(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Trang vietbao.com có bài “Rượu ngâm sừng tê giác - thức uống của triệu phú” còn trang anninhthudo.com ví nó “giống như một chiếc xe sang”.
Đường Quang Trung thuộc quận Gò Vấp của TP Hồ Chí Minh là một con đường nối dài nóng nực, bụi, bẩn và ồn ào của đường Hai Bà Trưng, nơi có quán Vascos tại Quận 1. Tôi chở người phiên dịch trên chiếc Honda Wave ra khỏi Quận 1, vòng vèo qua những hố cống thoát nước giữa đường và hàng chục nghìn xe Honda khác phóng lên vỉa hè cùng những người đi bộ và những hàng quà xe đẩy.
Với vận tốc 25km/h, chúng tôi đi qua những cửa hiệu với những biển hiệu đỏ vàng bụi bặm và không biết bao nhiêu ngõ ngách có những biển chỉ dẫn màu xanh. Những tấm biển chỉ dẫn trông giống như những …mê cung của những con hẻm thiếu ánh sáng giữa những căn nhà ống bốn tầng xây bằng gạch. Chúng được gọi là nhà ống vì sự nhỏ hẹp và lối thiết kế này ra đời do tại TP Hồ Chí Minh tỉ lệ nhà đất tính theo chiều rộng của mặt tiền nên các ngôi nhà trở thành hình ống hơn là hình vuông.
Chúng tôi đi từ từ để tìm một văn phòng ở địa chỉ 64/331 đường Quang Trung, phường Gò Vấp. TP HCM nổi tiếng vì cách đánh số nhà và đường Quang Trung là con đường điển hình nhất. Tất cả các cửa hàng đều đề địa chỉ đầy đủ trên biển hiệu nhưng lại không theo một thứ tự nào cả - ví dụ số 12 lại ở cạnh số 2048, rồi đến số 311. Thật là điên rồ.
Do việc đánh số lung tung này nên chúng tôi quyết định tìm con số Phường 12 trên biến hiệu thay vì số nhà. Nhưng cũng không có tác dụng vì ba ngôi nhà liền kề lại có số phường khác nhau 10,11 và 12. Thậm chí còn không theo thứ tự. Địa chỉ trên trang web không có ích, có khi lại là địa chỉ sai.
Tôi đề nghị phiên dịch của tôi, anh Giang gọi theo số điện thoại ghi trên trang web để được hướng dẫn đường đến cửa hàng. Người phụ nữ ở đầu dây bên kia liến thoắng “Sao anh lại muốn đến văn phòng chúng tôi? Chúng tôi không có hàng. Chỉ cần gọi điện rồi đại diện từ Sapa của chúng tôi sẽ đến tìm anh”. (Trang web có nói công ty này có trụ sở ở Sapa, tỉnh Lào Cai, miền Bắc Việt Nam).
Sau đó Giang hỏi về chiếc sừng tê giác đăng trên trang web; người phụ nữ trên điện thoại nhanh nhảu nói họ không trữ hàng (mặc dù nó được rao bán giá rẻ trên web với giá 74,000,000VND tức khoảng 3,500USD). Chị ta nói rõ là chúng tôi không thể đến văn phòng nhưng nếu chúng tôi đưa địa chỉ thì một người ở Sapa sẽ liên hệ với chúng tôi.
Chúng tôi lái xe chầm chậm sát lề đường ngược xuôi con đường một vài lần để tìm con hẻm như đã ghi và gần đụng xe hai lần do rất khó nhìn được số nhà khi đang đi trái. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm thấy hẻm 64. Nhưng hẻm 64 chỉ dài 10m và sau đó rẽ nhánh ít nhất là 10 lần nên chúng tôi đi vào từng ngách cho đến khi thấy mình đang đi theo vòng tròn. Nhà trong hẻm cũng được đánh số lung tung như ngoài mặt đường Quang Trung nhưng cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra nhà số 331 (hoặc ít nhất là con số 331).
Nhưng không ai ở đó biết nhà số 331A là nhà nào hoặc văn phòng kia ở đâu. Nếu có biển hiệu thì chắc chắn nhà đó cũng không ở gần và khi chúng tôi gọi lại hỏi đường thì người phụ nữ tỏ ra nghi ngờ hơn và tức tối nói rằng chúng tôi không được tìm đến văn phòng của chị ta.
Việc chúng tôi có mặt ở đó nhanh chóng lan truyền và tạo ra một sự khó chịu dễ nhận thấy nhưng chúng tôi tiếp tục dò hỏi những người xung quanh và chủ của một cửa hiệu nhỏ nhưng cũng vô ích. Nửa tiếng sau, cảm thấy khát khô vì nóng và khói bụi xe máy, chúng tôi ướt đẫm mồ hôi và mệt rã rời, ngồi xuống chiếc ghế nhựa gấp của cửa hàng và gọi hai lon coca uống và quyết định ra về. Địa chỉ ghi trên web hoặc là giả hoặc là chúng tôi đang ở nơi rất xa với nó mà không cách nào tìm được.
Chúng tôi có được số điện thoại của người phụ nữ kia chỉ bằng cách tìm kiếm sừng tê giác trên trang Google. Kết quả tìm kiếm cho ra 20 tin rao bán, chủ yếu trên các trang mua và bán. Nhiều tin đã cũ ngoại trừ trang web có đăng một chiếc sừng nguyên vẹn cực kì lớn là còn cập nhật.
Trang web là của một công ty tự nhận là đăng kí ở Sapa với Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Lào Cai giáp biên với Trung Quốc. Trên đó có ghi địa chỉ văn phòng, địa chỉ email, số điện thoại, tên và chi tiết tài khoản ngân hàng.
Trang web cũng đăng bán các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép khác như cao hổ và cao khỉ. Theo Nghị định 32 của Chính phủ Việt nam thì tất cả những sản phẩm rao bán này đều trái phép và các Bộ, ngành và cụ thể trong trường hợp này là UBND TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực thi quy định này. Trong cuộc họp các nước thành viên của CITES lần thứ 15 diễn ra tại Doha, Việt Nam cũng đã tuyên bố việc cấm quảng cáo các sản phẩm ĐVHD.
Trong suốt tháng tiếp theo tôi đã hỏi tất cả những người bạn Việt Nam mà tôi biết về sừng tê giác. Dường như nó được sử dụng rộng rãi hơn là ta tưởng. Thậm chí vị nhạc sĩ quá cố nổi tiếng của Việt Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được coi như Bob Dylan của Việt Nam bởi những ca khúc phản kháng của mình cũng đã từng sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh tiểu đường theo lời của lái xe của bạn tôi. Hồi đó còn rất khó mua được sừng tê giác.
Người lái xe biết được chuyện này là do anh ta là người thường xuyên tìm mua sừng tê giác cho Trịnh Công Sơn cách đây hơn 10 năm. Anh ta mua tại một hiệu thuốc đông y tại khu người Hà Nội trong TP HCM.
Anh ta cho biết người chủ cửa hàng còn giúp mài sừng thành bột bằng cách mài chiếc sừng vào nắp của chiếc lu đựng nước. Sau đó họ trộn bột với nước trong một chiếc đĩa thành một dung dịch màu trắng sữa và đổ vào chai nhựa nhỏ để bán.
Một vài ngày sau khi nói chuyện với anh lái xe, tôi hẹn gặp một người bạn Việt Nam đi ăn bánh ngọt. Đó là một quán café ngoài trời ở đường Hàn Thuyên, Quận 1 nhìn ra chiếc cổng đã bị xe tăng lính Bắc nghiền nát ở cuối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Cô bạn tôi Nga sinh trường trong một gia đình quyền quý tại Sài gòn và hiện đang làm đại diện bán hàng cho một công ty nước ngoài. VÌ ba của cô hoạt động trong giới quyền lực nên tôi nghĩ Nga có thể biết gì đó về sừng tê giác. Tôi nói là tôi đang tìm người buôn lậu sừng tê giác vào Việt Nam và hỏi nều cô ấy có biết thông tin gì không.
Ban đầu cô ấy nói không biết nhưng sau một lúc lâu, cô ấy quyết định kể cho tôi nghe một câu chuyện.
Thì ra ba của Nga đã từng đến thăm một người bạn giàu có và bà đã mời ông xem một thứ đặc biệt trong phòng bà và thề phải giữ bí mật.
Trong phòng bà ta là bảy chiếc sừng tê giác mà bà nói là đem từ Nam Phi về. Nga nói bà ấy đã tự mình mang chúng về Việt Nam trót lọt qua Hải quan và rằng đã được thu xếp từ trước nhờ có mối quan hệ. Nga nhấp một ngụm café và cho biết rằng bà ta cực kì lo sợ khi cất giữ những chiếc sừng này do đó bà yêu cầu ông phải giữ bí mật.
Nga nói rằng nếu không có các mối quan hệ thì việc lén đưa sừng tê giác về nước là không thể. “Người thường thì không thể làm được” bởi vì điều đó là “bất hợp pháp”.
Tôi hỏi “Sao bà ta lại muốn những chiếc sừng đó”?
Và câu trả lời là “Vì nó rất hiếm và đắt”.
Đột nhiên Nga thấy hối hận vì đã kể cho tôi. Câu nói sau đó của Nga chứng tỏ những sự thật nào đó bị nhũng nhiễu ở Sài Gòn. Nga nói với tôi “anh hãy quên câu chuyện này đi vì nhiều người có thể bị hại; nhà báo có thể bị hạit” và nếu tôi viết bài thì “Tôi sẽ luôn phải canh chừng phía sau lưng”. Theo lời cảnh báo này mà trong những cuộc phỏng vấn tiếp theo tôi không giới thiệu mình là nhà báo nữa mà viện những cớ khác (như bố tôi bị ung thư hoặc tôi muốn nghiên cứu về thuốc đông y) để giải thích về mối quan tâm của mình với sừng tê giác. Trong lần gặp sau đó, tôi cố gắng lấy thông tin từ Nga nhưng điều vô ích.
Cũng trong buổi tối hôm đó tôi cùng một người bạn và bạn gái anh ta ( một phụ nữ Việt sở hữu một công ty ở Đài Bắc) ở một nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ có tên Warda trong một con hẻm nhỏ của đường Mạc Thị Bưởi. Diễm rất phóng khoáng nên sau một vài hơi shisha tôi đã hỏi cô ấy về sừng tê giác. Cô ấy (dù không biết vì sao tôi lại hỏi) rất hào hứng kể rằng cô ấy mới thử dùng nố lần đầu tiên ở một bữa tiệc tất niên ở nhà mẹ cô ấy ở Quận Gò Vấp gần sân bay.
Cô ấy kể chuyện đó cũng giống như việc dùng một chất bất hợp pháp trong một bữa tiệc. Bạn của cô đã mời gia đình và bạn bè thân thiết tới dùng sừng tê giác mà anh ta nhận được trong một thương vụ làm ăn.
Trong phòng riêng, anh đưa mọi người xem một đoạn sừng tê giác mà theo lời cô ấy là tròn như một lon bia và cao khoảng 2cm. Anh ra cũng cho mọi người xem một hòn đá mài nhỏ và mài chiếc sừng, trộn bột với nước và chia vào những chiếc cốc nhỏ.
Cô tiếp tục kể khi người phục vụ đổ thêm các viên than mới vào ống shisha. Người đàn ông có chiếc sừng tê giác là một người kinh doanh ô-tô và có được chiếc sừng từ một khách hàng như một phần trong khoản thanh toán chiếc xe mới tương đương khoản tiền 5000USD. Nói cách khác, nó được sử dụng như tiền. Cô cho biết sừng tê giác làm đàn ông “khỏe” (cường dương) và tốt cho làn da của phụ nữ.
Cô cũng dùng thử và nói mọi người đều rất ấn tượng và tò mò muốn tham gia trong sự kiện bất ngờ này. Diễm nói thêm rằng mẹ cô, người mà sau đó tôi cũng đã gặp - một người dễ mến và vui vẻ, không hề lo lắng về việc sử dụng bất hợp pháp sừng vì bà có mối quan hệ với Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội.
Với mối quan hệ như thế này thì mẹ cô có thể làm “bất cứ việc gì bà muốn”. Diễm cười lớn và nói là cố sẵn lòng kiếm cho tôi nếu tôi muốn và sau đó họ đổi đề tài.
Một cách hồn nhiên, người phụ nữ sành điệu này tiếp tục kể câu chuyện lê thê mà tôi từng nghe ở Việt Nam về sự cuống tín của người Việt đối với thứ đội tên Đông y.
Cách đây 10 năm cô ta và gia đình mình đã lên Đà Lạt, một thành phố ở Tây Nguyên để uống máu của một con gấu mới chết. Sau đó một thành viên trong gia đình cô, khoảng 20 tuổi đã bị ốm sau chuyện đó. Cô tả lại hình ảnh máu chảy xuống cằm của mọi người và nói họ uống hết từng giọt máu của con gấu con đó.
Trong số các câu chuyện mà tôi được nghe có chuyện kể về một người đàn ông “nuôi” một con mèo đen để ăn thịt, óc và ruột nó rồi dùng da và xương ngâm rượu làm thuốc bổ chữa trị đau lưng. Một người đàn ông khác ở tỉnh Kontum nói rằng ăn bột xương khỉ giúp người bệnh lấy lại sức khỏe nhanh sau khi bị ốm.
Và còn nhiều chuyện khác nữa…Cũng vào cuối tuần đó, tôi gặp một nhà báo nữ từ Hà Nội và cô cho biết sừng tê giác rất “phổ biến” ở thủ đô. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cả một chiếc sừng. Người ta chỉ mang một đoạn trong túi của họ. Tôi được biết là nó chữa được nhiễm độc. Chỉ cần sắc với nước uống, sau 10 phút là khỏe lại”.
Một buổi tối tôi tình cờ đọc được một bài bài về một người phụ nữ kinh doanh dịch vụ cho thuê bếp gần bệnh viên chữa ung thư lớn nhất ở TP HCM, bệnh viện Ung Bướu ở Quận Bình Thạnh.
Bài báo viết chỉ cần trả một khoản phí nhỏ, người nhà bệnh nhân có thể nấu ăn tại bếp thuê thay vì phải mang thức ăn từ nhà hoặc mua ở quán. Tôi muốn tìm hiểu xem liệu sừng tê giác có được mua bán trao đổi trong bệnh viện ung thư này không nên tôi đã tìm gặp người phụ nữ này.
Cảm giác đầu tiên khi gặp người phụ nữ đó là sao bà ta lại bẩn thế. Rõ ràng bà ta đã không tắm hoặc thay quần áo nhiều ngày và thay vì là một bà thánh thì bà ta trông giống như một nô lệ kiệt sức vì công việc. Mặc dù căn bếp chỉ có một ụ gạch đen xì và hai chiếc bếp than, thậm chí không có bồn rửa và ghế ngồi thì vẫn có một vài khách hàng.
Bà ta nói rằng những người tuyệt vọng sau khi đến viện chữa bệnh không khỏi đã dùng sừng tê giác nhưng cũng không chữa được ung thư và dù sừng giả hay thật thì cũng lãng phí tiền bạc. Chứng kiến những người bệnh phát hiện bệnh muộn và không chữa khỏi bà nhận thấy những người nghèo này luôn hi vọng vào một phương thuốc thần kì và là nạn nhân của những kẻ độc ác buôn bán sừng tê giác kiếm ăn trên những người bệnh. Một người đàn ông bị bệnh máu trắng đang luộc lá đu đủ, một bài thuốc khác được cho là chữa được ung thư.
Người phụ nữ đưa cho tôi một bản sao của một bài báo khiến người đàn ông đó tin vào bài thuốc kia; thật ngạc nhiên đó là một tờ báo người Việt ở Úc.
Khi mới bị phát hiện bị máu trắng, anh ta đã mua một mẩu sừng tê giác với giá 4 triệu đồng ở biên giới Campuchia, gần bằng 2 tháng lương của anh ta và dùng nhưng không có tác dụng.
Người đàn ông cho biết anh ta cứ tưởng là chiếc sừng đó là thật (vì các dân tộc thiểu số ở vùng núi biên giới Việt Nam là nguồn đáng tin cậy cung cấp thuốc đông y từ cả thực vật và động vật) nhưng sau khi sử dụng thì anh nghĩ nó là giả. Cái nghèo đã thực sự làm tàn tạ tinh thần của anh ta. Chúng tôi đều phải nhăn mặt khi anh ta uống nước luộc lá đu đủ còn nóng hổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nước đang phát triển nhìn chung đều có một hệ thống y tế thích hợp để đối phó với các căn bệnh truyền nhiễm hơn là bệnh ung thư nên căn bệnh K gây ra nhiều tổn thất hơn tại các nước đphát triển. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ vì bệnh nhân ít được tiếp cận với trị liệu bằng tia X-quang hay hóa trị liệu và thầy thuốc lâm sàng được đào tạo bài bản thì còn ít.
Người nghèo (và cả người giàu) chỉ trông cậy vào các bệnh viện công, mà phần lớn đều cũ kĩ, quá tải, hoặc dựa vào các bài thuốc dân gian như lá đu đủ, hay các bệnh viện y học cổ truyền hoặc các thầy lang.
Một báo cáo năm 2010 của CITES (Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vât nguy cấp) cho biết khi hoạt động tại Việt Nam, Ban thư ký CITES nhận thấy rằng nhu cầu ngày càng lớn đối với sừng tê giác một phần là do “người ta tin rằng sừng tê giác có thể ngăn ngừa bệnh ung thư”.
