi.html

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cổng Tam quan có phải là của riêng chùa?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9

Làng Vạn Lộc tổ chức Lễ đón nhận Cây di sản Việt Nam vào đúng ngày Quốc khánh 2/9

(Tin Môi Trường) - Hòa chung với niềm phấn khởi tự hào của nhân dân cả nước đón chào Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), nhân dân làng Vạn Lộc, xã Xuân Phong (được sát nhập thành xã Xuân Giang từ ngày 01/9/2024), huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định long trọng tổ chức lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.

VACNE 30 năm
 Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Đa hơn 250 năm tuổi trong khuôn viên Đình làng thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được chính quyền và nhân dân long trọng tổ chức Lễ cong nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 24/4/2024.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI