Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Nghịch lý giữa quy định pháp luật và trình trạng thực thi
Rất nhiều cá thể tê tê còn sống bị tịch thu -Ảnh: ENV
"Ngày 05/02/2014 ENV đã gửi thông tin đến các cơ quan báo chí, truyền thông về thực trạng xử lý vi phạm và xử lý tang vật đối với tê tê vàng và tê tê Java – hai loài tê tê được nâng mức độ bảo vệ lên cao nhất theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, trong đó có trích dẫn ví dụ mới nhất về trường hợp xử lý 42 cá thể tê tê Java của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 01/02/2014.
Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã phản hồi về vụ việc này qua bài báo“Bắc Ninh phản ứng về thông tin bán đấu giá động vật hoang dã” trên Báo điện tử Vietnamplus ngày 06/02/2015 tại đường dẫn http://www.vietnamplus.vn/bac-ninh-phan-ung-ve-thong-tin-ban-dau-gia-dong-vat-hoang-da/306590.vnp. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh cho rằng hành vi thanh lý 42 cá thể tê tê Java trong vụ việc trên là đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng 42 cá thể tê tê được định dạng là loài tê tê Java thuộc nhóm IIB theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Do “tình trạng sức khỏe của các cá thể tê tê ốm yếu, không có cơ sở khoa học để xác định được có nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên” và áp dụng quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ-CP nên “tang vật của vụ vi phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 160/2013/NĐ-CP”.
ENV có một số phản hồi với các luận điểm mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh đưa ra trong bài báo trên như sau:
Theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Danh mục ban hành kèm theo Nghị định này, tê tê Java là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB - nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, vào năm 2013, Nghị định 160/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2014) đã liệt kê cả hai loài tê tê của Việt Nam trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (vui lòng xem trang 23, Nghị định 160/2013/NĐ-CP được đính kèm). Theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định 160/2013/NĐ-CP thì “Chế độ quản lý đối với loài thuộc Danh mục động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được xác định là loài ưu tiên bảo vệ được áp dụng theo quy định tại Nghị định này”. Do đó, chế độ quản lý đối với tê tê Java phải được áp dụng theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP, kể cả vấn đề xử lý tang vật bị tịch thu đã được quy định rõ ràng tại Điều 14 Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh cho rằng “tang vật của vụ vi phạm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 160/2013/NĐ-CP” là vì “không có cơ sở khoa học để xác định được có nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên” và trích dẫn Điều 1 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về việc Nghị định này không điều chỉnh đối với “việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng, cấy nhân tạo loài thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và việc trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu mua bán, cho, tặng, vận chuyển loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng phục vụ mục đích thương mại.”
ENV cho rằng việc đưa ra vấn đề “nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên” trong trường hợp này thể hiện hiểu biết còn rất hạn chế của các cán bộ thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD của tỉnh Bắc Ninh. Bởi lẽ nếu đây thực sự là những cá thể tê tê Java có nguồn gốc gây nuôi thương mại từ các trang trại hợp pháp và có giấy phép vận chuyển hợp lệ thì các cá thể tê tê này cần được trả lại cho chủ sở hữu theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế là cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã tịch thu các cá thể tê tê Java nói trên. Điều đó chứng tỏ đối tượng đã không thể chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng tê tê được vận chuyển. Trong trường hợp tê tê Java bị vận chuyển trái phép thì việc xác định “nguồn gốc gây nuôi hay từ tự nhiên” là không cần thiết bởi lẽ việc xử lý tang vật đối với loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bị tịch thu sẽ phải áp dụng các quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP.
Mặt khác, việc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh trích dẫn Điểm a, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 157/2013/NĐ-CP liên quan đến xử lý tang vật động vật rừng còn sống sau khi tịch thu là không đúng quy định của pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 157/2013/NĐ-CP đã nêu rõ “Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính.” Tuy nhiên, như ENV đã phân tích trong thông tin gửi báo chí ngày 05/02/2015, các vi phạm đối với loài tê tê phải được áp dụng quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xử lý và do đó việc áp dụng văn bản về xử phạt vi phạm hành chính để xử lý tang vật trong vụ việc hình sự là không đúng quy định của pháp luật.
Đồng quan điểm với ENV, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết: “Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm thực thi Điều 190 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, các hành vi vi phạm đối với các loài động vật thuộc Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160 /2013/NĐ-CP sẽ phải xem xét, xử lý hình sự theo quy định tại Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 1999.” Bà Nhàn nhấn mạnh: “Tê tê là loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2013, theo đó các hành vi vi phạm đối với tê tê phải được xem xét, xử lý hình sự theo Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2009."
Để xử lý tang vật là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như tê tê Java theo đúng quy định của pháp luật, cần áp dụng quy định tại Điều 14 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về Cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng. (Vui lòng xem trang 14, Nghị định 160/2013/NĐ-CP được đính kèm). Theo đó, “các loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, sau khi xử lý tịch thu còn khỏe mạnh thì cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp; trong trường hợp không đảm bảo điều kiện để thả lại nơi sinh sống tự nhiên do bị thương, bị bệnh thì đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc”. Biện pháp bán tang vật không được áp dụng đối với loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Như vậy, trong trường hợp 42 cá thể tê tê Java đang bị ốm, yếu như trường hợp tại tỉnh Bắc Ninh, những cá thể này cần được đưa đến các cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc mà không được “bán” như Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành.
Trước khi xảy ra sự việc, ENV đã nhiều lần gửi khuyến cáo đến các cơ quan chức năng trên cả nước trong đó có tỉnh Bắc Ninh để hỗ trợ các cơ quan này hiểu và áp dụng đúng quy định pháp luật liên quan đến hai loài tê tê của Việt Nam. Đáng tiếc là, trong sự việc này Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh vẫn áp dụng sai lệch các quy định của pháp luật trong việc xử lý tang vật liên quan đến tê tê. Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, ENV sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành nhằm phản ánh việc áp dụng pháp luật bảo vệ ĐVHD của cơ quan chức năng địa phương."