Niềm tin này có thể bắt nguồn từ tin đồn rằng một Cán bộ cấp cao của Việt Nam đã chữa khỏi bệnh ung thư nhờ sừng tê giác.
Tiến sĩ Ulrike Streicher nói ở Đà Nẵng một phần công việc thường xuyên của cô ở Đông Dương là về hoạt động buôn bán ĐVHD. Cô cho biết “Internet là một mối đe dọa cực kì lớn. Nó làm cho một thứ của địa phương và nhỏ bé có thể được toàn cầu biết đến”.
Streicher còn nói “Thuốc đông y có hiệu nghiệm. Nhưng sự nguy hiểm ở chỗ kiến thức này lại được truyền miệng”.
“Khi con người dùng thuốc đông y mà không dựa vào kiến thức mà dựa vào đồn đoán thì thông tin sẽ bị pha tạp”.
Scheicher đưa ra một số ví dụ để chứng tỏ cho quan điểm của cô về việc thông tin vị bóp méo ra sao và việc tin đồn làm tăng nhu cầu ra sao.
Ở Việt Nam có một loài cây tên là linh sam, loài cây này có một cục bướu ở trên ngọn, cái bướu này trông giống như một một bông sen to được tạo bởi những sợi râu màu nâu. Những sợi râu này đã được y học chứng minh là có thể cầm máu.
Những sợi râu này được gọi là lông culi vì nó trông giống lông của một loài linh trưởng quý hiếm tại Việt Nam tên là culi. Chính vì cái tên này mà người Việt Nam tin rằng lông của loài vật cực kì nguy cấp kia cũng có tác dụng cầm máu.
Những lời đồn từ Trung Quốc? Không, chúng xuất phát từ Internet.
Câu chuyện thứ hai mà Streicher kể thậm chí còn kỳ quặc hơn. Nó kể về một loài động vật móng guốc lớn của châu Á với chiếc sừng hình xoắn ốc. Loài động vật này cực kì quý hiếm và các nhà khoa học chưa từng nhìn thấy chúng. Những nhà động vật học quan tâm đến chúng đã tìm mua những chiếc sừng vô cùng đắt đỏ đó tại những hiệu thuốc đông y để giám định và cuối cùng đã đưa ra tuyên bố về một loài mới có tên gọi là Linh Dương (Pseudonovibus Spirals).
Ở Campuchia nó có tên gọi là Khting Vor. Sau này người ta chứng minh rằng chẳng có loài động vật nào như thế tồn tại cả. Chiếc sừng đã được làm giả từ sừng bò. Kĩ năng của những người thợ chế tác thật tuyệt vời!.
Những “con đường thuốc” tại Chợ Lớn, quận 5 hay tại khu người Hoa bày bán rất nhiều những sản phầm từ động vật hoang dã như sừng, móng vuốt, răng nanh, chim, kỳ đà và rắn. Từ những cửa hiệu bán thuốc những gói cây thuốc khô được bày bán tràn ra cả đường với mùi thuốc đông y rất đặc trưng.
Những cửa hàng này bán hàng tấn các loại thảo dược một năm, một số có nguồn gốc địa phương, một số được lấy từ các bản làng dân tộc thiểu số, và một số được nhập từ Trung Quốc. Chỉ cần đi một lúc trên những con phố mà khách du lịch thường lui tới sẽ có thể nhanh chóng nhận thấy hàng tá các loại sản phẩm từ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bày bán bất hợp pháp. Một cửa hàng nổi tiếng trên con đường chính còn trưng bày cả một chiếc sừng tê giác giả trong quầy kính thu ngân. Hành động này có thể bị phạt tới 7 năm tù theo luật pháp Việt Nam. Chủ của hiệu thuốc đó, hiệu thuốc Thuốc Bắc An Phát này có thái độ vô cùng thản nhiên. Ông ta nói rằng bởi vì ông ta không thể mua được sừng tê giác thật nên ông ta phải đành chấp nhận bán sừng giả mua từ Campuchia được làm từ sừng trâu.
Muốn mua sừng tê giác phải có mối quan hệ
Nếu bạn muốn mua sừng tê giác thật bạn phải có mối quan hệ. Tôi đã gặp Thảo, một chủ cửa hàng làm tóc, qua một người bạn chung của chúng tôi tại cửa hàng café nổi tiếng Highlands Coffee trên đường Lê Lợi, quận 1.
Lần thứ hai gặp nhau, tôi hỏi cô ta về sừng tê giác. Cô ta nói rằng bác cô đã mua một vài lần cho ông cô uống. Ông của Thảo lúc đó bị ung thư, ông cô ta đã chết. Bác của Thảo là công nhân tại bến tàu tại Cảng Sài Gòn, ông ta “có quen biết một vài người”.
Tôi nói với Thảo là tôi muốn mua sừng tê giác vì bố tôi cũng đang bị ung thư và sừng tê giác không được bán ở Úc; cô ta nói rằng cô ta rất sẵn lòng giúp tôi. Thảo gọi cho bác của mình và ông ta nói rằng ông ta sẽ đặt hàng. Bác của Thảo gọi lại và nói với chúng tôi rằng những người ông ta quen biết tại Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang không còn hàng.
Ông ta nói rằng ông ta sẽ kiếm ở nơi khác nhưng nó sẽ có giá khoảng 35 triệu/gram, nhưng ông ta không thể đảm bảo nó là hàng thật. Bác của Thảo chỉ đảm bảo sừng tê giác là hàng thật khi ông ta mua nó từ những người quen biết ở sân bay, những người mà ông ta đã từng mua của họ trước đây.
Từ thời điểm bác của Thảo mua sừng tê giác cho ông của cô ta, các nhân viên tại sân bay Nội Bài tại Hà Nội và Tân Sơn Nhất tại TP Hồ Chí Minh đã tham gia vào những khóa tập huấn của Interpol, Cục cảnh sát Môi trường Việt Nam và cơ quan CITES. Khóa học đã hướng dẫn cho những nhân viên hải quan hệ thống pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, ảnh hưởng của việc buôn bán trái phép, nhận dạng động vật hoang dã và những mánh khóe buôn lậu. Không biết có phải không nhưng tôi đoán rằng đây có thể là lý do mà vào lúc tôi hỏi mua họ không thể cung cấp hàng.
Việt Nam có hai loại thuốc cổ truyền: đó là Thuốc Nam, những vị thuốc Nam sử dụng những nguyên liệu thảo mộc trong nước và Thuốc Bắc, đó là những vị thuốc bắt nguồn từ Trung Quốc với nhiều nguyên liệu và cách thức chế biến phức tạp hơn.
Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều sừng tê giác Nam Phi, nhưng ngược lại với Việt Nam, chính phủ Trung Quốc vin vào cớ là sừng tê giác có thể chữa được bệnh và nước này cũng đang tìm cách đảm bảo nguồn cung cho thị trường đang lớn mạnh này. Theo trang web rhinoconservation.org, trong năm 2008, Dự dán nghiên cứu khoa học mềm: Phát triển những nghiên cứu về thuốc đông y đã đề xuất một dự án gây tranh cãi đó là dự án thành lập trại nuôi tê giác, dự án này đã hoàn toàn phá vỡ những giới hạn được quy định trong CITES.
Quay lại với Việt Nam, việc buôn bán sừng tê giác khá phổ biến nhưng lại có vẻ bí mật hơn. Những kẻ buôn bán và nhập khẩu thường dấu tên và ẩn mình trong bóng tối của sự hối lộ và trong các ngõ hẻm như mê cung trong khi chúng dựng lên những câu chuyện đã có hàng triều đại nay về sừng tê giác như là một biểu tượng của đẳng cấp ở châu Á, của khả năng tăng cường tình dục cho nam giới và mới đây còn là phương thuốc thần kì chữa ung thư.
Họ thổi phồng nó trên internet để cho tầng lớp trung lưu đang lên như anh chàng kinh doanh ôtô mang trong mình những mẩu sừng trị giá 5000 USD và coi chúng như thuốc phiện. Thật điên rồ khi nhu cầu về sừng tê giác đã giết chết toàn bộ số tê giác tại Việt Nam, trong khi số tê giác bị giết trộm ở Nam Phi trong năm 2011 đã tăng đến một con số chưa từng có, 429 con, tăng gần 100 con so với con số 333 con bị giết năm 2010. 14 thợ săn đã bị tử hình, 180 người kể cả người Việt Nam đã bị bắt tại Nam Phi vào năm ngoái nhưng vẫn chưa một vụ bắt giữ nào được tiến hành tại Việt Nam để ngăn chặn nạn săn bắn này.
Tác giả: Michael Smith; 15/2/2012
http://www.groundreport.com/Business/The-Saigon-Horn-Part-2/2944288
Bảng dịch Anh – Việt do WCS Việt Nam dịch.