(Tin Môi Trường) - Môi trường là nơi nhân dân sinh sống. Đằng sau và bên trong vấn đề môi trường là nhân dân, là con người - mục đích cao nhất và cũng là chủ nhân, là trung tâm của sự phát triển. Không ai vì phương tiện mà hy sinh mục đích.
Xin giới thiệu bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng có tựa đề TRÁNH THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG LÀ VẤN ĐỀ LỚN NHẤT CỦA THẾ KỶ 21 như một tư liệu tham khảo. Mời quí vị đón đọc và thảo luận thêm.
>>Mời xem lại kỳ 1: Môi trường quốc gia bị lợi ích nhóm "bắt làm con tin
Cũng có ý kiến cho rằng nếu muốn công nghiệp hóa đất nước thì không thể tránh được ô nhiểm môi trường, cứ phát triển mạnh công nghiệp đã, khi giàu lên, có nhiều tiền trong ngân sách thì giải quyết vấn đề môi trường. Lý lẽ ấy không thể chấp nhận được, dù bất cứ hoàn cảnh và điều kiện nào.
Vì phương tiện mà hy sinh mục đích là quá nguy hiểm -Ảnh minh hoạ: IE
Môi trường là nơi nhân dân sinh sống. Đằng sau và bên trong vấn đề môi trường là nhân dân, là con người - mục đích cao nhất và cũng là chủ nhân, là trung tâm của sự phát triển. Không ai vì phương tiện mà hy sinh mục đích.
Lại nữa: Còn có chương trình dự định xây nhiều nhà máy điện hạt nhân trên bờ biển Miền Trung. Đây là việc rất nguy hiểm, cần phải xem xét lại một cách thật nghiêm túc. Tôi rất mừng và rất hoan nghênh thái độ của Bộ Chính trị, Chính phủ và Trung ương gần đây đối với vấn đề này.
Hơn nửa thế kỷ qua là thời kỳ điện hạt nhân lên ngôi. Nửa thế kỷ đến là thời kỳ điện hạt nhân kết thúc. Hiện nay, thời kỳ kết thúc điện hạt nhân đã bắt đầu, trước nhất là ở nước Đức. Tại đó, người ta đã kết thúc hoạt động khoảng mười nhà máy và sắp xử lý nốt những nhà máy cuối cùng để trở lại một quốc gia không có điện hạt nhân.
Khi nhân loại bước vào giai đoạn kết thúc điện hạt nhân thì chẳng lẽ nước ta lại dự định bắt đầu(?). Một nhà máy điện hạt nhân như thế, khi xảy ra thảm họa nghiêm trọng thì việc ô nhiễm phóng xạ có thể lan rộng với bán kính khoảng một nghìn cây số. Nước ta hẹp và mật độ dân cư đông đúc. Một thảm họa như vậy sẽ đe dọa sinh mạng và để lại di chứng nghiêm trọng cho nhiều thế hệ tương lai của cả dân tộc Việt Nam. Các đối tác giúp ta về kỹ thuật có hứa rằng họ sẽ bảo đảm an toàn cao cho Việt Nam. Chúng ta hãy nhớ là họ đã từng để xảy ra thảm họa ngay trên Tổ quốc của chính họ và hiện nay đang là những người làm thương mại đi bán nhà máy cho ta.
Nước ta rất không nên mạo hiểm như vậy, dù người ta có cho không chứ chưa nói là mua với giá tiền quá đắt. Đây là chuyện an toàn tính mạng cho con người, sự tồn vong của cả một dân tộc. Nước từ nhà máy điện hạt nhân thải ra cũng sẽ làm thay đổi môi trường biển, gây hại cho các loài sinh vật và cuộc sống của nhân dân vùng biển.
Trong khi đó, nước ta nằm trên bờ Thái Bình Dương nhiều gió và phía nam bán cầu nhiều nắng - đó là những nguồn năng lượng mà nước Đức đã dùng để thay thế các nhà máy điện hạt nhân. Ấy là chưa kể đến những nguồn năng lượng khác (như dòng hải lưu hoặc nuôi trồng các loại tảo…). Nhân loại đã đến thời kỳ bắt buộc phải chuyển từ năng lượng hóa thạch và kể cả năng lượng nguyên tử có phóng xạ sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sạch, không có phóng xạ, chuyển từ các hoạt động khai thác tự nhiên sang nền kinh tế sinh thái.
Việt Nam là một quốc gia có lợi thế lớn nhất thuộc về biển. Tiềm năng du lịch và hải sản rất lớn. Lớn hơn nữa là lợi ích về sinh thái. Nhưng lợi thế so sánh ấy đang và sẽ bị đánh mất, sẽ bị tiêu diệt bởi hai mũi “tiến công” quyết định là các nhà máy công nghiệp có chất thải kim loại, hóa chất và các nhà máy điện hạt nhân nếu chuẩn bị xây trên bờ biển. Chúng ta không thể, không nên lựa chọn một chiến lược mà vô tình tự tiêu diệt mình. Phải tính lại chiến lược và mô hình công nghiệp hóa phù hợp với xu hướng phân công lao động quốc tế trên cơ sở lợi thế so sánh của quốc gia và tích cực chuyển sang kinh tế tri thức, kinh tế sinh thái, không nhất thiết cứ phải phát triển nhiều ngành công nghiệp nặng như cách tư duy cũ.
Chúng ta đang bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia là một bộ phận hợp thành của nền kinh tế thế giới, không cần cái gì cũng phải sản xuất trên đất nước ta (để gọi là tự chủ?). Tự chủ khác với tự cấp tự túc. Nước ta có một số lợi thế so sánh về nông nghiệp, về du lịch, về công nghệ thông tin - công nghiệp phần mềm nên tập trung trước tiên các thứ ấy.
Lựa chọn một số ngành công nghiệp phụ trợ không ô nhiễm hoặc ô nhiễm ở mức độ Việt Nam có thể kiểm soát và xử lý tốt, bố trí ở những nơi hợp lý, ở xa biển, không ảnh hưởng đến môi trường biển và du lịch, thẩm định và giám sát nghiêm ngặt việc giải quyết chất thải theo quy trình khép kín, không để đổ ra sông, biển. Coi trọng hiệu quả thiết thực (của chiến lược phát triển) hơn là to lớn, đồ sộ. Coi trọng sự phát triển bền vững gắn với hạnh phúc của con người hơn là tăng trưởng nhanh với bất kỳ mức độ nào, cái giá phải trả về môi trường.
Cũng có ý kiến cho rằng, cứ sợ ảnh hưởng môi trường thì làm sao mà công nghiệp hóa, muốn có “sắt thép” lại muốn có “tôm cá”, cái gì cũng muốn thì làm sao được, ô nhiễm thì ngăn chặn và xử lý(?). Không thể suy nghĩ chủ quan và đơn giản như thế được.
Thực tế mấy năm nay như đã thấy từ Bắc chí Nam có nhiều trường hợp môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng do chất thải của công nghiệp. Điều đó chứng tỏ việc ngăn chặn không hề đơn giản. Có trường hợp ô nhiễm đã nhiều tháng trời, huy động các cơ quan trong nước và kể cả nhờ nhiều chuyên gia quốc tế, tốn kém nhiều công sức và kinh phí, mãi mới xác định được tại cái gì và tại ai. Ấy là chưa nói có lý do nào khác mà nhiều trường hợp để kéo dài tình trạng ô nhiễm không được giải quyết (?). Việc quản lý cụ thể thường diễn ra ở địa phương, nhưng mỗi lần có ô nhiễm thì địa phương lại đề nghị Trung ương về xác định giúp nguyên nhân vì sao. Điều đó chứng tỏ năng lực quản lý lĩnh vực này của nước ta còn rất hạn chế. Đó là chưa kể trường hợp có “lợi ích nhóm” gây nên.
Cần phải tính lại, tính kỹ về hướng ưu tiên trong chiến lược công nghiệp hóa đất nước. Bảo vệ môi trường sinh thái là mục tiêu hàng đầu. Trên nền tảng sinh thái và văn hóa mà thực hiện công việc phát triển đất nước. Trừ một số cơ sở công nghiệp thật cần thiết phục vụ trực tiếp quốc phòng, còn lại, nói chung không phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Hạn chế công nghiệp nặng. Quan tâm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin - công nghiệp phần mềm và một số công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ sử dụng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, đặt ở nơi phù hợp, xa biển, không ảnh hưởng đến dân cư và du lịch.
Thực hiện nghiêm ngặt việc thẩm định tác động môi trường của các dự án; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh; minh bạch hóa công nghệ áp dụng, quy trình xử lý chất thải và tình trạng môi trường. Cơ sở nào không đáp ứng yêu cầu thì phạt nặng và đình chỉ hoạt động.
Ngoài các cơ quan của nhà nước cần có thêm các cơ quan thẩm định độc lập (của xã hội) để tham gia phản biện, tư vấn, thẩm định các nội dung về môi trường và bảo vệ môi trường. Bổ sung các quy định về trách nhiệm. Mỗi khi có việc xảy ra phải có người chịu trách nhiệm về vật chất, hành chính và pháp luật. Khuyến khích và thúc đẩy khẩn trương tiến tới xử lý tuần hoàn khép kín các chất thải của các nhà máy, không để thải ra bên ngoài mà nhà máy sẽ sử dụng lại sau khi đã tinh lọc, tái tạo. Không lấn chiếm các dòng sông, suối và các hồ nước. Giành không gian thỏa đáng để trồng cây xanh và tuyệt đối không phá hỏng các “lá phổi” đối với đô thị.
Rừng và cây xanh vừa là tự nhiên, vừa là văn hóa. Nói cách khác, nó quan trọng bằng sự tích hợp vai trò quan trọng của tự nhiên và của văn hóa.
Với tầm nhìn chiến lược và có trách nhiệm với tương lai dân tộc, để lại cho hậu thế không có gì quan trọng bằng con người và môi trường sống. Riêng góc độ tài chính cũng cần có tư duy tổng thể về hạch toán. “Kinh tế môi trường” đang và sẽ là một phạm trù ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nếu không như vậy thì có khi nguồn lợi tài chính mà chúng ta nhìn thấy chỉ là “lãi giả”, hoàn toàn không đủ để bù lại cho việc xử lý hậu quả hủy hoại môi trường.
TS. Vũ Ngọc Hoàng - Vietnamnet