(Tin Môi Trường) - Lũ lụt lịch sử ở miền Trung khiến nhiều địa phương chìm trong biển nước, cuộc sống của người dân điêu đứng. Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp các vụ sạt lở đất đã cướp đi mạng sống của hàng chục con người. Sau những thảm kịch đau thương ấy, những nguyên nhân cụ thể đã được gọi tên. Đó là tình trạng cấp phép thuỷ điện "cóc" ồ ạt, thiếu kiểm soát, đã lấy đi nhiều diện tích rừng tự nhiên; đó là nạn phá rừng âm ỉ lâu mà không ít vụ có sự tiếp tay của chính những người mang trọng trách bảo vệ rừng; là cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên vì đã hết ngưỡng chịu đựng...
Và theo mạch thời sự, những trăn trở ấy trở thành chủ đề "nóng" được thảo luận tại nghị trường Quốc hội những ngày qua. Đáng tiếc, có những kiến giải của các "tư lệnh ngành" lại chưa đủ sức thuyết phục nếu so với thực tế và những hệ luỵ đã và đang xảy ra. Trong đó, một trong những vấn đề nổi bật là việc suy giảm diện tích rừng tự nhiên góp phần dẫn tới lũ lụt, sạt lở...
Bài viết với góc tiếp cận từ bản đồ học, cung cấp một số thông tin cũng như mở rộng một số vấn đề với hy vọng góp thêm tiếng nói giúp việc quản lý rừng hiệu quả hơn.
Mất rừng do Mỹ rải hoá chất?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại nghị trường. Ảnh: TTVN
Ngày 3.11, thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu, rằng: Trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phục hồi rừng tự nhiên cũng phải có thời gian từng bước.
Ông Cường còn cho rằng, diện tích rừng ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha (năm 1990) lên 14,6 triệu ha như hiện nay (trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha) và có hệ số che phủ rừng gần 42% - đây là “sự cố gắng vượt bậc” khi so sánh với hệ số che phủ bình quân của thế giới ở mức gần 29%.
Có phải rừng Trường Sơn đã “cơ bản mất” từ trước 1975 vì chiến tranh? Không hẳn vậy, có thể thấy tình trạng rừng Trường Sơn trong các tấm Bản đồ Việt Nam do quân đội Mỹ xuất bản trước năm 1975 (nay đã công bố miễn phí). Chúng thể hiện rất rõ màu xanh rừng tự nhiên tồn tại sau
những trận bom đạn, rải thảm hoá chất lên rừng tự nhiên trên dãy Trường Sơn, các bản đồ chú thích cụ thể các khu vực “rừng rậm hay rừng già”.
Chính vì còn rừng, nhờ “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nên quân đội ta với quân số rất lớn, gồm cả bộ binh, xe tăng, pháo binh, vận tải, hậu cần, các đường cấp ống xăng dầu… không bị phương tiện trinh sát trên không, dưới đất của đối phương phát hiện. Rừng Trường Sơn kiên cường trụ vững dưới bom pháo và chất độc hóa học, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Và rừng Trường Sơn không chỉ che chở, mà con nuôi sống bộ đội, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bằng
những tài nguyên, vật thực trong suốt cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ đó. Những tài liệu lịch sử minh chứng cho điều này không phải là ít, mà bất cứ ai cũng có thể tìm thấy trong các bảo tàng, các thước phim tư liệu, trong các tác phẩm văn học viết về chiến tranh...
Bản đồ khu vực vùng 3 biên giới trước 1975 (bên trái) và hiện trạng (bên phải): nhiều diện tích rừng của Việt Nam đã bị phá trụi, trong khi tại Lào và Campuchia vẫn xanh tốt. Nguồn: Google Earth & National Geospatial-Intelligence Agency. Đường biên giới do Google Earth cung cấp chỉ để tham khảo
Hoặc cho tới sau
những năm 1980, trước khi vào chiến trường,
những thanh niên, sinh viên Hà Nội được huấn luyện tại Đan Phượng, nên (ngày đó công tác tại Phòng Nông nghiệp huyện Đan Phượng, rồi Phó Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật huyện Đan Phượng - tỉnh Hà Tây cũ) chắc Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn nhớ những tân binh sư đoàn 304. Vì sau khóa huấn luyện tại Hà Tây, họ đã tiến về biên giới Tây Nam, để lúc ra đi và trở về Tổ quốc đều phải băng qua
những cánh rừng đại ngàn trùng điệp dọc biên giới, dày đặc cây cối...
