Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Sang Nam Phi để tìm hiểu về hậu quả của nạn tiêu thụ sừng tê giác
>>Đoàn Việt Nam tìm hiểu về những nỗ lực bảo tồn tê giác tại Nam Phi
>>Tận mắt chứng kiến hiện trường tê giác bị giết hại
Xác cá thể tê giác xấu số
Cá thể tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam đã bị giết hại tại vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn bị coi là một trong những thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới. Các băng nhóm tội phạm quốc tế dường như hoạt động ngoài vòng pháp luật, chúng giết hại tê giác tê giác dã man để lấy sừng tại Nam Phi sau đó buôn lậu sừng tê giác về Việt Nam và Trung Quốc để tiêu thụ. Tại Việt Nam, một bộ phận trong xã hội không những coi sừng tê giác là thần dược mà còn sử dụng sừng tê giác như một cách thể hiện đẳng cấp cá nhân. Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam đã và đang gây ra mối đe dọa lớn tới sự tồn vong của các loài tê giác tại Nam Phi và các quốc gia khác.
Trong khoảng thời gian tại Nam Phi, đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thăm Vườn Quốc gia Kruger, nơi quần thể tê giác bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nạn buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia. Khoảng 60% tê giác bị giết hại tại Nam Phi bị săn bắn trộm tại chính nơi đây.
Hồng Nhung chia sẻ: “Tại vườn Quốc gia Kruger, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng nhất, xác một cá thể tê giác bị bọn săn trộm giết hại, sừng của cá thể tê giác xấu số đã bị bọn săn trộm lấy đi và bỏ lại xác của nó dần thối rữa trong bụi rậm”. Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Kruger, cá thể tê giác xấu số này là một trong số chín cá thể tê giác bị giết hại tuần trước đúng vào dịp trăng tròn, thời điểm mà bọn săn trộm hoạt động mạnh nhất.
Hồng Nhung khẳng định: “Nạn thảm sát tê giác vô nhân tính cần phải được chấm dứt, nếu không thì loài động vật dũng mãnh này sẽ phải chịu chung số phận tuyệt chủng với tê giác một sừng của Việt Nam. Tôi kêu gọi cộng đồng cùng với tôi chấm dứt nạn thảm sát này.”
Theo thống kê, hàng chục người quốc tịch Việt Nam đã bị bắt tại Nam Phi và các quốc gia khác vì có liên quan tới các vụ buôn lậu sừng tê giác, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Điều này đã khiến cả thế giới hướng "sự chú ý" vào Việt Nam, buộc tội Việt Nam vì đã gây ra nạn thảm sát này.
“Hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế đã bị ảnh hưởng xấu chỉ vì hành động của một nhóm nhỏ người tiêu thụ sừng tê giác, hoặc trực tiếp tham gia giết hại tê giác và buôn lậu sừng tê”, Bà Vũ Thị Quyên – Giám đốc điều hành, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết. “Mỗi người Việt Nam nên có trách nhiệm trong việc ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác bằng cách chỉ rõ cho những người tiêu thụ sừng tê giác thấy rằng: thật nực cười khi nghĩ việc sử dụng sừng tê giác sẽ làm cho họ trở nên đặc biệt”.
Bà Quyên bình luận thêm: “Nếu những người tiêu thụ sừng tê giác nhìn vào gương họ có thể tự cảm nhận rằng mình là người quan trọng; tuy nhiên, nếu họ nhìn vào bàn tay mình, họ nên thấy bàn tay họ cũng đã bị vấy máu vì dù trực tiếp hay gián tiếp họ đang "tiếp tay" cho sự tàn sát. Không chỉ vậy, họ còn "tiếp tay" hủy hoại tự nhiên và lòng tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn CÓ THỂ chiến thắng trong cuộc chiến này nếu chúng ta kêu gọi cộng đồng và xã hội phản đối những người sử dụng sừng tê giác, tố cáo những kẻ buôn lậu và đảm bảo rằng các tên "trùm buôn bán" bị đưa ra trước vành móng ngựa.”