Chất độc cấm đang được sử dụng trong chăn nuôi- Ảnh minh họa
Người tiêu dùng không thể không giật mình khi các nhà chuyên môn nói rằng những gói “Super tạo nạc” chứa một loại
chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi hầu như khắp thế giới; các loại hóa chất tăng trọng, tạo nạc nếu được dùng thường xuyên sẽ gây hại cho sức khỏe con người, với các triệu chứng ngộ độc như run cơ, tim đập nhanh, thần kinh bị kích thích nhiều giờ hoặc nhiều ngày, mà đáng lo nhất là những người bị bệnh tim mạch. Cụ thể hơn, khi ăn phải thịt heo chứa chất này, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú; đàn ông có thể bị u nang tinh hoàn, dãn tĩnh mạch dịch hoàn…
Bên cạnh mối đe dọa từ chất tăng trọng, tạo nạc trôi nổi ngày càng nhiều và dường như không thể kiểm soát được, người tiêu dùng còn phải đối mặt với vô số trò ảo thuật biến thịt hư thối thành những “món ngon vật lạ” chào mời các nhà hàng, quán nhậu. Ít ai biết rằng thịt heo chết, heo bệnh sau khi ngâm tẩm bằng loại hóa chất tẩy trắng sẽ trở thành thịt tươi, rồi ướp thêm gia vị theo công thức nào đó để cho ra thịt đà điểu. “Kỳ công” hơn, loại thịt heo lẽ ra phải hủy ngay lập tức lại được các chủ cơ sở chế biến thành thịt heo rừng bằng một số kỹ thuật không quá khó… Các thực khách nhà hàng cầu kỳ hay dân nhậu bình dân có khi nào tự hỏi mình đã từng là nạn nhân của “trò lừa ẩm thực”?
Đáng lưu ý hơn khi cơ quan chức năng ở TPHCM còn ghi nhận những lô thịt gà, lòng gà đã bốc mùi có điểm đến là các chợ ven trường học, kể cả ở Làng Đại học Thủ Đức -TPHCM. Có thể hình dung thịt gia súc, gia cầm loại này đang len lỏi, trôi dạt khắp nơi, bởi theo một quan chức ở Chi cục Thú y TPHCM thì lượng thịt hư hỏng các loại được phát hiện tại TP thời gian qua chỉ là con số nhỏ, rất nhỏ. Vậy nên cũng không khó xác định trong điều kiện vật giá đua nhau tăng như hiện nay, hơn ai hết, nhiều anh chị em công nhân, nông dân, sinh viên xa nhà và người nghèo nói chung vẫn sẽ là nạn nhân của những con buôn mất hết lương tâm.
Không thể để kéo dài tình trạng này khi sức khỏe một bộ phận không nhỏ người dân bị xâm hại từng ngày, chất lượng sống suy giảm, nguy cơ mắc phải bệnh hiểm nghèo treo lơ lửng. Sự mất mát đó - đôi khi rất nghiêm trọng - đòi hỏi phải có hình phạt thật tương xứng đối với những kẻ trục lợi trên sức khỏe người khác và cả người bao che, thay vì chỉ xử phạt hành chính như hiện nay. Chỉ có như vậy mới hy vọng xóa bỏ được trò lừa mất nhân tính ấy.