Giao lưu trực tuyến
Vùng nước sâu, đường chữ U và thực thi chủ quyền biển
(16:50:20 PM 13/07/2011)Không vì Vinashin mà "quên" luôn chuyện hàng hải
Nhà báo Huỳnh Phan: Nhiều người nói thực ra chúng ta không có truyền thống chinh phục biển bằng thuyền buồm lớn. Nhưng, như người ta nói, đi chinh phục biển quan trọng nhất là xác định tọa độ và sự phối hợp nhịp nhàng, cố kết, kết giữa các thành viên của hải đoàn.
Chúng ta đang cố tiến ra biển. Có thể ở đây sự so sánh có thể chưa thật khớp, nhưng tôi vẫn cứ mạnh dạn nêu ra. Thứ nhất về toạ độ, đó là hành lang pháp lý. Thứ hai, về sự phối hợp nhịp nhàng, cố kết, đó là một cơ quan nhà nước đủ thẩm quyền để phối hợp các cơ quan, bộ phận liên quan tới biển, với nhau.
Khi chúng ta đề ra chiến lược biển, đây đó người ta có nói tới việc thành lập một bộ kinh tế biển. Vậy mà sao lâu nay lại chưa thực hiện được?
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Về thiết chế tổ chức có hai mối quan hệ.
Thứ nhất là quan hệ theo cấu trúc dọc, tức là việc chịu trách nhiệm trực tiếp, hoặc giải quyết nhanh chóng và trực tiếp không lòng vòng qua các khâu trung gian khi có những tình huống, sự việc cần xử lý ngay.
Thứ hai là mối quan hệ theo cấu trúc ngang, trong đó cơ chế phối hợp quản lý liên ngành trở thành yếu tố động lực. Đối với biển, hiện nay chúng ta có tới khoảng 15 bộ, ngành có trách nhiệm quan tâm đến quản lý biển. Đó là chưa kể các lĩnh vực đi kèm, các dịch vụ cho nó, cũng có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ được giao, gắn với việc khai thác biển, quản lý nó bằng cả chính sách và luật pháp.
Việc quản lý như thế, trên thế giới gọi là quản lý theo ngành, và hạn chế của nó là tồn tại những mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình khai thác, sử dụng biển, hải đảo và vùng ven biển.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi- Ảnh Lê Anh Dũng |
Vì hệ thống tài nguyên biển là hệ thống tài nguyên chia sẻ, không của riêng ai. Ví dụ như vịnh Hạ Long, hay vịnh Nha Trang, ta không thể nói là vịnh thuộc Bộ ngành nào mà thuộc rất nhiều Bộ ngành. Như vậy cái "nồi cơm Thạch Sanh" và cái mâm cơm này nhiều người cùng ngồi ăn, ta phải làm sao cho mọi người cùng được ăn mà không hết. 15 bộ ngành quản lý biển, nhưng lại chưa có bộ ngành nào thay mặt Nhà nước quản lý tổng hợp và thống nhất vấn đề đó.
Chính vì thế, cần phải có một cơ quan nhà nước đủ mạnh, thì cơ quan đó có phải là cấp Cục hay Tổng cục như hiện nay không? Tác động ngang của các ngành đòi hỏi phải có một thiết chế theo trục dọc nữa để chịu trách nhiệm trực tiếp hơn, đủ sức mạnh và uy lực giải quyết các mối quan hệ ngang như vậy. Ví dụ, thực tế hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam của chúng tôi không có quyền nói bên Tổng cục Thuỷ sản và các ngành liên quan đến biển khác nghe theo được. Nhưng nếu bây giờ có một tổng cục, hoặc là một bộ, trực thuộc Nhà nước, có thể ra chính sách, pháp luật,..., thì mới giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả thực sự được. Chẳng hạn, ở Trung Quốc Tổng cục Đại dương (SOA) là cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện.
Còn ở Việt Nam ta, hễ cứ động đến vấn đề gì lại phải chờ, phải hỏi. Ngay như cấp tổng cục bây giờ là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng muốn tiếp cận những thông tin ngoài thông tin mình tự làm ra cũng là rất phức tạp. Nếu cơ chế phối hợp không tốt thì hiệu quả hoạt động sẽ rất bị hạn chế. Đây là do cấp độ thể chế, nhất là biển là vấn đề phức tạp.