Kinh tế nông nghiệp và ‘năng lực cạnh tranh’ từ... đất rừng
Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng nhanh. Không kể lúa gạo vốn đã vang danh trên thương trường quốc tế, có thêm nhiều mặt hàng mới nổi chiếm vị trí cao về số lượng/tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu. Điều đó hẳn nhiên là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam có điểm chung là có giá thấp. Và yếu tố giá rẻ - một trong
những lợi thế cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam, có sự góp phần của việc không mất tiền thuê đất và thủy lợi được Nhà nước hỗ trợ. Do vậy, gia tăng xuất khẩu nông sản cũng là gia tăng xuất khẩu nguồn phúc lợi của nhà nước dành cho nông nghiệp.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá còn thấp, trị giá gia tăng/lao động nông nghiệp cũng vậy
Điều đáng chú ý nữa, đó là diện tích canh tác nông nghiệp truyền thống tại đồng bằng sông Hồng – sông Thái Bình dần bị thu hẹp do hệ thống thủy lợi suy giảm năng lực (một phần nước tưới tiêu ô nhiễm). Trong khi đó, tại đồng bằng sông Cửu Long thì khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp… Nhưng nhìn vào các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh gần đây, như: sắn, cà phê, ngô, cao su, mía, chè… thì đây là
những loại cây vốn không trồng quy mô lớn tại đồng bằng mà tại các vùng đồi núi trung du.
Nhìn vào biểu đồ tỷ trọng nông nghiệp trong thu nhập hộ gia đình cho thấy, tăng trưởng nhanh là các vùng rừng núi Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc… đang bỏ xa
những đồng bằng nông nghiệp truyền thống. Thu nhập nông nghiệp gia tăng, trong đó có yếu tố gia tăng diện tích đất canh tác: hàng triệu ha sản xuất nông nghiệp mới vùng rừng núi tăng bao nhiêu thì hàng triệu ha rừng giảm đi bấy nhiêu. Đặc biệt là rừng tự nhiên đã phá đi trồng cây ngắn ngày thì nếu có quyết tâm/quyết liệt thì cũng cần hàng chục, hàng trăm năm sau may ra mới phục hồi được?!
Vì vậy, gia tăng giá trị nông sản, từ khâu nghiên cứu, chọn giống, canh tác và đặc biệt chú trọng công nghệ sau thu hoạch mới là nông nghiệp phát triển và bền vững.
Phải chăng hàng triệu ha sản xuất nông nghiệp mới vùng rừng núi tăng bao nhiêu thì hàng triệu ha rừng giảm đi bấy nhiêu?
Trong diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Cường cho rằng “rừng tự nhiên tăng 1,3 triệu ha trong 30 năm”… Các đại biểu Quốc hội lập luận: Việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có
những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được 1 ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới. Đáng chú ý, cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác rừng trái phép, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên như thế...
Để làm rõ hiện trạng tàn phá rừng tự nhiên không khó. Thế giới đã phát triển hệ thống bản đồ vệ tinh giám sát từ lâu. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng được ngân sách Nhà nước đầu tư từ lâu với khoản chi phí không nhỏ. Những lúc cần so sánh đối chiếu, có cái nhìn toàn cảnh về diện tích rừng tự nhiên qua các thời kỳ như hiện nay, thì không biết sẽ tìm
những ‘thành phẩm’ đó ở đâu? (Ngay cả
những nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường ô nhiễm đồng bằng sông Hồng – Thái Bình khởi động từ 2016, nhiều lần thất hẹn, đến nay vẫn chưa hoàn thành thì bản đồ rừng núi xa xôi liệu đã được ngó ngàng?).
Bản đồ vệ tinh khu vực 2.400 km2 tại tỉnh Kon Tum. Nguồn: Google Earth; Đường biên giới chỉ để tham khảo
Phóng to khu vực 6 km2 rừng bị phá trụi chỉ còn ruộng đất đỏ. Nguồn: Google Earth; Đường biên giới chỉ để tham khảo
Bù lại, bản đồ miễn phí trên mạng đã cập nhật khá đầy đủ và chi tiết. Ví dụ, chỉ cần khoanh vùng diện tích 2.400 km2 ( 40 km x 60 km) thuộc tỉnh Kon Tum cho thấy vùng núi rừng tự nhiên đã giảm đi rất nhiều, từ lấm tấm da beo nay đã thấy rõ
những khỏng trống màu đất, lơ thơ vài khóm cây vạt cỏ trong hình phóng to 6 km2 (2 km x 3 km). Nếu như vậy thì con số mười mấy triệu ha rừng tự nhiên Việt Nam còn lại bao nhiêu thì ngành tài nguyên và môi trường cần
những tấm bản đồ tin cậy, thay vì
những dẫn chứng còn thiếu thuyết phục; còn ngành nông nghiệp cũng nên dựa vào tư liệu có sức thuyết phục cao để xây dựng lộ trình phát triển bền vững, thay vì đưa ra
những lý lẽ khiến người ta chỉ còn biết nhún vai, lắc đầu. Trong khi chưa kịp vẽ bản đồ thì có thể tra cứu miễn phí trên mạng toàn cầu, đó cũng là IOT, là cách mạng công nghệ 4.0 chứ đâu xa?.
Tranh luận với quan điểm tăng giảm rừng tự nhiên, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội) Vũ Thị Lưu Mai, nói: “Tôi xin trao đổi lại với Bộ trưởng Nông nghiệp ý kiến lý giải diện tích rừng tự nhiên thu hẹp là do đế quốc Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai nhưng đáng ra sẽ là toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu Bộ trưởng phân tích
những nguyên nhân từ
những bất cập trong việc quản lý từ trung ương đến địa phương nơi có rừng”.
KTS. Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội)