Di sản xanh » Kiến trúc xanh
Hải đăng Cù Lao Xanh: “Người đẹp trăm tuổi” trên tem Việt
(09:15:55 AM 24/01/2013)Hải đăng Cù Lao Xanh
Bí ẩn Hải đăng Cù Lao Xanh
Hải đăng Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu - TP. Quy nhơn được xây dựng từ khi nào? “Lý lịch” của ngọn hải đăng này ra sao thì ít người biết. Ngay cả cơ quan chủ quản đèn biển cũng không có hồ sơ đầy đủ về hải đăng Cù Lao Xanh. Rất may mắn, trong một chuyến đi điền dã, sưu tầm, nghiên cứu ở xã đảo Nhơn Châu, chúng tôi đã sưu tầm được một bài vè khá dài. Qua bài lục bát này, chúng tôi đã cơ bản xây dựng được lịch sử hình thành, xây dựng hải đăng Cù Lao Xanh…
Ðến Nhơn Châu, từ ngoài khơi nhìn vào, ngọn hải đăng Cù Lao Xanh sừng sững trên độ cao 120m, uy nghi giữa trời mây. Năm 1890, từ sự kiện một chiếc tàu thủy bị chìm vì đâm phải Hòn Cao (đá ngầm) thuộc khu vực biển Quy nhơn, thực dân Pháp đã quyết định xây dựng ở Thanh Châu (tên gọi cũ của Nhơn Châu) một ngọn hải đăng, đặt tên là Plogam Bir (Cù Lao Xanh). Ðây là một hòn đảo rộng chừng 3,5km2 . Mục đích của người Pháp xây dựng ngọn đèn biển ở Cù Lao Xanh là để hướng dẫn tàu, thuyền ra, vào Cảng Quy nhơn được thuận tiện, an toàn. Thế rồi, theo lệnh của Tòa Khâm sứ Pháp, tất cả quan lại các tổng, huyện đã thực hiện việc bắt dân các xã (mỗi xã 5 người) ra Thanh Châu làm phu xây dựng hải đăng Plogam Bir : Không đi thì chẳng đặng nào/Có đi thì sợ ba đào, lênh đênh…
Hải đăng Cù Lao Xanh là một sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc Ðông - Tây ; vừa mang “hơi thở” của trường phái kiến trúc Gô-Tich, vừa có dáng dấp kiến trúc phương Ðông. Kết cấu của hải đăng gồm 4 phần chính, phân bổ hài hòa, hợp lý. Tầng dưới cùng là bậc thang gồm 32 bậc, xây bằng gạch vồ. Vào trong lòng tháp, ta đi lên một cầu thang lượn xoắn ốc là tới tầng chính, nơi để đèn. Ban đầu, đèn dùng bằng gas, vòng quay phải dùng bằng một quả tạ cơ năng làm cho đèn quay. Năm 1957, đèn được thay thế bằng điện (công suất bóng 1000W). Phần trên là một hệ thấu kính, ở giữa đặt một bóng đèn. Năm 1984, đèn lại được thay bằng một hệ thống mô-tơ từ trường. Mô-tơ này điều khiển mâm quay. Mâm quay cấu tạo nhiều lỗ tròn dùng để hạ định tốc độ, được điều khiển bằng một bán dẫn điện tử làm cho tốc độ luôn luôn cố định. Chu kỳ của vòng quay là 12 giây : gồm 3 tia ngắn, 1 tia dài (vì vậy ở xa ta mới thấy đèn nhấp nháy). Tính từ chân tháp lên đỉnh, hải đăng Cù Lao Xanh cao 19m, nhưng vững chắc, kiên cố vì toàn bộ được xây bằng đá tảng lớn (tường dày hơn 1m). Hiện nay, hải đăng Cù Lao Xanh được xếp vào loại hiện đại nhất Việt Nam.
“Người đẹp trăm tuổi” trên tem Việt
Bộ tem Hải đăng Việt Nam.