Phương thức quản lý tổng hợp ra đời cần hiểu là sẽ không thay thế quản lý của các Bộ, ngành, nhưng quản lý mọi vấn đề khai thác, sử dụng biển thì phải thống nhất trên mọi phương diện, có thế mới có kỷ cương.
Vấn đề khác là cần tổ chức lại không gian kinh tế biển theo cách gọi là "phân vùng và quy hoạch sử dụng không gian theo chức năng". Từ chức năng, thấy rằng, trên đất liền chỉ việc phân chia quỹ đất cho các ngành quản lý, nhưng nguồn tài nguyên theo không gian biển thì lại chồng lớp theo cấu trúc "hình hộp", không chỉ tài nguyên lớp bề mặt biển, mà còn theo tầng nước, bề mặt đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Từng giai đoạn phát triển sẽ xác định lộ trình ưu tiên cho ngành nào sử dụng loại tài nguyên nào để phát triển trước, ngành nào phát triển sau, nó đảo chiều phù hợp để thực hiện chiến lược.
Ví dụ như ở nước Úc, tại Công viên biển quốc tế dài khoảng 2000 km, rộng mấy chục km, mà tại đây họ phát hiện dầu mỏ, nhưng ở thời điểm hiện tại họ chỉ khai thác thế mạnh du lịch sinh thái biển thôi, họ giữ gìn những rạn san hô. Họ thành lập cơ quan quyền lực quản lý khu vực này như một "tỉnh ở dưới biển", và lãi ròng từ việc khai thác du lịch sinh thái này hàng năm lên tới hàng tỉ đô-la. Nhưng không có nghĩa là ngành dầu khí không phát triển, khi nào cần họ sẽ phát triển dầu khí.
Hay nước Mỹ đến giờ họ cũng đã khai thác dầu khí đâu. Họ có công nghệ khai thác ngoài khơi và ra khai thác ở những chỗ "chung" thuộc đại dương trước, để hạn chế người khác ăn trước. Lúc nào hết, họ mới quay về biển nhà để khai thác.
Như vậy, vấn đề thiết chế tổ chức không phải là vấn đề thích mạnh hay không về quyền lực hành chính giống như một nắm đấm, mà phải là vấn đề khoa học, bắt đầu từ cơ sở khoa học. Nếu không thì sẽ không thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các ngành và càng không thể đảm bảo sử dụng đa mục tiêu, đa ngành được. Một hệ thống tài nguyên biển đa ngành như thế thì ai quản lý? Nếu tự các ngành đến chia "miếng ăn" đó thì không ai chịu, cần có một trọng tài, và đó chính là một cơ quan quản lý nhà nước đủ mạnh, ở cấp độ quản lý trực tiếp, để quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.
PGS-TS Trần Đình Thiên: Để thực hiện chiến lược biển thì đại thể có thể nói như vậy. Vấn đề là tại sao cấu trúc quản lý biển của chúng ta còn nhiều bất cập? Ngay cả đối những hoạt động đất liền "quen thuộc" của chúng ta, phương thức quản lý cũng phải thay đổi, không nên nặng về hành chính và phải tăng cường sự phối hợp với các bộ.
Phương thức quản lí không thể nặng về hành chính, nặng về chia cắt. Mỗi bộ là là cả quốc gia, nhưng được giao phụ trách một lĩnh vực nhất định, trong sự phối hợp với các bộ khác. Thế mới gọi là bộ. Nhưng ở ta, tính cát cứ mạnh quá, ở từng bộ, chứ chưa nói đến từng địa phương. Chẳng hạn, như ông làm thép phải phối hợp với ông môi trường, bộ trưởng phụ trách ngành thép là phải tính đến môi trường, chứ không phải cứ lẳng lặng đi làm thép không đếm xỉa gì đến môi trường, rồi để ông môi trường kêu trời kêu đất lên.
Chính vì vậy, ta muốn ra biển, muốn quản lý biển, thì phải thay đổi cả tư duy quản lý biển. Đây là quản lí nhà nước đối với biển, chứ không phải ngành nào do ông "chủ quản" ngành đó tự tung tự tác trên biển như ngày xưa.
Thứ hai đây là biển, chứ không phải đất liền. Chúng ta đang nói đến một không gian phát triển khác, một tầm nhìn khác. Khi đó phải phối hợp giữa quản lý quốc gia thống nhất với từng tầng không gian một, từng lĩnh vực một. Tôi cho đã là tư duy mới cấu trúc lại nên có thể đầu tiên có thể có một bộ về biển, nhưng sau này trong thời gian phát triển, sẽ còn điều chỉnh rất nhiều. Nhưng đây phải là cách quản lý nhà nước theo kiểu hoàn toàn khác.
Để mà làm được việc đó, cần nhấn mạnh điều kiện để làm là gì. Khái niệm tọa độ là khái niệm chủ quyền. Câu chuyện chủ quyền nóng lên ở chỗ xưa nay công nghệ không có, kinh tế còn yếu, chẳng nước nào thò chân ra biển, nhưng bây giờ thấy như thế là hay quá, xông pha lội ra cả. Thế là tranh chấp nhau, thậm chí có nước còn vẽ những đường biên chủ quyền bất chấp lịch sử, bất chấp luật lệ quốc tế.
Ảnh Lê Anh Dũng. |
Điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề chủ quyền là bằng cách nào đó, các nước phải thỏa thuận với nhau, chứ không thể choảng nhau mãi được. Tất nhiên lúc ông mạnh ông hà hiếp người khác được, nhưng không hẳn trong chuyện đó cứ mạnh là chơi được yếu. Nhưng ở đây tôi muốn nói về chủ quyền. Chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền là một chuyện, nhưng quan trọng không kém là thực lực thực thi chủ quyền, kể cả về mặt bảo vệ lẫn khai thác. Chứ nói biển của ta mà chẳng có tàu nào của ta chạy, không thấy lá cờ nào phấp phới trên biển thì yếu quá. Năng lực hiện diện như vậy là thấp. Rõ ràng các nước rất chú trọng đến sự hiện diện, đến thực lực hiện diện trên biển.
Ta đã chuyển hướng tư duy, bàn mãi ngành đóng tàu và Vinashin. Vì câu chuyện Vinashin có vấn đề, có ý kiến nghi ngờ luôn nhu cầu và khả năng phát triển ngành đóng tàu và ngành hàng hải của Việt Nam. Nhưng đây là hai việc khác nhau. Hạm đội hàng hải Việt Nam hiện diện trên biển là phải rất mạnh, đánh cá phải rất tốt. Còn Vinashin thì ta xử lí mặt thể chế. Chứ vì câu chuyện Vinashin mà "quên" luôn câu chuyện hàng hải là nhầm lẫn đối tượng, và chỉ đạt tầm nhìn cục bộ, không hướng tới lợi ích tổng thể.
"Vì Tổ quốc ta" mà đặt luật cho đàng hoàng
Nhà báo Huỳnh Phan: Tôi muốn đặt vấn đề cụ thể đến Luật biển, và Luật tài nguyên & môi trường biển cho ông Nguyễn Chu Hồi. Bởi tôi được dự một cuộc hội thảo về dự thảo Luật tài nguyên và môi trường biển, và nghe ông khi đó phàn nàn về việc chưa có Luật biển.
Trên thực tế, Trung Quốc đã áp đặt chế tài dựa trên Luật Biển của họ đối với một số hoạt động khai thác của chúng ta, nhất là liên quan đến ngư dân.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 bao trùm và tạo ra cán cân pháp lý cho các quốc gia ven biển và quốc đảo. Thậm chí, công ước ấy, để bảo đảm công bằng, còn tạo ra quyền hưởng dụng cho các quốc gia không có biển, thông qua việc thuê các cảng biển, hay đăng ký hành nghề trên biển,...
Nhưng quan trọng là mặc dù có công ước chung đó của Liên Hiệp Quốc, nhưng mỗi quốc gia đều phải có luật cơ bản. Nhật Bản từ trước đến nay say sưa ra đại dương nên năm 2005 chỉ được xếp vào nước có trình độ kĩ thuật khai thác đại dương sớm, nhưng chưa hoàn thiện hệ thống chính sách biển. Nhật Bản chủ trương xuống biển, lúc mọi người rủ nhau lên trời. Như đi đánh cá tuyết ở Nam cực, hay khai thác cá voi ở Nagoya là khu vực gần như truyền thống...Thế nhưng, do không để ý khai thác biển nhà, nên Nhật Bản không chú ý đến luật pháp, và mãi đến năm 2007, họ mới ban hành Luật Đại dương Cơ bản, tương ứng với Luật biển mà Việt Nam đang chuẩn bị.
Trung Quốc cũng ra luật biển rồi, và họ cũng phải chuẩn bị từ trước. Mình đòi, bảo vệ chủ quyền, nhưng phải bằng thực lực trên biển, nhưng mạnh nhất phải là khung pháp lý. Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ, có năm dồn dập ra đến 1-2 chính sách và luật mới, nhất là từ khi ra luật quản lý đảo là họ bắt đầu đảy mạnh hành động.
Còn chúng ta khai thác vẫn cứ khai thác, chiến lược ra vẫn khai thác, nhưng chưa đặt trọng tâm gì, ngoài việc thực hiện chiến lược này, ngoài cụ thể hóa các chương trình, những hành động cụ thể như anh Trần Đình Thiên đã nói. Theo tôi, việc chuẩn bị cơ sở pháp lý được ưu tiên hàng đầu. Bây giờ, muốn cả chiến lược thành công, thì phải biết cái gì là cốt lõi để dẫn đường đến năm 2020 đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia mạnh và giàu.
Có phải là mười năm khu chế xuất không? Hay mười năm khu kinh tế ven biển, hướng biển? Chúng ta bằng lòng với cái đó, và cho đó là cơ bản, là "đột phá", nhưng ngay cả khu kinh tế ven biển cũng không đủ cơ sở pháp lý và thể chế đủ mạnh, chưa nói là cả vùng biển cho đến nay không có luật. Nói như vậy để thấy luật biển dù ai đó (bên ngoài - NV) phản đối, nhưng là lợi ích quốc gia của ta, ta vẫn phải kiên quyết làm. Trong luật biển người ta cho phép có những điều áp dụng nguyên công ước luật biển LHQ 1982, nhưng cũng có những điều tùy theo lợi ích quốc gia mà được quyền cân nhắc áp dụng.
Như vậy, Luật biển là luật cơ bản, là nền tảng để luật ngành và luật chuyên ngành ra đời. Nếu không tự các ngành sẽ mâu thuẫn nhau. Luật Tài nguyên và Môi trường biển đang soạn, đến dự thảo thứ mấy rồi, nhưng vướng nhiều. Tôi phân tích cái đó để thấy thời điểm nào thông qua luật biển là chuyện quốc sách, phụ thuộc vào chất lượng, nhưng không thể không có Luật biển quốc gia, vì được thông qua mới có công cụ pháp lý bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Nhà báo Huỳnh Phan: Chính vì như thế nên cái gọi là Luật Tài nguyên và Môi trường biển của bên ông cũng bị chậm trễ theo?
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Bây giờ chẳng nhẽ lại đưa ra thông qua trước? Còn soạn thì chúng tôi cứ chủ động soạn, vì soạn luật cũng không dễ dàng, cần thời gian. Cách tiếp cận của Luật Tài nguyên và Môi trường biển thì sẽ soạn theo cách tiếp cận làm sao đưa yếu tố quản lý tổng hợp và thống nhất vào. Làm thế nào để thống nhất bây giờ, trong lúc kể cả có một cơ quan quản lý thống nhất dưới dạng tổng cục, hay sau này là bộ, thì vẫn tồn tại các ngành sản xuất như vậy? Bản chất của việc quản lý nhà nước về biển chính là quản lý các họat động/hành vi khai thác, sử dụng biển, đảo và vùng ven biển. Để khai thác, sử dụng thì bối cảnh của nó đương nhiên như anh Trần Đình Thiên nói là vấn đề tọa độ biển. Anh phải có thực lực bảo vệ, tạo bối cảnh và môi trường pháp lý cho các hoạt động khác.
Nhà báo Huỳnh Phan: Ông Trần Đình Thiên có thấy cần bổ sung gì thêm không?
PGS-TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ rằng cách tiếp cận như của ta, trong đó có hoạt động xây dựng khuôn khổ pháp lý, là chậm. Việc này phải được nghiêm túc nhìn nhận. Luật cơ bản xong mới đến luật thực thi - đó là trình tự làm luật. Còn ở ta nhiều khi là mạnh ông nào ông nấy làm, không thiết kế theo hệ thống, rồi sau đó phải sửa, sửa cả tầm nhìn quán xuyến từ trên xuống theo hệ thống.
Để làm luật, nếu không có một luật biển cơ bản thống nhất trước, mà các luật ngành cứ thế tự ra là "choảng nhau", thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau. Vì mỗi bộ, mỗi ngành, đều có lợi ích riêng, quyền hạn riêng, được giao trách nhiệm riêng, nên cứ hoàn thành xuất sắc phần việc của mình là được, không cần tính đến lợi ích của các mảng khác, của tổng thể. Quốc hội kỳ tới phải coi chuyện này là chuyện "Tổ quốc ta", tương lai của Việt Nam, là câu chuyện sống còn của dân tộc, mà đặt ra luật cho đàng hoàng.
Nhà báo Huỳnh Phan: Trong trường hợp này, câu nói "sinh con rồi mới sinh cha" là chuẩn không cần chỉnh.
Vùng trũng nước sâu và khái niệm "biển công"
Trước khi sang vấn đề khu kinh tế ven biển, xin phép được hỏi câu cuối cùng. Như PGS Nguyễn Chu Hồi đã nhận xét rằng vùng nước sâu ở Biển Đông gần như trùng với "đường lưỡi bò" của Trung Quốc. Tại sao từ thời Tưởng Giới Thạch họ đã nghĩ ra đường này, mặc dù sau đó Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã nhiều lần thay đổi.
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Việc cắt khúc, rồi uốn nắn bỏ bớt một hai khúc trong vịnh Bắc Bộ đi, vì để cái đó nó vô lý. Vịnh ấy rõ ràng chỉ có lợi ích của hai quốc gia, quốc gia thứ ba chắc chẳng vào đó để xí phần. Tôi nghĩ vì thế họ cắt đi, mà khi cắt đi thì họ lại điều chỉnh dài ra, liếm xuống thềm lục địa phía Nam một tí, trước khi cho công bố chính thức. Mặc dù có sự nắn chỉnh hình học, nhưng nền của nó chính là rìa vùng trũng nước sâu kiểu đại dương nói trên, nên, theo tôi, lý do chính đây là họ muốn lợi dụng lợi thế nước lớn và theo đuổi tư tưởng "chân lý thuộc về kẻ mạnh".
Ảnh Lê Anh Dũng. |
Vùng nước này Trung Quốc phải biết thừa rằng nó cũng chẳng phải của họ. Nhưng đến nay, họ đang sử dụng lợi thế như vậy. Nhưng giả sử về phương diện pháp lý và lịch sử, những yêu sách của Trung Quốc không đạt được, tôi cho rằng câu chuyện Biển Đông sẽ phức tạp, sẽ chuyển sang kịch bản 02 là "không ăn được thì đạp đổ". Và lúc đó dễ dàng "xoay sang chuyện khác" cũng từ sự hiện diện của cấu trúc nước sâu này,...
Nhà báo Huỳnh Phan: Thế quan niệm rằng vùng nước sâu là "biển công", hay "biển cả", theo ông, có vai trò gì ở đây?
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Phần trục chính của cấu trúc nước sâu, ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các nước (200 hải lý), thuộc về cái gọi là "biển công", hay "biển cả". Yêu sách của Trung Quốc dường như xoay quanh cái lý lẽ rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đòi chủ quyền, được chia 12 hải lý lãnh hải và một vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Thực ra, điều này chỉ đúng với những vùng xem như là "một mảnh quốc gia", nhưng có thực thể chính trị, pháp lý phù hợp Công ước luật biển 1982 của LHQ.
Khi Trung Quốc công bố đường lưỡi bò ra rồi thì đó là cách tiếp cận không gian, thế thì cái gì (kể cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) nằm trong đường lưỡi bò họ cho là của họ hết và họ đẩy cái gọi là "khu vực tranh chấp biển" vào sát biên giới biển của các nước khác quanh Biển Đông.
Quan niệm khu vực tranh chấp biển của Trung Quốc như thế rất nguy hiểm, khiến cho không quốc gia liên quan nào đồng ý với quan điểm "gác tranh chấp, khai thác chung" do Trung Quốc đưa ra. Bởi khái niệm khu vực chồng lấn và khu vực tranh chấp khác nhau và cả hai đều phải được xác định theo Công ước luật biển 1982 của LHQ. Trung Quốc vẽ và tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng là để tìm cách "lấp đầy", để hợp lý hóa "không gian lưỡi bò" mà thôi.
Điểm thứ hai là, nếu như thế, ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa 350 hải lý, Việt Nam còn có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, khi đề cập đến vùng biển Việt Nam trong khu vực Biển Đông chúng ta không bao giờ được quên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với vùng lãnh hải rộng 12 hải lý của các quần đảo này.
