Không tính hết khả năng kháng chấn
TS Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, theo số liệu đo đạc thì có thể khẳng định vết nứt ở đập thủy điện Sông Tranh 2 là do động đất kích thích gây ra. Động đất kích thích sinh ra do hoạt động của con người như xây dựng, đào lấp. Động đất này thường xẩy ra ở các hồ chứa, đập thủy điện.
Khi có một cột nước vài trăm mét ép xuống lòng hồ sẽ làm đảo lộn hoạt động địa chất phía dưới. Khi đó sẽ tạo nên xung động đất dù ở mức độ trung bình, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến nhà cửa, công trình trong khu vực đó.
Cũng theo ông Phương, đặc điểm của động đất loại này là khả năng nhắc lại theo chu kỳ. Nếu tiến hành đo đạc thường xuyên thì hoàn toàn có thể dự báo được chu kỳ tiếp theo.
Theo số liệu đo đạc thì thủy điện Sông Tranh đã từng phải hứng chịu những trận động đất kích thích khoảng 3 độ rích te. Người dân xung quanh đây cũng đều phản ánh là đã nhiều lần nghe thấy tiếng nổ và rung lắc nhẹ kèm theo.
Có thể khi thiết kế thi công, người ta đã không khảo sát tốt khả năng kháng chấn của đập. Biểu hiện là khi thân đập nứt ra và rỉ nước mạnh đến 30 lít/giây. Như vậy khả năng kháng chấn của đập là rất thấp.
Xây dựng trạm địa chấn
Về lý thuyết thì hoàn toàn có thể dự báo được động đất kích thích, nhưng hiện ở Sông Tranh 2 Viện Vật lý Địa cầu không có bất kỳ một số liệu quan trắc nào. Để dự báo được thì phải tiến hành đo địa chấn hàng ngày, từ đó tính toán đến khả năng và chu kỳ lặp lại. Để giải quyết vấn đề này thì cần phải đầu tư máy móc, thiết bị đặt các trạm địa chấn gần đó để có số liệu cụ thể.
Nói về khả năng vỡ đập, ông Nguyễn Hồng Phương cũng cho rằng khả năng này sẽ không cao nhưng nếu không dự báo được các trận động đất tiếp theo thì thân đập sẽ bị yếu và không loại trừ việc bị vỡ.
Được biết ở Sông Tranh 2 hiện cũng chưa có một trạm địa chấn nào và cũng chưa có cơ quan nào đặt vấn đề quan trắc động đất vừa và nhỏ tại đây.