Di sản xanh » Kiến trúc xanh
Cánh cung Đông Triều và núi Yên Tử
(12:53:13 PM 14/06/2012)
Cánh cung Đông Triều nằm trên địa phận các tỉnh và thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng. Xuất phát từ hệ thống núi giáp biên giới Việt - Trung vào Việt Nam theo hướng đông bắc - tây nam, dọc theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn, khi tới phía nam Quảng Ninh thì vòng sang hướng đông - tây, đến đoạn cuối thì chếch theo hướng đông đông nam - tây tây bắc, trên ranh giới hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.
Các đỉnh núi lớn ở cánh cung Đông Triều được cấu tạo bằng đá phun trào rhyolite. Các đỉnh cao nhất là núi Khoáng Nam Châu Lãnh, cao 1.507m và núi Cao Xiêm, cao 1.330m. Phía nam của cánh cung thấp hơn phía bắc; có các đỉnh cao đáng kể là núi Yên Tử và núi Am Váp. Vùng đồi đá phiến giữa hai dãy Nam Mẫu và Bình Liêu có độ cao tương đối đồng đều, chừng 200-300m, một số điểm cao 500m. Xen giữa vùng này là một vài lòng chảo giữa núi ở hai bên các sông Phố Cũ và sông Ba Chẽ.
Yên Tử là tên một dãy núi lớn nằm trong cánh cung Đông Triều và nổi tiếng bởi cả lịch sử tôn giáo và cảnh quan. Đỉnh cao nhất của Yên Tử là 1.068m, án ngữ ngay cửa ngõ Đông Bắc của đồng bằng Bắc Bộ nên Yên Tử có dáng vẻ đồ sộ bề thế. Sườn núi tương đối dốc nhưng có tính phân bậc nên tạo ra những bậc thang thiên tạo. Thời tiết trên đỉnh núi mát lạnh bởi sự chênh lệnh nhiệt độ so với đồng bằng phía chân núi vào mùa hè lên đến 6oc. Những dòng suối cắt sâu vào lòng núi được cấu tạo bởi luân phiên các lớp đá thấm nước và lớp đá không thấm nước tạo nên những dòng thác bạc.
Tượng An Kỳ Sinh trên Yên Tử. Ảnh: Quốc Huấn |
Con đường lên đỉnh Yên Tử giống như một hành trình thưởng ngoạn các dáng vẻ địa hình. Các tầm cao được nâng dần, tầm mắt mỗi lúc một mở rộng. Ở độ cao hơn 800m có một khối đá tự nhiên giống hình một đạo sĩ, đó là tượng An Kỳ Sinh. Đi lên nữa gặp bia Phật, một tảng đá phẳng dựng lên một tấm bia thiên tạo. Từ đây đi len lỏi qua các khối đá tảng có hình thù kì dị là tới độ cao 1.068m, điểm cao nhất của Yên Tử, mây bay rập rờn, gió thổi lồng lộng. Yên Tử còn có một tên khác là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) bởi hầu như quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trắng.
Sinh vật và cảnh quan trên đỉnh Yên Tử có nhiều điều kỳ thú, ở đây có loài sú cổ sinh, gốc to, ngọn thắt lại, thân cây sần sùi, lá cây lưa thưa, có lông. Các khối đá đồ sộ trên núi còn in ngấn sóng biển bào mòn và còn bắt gặp một số vỏ sò, vỏ ốc trong các hốc đá, các vết tích chứng tỏ rằng vùng Yên Tử trước đây đã từng ở rất gần biển.
Hiện đã thống kê được ở Yên Tử có 262 loài thực vật, trong đó có 56 họ thực vật thân gỗ. Trong số đó có nhiều loại gỗ quý hiếm như lim xanh, gụ, thông nàng, kim giao. Nhiều cây thuốc quý như ba kích, xuyên khung, đẳng sâm, nhiều loài phong lan và cây cảnh quý như trà mi, đỗ quyên, ngát hương, mai vàng.... Đặc biệt nhất là những rừng trúc bạt ngàn, tạo ra một nét riêng cho Yên Tử. Trúc ở Yên Tử mọc dày, ken vào nhau, thân và lá xanh thẫm, mỗi khi gió thổi, rừng trúc tạo những âm thanh khác thường. Rừng trúc là nét đặc sắc nhất của rừng Yên Tử. Chính những rừng trúc bạt ngàn đã mang danh tính vào một tông phái của đạo Phật: Tông phái Trúc Lâm.
Trên đường lên Yên Tử còn bắt gặp những hàng tùng 700 tuổi. Hiện ở Yên Tử còn 274 cây tùng cổ thụ với 3 loại chính là thanh tùng, thuỷ tùng và xích tùng, trong đó xích tùng là loại đặc biệt quý hiếm, vân gỗ đỏ như son. Ngoài ra, Yên Tử còn là nơi có nhiều loài chim cư ngụ như cu xanh, cu đất, chào mào, cà cưỡng, cò lửa...
Về lịch sử, từ xưa Yên Tử đã được coi là một ngọn núi linh thiêng. Theo Hán thư, thời nhà Hán có một người tên là An Kỳ Sinh đã đến Yên Tử để tu hành và luyện đan tại đây. Sau khi đắc đạo, An Kỳ Sinh đã nhập vào một hòn đá trên đỉnh Yên Tử, đó chính là tượng An Kỳ Sinh.
Thời nhà Lý, trên Yên Tử đã có chùa. Nhà sư nổi tiếng nhất thời kì này là thiền sư Thiện Quang. Vua Lý Huệ Tông đã nhiều lần đưa lễ vật đến mời sư về kinh đô nhưng nhà sư nhất quyết không rời Yên Tử.
Vị vua đầu nhà Trần, Trần Thái Tông năm 1237 đã đến Yên Tử để yết kiến nhà sư Phù Vân. Nhà vua có ý định từ bỏ ngai vàng để đi tu hành nhưng do sức ép của thái sư Trần Thủ Độ và lời khuyên của sư Phù Vân nên vua đã quay về kinh đô. Hơn 60 năm sau (1299), theo bước ông nội, vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông đã lên Yên Tử tu hành. Nhà vua đã cho xây dựng hàng loạt chùa tháp trên núi Yên Tử, chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật và đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, trở thành vị sư tổ thứ nhất của dòng thiền. Nối pháp Trần Nhân Tông là thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang. Núi Yên Tử trở thành một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng bậc nhất của cả nước...
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
- Những tòa nhà chọc trời bằng bùn giữa lòng Yemen
- Thành phố của những thác nước
- Làng cổ gần 700 năm đẹp như tranh
- Dùng dằng Mã Pì Lèng
- Trùng tu ngôi đình hơn 100 tuổi, giữ nguyên hai cây bồ đề độc đáo trên nóc
- Quần thể đền thờ nằm dưới tảng đá khổng lồ
- Công viên có thể tự di chuyển
- Phát động cuộc thi thiết kế nhà an toàn trong bão lụt
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.
Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
(Tin Môi Trường) - Di tích lịch sử mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.