PGS-TS Trần Đình Thiên: Tôi thấy chuyện mà Trung Quốc vẽ, mà lại thường xuyên điều chỉnh đường biên lưỡi bò do mình tự vẽ, đã cho thấy rằng căn cứ pháp lý của họ là rất không chuẩn. Đó là chưa kể cách hành xử như vậy vi phạm nguyên tắc luật pháp quốc tế. Cần nhớ rằng mình vẽ thì nước khác người ta cũng vẽ được chứ, tại sao chỉ có ông vẽ là nó thành của ông? Không thể cứ nói tôi vẽ là tôi được, rằng tôi vẽ thế nào là tôi được thế đó. Đó không phải là cách hành xử văn minh, càng không phải là cách hành xử với tư thế nước lớn.
Nhà báo Huỳnh Phan: Ta quay trở lại câu chuyện tranh cãi năm ngoái Asean 2010. Ngay hội thảo Biển Đông, tại diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội, thì câu chuyện Trung Quốc luôn chỉ trích Việt Nam muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Quan điểm của nhiều người, trong đó đa số học giả, đều cho rằng bản thân Biển Đông đã là biển quốc tế rồi, nên cái gọi là "quốc tế hoá" là thừa.
Chính những điều PGS Nguyễn Chu Hồi vừa nêu ra về khái niệm "biển cả", hay "biển công", liệu có biến thách thức về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc thành cơ hội để những nước khác có liên quan nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ bên ngoài?
PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Nói như vậy để thấy rằng lợi ích của Biển Đông là lợi ích của nhiều bên. Các nước quanh Biển Đông đương nhiên có lợi ích trực tiếp theo quy định của Công ước luật biển 1982 của LHQ, nhưng các nước ngoài khu vực cũng có những lợi ích khác. Mà các lợi ích khác cũng không phải đơn giản chỉ liên quan đến "một vài ông đầu to", mà đằng sau là một loạt lợi ích của các đồng minh của họ. Đụng vào những lợi ích ấy cũng không đơn giản. Do vậy, chắc Trung Quốc cũng không phải là không tính đến. Nhưng hiện nay họ đang mải mê sử dụng lợi thế nước lớn.
Nên chính hội thảo của CSIS vừa rồi ở Wasington DC đã tập trung vào hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên bàn về lợi ích ở Biển Đông, và người ta chứng minh rằng Biển Đông chứa đựng lợi ích của nhiều bên và cách giải quyết phải khác. Ẩn ý đằng sau tôi cho rằng Trung Quốc phải nhận thức được. Vì GS. Duton đã nói rất hay rằng: Trung Quốc đừng làm cái điều mà mình phải làm, khiến cho các nước khác phải làm những điều họ có thể làm.
Có lần sang Trung Quốc công tác, khi trả lời một cán bộ của Trung Quốc hỏi về chiến tranh, tôi đã nói với bà ta là "quy luật chung là một nước lớn gây khó cho một nước nhỏ, chỉ là cách đẩy nước nhỏ nhanh chóng chơi với các nước lớn khác".
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, hành động từ tiềm thức
- Giải cứu cây xanh
- Kênh đào Phù Nam - Techo ảnh hưởng đến ĐBSCL như thế nào?
- Nông dân miền Tây sống chung hạn mặn
- Dự báo, xả lũ và tính mạng con người
- Giàu nhanh từ đất, khó rồi đấy!
- Mùa lũ năm nay, ai sát cánh hỗ trợ miền Trung?
- Phong tỏa vô tội vạ
- Ghét thói háo danh, hơn thua, hằn học !
Bài viết mới:
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
- Đến Resort Fly Up Hòn Sơn (Kiên Giang) để tận hưởng và cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên (13/12/2024)
- VACNE phối hợp tổ chức tập huấn cho các thầy cô vùng duyên hải Bắc bộ về giáo dục môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương (11/12/2024)
- Phó Thủ tướng chủ trì họp bàn phương án hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT (09/12/2024)
Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?
(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.
Diễn đàn về quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang
(Tin Môi Trường) - Chiều 5/12/2024, tại thành phố Rạch Giá, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang phối hợp với Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức “Diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang”.
Danh sách 25 Giải thưởng của Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024
(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả và trao giải cuộc thi viết về Cây di sản Việt Nam năm 2024 cho các cá nhân và tập thể thuộc 25 tác phẩm đoạt giải thưởng Cuộc thi.