Song song với việc xây dựng hải đăng Cù Lao Xanh, những người thợ còn xây dựng ở cạnh đó một công trình khá đặc sắc là khu nhà của viên quan ba Pháp. Tòa nhà này gồm 2 tầng, rộng 10m, dài 40m, có 16 phòng. Tòa nhà xây dựng bằng gạch vồ, tường dày tới gần nửa mét và nền móng xây bằng đá tảng rất kiên cố. Ðặc biệt, ở đây có một hệ thống dự trữ nước mưa không bao giờ cạn. Trên tầng sân thượng là một hệ thống hứng, dẫn nước mưa. Nước chảy xuống nhiều ống (có lưới gạt, lọc bụi, rác). Khi nước chảy xuống bể sâu ở tầng hầm cuối cùng thì vô cùng sạch và nước rất ngon. Bể chứa nước rộng 4m, dài 9m, cao 2,5m. Ðáng lưu ý là do biết chọn vị trí khoa học, biết tạo dáng kiến trúc hài hòa với cảnh quan nên “các tác giả vô danh” đã tạo cho tổng thể hải đăng Cù Lao Xanh một vẻ đẹp riêng : vừa hoành tráng, vừa nên thơ, đảm bảo cả hai tiêu chuẩn công năng và thẩm mỹ. Từ tầng cao của hải đăng có thể bao quát tầm nhìn rộng lớn. Xét về mặt quân sự, vị trí này hết sức lợi hại. Về yếu tố thẩm mỹ, ai có dịp lên hải đăng Cù Lao Xanh một lần, không thể không ngây ngất trước cảnh sương sớm, bình minh trên biển, hoàng hôn chín đỏ… Và, vào những đêm trăng rằm thì hải đăng Cù Lao Xanh chẳng thua gì “chốn bồng lai tiên cảnh” .
Chính từ giá trị lịch sử và nghệ thuật, hải đăng Cù Lao Xanh của Quy nhơn - Bình Ðịnh đã trở thành biểu tượng đẹp của hải đăng Việt Nam. Riêng đối với giới nghệ sĩ, thi nhân, hải đăng Cù Lao Xanh được nhiều người nhắc đến trong những sáng tác của họ. Ðặc biệt, hải đăng Cù Lao Xanh là 1 trong 4 hải đăng được ngành Bưu điện chọn in thành bộ tem HẢI ÐĂNG VIỆT NAM. Bộ tem do nữ họa sĩ Nguyễn Thị Sâm thực hiện, gồm 4 hải đăng tiêu biểu của Việt Nam là: Cù Lao Xanh, Cần Giờ, Vũng Tàu, Long Châu. Ðây là bộ tem thứ 630. Bộ tem có mã số từ 2436 đến 2439. Trong đó, con tem hải đăng Cù Lao Xanh xếp ở vị trí đầu tiên (2436). Tiếp đến là các tem: Hải đăng Cần Giờ (2437); hải đăng Vũng Tàu (2438); hải đăng Long Châu (2439). Ngày 14/06/1992, bộ tem số 630 - HẢI ÐĂNG VIỆT NAM chính thức được phát hành và trở thành bộ tem quý của “những người đi tìm cái đẹp”.
…Ðất bằng súng nổ cái đùng
Khi không đèn điện nứt bùng làm ra
Ðời ông cho chí đời cha
Bây giờ mới thấy điện mà cù lao
Bởi vì tàu bị Hòn Cao
Ðịa đồ họa sót chỗ nào lộng, khơi
Nhìn xem cuộc núi giữa trời
Ðể làm đèn chiếu khắp nơi xa, gần…
Bài vè trên do chúng tôi sưu tầm được đã ra đời và lưu truyền hàng trăm năm nay. Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, tên tuổi của những người thợ - “những nghệ sĩ vô danh” có thể bị phai mờ theo năm tháng (?). Song, ngọn hải đăng Plogam Bir - Cù Lao Xanh (Nhơn Châu - Quy nhơn) vẫn sừng sững, uy nghi “thi gan cùng tuế nguyệt”. Và, đêm đêm, từ Nhơn Châu xa xa “những tín hiệu xanh” từ “đôi mắt” của người đẹp trăm tuổi vẫn ẩn hiện diệu kỳ…
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
- Những tòa nhà chọc trời bằng bùn giữa lòng Yemen
- Thành phố của những thác nước
- Làng cổ gần 700 năm đẹp như tranh
- Dùng dằng Mã Pì Lèng
- Trùng tu ngôi đình hơn 100 tuổi, giữ nguyên hai cây bồ đề độc đáo trên nóc
- Quần thể đền thờ nằm dưới tảng đá khổng lồ
- Công viên có thể tự di chuyển
- Phát động cuộc thi thiết kế nhà an toàn trong bão lụt
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.
Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
(Tin Môi Trường) - Di tích lịch sử mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung, H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.